“Đoạn trường vinh hoa” vinh danh nghệ sĩ tuồng cổ

543

Bộ phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa” do Ban Sản xuất các chương trình giải trí của VTV3 thực hiện, đã nhận được sự đồng hành của Quỹ FAMLAB (phim, nhạc và lưu trữ).

Phim công chiếu tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ trong cuối tháng 10, sau đó phát sóng trong khuôn khổ VTV đặc biệt tháng 11.

Quỹ FAMLAB nằm trong hợp phần 2 của dự án “Di sản kết nối” của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo sức ảnh hưởng bền vững, lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật. Theo đạo diễn Lê Mỹ Cường, đây là sự đồng hành đáng quý nhằm ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh đời nghệ sĩ đã cống hiến cả đời cho sân khấu.


Cảnh trong phim “Đoạn trường vinh hoa”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Bộ phim phản ánh hai mảng màu về những “ông hoàng – bà chúa” trên sân khấu nhưng khi giũ bỏ son phấn, rời khỏi màn nhung, họ là những người lao động chật vật với cuộc mưu sinh.

Bộ phim xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp. Đó là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại khi lưu diễn qua những đình, miếu ở các tỉnh miền Tây. Trong phim, nhân vật chính của gánh hát là bà bầu Phương Ánh – người có hơn 40 năm gắn bó với nghề và bền bỉ truyền nghề cho thế hệ trẻ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, dù mỗi người ở một nơi nhưng họ tụ họp lại để biểu diễn. Đoàn phim đã gắn bó cùng họ, cùng ăn ở chung và chứng kiến những việc hằng ngày diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ.

Hơn 100 giờ quay, 18 tháng đồng hành với nhân vật trên sân khấu, bộ phim đã ghép những mảnh đời nghệ sĩ trong 50 phút tràn đầy cảm xúc, khoảnh khắc tinh tế về đời thường của người nghệ sĩ.

Phim thực hiện từ tháng 3/2019 và hoàn thành vào tháng 8/2020, nằm trong khuôn khổ dự án VTV đặc biệt.

Theo đại diện ê-kíp sản xuất, bộ phim muốn hướng tới các nhóm đối tượng khán giả đa dạng. Đặc biệt, với những khán giả trẻ, bộ phim nhằm giới thiệu nét đẹp độc đáo của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, dù đời sống sàn diễn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn còn nhiều nghệ sĩ đeo bám nghề, hết lòng trao truyền cho thế hệ trẻ. Qua bộ phim, khán giả sẽ hiểu về bộ môn nghệ thuật này và trân trọng những người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Phương Ánh tâm sự: “Tôi hết sức xúc động vì đoàn phim đã giới thiệu về cuộc đời chúng tôi, qua đó quảng bá tính nhân văn của nghệ thuật tuồng cổ, đồng thời nói lên khát vọng được tiếp tục dạy nghề cho thế hệ trẻ, mong sao giữ mãi bộ môn nghệ thuật mà ông cha đã dày công vun đắp”.

Thanh Hiệp/Người lao động