Dốc giáo viên – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

585

(Vanchuongphuongnam.vn) – Để có đủ tư liệu cho bài báo số đặc san tới đây, sau mấy ngày đi thực tế, Tùng quyết định phải gặp bằng được già làng Đinh Ró để hiểu cặn kẽ hơn những gì đã và đang xảy ra với phố núi. Đó là lúc đồng tiền bỗng dưng đến một cách như ngẫu nhiên, quán xá mọc lên nhiều hơn, những thú vui con người được đáp ứng gần như tất thảy khi có yêu cầu…

Nhà văn Võ Văn Trường

– Cách đây mấy năm thôi làm gì có bia lon, có xe máy, có người từ tứ xứ đổ về.

Nuốt xong ly rượu già làng Đinh Ró xuống bếp gắp nửa đầu cá ngừ, mấy miếng dưa cải lên để ở ván gỗ.

– Chú mày mồi đi.

– Dưa cải kho cá biển ngó rứa chứ nhậu rượu gạo đã phải biết.

Tùng bảo với già Đinh Ró, thứ gì cũng được miễn có cái mằn mặn đưa cay… nhưng hỏi thật với già trên ni tội gì nhậu cá biển.

– Chú mày thấy đấy, không ăn theo mấy “chợ di động” đưa cá dưới biển lên thì biết ăn gì.

Hồi chưa ngăn dòng, chưa khai thác đá, ra sông ni dạo một hồi là có mấy ký cá mang về. Chừ nước đục ngầu con chi sống nổi. Rừng đầu nguồn thì bị phá tanh bành. Đau là thủ phạm chính là Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ rồi kế toán cấu kết với nhau, lập khống gần 30 bảng kê thanh toán tiền thuê nhân công phục vụ công tác giao khoán bảo vệ rừng, nhưng thực chất là lấy tiền bỏ túi, còn rừng thì “cha chung không ai khóc”. Đây cũng chỉ là một trong rất nhiều thủ ác phá rừng mà thôi. Từng tham gia cách mạng hồi mười bốn mười lăm tuổi rồi vào chủ lực quân khu, cả vùng Khánh Nam ni coi như chỗ mô Đinh Ró cũng thuộc làu. Ông nói mà giọng đầy tâm sự.

– Chức già làng là do dân tin tưởng, mình còn thêm chức bí thư chi bộ nữa.

– Hồi ở dưới lòng hồ cũng bí thư chi bộ chừ di dời nhường đất cho thủy điện lên đây cũng lại bí thư chi bộ.

– Chủ trương của Đảng mình kêu gì dân mình ủng hộ nấy nhưng thực tâm mình lo lắm. Ngay như chỗ làng mới mình đây con em không có chỗ đi học, trường cũ thì nằm dưới lòng hồ rồi. Trẻ không có việc làm đổ đi làm vàng làm trầm tứ xứ, nhiều đứa đi luôn không biết gặp chuyện chi chẳng thấy về. Ngay chính con trai già làng nhận tiền đền bù mua xe máy chưa đi khỏi công trình thủy điện đã về thủy cung. Bỏ vợ con dưới bản đi lang bạt tứ chiến giang hồ.

Tùng liên tưởng đến một phụ nữ dưới bản mà Tùng từng biết, nhưng ngại không dám hỏi tiếp, có phải con dâu già không.

– Thôi thì “trời kêu ai nấy dạ” người đời vẫn nói rứa phải không già.

– Chú còn trẻ răng cứ nói rủi may hoài.

– Tại mình hết.

– Hồi đánh Mỹ khó rứa mà quyết tâm là thắng. Chừ cũng khó nhưng làm bừa kiểu ni… rồi cán bộ cũng thoái hóa biến chất, mỗi người một phách còn biết tin ai.

– Nhậu.

Mấy ngày gần đây Tùng đóng vai một lao động tìm việc và may mắn được nhập băng cùng nhóm tám lao động khác tại một điểm khai thác đá. Qua trò chuyện được biết, nhóm này đang bám lán trại bởi gần cuối tháng mà tiền công chủ trả chẳng tăm hơi. Đang cơm trưa bổng chiếc xe bốn chỗ cua cái ào vào sân lán. Chủ công trình hăm hở bước vào và bữa cơm trưa dừng lại khi xe con bốn bánh quay đầu trở về. Tám con người chia ba nhóm tự thưởng bởi được nghỉ xả hơi khi lĩnh tiền công. Thành một tay nổ mìn vốn ít nói nhất lán có vẻ cảm tình với Tùng một lao động mới, không biết có vì khuôn mặt khá thư sinh nên hôm đó đã kéo Tùng và một lao động người địa phương đi theo mình.

– Mồi lạ. Cứ xuống hoài mấy quán cũ chán chết.

– Đi thì đi.

Bụng nghĩ vậy mà đầu cứ phân vân bởi đoạn đường đi quá giờ đồng hồ mà quán xá đâu chẳng thấy. Heo hút phía con đường trước mặt là một ngôi trường nhỏ với tấm biển quá cũ chẳng còn nhận ra tên trường. Thò tay vào túi bất gác Tùng mỉn cười một mình bởi cái túi tiền cờm cợm chẳng ăn nhập gì với buổi chiều xả hơi. Thế rồi những bất ngờ liên tiếp sau đó làm Tùng chẳng hình dung nổi chuyện gì đang xảy ra.

Thành cầm tay Tùng kéo thẳng vào phòng hiệu trưởng. Quang cảnh chung quanh là nồi xong chén bát, vỏ bao mì tôm… chiếc ghế kê góc bảng đen là cục xà phòng Comay giấy ướt chưa kịp khô. Một phụ nữ tuổi chừng 40 phốp phát quơ tấm chăn đắp hờ lên đùi, đon đả chào.

– Cứ tưởng anh quên luôn bọn em rồi.

– Làm răng mà quên.

– Hôm nay anh có khách, ba người đó, có chi chiêu đãi không.

– Sẵn sàng thôi.

Sau hồi trò chuyện khá nhanh người phụ nữ có tên Thanh đã dẫn cả ba chúng tôi “hành quân” tiếp qua một con dốc thật cao để về điểm hẹn. Vừa đi cô Thanh vừa giải thích, đây là “dốc giáo viên”, cũng có người gọi dốc ba cô. Nghĩ mà thấm thía. Đúng là giáo viên bọn em lên đến đây rồi ở lại đã khó, xuống lại dưới xuôi còn khó hơn nhiều.

Chuyện dốc giáo viên còn có người kể rằng, ngày trước có hai giáo viên, một nam, một nữ dưới xuôi về nhận công tác. Đường xá xa xôi, lại đi bộ, mệt ngất ngây, rứa mà tức cảnh sinh tình nên đã làm cái việc ấy giữa hoa cỏ, trời mây. Dân địa phương ở bản đi rẫy phát hiện để rồi cái tên dốc giáo viên ra đời. Câu chuyện tếu táo hết đã lâu mà cả mấy con người hăm hở tìm đến cuộc vui giữa rừng núi mới vượt qua con dốc để về một ngôi làng nhỏ.

Nơi đây còn có hai cô giáo nữa đang trọ ở một nhà dân. Riêng cô Thanh do đi lại vất vả nhất là dạy hai buổi nên ở lại trưa ngay phòng làm việc. Ba chúng tôi và ba cô giáo chiều đó tổ chức cuộc nhậu nói theo cách của các cô ở đây là hoành tráng. Mồi có khô nai, heo rừng và đặc biệt nồi cháo gà khá ngon do cô Hương có thâm niên cắm bản sáu năm tự biên tự diễn. Món nhậu dọn ra sàn nhà kiểu nhà rông đồng bào vùng cao nhưng bày biện đã bị thay đổi, duy chỉ hàng khô sọ đầu thú treo dọc cây cột chính giữa ngôi nhà đã lên tiếng, chủ nhân cũ là tay săn cự phách.

– Chủ nhà đi làm vàng bên Khánh Thanh rồi… họ cho bọn em ở nhờ, rồi ở luôn bởi hơn năm rồi vẫn không thấy họ về.

– Có thông tin nghe đâu bị bọn lừa đảo, rồi bị sốt rét chết mất xác.

Với dụng ý tìm hiểu thực tế để tăng tính thuyết phục cho bài báo, nhưng mồi ngon, lại được uống trong sự ngọt ngào của những câu chuyện tâm sự tỉ tê mùi mẫn nên Tùng không nhận ra mình say lúc nào. Tùng chỉ cảm nhận cả Hương và Bình còn trẻ, xinh xắn mà trò chuyện đến là niềm nở, khi cao hứng thì một trăm phần trăm.

Chiếc áo ca tê trắng cũ mỏng tang cắt sát nách cứ đưa lên đưa xuống, chiếc xu chiêng màu đen bó lấy khuôn ngực ban đầu còn “thập diện mai phục” trong cái liếc nhìn của Thành và cả tay lao động người dân địa phương nhưng sau đó câu chuyện đi xa hơn bởi sự ham muốn thân thể khác giới không chỉ có ở cánh đàn ông. Cô Thanh tâm sự:

– Hăm bốn năm cắm bản, một thân một mình, tủi thân lắm chứ.

– Có gì phải giấu phải không các anh. Chuyện thường, mấy chị em vẫn đóng cửa xả stress.

Đến lúc này Nùng mới để ý kỹ hơn đến cô giáo Thanh. Bắp tay tròn vo, gây hấn thị giác nhất vẫn là khu rừng hoang dưới ống tay áo. Trước khi ngồi vào mâm cô giáo Thanh xin phép chậm hơn để còn lấy cục xà phòng, chiếc khăn tay… ra chỗ đầu ống dây dẫn nước…

Bữa nhậu rồi cũng kết thúc.

Tùng bấm Thành rút lui với lý do trời tối.

Trên suốt quãng đường đến lán trại và những đêm về trong giấc ngủ Tùng vẫn cứ ám ảnh sự khao khát thể xác và những nỗi buồn mơ hồ của ba cô giáo ngày một lớn dần lên. Tùng nghĩ về bài báo sẽ viết thế nào đây, giá mình là một nhà văn…

*

Ở rừng mùa trăng hiếm hoi lắm mới có những ngày trời quang mây tạnh. Trăng vàng đẫm không gian, mê hoặc cả bụi cây, cành lá. Những âm thanh ngàn đời của rừng rõ nhất là tiếng suối dưới chân chiếc cầu treo bắt vào ngôi trường đầu bản Tăk Linh về khuya càng réo rắc, trầm bổng. Mơ hồ trong tiếng suối là tiếng vực thẳm mênh mông kéo theo cả ánh trăng đổ chìm vào vùng bóng tối. Quờ tay lên vai, Tùng nhận ra sương khuya đã ướt đẫm vai áo. Sương bám dày trên mi mắt, trên mặt.

Tùng chợt nghe một nỗi buồn đâu đó trào dâng. Một lao động khai thác đá trong nhóm của Tùng mới kết thân đã kể. Vùi đầu vào núi non thế này, nhiều đêm không sao ngủ được. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những kỷ niệm quê nhà. Cuộc mưu sinh sẽ còn cuốn mình đến đâu nữa. Lại nhớ về ước mơ nơi giảng đường đại học, nơi có những ô cửa văn khoa nhìn xuống con đường áo trắng, đầy tiếng lá me cứ xào xạc trong những câu thơ mất ngủ vẫn đâu đó trong dòng suy nghĩ. Rồi người yêu thời ở quê đã đi lấy chồng, cổng trường đại học đã khép chặt lại.

Tùng ngồi xuống gục đầu vào thành cầu… lan man hình dung về cuộc đời người bạn lao động mới quen sao có những điểm giống mình đến vậy. Ngày trước để bước vào cổng trường đại học rồi đi làm báo như bây giờ Tùng đã trải qua những tháng ngày lao khổ, vì gia đình nghèo, đất nước vừa thoát khỏi giai đoạn quản lý tập trung, bao cấp nên phải làm đủ mọi nghề giữa chốn rừng núi thâm u này.

Lại nghĩ về cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác thời nay quả là điệp trùng ma trận. Trước chuyến đi thực tế, chia sẻ công việc của người làm báo một người bạn nữ rất thân của Tùng đang công tác tại một cơ quan bảo vệ pháp luật ở huyện Khánh Nam này tâm sự, giống như giặc Covid, kẻ thù ta không thấy mặt, nên những chiến sĩ của ta khi cần thiết cũng phải không quân trang đối đầu với địch để tìm ra địch.

Bạn kể, bản thân đã phải đối đầu với cả cấp trên của mình để âm thầm hơn cả năm trời điều tra, thu thập chứng cứ, thậm chí ôm con nhỏ đến tận trại giam cách xa cả trăm km tìm gặp nhân chứng, tìm hiểu sự thật. Rồi vụ việc cũng được đưa ra ánh sáng, đó là vụ phá rừng phòng hộ ở Khánh Nam vừa đưa ra xét xử với đầy đủ lý lẽ thuyết phục chứng minh cái thiện đã thắng cái ác. Và, Tùng nghĩ điều đáng quý hơn tất cả vẫn là cái tâm và bản lĩnh của một kiểm sát viên.

– Nhớ lời bạn kể Tùng lại liên hệ với bản thân mình. Với nghề báo không phải không có những lần Tùng từng nhụt chí. Thôi kệ một tiếng cho xong, nhưng rồi bản thân lại không cho phép mình buông xuôi. Nghĩ đến lần cấp trên đứng ra can thiệp dừng lại loạt bài đã dày công điều tra, Tùng không khỏi ấm ức, mắt cay xè.

– Có lẽ nào mình lại khóc.

– Không đó chính những giọt bản ngã đổ vào ký ức. Một vùng ký ức mông lung, nhạt nhòa.

– Lần đó là đề tài phá rừng, nay là giáo dục.

– Lại câu chuyện muôn thuở trồng cây và trồng người.

Miên man dòng suy nghĩ, chợt một bàn tay con gái mỏng tang đặt lên vai Tùng, một giọng nói vừa đủ nghe rót vào tai Tùng.

– Về thôi anh Tùng ơi.

– Khuya lắm rồi.

Và thế là cái bàn tay ấy dẫn Tùng đi qua khỏi cây cầu, qua con suối rồi đi sâu con đường đất nhễ nhại vàng dưới ánh trăng lúc ẩn lúc hiện bởi những đám mây và bóng cây rừng che khuất. Một hơi một hồi Tùng vào đến lán trại rồi thiếp đi trong lặng lẽ. Sáng dậy mặt trời đã lên cao chênh chếch chiếc ống lồ ô bắt nước từ con suối về bếp ăn. Mọi người đã đi đâu cả. Đúng rồi hôm nay là ngày nghỉ cuối tuần cơ mà. Tùng đi vội ra chiếc cầu treo nơi tiếp nối con đường dẫn vào ngôi trường đầu bản.

Đôi dép vẫn còn để lại ở thành cầu. Tùng nghĩ mãi mà cũng không nhớ nổi bàn tay người con gái nào khi đêm đã đặt lên vai Tùng, rồi dẫn mình về lán.

– Về thôi anh Tùng!

– Về đâu nhỉ?

Ngay như những cô giáo ở Khánh Nam đây thôi, nếu trước đây họ vào trường, ra trường với biết bao nhiều hy vọng, ước mơ thì nay điều đó đầy chán ngán, ê chề. Bữa nhậu ở “xóm ba cô” vẫn không thể nào quên trong đầu óc của Tùng.

Cô giáo Thanh kể về trường hợp một đồng nghiệp của mình đó là Nương. Nương quê tận Nghệ An nhưng không biết duyên cớ nào đưa đẩy vượt cả “đệ nhất hùng quan” đến nơi sơn cùng thủy tận này hành nghề gỏ đầu trẻ. Nương nhan sắc, tươi mát, quan niệm sống khá phóng khoáng. Thời gian không biết bắt đầu từ đâu chỉ biết sau hơn một năm “thượng sơn” Nương trở thành tình nhân tay phó phòng giáo dục huyện Khánh Nam. Có những đồng nghiệp khuyên răn, dè biểu nhưng rồi cũng có người bạt ngang “lợi cả đôi đường”, tay phó phòng quan tâm đến Nương thì cả trường ít nhiều cũng nằm trong vòng ngắm ưu ái chứ sao.

– Nó thế mà hay. Như tụi chúng mình biết bao giờ xuống núi.

– Mà đúng vậy, trong một năm Nương được điều chuyển đến ba trường theo chiều hướng hạ dần độ cao. Nhiều người xì xào thầm mừng cho Nương nhưng ác nỗi đó là dụng ý không mấy tốt đẹp của tay phó phòng giáo dục. Nói gì thì nói, lợi dụng thể xác phụ nữ bằng những lời hứa chẳng bao giờ thành hiện thực điều ấy chẳng có gì hay hớm. Song lời tiếng đồn thổi rồi cũng đã đến tai vợ y. Chiến dịch giám sát, cấm vận chồng vô hình trung lại trực tiếp mở ngã rẻ mới con đường tình duyên gắn với sự nghiệp khá truân chuyên của cô giáo Nương.

Tay phó phòng giáo dục chuyển công tác sang một Ban Đảng ở huyện Khánh Nam còn cô giáo Nương thì mỗi ngày mỗi thêm mai một tuổi xuân thì… Nghe đâu bây giờ Nương đã có một bé gái hơn hai tuổi. Chịu án kỷ luật vì không chồng có con nhưng các đồng nghiệp kể tinh thần của Nương khá thỏa mái. “Ba của đứa bé là tay thợ nề làm ở công trình thủy điện. Tiền nong không nhiều nhưng luôn chia sẻ cả vật chất tinh thần với mẹ con Nương chứ không đành đoạn như tay phó phòng ngày trước”.

Chuyện về một con dốc giáo viên. Niềm an ủi nhiều khi là vậy.

Tam Kỳ tháng hạ 2020

 V.V.T