Đọc “Dấu ba chấm của tình yêu” của Nguyễn Ngọc Yến

384

Trần Danh Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tình yêu như một bức tranh “lập thể” trong truyện ngắn có thể là mới nhất “Dấu ba chấm của tình yêu” của nhà văn Yên Bái Nguyễn Ngọc Yến, trong đó, nhân vật tôi, vì yêu Ngân, một cô bạn học cùng đại học nhưng không dám thổ lộ vì lòng tự trọng sợ bị cô ấy chối từ mà phải “chứng kiến” 3 lần cô ấy đi lấy chồng.

46
Nhà văn Nguyễn Ngọc Yến ở Yên Bái

Lần thứ nhất là lấy thằng bạn “trơ tráo” cùng học đại học với hai người. Một anh chàng đã “trêu ghẹo” cô bằng những hành vi nghịch ngợm. Cuộc hôn nhân đầu tiên này của Ngân kéo dài được 7 năm sau khi chồng cô bỏ cô, đi lấy bạn của cô.

Lần thứ hai là lấy một học viên nhỏ hơn Ngân 16 tuổi từ một buổi hội thảo “khi má em nóng bừng khi bắt gặp một đôi mắt mở to sáng rực, nhìn em đăm đắm. Giữa bao cười vui, thoải mái, khuôn mặt ấy nghiêm túc đến lạ lẫm, đôi mắt ấy lạc khỏi những ánh mắt ngưỡng mộ, thán phục khác.” Nhưng đó là một cuộc hôn nhân chóng vánh khi anh chàng quay về với người yêu cũ.

Lần cuối cùng là lấy một nhạc sĩ hát hay, đàn giỏi “dám từ bỏ tất cả, trong đó có người vợ bị bệnh gút, dám công khai với tất cả” để đến với cô. Đó là một cuộc hôn nhân chưa xác định thời gian.

Có điều, mối tình của nhân vật chính của truyện, mặc dù sau này cũng có gia đình hẳn hoi, gần như đã “cover” toàn bộ cuộc sống hôn nhân của Ngân. Trong đó, nó chỉ như cái “bản lề” đã kết nối tạm thời hai người để khỏa lấp những “thời kỳ trống vắng” giữa những cuộc hôn nhân của Ngân với người bạn, với “anh học viên” và với “người nhạc sĩ” nào đó.

Xem truyện, người đọc có thể thấy cuộc tình của nhân vật chính và Ngân có vẻ như “trái ngược” với 3 cuộc tình của Ngân với 3 nhân vật còn lại. Những cuộc tình ấy đều có vẻ kỳ lạ nhưng không “đồng bộ” với nhau: khi thì yêu một người bạn, khi thì yêu một “thằng” nhóc, khi thì yêu một “ông” già.

Người đọc có thể đâm ra khó hiểu, không biết sao trên đời này có một người đàn ông “đa đoan” như vậy. Sao anh ta có thể yêu một người với tình trường “phức tạp” như vậy. Còn Ngân? Cả ba mối tình, ba cuộc hôn nhân “dễ dàng” hình thành và tan vỡ trong một tính cách không dễ hiểu của một phụ nữ làm nghề cầm bút ít ai ngờ.

Thực ra, tình yêu của nhân vật tôi của câu chuyện và cả 3 mối tình của Ngân với 3 người cô lấy làm chồng, về một phương diện nào đó, có là những “thái cực” của tình cảm? Giữa một người hết lòng yêu một cách dại khờ nhưng nghiêm túc và một người như “đùa giỡn” với tình yêu?

“dấu ba chấm của tình yêu” là một cách hỏi hay một cách trả lời cho những người trong cuộc và cho những ai đọc truyện?

T.D.T