Dọc đường chiến tranh – Truyện ngắn Trần Quang Lộc

1107

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời về chiều, nắng tháng năm đã dịu. Đầu óc trống rỗng. Đứng trước cổng nhà sáng tác Vũng Tàu một lúc, tôi quyết định băng qua đường Thùy Vân, đi thẳng ra biển.

       Nhà văn Trần Quang Lộc

Bãi sau lúc này đã đông người. Đa số họ đến đây để tắm biển, phơi nắng. Lớp trẻ muốn tìm cảm giác mạnh đã sẵn dù lượn, ca nô, lướt ván… Chỉ có số ít người lớn tuổi nằm thư giãn trên tấm ghế bố thụ hưởng không khí trong lành tươi mát từ đại dương. Rừng phi lao vi vút, biển rất xanh, cát rất mịn và phau phau trắng. Mũi Nghênh phong nối liền Bãi sau – Bãi trước càng tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên vốn có của biển Vũng Tàu.

Tôi thong thả đi lại cặp ghế bố đã đặt sẵn dưới tán dù lợp bằng nilon màu xanh da trời. Một cô gái xuất hiện, hỏi:

– Mời chú ngồi nghỉ mát, chú có dùng nước gì không?

Tôi chỉ ngôi nhà 4 tầng to đùng phía bên kia đường Thùy Vân, chém gió:

– Nhà chú kia kìa. Ra đây chủ yếu hóng mát chứ nước non gì!

Cô gái cười thật tươi:

– Nếu cần dùng ghế bố, chú cho cháu xin tiền trước.

– Bao nhiêu một ghế?

Cô gái nói:

– Cháu lấy tiền cả 2 ghế, 80 ngàn chú à.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Chú ngồi một ghế trả tiền một ghế chứ?

Cô gái vui vẻ giải thích:

– Tất cả ở đây đều như vậy chú à. Hay là chú gọi thím ra, hai người ngồi hóng gió cho vui?

Thấy cô gái mặt mày sáng láng, tôi quen tính cà khịa:

– Hay là cháu ngồi với chú nói chuyện cho vui?

Cô gái bật cười khanh khách:

– Thôi chú ơi! Rủi thím bất ngờ ra biển bắt gặp, đời chú coi như tiêu luôn!

Tôi cười hề hề:

– Tiêu đời chú chứ có tiêu đời cháu đâu mà sợ!

Vừa nói, tôi vừa móc ví rút ra tờ một trăm đưa cho cô gái. Nhận tiền xong, cô còn dặn:

– Chú cứ ngồi nghỉ thoải mái đến khi chán thì thôi!

Vừa mới đặt lưng xuống tấm ghế bố, một tốp đàn ông đi ngang qua. Một người trong nhóm họ tay cầm điếu thuốc lá, dừng lại hỏi tôi:

– Lị cho ngộ mịn lái pựt lể?(Anh cho tôi mượn cái bật lửa)

Tôi vội khoác tay, chửi thầm: Mẹ kiếp! Bọn tàu khựa đi đâu cũng gặp!

Nằm trên chiếc ghế bố đang thả hồn lênh đênh giữa trời xanh, mây trắng, bỗng một quả bóng nhựa rơi đúng vào người khiến tôi ngồi bật dậy, phóng tầm mắt ngược với chiều quả bóng. Thủ phạm đây rồi! Cách chỗ tôi không xa, một chú nhóc con độ chừng bảy, tám tuổi đứng xịu mặt nhìn tôi.

Tay cầm quả bóng nhựa, tay ngoắc ngoắc, chú bé ngoan ngoãn đi lại gần tôi, vòng tay thưa:

– Cháu xin lỗi ông, cháu lỡ chân. Ông cho cháu xin lại quả bóng.

Thấy thằng bé trắng trẻo, mặt mũi sáng sủa, tôi bắt chuyện:

– Nhà cháu ở gần đây không?

– Nhà cháu ở xa lắm ông à!

– Xa là ở đâu?

– Tận trên thành phố Sài gòn.

– Cháu xuống dưới này với ai?

Thằng bé không còn rụt rè, trả lời rất tự nhiên:

– Cháu xuống dưới này nghỉ mát với bà nội, với cô út.

– Đây với Sài gòn, cháu thích nơi nào hơn?

– Sài gòn mùa này oi bức lắm ông. Dưới này khí hậu mát hơn. Vừa mới nghỉ hè, ba mẹ cho cháu theo nội xuống dưới này nghỉ mát. Nội cháu thích không khí ở đây lắm.

– Nội cháu ở đâu mà cháu chơi một mình vậy?

Bé chỉ tay về phìa chiếc ghế bố cách chỗ tôi chưa tới 10 mét:

– Bà nội cháu kia kìa, còn cháu chơi bóng với mấy bạn ở cùng khách sạn.

Tôi rút tút kẹo cao su trong túi áo ra đưa cho thằng bé:

-Ông biếu cháu, cháu thích không?

– Cảm ơn ông, nhưng cháu không dám ăn kẹo sợ bị sún răng. Bà nội cháu dạy thế.

Tôi cụt hứng khẽ cười, xoa đầu thằng bé rồi đưa quả bóng cho nó, bảo:

– Thôi, cháu lại chơi với bà, để bà ngồi một mình bà buồn.

Thằng bé “dạ” rồi mang quả bóng quay đi.

Tiếp tục ngã mình trên ghế bố, ngắm nhìn những chiếc dù lượn chao đảo trên mặt biển chiều. Ngắm nhìn một lúc cũng thấy chán! Tôi rời ghế bố định lên đường Thùy Vân đi dạo một lúc trước khi quay về nhà sáng tác dùng cơm chiều.

Lúc đi ngang qua chỗ thằng bé, vừa thấy tôi, bé liếng thoắng hỏi:

– Ông ơi, ông không ngồi nghỉ mát nữa hả ông?

Tôi chưa kịp trả lời, nó xoay qua nói với người đàn bà đang nằm thư giãn trên chiếc ghế bên cạnh:

– Nội ơi, hồi nãy con lỡ tung bóng vào người ông này, nhưng ông đã không thu bóng mà còn cho con kẹo nữa bà ạ!

Người đàn bà khó đoán tuổi, xinh đẹp, sang trọng như một “hoa hậu quý bà” vội ngồi bật dậy sau câu nói của đứa cháu nội. Chị nhìn tôi với nụ cười xã giao:

– Chào anh! Xin lỗi, Thằng bé hiếu động lắm. Cảm ơn anh đã bỏ qua lỗi của cháu.

Nhìn thẳng vào khuôn mặt trái xoan của người đàn bà:

– Chị có đứa cháu nội ngoan…

Tôi định nói hết câu rằng, chị có đứa cháu ngoan, dễ thương lắm và rất giống chị. Nhưng câu nói của tôi bỗng đột ngột dừng lại nửa chừng. Lúc này, từ trong ký ức thẳm sâu phủ dày lớp bụi thời gian bổng bừng lên một khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đen tròn buồn man mác. Tôi mơ hồ nhìn người đối diện một thoáng, rồi đột nhiên hỏi:

– Thưa chị, xin lỗi, chị có phải là Phương Châu không?

Người đàn bà khe khẽ lắc đầu:

– Dạ thưa không. Tên tôi là Thùy Vân. Cùng tên với con đường của thành phố này đó anh.

Câu trả lời của người đàn bà làm tôi chưng hửng. Trên 90 triệu dân của đất nước này không hiếm người giống nhau như khuôn đúc. Tôi định chào tạm biệt. Như chợt nhớ ra điều gì, người đàn bà lên tiếng:

– Anh à, tôi nhớ ra rồi, quả thật hồi còn trẻ tôi lấy tên Phương Châu

Câu nói của người đàn bà làm tôi trở nên hưng phấn:

– Hồi chị là… là nữ giao liên trên một cung đường Trường Sơn năm 1972?

Người đàn bà trố mắt nhìn tôi, ngạc nhiên hỏi:

– Đúng rồi anh! Mà sao anh biết rõ về tôi vậy? Với cử chỉ rất lịch lãm trong văn hóa giao tiếp – Nếu không bận gì mời anh ngồi lại chốc lát. Được không anh?

Tôi đang điều chỉnh lại chiếc ghế bố vào tư thế ngồi, người đàn bà tiếp:

– Xin lỗi, Anh có phải là… nhà báo Hà Nguyên, năm ấy đang trên đường vào mặt trận Đông Nam bộ?

– Trí nhớ của chị vẫn còn rất tốt! Đã ngần ấy năm, chị vẫn còn giữ lại cái nét của ngày xưa nên rất dễ nhận ra! Vậy mà tôi cứ tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại chị!

Chị thở dài, giọng buồn xa vắng:

– Tôi cũng đã nghĩ vậy. Cuộc chiến năm ấy vô cùng khốc liệt. Hàng vạn thanh niên ra đi, ngày toàn thắng rất ít người trở lại. Có lẽ chúng ta là người may mắn nhất phải không anh?

Lúc này đây, lòng tôi ngập đầy xúc cảm! Sau hơn 40 năm, như một giấc mơ, được nhìn lại khuôn mặt trái xoan với đôi mắt đen tròn, thoắt ẩn thoắt hiện dưới ánh lửa chập chờn giữa đêm Trường Sơn heo hút!

 

Mùa hè 1972, cuộc chiến tranh giữ nước đang diễn ra vô cùng khốc liệt trên toàn Miền Nam. Theo tiếng gọi hồn thiêng sông núi, hàng hàng lớp lớp thanh nên miền Bắc lần lược vượt Trường Sơn vào mặt trận, sẵn sàng hy sinh máu xương góp phần viết nên trang sử vàng chói lọi trong công cuộc chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Bài ca ra trận với nét giai điệu hùng tráng vang lên trên khắp các ngã đường của thủ đô, trên các công, nông trường, trong các nhà máy, trong các trường Đại học – Cao đẳng như lời kêu gọi khẩn thiết của non sông tổ quốc.

Trước bối cảnh cả nước đang hừng hực khí thế hướng ra tiền tuyến, Tổng biên tập Báo Chiến thắng lập tức ra quyết định cử tôi vào Nam, thâm nhập thực tế trên các chiến trường miền Đông Nam bộ viết phóng sự  kịp sử dụng trong các số báo kỷ niệm các ngày lễ lớn phục vụ bạn đọc.

Là một nhà báo vừa mới ra trường, rất yêu nghề, thích xê dịch, tôi nghĩ, chuyến đi dài ngày này sẽ rất thú vị và bổ ích mặc dù trên thực tế cũng như người lính đang trên đường đi vào tuyến lửa.

Hơn tuần lễ đầu không có điều gì phải than phiền vì được di chuyển bằng xe cơ giới. Vào đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì đường bị tắt. Hỏi thăm mới biết, con đường thiên lý Bắc – Nam đã bị máy bay và đạn pháo của địch đánh phá suốt ngày đêm và cắt ra thành nhiều đoạn. Lực lượng công binh kết hợp với các đơn vị thanh niên xung phong dồn hết tổng lực hàn nối con đường huyết mạch, nhưng cuối cùng cũng đành phải bó tay bởi tính quyết liệt của đối phương. Không thể chờ đợi lâu, tôi chuyển sang đi bộ dọc theo đường Trường sơn huyền thoại, con đường góp phần tích cực vào sự thắng lợi mùa xuân năm 1975 lịch sử. Người được phân công giúp tôi vượt qua cung đường vừa mới mở này là một cô gái còn rất trẻ.

Thực tình mà nói, từ ngày vào nghề, tôi chỉ quanh quẩn trên các công, nông trường, các xí nghiệp, các hợp tác xã của các huyện ven đô, chủ yếu lượm lặt tin bài cung cấp cho một vài tờ báo đang đói thông  tin

Vốn chưa từng đi xa, chưa nếm qua những khó khăn thách thức trong cuộc sống nên trong ngày đầu tiên mới vừa vượt qua vài con dốc, băng qua vài dòng suối cạn mồ hôi tôi đã vã ra như tắm, hơi thở đứt quãng, Khoảng cách giữa tôi và cô giao liên mỗi lúc càng tăng. Thi thoảng cô phải dừng lại đợi tôi và “ban” cho vài câu động viên an ủi.

Mặt trời càng lên cao, nắng Trường Sơn càng trở nên gay gắt, người tôi càng thấm mệt. Đã mấy lần định lên tiếng đề nghị nghỉ chân, nhưng nghĩ sao lại thôi. Trong lúc tôi mệt thở không ra hơi, chân bước chệnh choạng thì chiếc ba lô con cóc của tôi trên tấm lưng thon phía trước cứ thong thả nhịp nhàng theo bước chân thoăn thoắt của cô gái giao liên.

Đến đầu con dốc, cô giao liên dừng lạị chỉ tay về cánh rừng thưa trước mặt, căn dặn:

– Ngay trước mặt chúng ta là một khu rừng thưa, chúng tôi thường gọi là Tọa độ chết. Pháo hạng nặng của địch từ hạm đội 7 rót vào đây mỗi ngày ít nhất cũng vài chục lần nhằm cắt đứt tuyến vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, khoảng cách giữa hai đợt pháo vô chừng, không thể xác định được. Vì vậy, để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, chúng tôi đã đào sẵn nhiều hầm trú ẩn cá nhân lẫn tập thể dọc hai bên lối đi. Việc di chuyển qua cánh rừng này phải hết sức tập trung và khẩn trương. Đi vòng qua Tây Trường Sơn an tâm hơn, nhưng xa lắm, chỉ dành cho xe cơ gới hạng nặng. Quay sang tôi, cô gái giục – Chúng ta tiếp tục đồng chí nhé!

Nói xong, nhanh như sóc, cô gái luồn lách qua những thân cây cháy xém, những hố bom sâu hoắm tiến lên phiá trước như một người lính xung kích. Tôi cũng dồn hết sức lực bám theo…

Đi được chừng năm chục mét, chân tôi bắc đầu rệu rã, hơi thở khò khè như người đang lên cơn hen suyển. Bất chợt, một dòng suối nhỏ hiện ra ngay trước mắt! Không kiềm chế được sức quyến rũ của dòng nước trong veo, tôi lên tiếng:

– Dừng lại nghỉ chân chút cô ơi! Bước hết nổi rồi!

Cô gái quay lại, với giọng dịu dàng:

– Sắp đến nơi nghỉ an toàn rồi. Đồng chí cố gắng.

Vừa mệt, vừa tiếc dòng suối tươi mát ngọn lịm, tôi bỗng nổi cáu, gằn giọng:

– Đồng chí đang là chỉ huy của tôi; việc đi hay nghỉ là do đồng chí định đoạt. Tôi biết! Nhưng phải linh hoạt một chút chứ? Khó dễ với nhau làm gì!

Mặc dù giọng nói của tôi đầy vẻ hằn học, bực tức, nhưng cô giao liên vẫn điềm đạm giải thích:

– Như tôi đã nói với đồng chí, đây là chảo lửa, là vị trí hết sức nguy hiểm trên tuyến đường Trường Sơn. Pháo địch từ Hạm đội 7 có thể rót đến bất cứ lúc nào. Mong đồng chí hết sức thông cảm!

Tôi nói giọng mỉa mai:

– Cánh thanh niên xung phong các cô chưa tiếp cận với cảnh bom rơi đạn nổ chứ bọn tôi trận mạc đã quen. Lính mà sợ bom đạn thì còn đánh đấm được ai? Làm sao thắng nổi thằng giặc?

Sau câu nói của tôi, mặt cô gái bỗng từ đỏ lựng chuyển sang tím tái, môi cô mín chặt, mắt chớp chớp. Cô đứng lặng trong giây lát rồi nói như ra lệnh:

– Hiện giờ tôi là người có trách nhiệm bảo vệ đồng chí. Tôi đề nghị đồng chí khẩn trương đi tiếp bởi đây còn nằm trong phạm vi của tọa độ tử thần!

Tôi hậm hực đứng lên bước theo cô gái!

Đến một góc rừng tĩnh lặng, được “lệnh” dừng chân nghỉ trưa, tôi vội thả người xuống thảm cỏ xanh, lưng tựa vào một gốc cây thở dốc. Rồi như một thói quen đã mặc định, tôi đưa tay ra thắt lưng lấy bình đựng nước. Lúc này tôi mới phát hiện ra, bình đựng nước đã bị đánh rơi trong lúc băng qua khu rừng thưa! Thấy nét mặt tôi lộ vẻ lo lắng, cô giao liên hỏi:

– Đồng chí làm sao vậy?

Tôi trả lời cộc lốc:

– Mất bình đựng nước!

Cô gái cắn chặt môi, giương to đôi mắt nhìn tôi một thoáng, nói:

– Đồng chí cứ yên tâm ngồi nghỉ lấy sức. Tôi sẽ quay lại tìm bình đựng nước cho đồng chí.

Câu nói của cô gái như khơi dậy lòng tự ái, tôi vội xua tay, xẳng giọng:

– Đó là lỗi của tôi. Không can hệ đến đồng chí.

Cô giao liên cười, nhẫn nại:

– Lính Trường Sơn nhịn ăn vài ngày là chuyện bình thường, nhưng ít ai nhịn khát nổi một buổi.

Nói xong, người nữ giao liên đã vội vã đi ngược lại hướng cũ. Nhìn thân hình mảnh mai của cô gái đang khuất dần trong cánh rừng thưa, tôi lấy làm hối tiếc và tự trách mình là kẻ vô tâm, hẹp hòi, ích kỷ với người đã hết lòng vì mình, người ấy lại là một cô gái còn rất trẻ! Định thả người xuống thảm cỏ để lấy lại năng lượng đã bị tiêu hao, bỗng dưng những tiếng nổ rung chuyển núi rừng từ phía tọa độ tử thần dội lại khiến tôi ngồi bật dậy. Căng mắt nhìn về khu rừng thưa để tìm một dấu hiệu của sự sống, nhưng chỉ thấy những cột khói đen ngòm và những tiếng nổ long trời lở đất! Cứ mỗi một quả pháo nổ tung, lòng tôi như vỡ vụn, tim đau nhói như chính mình đang hứng lấy hằng trăm ngàn mảnh bom của đối phương. Tôi đứng lặng người như hóa đá, lòng quặn thắt!. Chùng 10 phút sau, đợt pháo kích kết thúc. Tôi vội lao lên một gộp đá gần đó, phóng tầm mắt về hướng tọa độ chết. Bất chấp lời cảnh báo rằng ở đây đôi khi cũng có biệt kích Mỹ hoạt động, tôi kêu thét lên vang dội cả đại ngàn: “Cô ơi!”. Từ nơi xa tít tắp của tọa độ tử thần, ánh mắt tôi chạm vào một chấm nhỏ màu xanh rêu đang cố bứt khỏi đám khói mịt mù di chuyển về phía tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa tỉnh cơn ác mộng. Cô gái đã thoát khỏi trận pháo kích, quay lại với chiếc bình đựng nước trên tay. Vì quá xúc động nên quên mọi tị hiềm, tôi nắm vội bàn tay nhỏ nhắn của cô, hỏi dồn dập:

– Cô có sao không? Cô quá liều lĩnh dám lấy tính mạng của mình để đổi lấy một cái bình đựng nước! Nếu cô có bề gì chắc tôi sẽ ân hận suốt đời.

Cô gái bối rối khẽ rút tay về, nói nửa đùa nửa thật:

– Không sao. Nhờ vậy mà tôi mới có dịp tiếp cận với cảnh bom rơi đạn nổ chứ. Mà thôi, chúng ta tranh thủ dùng tạm bữa trưa rồi lên đường để kịp về trạm trước lúc hoàng hôn.

Bữa trưa hôm đó tôi không thể nào nuốt nổi. Cứ chốc chốc lại liếc mắt nhìn cô gái. Lúc này, lòng tôi đã lắng lại và kịp nhận ra: Người đang ngồi đối diện với tôi là cô gái trẻ đẹp. Nàng như một bông hoa trắng ngần, thanh khiết, mỏng manh giữa Trường Sơn rực lửa, như vì sao sáng lưu lạc giữa đại ngàn. Tôi tự nhủ, giá như không có chiến tranh, chắc có lẽ nàng đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, hoặc đang sống hạnh phúc ở một thành phố hay một vùng quê bình yên nào đó. Như để giải tỏa phần nào sự bức xúc đang dồn nén, tôi nói bằng giọng của người hối lỗi:

– Tôi rất ân hận vì đã có thái độ không tế nhị với cô. Xin cô hãy bỏ qua cho!

Cô gái ngẩng mặt lên nhìn tôi bằng đôi mắt đen tròn với nụ cười độ lượng:

– Không sao, tụi em chịu đựng đã quen với công việc này rồi mà. Em đã từng gặp nhiều ông cán bộ lớn còn khó tính hơn đồng chí gấp bội. Hết lòng bảo vệ họ, họ lại bảo làm quan trọng hóa nhiệm vụ, gây khó dễ!

Thấy cô gái vui vẻ, cởi mở, tôi đề nghị:

– Thế này nhé, chúng ta có thể gọi tên nhau cho thân mật. Gọi đồng chí nghe “thô cứng quá”. Tôi tên Hà Nguyên. Còn cô?

– Em tên Phương Châu.

Trên con đường về trạm, chúng tôi có dịp thông hiểu nhau hơn.

Quê Phương Châu là một huyện nghèo chạy dọc theo bờ biển Miền trung. Ba Phương Châu là cán bộ tập kết ra Bắc, đang công tác trong ngành Giáo dục. Mẹ mất sớm nên nàng phải sống với người cậu ruột. Trước tình hình chiến sự đang diễn ra ngày càng ác liệt trên quê hương, Phương Châu bỏ học giữa năm thứ hai ngành sư phạm đi vào cuộc chiến. Đơn vị thanh niên xung phong của Phương Châu toàn là nữ, đến từ mọi miền đất nước, họ rất trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Công tác trọng tâm của đơn vị là bảo vệ một cung đường Trường Sơn và đưa đón cán bộ vào Nam ra Bắc, Riêng Phương Châu được giao nhiệm vụ giao liên, một công việc chỉ dành cho lính mới.

Trời về chiều, Trường Sơn đang gay gắt nắng bỗng dưng mây đen ùn ùn kéo đến che lấp cả núi rừng, sấm chớp ầm ì vang vọng, tiếp theo là một trận mưa lớn như trút nước. Phương Châu vội rút ra từ trong chiếc gùi cá nhân hai tấm vải nhựa. Đưa cho tôi một tấm, nàng bảo:

– Phải tranh thủ về đến trạm giao liên trước khi trời tối anh ạ. Đoạn đường phía trước rất khó đi!

Chúng tôi đội mưa tiếp tục cuộc hành trình. Phương Châu đưa tôi rẽ sang một lối tắt, hai bên toàn là những bụi gai mắt mèo, gai cứt cu sắt nhọn và lởm chởm đá dăm!

Nàng động viên:

– Đi lối này rất gần, nhưng hơi khó đi! Anh cố gắng.

Về đến trạm giao liên thì trời đã tối mịt. Dưới ánh đèn dầu được vặn nhỏ đến mức tôi đa, chị trạm trưởng có nét mặt phúc hậu, nước da tai tái giục tôi tắm rửa, dùng cơm rồi đi nghỉ sớm, lấy sức cho cuộc hành trình ngày mai. Phương Châu nhóm lửa, đang hong khô một số đồ dùng cá nhân của tôi đã bị nước mưa thấm ướt.

Mặc dù suốt một ngày lội bộ xuyên rừng, tay chân rệu rã, nhưng tôi vẫn đến ngồi cạnh Phương Châu nhìn ánh lửa rừng bập bùng như hai con người thuở hồng hoang. Thi thoảng, Phương Châu lại khơi cao ngọn lửa, khuôn mặt trái xoan của nàng càng toát lên một vẻ đẹp thanh thoát huyễn hoặc, khi ẩn, khi hiện theo ánh lửa chập chờn. Rồi như bản năng tự nhiên con người được thả rông, một cảm giác mê đắm trong lòng tôi gợn sóng, ánh mắt cứ dán chặt vào khuôn mặt của người con gái đang ngồi trầm tư bên bếp lửa hồng giữa đêm Trường Sơn heo hút mà nghĩ về tương lai!

Phương Châu quay sang tôi, hỏi đột ngột:

– Anh đang nghĩ gì thế?

Tôi bối rối trong chốc lát rồi nói thật một phần ý nghĩ của mình:

– Anh đang cầu mong cuộc chiến sớm kết thúc để được mãi ngồi cạnh Phương Châu và nhìn ngắm em thỏa thích. Còn em?

Phương Châu che giấu niềm xúc cảm đang trào dâng, nàng cuối mặt, giọng xa vắng:

– Hết chiến tranh em sẽ về thăm quê ngoại, miền quê đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, được học nốt chương trình đại học rồi ra làm cô giáo.

Là người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt, hơn ai hết, Phương Châu biết rất rõ cái giá phải trả để đạt được niềm mơ ước tưởng như rất bình thường của mình.

Tôi đang tìm lời an ủi động viên Phương Châu thì có tiếng người nói râm ran trước cổng trạm. Chị trạm trưởng bước vào nói với Phương Châu:

– Em tạm thay chị trông coi công việc của trạm đêm nay và ngày mai. Ngay bây giờ, chị phải đưa hai đồng chí của ta ra tuyến sau gấp. Các chị em khác ai cũng đang có nhiệm vụ riêng.

Phương Châu đứng phắt dậy, sững sờ, bất động trong giây lát, nói:

– Chị còn đang bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Chị không đi được. Hãy để việc đó cho em.

Giọng người trạm trưởng run run vì xúc động:

– Em vừa mới về, chưa kịp nghỉ!

– Em còn sức đi tiếp mà. Chị cứ yên tâm.

Không để cho chị trạm trưởng kịp phản ứng, Phương Châu khoác vội chiếc gùi cá nhân lên vai rồi xoay sang nhìn tôi bằng đôi mắt buồn, ánh mắt thay cho lời chia tay không hẹn ngày gặp lại!

Sáu tháng theo chân các trung đoàn bộ binh thuộc Sư 9, sư 7, sư 5 Quân đội giải phóng  tham gia nhiều trận đánh tại Lộc Ninh, Bình Phước, An lộc, Bố Đức , Ka Tum, Tống Lê Chân…Những trang ký sự chiến trường và những bộ ảnh quý hiếm về mặt trận Đông Nam bộ đã hoàn thành. Sau này là tư liệu quý cho các tập sách Mặt trận Đông Nam bộ năm 1972, Chiến tranh Việt Nam năm 1972 của nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Và cũng sáu tháng thâm nhập trên các mặt trận Đông Nam bộ tôi mới nhận ra rằng, cuộc chiến tranh giải phóng Miền nam là cực kỳ khốc liệt, sự hy sinh mất mát của một nhà báo chiến trường là không tránh khỏi.

Hoàn thành nhiệm vụ. Ngày trở ra Bắc, trạm giao liên của Phương Châu trên cung đường Trường Sơn không còn nữa. Hỏi thăm, người ta cho biết: Đơn vị thanh niên xung phong của Phương Châu đã bị xóa sổ trong trận máy bay B52 ném bom rải thảm! Tin sét đánh khiến tôi đứng lặng người và không ngăn được dòng nước mắt đang chày ngược vào trong! Thế là Phương Châu, cô gái giao liên có tấm lòng nhân hậu, có khuôn mặt trái xoan với đôi mắt buồn vời vợi chỉ còn là hình ảnh mãi mãi trong kí ức. Đêm đó, tôi không thể nào chợp mắt, cứ day dứt trăn trở và luôn tự hỏi, bao giờ cuộc chiến mới kết thúc để trả lại cho chúng tôi tuổi thanh xuân tràn đầy khát vọng…

Tôi buông tiếng thở dài, trở về với hiện thực:

– Cứ tưởng sẽ không bao giờ gặp lại Phương Châu. Vậy mà… y như một phép lạ!

Phương Châu cười buồn:

– Sau đêm hôm đó chừng một tháng thì đơn vị thanh niên xung phong của bọn em bất ngờ bị máy bay B52 ném bom xóa sổ! Giọng Phương Châu nghèn nghẹn, nước mắt lưng tròng – 12 đồng đội từng chia ngọt xẻ bùi, từng vào sinh ra tử trên cung đường Trường Sơn đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi thanh xuân. Riêng mình em may mắn sống sót, nhưng bị thương rất nặng phải đưa ra bệnh viện Trung ương 108, sau chuyển qua Liên xô tiếp tục chữa trị. Phương Châu lấy khăn tay lau gọt nước mắt, tiếp: Em ra viện chuẩn bị làm thủ tục về lại Việt Nam cũng là ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Những kỷ niệm vui, buồn, những hy sinh mất mát trên dọc đường chiến tranh năm xưa đang cuốn hút, bỗng một cô gái trẻ, đẹp đi đến gập mình chào tôi rồi quay sang Phương Châu:

– Con đã chuẩn bị tất cả rồi. Xe đang chờ mẹ ngoài kia

– Con gọi thằng Tý cho mẹ. Nó đang tung bóng ở đâu đó.

Phương Châu quay sang tôi:

– Con gái út của em đó anh. Rất tiếc! Giờ em phải về lại thành phố vì ngày mai công ty có cuộc họp. Hai mẹ con em với thằng cháu nội chơi ở Vũng Tàu hơn tuần lễ rồi. Phương Châu mở ví rút ra tấm danh thiếp đưa cho tôi:  Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại. Chúc anh thành công trên con đường sáng tác.

 

Ngay buổi chiều hôm đó, sau khi cơm nước xong, tôi về phòng lục túi lấy tấm danh thiếp của Phương Châu ra xem lại. Đọc xong nội dung tấm danh thiếp, tôi bỗng vỗ đùi đánh “đét”, ngửa mặt nhìn lên trần nhà bật ra một tràng cười sảng khoái. Thì ra, Công ty Bia rượu và nước Gải khát rất nổi tiếng do Phương Châu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc cũng là đơn vị cậu con út của tôi đang công tác dưới dạng hợp đồng sau ngày tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh!

Quả thật cuộc đời đôi lúc đem đến cho chúng ta nhiều chuyện bất ngờ ngoài dự kiến!

                                                                        T.Q.L