Đọc gì ở văn chương?

760

 Nguyễn Chiến

Sách có loại dễ đọc, có loại khó đọc. Tác phẩm văn chương thuộc loại sách khó đọc. Vì tác phẩm văn chương ngoài lớp nghĩa tường minh còn có lớp nghĩa hàm ẩn. Người đọc phải giải mã ngôn ngữ mới cảm nhận được thông điệp nghệ thuật mà tác giả gởi qua tác phẩm của mình. Tác phẩm văn học khó đọc, sao người đọc vẫn tìm đọc; họ cần gì, tìm gì ở tác phẩm văn chương?

 

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Bạn đọc tìm chút thơ thới, thư giãn sau những giờ phút nhọc nhằn của cuộc mưu sinh chăng? Đúng vậy, người ta đến với nghệ thuật là để giải trí. Nghe nhạc là để âm nhạc lắng thấm, giải cảm ưu phiền. Xem tranh, xem kịch, xem phim hay đọc thơ đọc văn cũng vậy; trước hết là để cho cái đẹp gội rửa tâm hồn, làm rơi rớt bớt bụi bặm cuộc đời bám thấm. Tại sao nhiều người không chọn loại hình giải trí đơn giản, dễ dãi hơn như đi hát karaoke hay vào quán nhậu mà lại chọn giải trí bằng văn học, dù biết sách văn học không dễ đọc? Rõ ràng, họ thấy ở họ có nhu cầu tiếp cận cái đẹp. Bản chất của con người là thích gần gũi cái đẹp. Ai cũng yêu hoa, chắc chắn không ai yêu rắn độc; cũng không ai thích gần gũi làm bạn bè, tình nhân với cái xấu, cái ác, với quỷ dữ. Đàn ông nào cũng thích gần người đẹp, đàn bà cũng thích nhìn trai đẹp; họ thích thế mà nhiều khi không biết để làm gì! Giải trí bằng văn học là cách giải trí khá… nhọc nhằn nhưng sang trọng và đầy hứng khởi. Cầm trên tay cuốn sách văn học cũng là một cách để làm sang, một cách “đánh bóng” mình rất đáng yêu.

Đọc sách văn học không ai muốn để được văn học dạy dỗ mình, lên lớp mình. Nhà văn, nhà thơ không dạy đời ai (Nếu nhà văn nhà thơ nào lớn lối lên lớp dạy đời, chắc chắn sẽ bị bạn đọc xa lánh, thậm chí phản ứng). Anh ta lặng lẽ thuyết phục người đọc bằng chính cái đẹp của hình tượng nghệ thuật. Nghệ sĩ không phải là đạo sĩ, càng không phải là nhà giáo dục học, luân lí học, đạo đức học, chính trị học. Anh ta rất khiêm tốn đưa ra vấn đề để bạn đọc suy ngẫm rồi tự chọn lựa, quyết định lấy cách hiểu, cách giải quyết, cách sống phù hợp với mình. Tất nhiên, khi xây dựng hình tượng nghệ thuật, nhà văn có định hướng một cách kín đáo. Văn học nào mà không có tính khuynh hướng. Nhà lí luận văn học, tiến sĩ Lê Ngọc Trà viết trong giáo khoa thư rằng: văn học là những suy ngẫm, tìm tòi, cảm nhận của nhà văn trước cuộc đời. Suy ngẫm, tìm tòi, cảm nhận đó đúng hay sai để tự bạn đọc phán xét.

Như vậy, bạn đọc đọc sách văn học là mượn chữ của nhà văn để “đọc” chính mình. Nhà nghiên cứu văn học Huy Phương cho rằng: “Nhà văn chỉ là kẻ dọn đường cho con người tìm gặp chính mình”. Bạn đọc tự soi mình trên những trang văn đó thôi. Tôi đọc thơ của các bạn thơ, nhiều lúc, tôi… rất buồn; vì những nỗi niềm tôi định viết, họ đã viết rồi. Tôi cũng rất vui, khi được nghe nhiều bạn đọc nói lời cám ơn tôi, vì những bài thơ tôi viết là viết dùm cho họ, là thay họ nói lên tiếng nói tình cảm trong họ.

Bạn đọc, qua tác phẩm văn học, muốn mở rộng trường giao tiếp cho mình. Họ đọc sách của nhà văn nào là giao tiếp rất sâu với nhà văn đó. Họ hiểu, họ chia sẻ với những ý tưởng tình cảm mà nhà văn kí thác trong tác phẩm. Cũng có nhiều khi bạn đọc không đồng cảm, không đồng điệu với nhà văn. Họ muốn tranh luận với nhà văn, thậm chí la ó, chỉ trích nhà văn… Sách văn học có khi được xem như cầu nối tâm hồn giữa những người đọc với nhau. Con người vốn ích kỉ; nhưng riêng lĩnh vực cảm nhận nghệ thuật lại rất rộng lòng muốn chia sẻ cho bạn bè, cho người chung quanh. Đọc một bài thơ hay, một truyện hay, ai cũng có nhu cầu chia sẻ với bạn bè; chẳng ai ích kỉ muốn chiếm làm của riêng. Rõ ràng, văn chương kết nối người với người. Đây là sứ mệnh cao cả của văn chương nghệ thuật, không có lĩnh vực nào sánh được…

Nếu văn học không có những giá trị trên thì chẳng ai đọc văn học, chẳng ai cần văn học. Văn học tự nó sẽ chết…

N.C