Đọc “Kinh vô thường” của Võ Thạnh Văn

1694

Ngã Du Tử 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Võ Thạnh Văn thực chứng đầy đặn sắc mùi dâu bể, hệ lụy thăng trầm… từ đó nghiệm suy để viết một trường ca lục bát dài và đặt là Kinh vô thường, chỉ là áng văn hay đẹp, hàm ý nêu tánh đạo nhiệm màu và chỉ có thời gian và độc giả mới có quyền định danh cho nó. Con người chúng ta bắt đầu từ hạt bụi mù khơi xa tít trong thiên hà vạn thể, duyên tụ tán từ đó hiển hiện với trần gian đa sự, đa lụy, đa gian nan trong vòng tục lụy nghìn trùng.

Tập thơ Kinh vô thường của Võ Thạnh Văn

Thi sĩ Võ Thạnh Văn suy tư và nghiền ngẫm suốt cả hành trình đời mình trong thời gian khá dài. Khi đã chín chắn chứng nghiệm, suy nghiệm để rồi anh đã viết Kinh vô thường.

May mắn là thi sĩ đã tặng tôi, tôi cảm thấy quá thú vị và sung sướng, và tôi say mê đọc, thời gian cả tháng vẫn cứ đọc đi, đọc lại. Khi cảm xúc bật dậy tôi viết bài này. Tôi vẫn biết trong Kinh Vô Thường như biển mênh mông, còn nhận định của tôi như ao tù, nhưng vì cả tấm lòng yêu mến, nên mạo muội viết vậy.

Ước mong nhận tấm lòng rộng mở của tác giả, cũng như độc giả đã có dịp đọc và nghiên cứu đại thi phẩm Kinh Vô Thường của thi sĩ Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn

Kinh vô thường – Hành trình hạt bụi 
[Quyển thượng, Cát Bụi 1 – 05, từ 0001 đến 1250]

Sông nhân gian miệt mài trôi chảy tha thiết vỗ về đôi bờ sinh diệt để tồn lưu, sự sống tiếp diễn không ngưng nghỉ trong dòng dịch hóa bất biến thiên thu bất tận của sa mù duyên khởi trùng trùng. Ấy là cái vô thường gọi.

Khởi nguyên của riêng mỗi hạt bụi. Nhưng mỗi hạt bụi có hành trình của định mệnh an bài, có nghiệp duyên vô lượng, làm sao mà biết được. Cái ấy gọi là tự nhiên, là vô thường.

Mở đầu Kinh Vô thường thi, tác giả Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn viết:

“phận ta hạt bụi mê lầm
trong cơn say tỉnh gọi thầm giai nhân” (Đoạn mở đầu, 001 )

Ta và Giai nhân ở đây chỉ là cách phối ngẫu âm dương của giới tính, để từ ấy, mà sinh sinh hóa hóa, mà sinh mà diệt như vòng bất biến sinh diệt của vô thường, của tạo hóa. Từng sát-na dịch biến của thành trụ hoại diệt, hạt bụi ấy đã vươn cành tươi nhánh, nở hoa kết trái cùng nhân gian tạo nên vóc hạc, hình hoa.

Hạt bụi ấy dày công chứng nghiệm thế gian với đủ thể loại đa tầng, đa sắc với trần gian đa hệ lụy, trần tục đa gian nan mà Lão Trang gọi là “gian nan, gian nan vi gian nan” để rồi từ ấy hạt bụi cũng biến thiên trong dòng dịch hóa đầy tán tụ, hợp tan, phiêu dạt bềnh bồng trong vui sướng ngậm ngùi, khổ đau hạnh phúc, thành bại nhiêu khê, rồi cùng xa xôi trùng trùng muôn dặm quê nhà mà cố hương vẫn mắt ngóng ngùi trông…

“vòng tay mãi đợi người về
chuyền nhau hơi ấm lời thề dỡ dang” (035)

Một thời tuổi trẻ đã trôi xa, những ước vọng bị dang dở và mơ một ngày được trở lại chốn ra đi để tìm lại hơi ấm cũ, ngày vẫn có em bên đời, mùa trăng sao rộn ràng hoa mộng đã xa rồi, nay còn đâu. Với lời thề ấy thì nhân gian không thiếu và tác giả đã thực chứng với thế thời cùng em mong trở lại dẫu có “phủ phàng gió sương”. Ôi, sao mà nhân văn và nhân bản đến thế. Ôi, sao mà đạo đến vậy. Thời gian còn đủ để tác giả tìm lại hy vọng với những bồi hồi, xao xuyến, mến yêu trầm tích trong tâm:

“cát trầm tích dậy xuân thì
đất chôn tuổi mộng nhòa mi lệ vờn
vươn vòng tay níu cô đơn
máu đông vỡ mạch, dấu sờn tình đưa” (040)

Có thể những câu thơ trên, như phù thủy ngôn ngữ, chuyển tải cho nhân gian trầm tích lòng của tình tác giả trong vô thường thị, với chất giọng lạ lẫm mà kinh điển, làm thăng hoa cảm xúc độc giả đến rợn người như câu chuyện tình liêu trai vọng về từ phương Đông xa xăm. Ôi chao, sao mà hay đến vậy làm ngẩn ngơ người đọc.

“ta đan giày cỏ kinh hành
bỏ người bên suối không đành, lại thôi” (156)

Lòng muốn đi những bước đi chánh niệm (kinh hành, thiền hành…) để về với cõi thênh thang tự tại, nhưng chưa thể. Bởi ta không thể bỏ lại em cô đơn bên suối trần gian một mình đầy hiểm nguy bất trắc…

Cuộc sống cứ vướng mắc nhiều vòng tục lụy đa đoan nên đôi khi khó lòng mà vượt qua những chướng ngại ấy. Có khi bỏ lại bên suối, người ta có thể tự thân bước đi để đến một bến bờ hạnh phúc, song duyên nghiệp cứ nhập nhằng nên rất khó đến cõi thênh thang trong ý thức. Và có lẽ, người không đành bỏ lại bên suối ấy, cứ chập chùng ẩn hiện trong tâm tư tác giả, nên thỉnh thoảng anh cứ băn khoăn trong từng lời chân thành và mong có ngày trùng ngộ trong tiếng reo ca bát ngát của y nguyên, như thuở còn tinh khôi mặn mà:

“ngày đi chưa kịp trối trăn
ta nguyền thắp cụm hương đăng đợi người” (141)

Hay là

“lệ xanh hoen má đào xưa
tụng bao kinh sử lấp vừa lối chia
nước non vạn dặm chia lìa
nhớ thương trăm mối đường kia, nỗi này” (382)

Có thể nói, ấy là trăm mối ngỗn ngang, lòng như tơ vò, tha thiết gọi mời tác giả trở lại nơi đã ra đi chưa kịp lời nói chia tay, dù một lời rất vội, ai có thực chứng thực nghiệm mới hiểu thấu nỗi niềm của tác giả. Chính vì điều ấy mới thôi thúc tác giả quay trở lại nơi đã ra đi, nhưng duyên phận có đủ phúc duyên hay không, cái ấy mới là điều đáng nói. Nếu chưa, bèn pha mực cùng lệ mình chép thư trong cảnh nghìn trùng quan san vạn dặm:

“ngậm ngùi pha lệ chép thư
gởi em thân thế phù phù hư cuối đời” (486)

Và mấy mươi năm sau, thời gian cứ lạnh lùng trôi, trôi đi như nước sông… có bao giờ trở lại. Con người trong cõi nhân sinh, buồn nhiều hơn vui, vì thế tác giả cố gắng chiêm nghiệm. Nhưng càng chiêm nghiệm mới thấy rằng ấy là sự thực của kiếp nhân sinh đa doan đa lụy:

“tự thân hạt bụi nhuốm sầu
tìm về với cát nối cầu nghiệt oan
ngược dòng mắt lệ trôi ngang
bồng bềnh đáy nước trăng ngàn nghiêng soi” (499)

Và khi thực chứng cuộc đời nhiều tầng hệ lụy của buồn vui ngậm ngùi phận người, không thiếu bất kỳ vị nào của ngọt, đắng, nồng, chua, cay trần gian… Tác giả mới thấm thía, bởi đã đi qua dâu bể phù trầm suốt mấy mươi năm nên tác giả càng hiểu điều chứng nghiệm xương máu là bài học quý giá trong cõi đời nầy chỉ là mời mọc của phù du. Hà tất ta phải mỏi mệt với nó, chi bằng về với tịch nhiên đứng đợi để lòng riêng trổ đóa từ tâm mà yêu người, yêu đời trong hành trình còn lại:

“kinh qua dâu bể mọc mời
ta về núi đợi lưng trời hoa say
sông còn xanh, mây vẫn bay
lòng riêng sỏi vụn trổ bày từ tâm” (961)

Võ Thạnh Văn, thi sĩ mới bắt đầu cuộc hành trình hạt bụi bằng hóa thân con chữ những nghìn trang trầm mặc, vạn câu thơ tài hoa không có nhân vật bắt đầu và có thể nói không có kết thúc. Bởi, “vốn tự nhiên là vô thủy vô chung”, hình như nó vẫn tiếp tục đi cho đến khi định mệnh của nó khép lại để được tái sinh theo một chu kỳ mới của vạn hữu sinh diệt hòa vào đại ngã bát ngát vô biên của thiên thu bất tận trùng trùng.

Và rồi một đêm, một đêm rất đặc biệt trong đời tác giả, anh thấy có phướn động hoa bay dầm dề trong đất trời thơm ngát, anh chợt ngộ ra rằng chỉ tìm về với đạo và tin tưởng rằng dù đời có lắm nỗi trầm phù hôn mê, tâm thể mình vẫn an hòa, hồn nhiên tự tại cùng trời đất mưa nắng gió sương:

“hốt nhiên ngộ lúc không giờ
đêm truyền tâm ấn ta ngờ nghệch say
trong cơn mộng mị gió xoay
dường như phướn động hoa lay dãi dề” (999)

Ôi chao, đời người trong thế gian hữu hạn làm sao đi đến cùng tận của con đường triết lý vô thường, bèn mặc áo nghiêm cung cẩn mật, cung kính với lòng, tạ lỗi với trùng trùng lớp lớp nhân gian, thắp trầm hương cung tay mà gọi với các đấng thần linh, đấng cứu rỗi rằng: “Cảm ơn đời đã cho hạt bụi trầm luân của thế gian nầy cùng đồng hành với con chữ tung tăng nhảy múa để làm vui trong tầng tầng hệ lụy nhân thế, mong cho thế gian hiểu mà thông cảm để cái tiểu ngã, đi cho hết một chặng đường mà may mắn được thực chứng dự phần”. Sao mà đạt đạo đến vậy?!

Và rồi một đêm, một đêm rất đặc biệt trong đời tác giả, anh thấy có phướn động hoa bay dầm dề trong đất trời thơm ngát, anh chợt ngộ ra rằng chỉ tìm về với đạo và tin tưởng rằng dù đời có lắm nỗi trầm phù hôn mê, tâm thể mình vẫn an hòa, hồn nhiên tự tại cùng trời đất mưa nắng gió sương: tác giả Kinh vô thường cũng đã tỏ bày trước thế gian. Hơn nữa, tác giả còn dung từ “em” như ẩn ngữ, mật ngôn nghĩa là một từ danh xưng mênh mang ẩn dụ:

“mấy thu từ đấy nhạt tia nắng trời
biển sông từ đấy bời bời
và em từ ấy biển khơi dạt nguồn” (1099?)

hoặc:

“kể từ trời đất xui nên
kể từ cát bụi lênh đênh mịt mù
kể từ mây khói âm u
kể từ lăng tẩm thiên thu điêu tàn” (1198)

Một tiếng chuông ngân cho lời cầu kinh vọng về, một lời từ tâm vọng lại trong mùa chay tịnh. Hỏi rằng bần đạo cầu đạo nơi nao, có tiếng văng vẳng mơ hồ vọng lại bên tai người đạo hạnh, thì ra đạt đạo chỉ được khi đã miệt mài tu tập công phu không ngưng nghỉ, và không ngưng nghĩ:

“hỏi rằng cầu đạo từ ai
thưa rằng sư tổ miệt mài bao đêm
hỏi sao trăng cũng ướt mềm
thưa rằng trăng cũng chứng thêm chuyện này” (1201)

hoặc :

“hỏi rằng cầu đạo từ đâu
thưa rằng từ núi nham đầu xa xôi
hỏi sao mây nước ngừng trôi
thưa rằng bèo dạt sóng dồi chưa phân” (1230)

Và khi lòng rỗng rang, tâm thanh tịnh thì may ra mới ngộ được đấng huyền nhiệm dang tay, lòng đại ngã phơi bày ơn cứu độ mới được nhận lãnh của cơ duyên hành trình:

“đất trời bất động tịch nhiên
tầng mây hiện đấng nhiệm huyền dang tay
trải lòng đại ngã phơi bày
ban ơn cứu độ tràn đầy cõi riêng” (1248)

Nhà thỡ Võ Thạnh Văn

Kinh vô thường – Hành trình gian nan 
[Quyển Hạ, Cát Bụi 6 -10, từ đoạn 1251 đến 2550]

Thế nhưng lồng lộng bên đời còn dập dềnh mưa bụi mù sa, nên hành giả vẫn tiếp tục đối đãi trong hữu tướng hiển bày, có khi lòng lại băn khoăn thảng thốt “Ôi, con đường giác ngộ sao khó thế?!” Thì ra, còn đằng đẳng trên bước hành trình nghiệp duyên trùng trùng tan hợp.

Phải chẳng không thoát được vô thường và rồi tự trách (hay nhắc nhở tha nhân) dù sao tác giả cũng là người đang dọn mình, sửa cho thuần khiết với nhất tâm chánh niệm thiện lành. Bởi, không có gì là thực tướng. Chỉ là huyễn mộng mà thôi, không khéo sẽ “ẩm ương mê chấp vô thường đọa vong”.
Vì vậy đoạn tiếp nối cho quyển hạ Kinh vô thường, Võ Thạnh Văn viết:

“tánh nào có, tánh nào không
tánh này sắc sắc không không loạn cuồng
hạnh nào ẩm, hạnh nào ương
hạnh nào mê chấp vô lường đọa vong” (1251)

Tôi dừng lại thật lâu ở đây, phải thế không? Lằn ranh giữa giác ngộ và mê lầm cách nhau một sợi chỉ tham sân si mong manh mà thế gian vẫn hoài nghi, chấp trước đầy nhầm lẫn vì vậy mãi long đong trong mỗi hóa thân của tầng tầng lớp hóa sinh mà đất trời, cùng cuộc nhân sinh, hiển bày trước mặt mỗi lần bước chân đi qua.

Một áng mây chuyển hóa trước cửa động lung linh, ảo diệu, tưởng rằng sẽ thọ lãnh nhưng phân vân, chần chừ, rồi chút duyên chợt tan biến mất cũng bởi “trái si rụng vội, tâm từ chín non” (1275) làm sao hiểu được căn nguyên ngọn ngành bèn đứng giữa đôi bờ mà nói với nhân gian mãi loay hoay trong trung dung chẳng biết phương nào đúng – sai của thế gian, không biết phải đứng nơi đâu cho hợp lẽ đạo, bèn thốt lên sự thật rằng:

“con tin xung động phút giây
giữa thiện – giữa ác – giữa ngày – giữa đêm
giữa cao – giữa thấp – giữa triền
giữa chân – giữa giả – giữa hiền – giữa ngu” (1290)

Rồi em từ đâu thị hiện trên ngà ngọc dung nhan với những đường cong diễm tuyệt, trong hương son phấn đàn bà dù “môi em nở hoa chánh ngữ” lời hay ý đẹp nhưng vì “phận ta hạt bụi mê lầm/ trong cơn say tĩnh gọi thầm giai nhân” (0001) nên không thể phân biệt nổi chính tà, làm con ma tâm trí đảo điên cuồng loạn trong lớp lớp vô minh, dù hành giả cố công tu tập vẫn không sao lột hết lớp vô minh tồn lưu từ kiếp nào trong vô lượng cho đến lúc thực chứng trần gian từ ấy đến giờ:

“hoa chánh ngữ nở bờ môi
vành cong tứ đại tuyệt vời ửng da
thuở em tràn ứa ngọc ngà
buổi ta mê mãi chánh – tà chưa phân” (1313)

“trái đời lơ lững phù vân
dầu khuya cạn dĩa lạc vần thơ ma” (1320)

Bèn quay về trước “càn khôn đại địa mông mênh/ khoác chăn mây hạ, đắp mền sương đông” (1335) về để hỏi lại với chính cái ta đã cũ “nghi ngờ lẫn lộn vàng thau/ bao phen đá lỡ làm đau lòng vàng” (1343). Chưa biết bao giờ thì giai nhân có thể tha thứ, độ lượng cho một tâm hồn còn đầy những mê lầm tục lụy hoặc ít nhất cũng hiểu được bởi lỗi tại ta để sám hối trước tối cao nhật nguyệt cứ mang mang tiếp diễn từ hè sang đông, rồi từ đông sang hè.

Thì ra mọi chuyện không dễ dàng trước nhân thế vô biên, dâu bể vô cùng trong bước chân hành giả trên đường tìm đạo. Và dù muốn hay không, vẫn phải tồn tại thân với phiền muộn tục lụy dày những nguồn cơn mưa gió não nề vì duyên phận còn nổi trôi trong luân lạc buồn tênh phận này:

“suốt mùa luân lạc buồn tênh
long đong bao bận, lênh đênh mấy lần” (1359)

“xa người trở vội mùa bang
sầu tim tím thẫm, buồn dằng dặt xanh” (1360)

Đây chính là lúc hệ lụy tra vấn thân tâm, khi còn bôn ba trong thế giới ta bà này, nếu không vượt qua ta sẽ không thể liễu quán thế gian. Chính những hệ lụy khổ đau làm ta huân tập được để mà tập, mà diệt, cuộc đến đích của hành giả cũng đầy thử thách gian nan. Đôi lúc tưởng rằng bỏ cuộc trong trần gian đầy bất trắc và hệ lụy. Nhưng lòng đã quyết, nên hiểu ra muôn sự trong hệ lụy thế gian, vì vậy hành giả cũng xác định chính tri kiến trần gian:

“ta: tên khổ hạnh sa môn
chiều mang thiền kệ ghé thôn đổi trà” (1375)

Tôi thích hình ảnh thỏng tay vào chợ của hành giả lãng mạn này khi đặt “am ta giữa chợ,” mặc cho “chân đời đạp xiêu,” để thấy “trăng vàng châu thổ ngậm sương giang đầu.” Nghĩa là ánh sáng nhiệm màu của đạo đã bắt đầu khai sáng trong tâm thức dù rằng còn nhiều hình thái thị phi chung quanh cứ nhịp phách liên hồi dâng tràn nhịp gõ, có khi nao núng chứ chẳng dễ. Quả là khó khăn, đầy thử thách và tùy duyên vạn hữu ứng biến ‘trao người linh diệu pháp môn,’ nên không sao. Mọi chuyện từ tốn sẽ được ánh sáng đạo soi rọi từ thấp đến cao, và như thế thì quả hợp với tự nhiên, rồi hành giả cứ an nhiên bước tới:

“nguyện yêu tàn cụm nắng hồng
nâng niu từng phút phiêu bồng viễn khơi” (1379)

Mãi miết đi trong sa mạc đời mình, từ khi nào chẳng còn nhớ ra, nào thương ghét, buồn giận, được thua, vinh nhục, còn mất… trong thể tánh nhị nguyên cứ lồ lộ hiện hình, như mớ bòng bong ngỗn ngang đầy tâm thức. Đôi lúc thấy mình thật sự ngao ngán, thậm chí mỏi mệt có thể cho mình, lẫn cả với đời, cũng chính vì lợi danh, hơn thua, được mất đã làm nhân nghĩa tan hoang, luân lý đảo điên: “vết đao mưng mủ chưa lành/ lưỡi gươm nghiệp chướng còn tanh máu thù/ bàn tay rờn
lạnh băng mù/ nực nồng khuya tạnh thâm u đêm cuồng” (1476):

“mắt môi sũng ướt mưa nguồn
ứa tràn ngõ ngách phân vuông nẻo đời
hương trầm uất giọt trong nôi”
suối ta cạn kiệt, suối đời tạnh khô” (1478)

Thì ra, tục lụy cũng đầy màu sắc trong gian trá ngổn ngang hiển bày chứ nào đơn giản chân phương “nhơn chi sơ tính bổn thiện” mà Khổng giáo đã mấy ngàn năm chưa thể vượt qua giới hạn này. Như thế mới là cuộc thế gian. Vì vậy cố gắng trao cho em trong cách danh xưng ngôi hai “trao em kinh luận đại thừa/ chép thêm thập giới để ngừa sân si” (1485). May ra có được chút hồng ân cho em bước đi theo con đường đạo hạnh, hòng thêm tính thiện lành, cho nhân gian reo ca vui vầy. Và chừng như hành giả cũng “trong mơ thấy ấm giọng cười” (1495) vì đã chuyển hóa được em. Vậy là công phu cũng chút nhiệm màu, trong lòng nở một đóa sen diệu thường.

Thịnh suy – suy thịnh, như vòng lò xo xoắn của xã hội mà thiện tri thức – hành giả thực chứng, ấy là thực thể của anh, của tôi trong xã hội hiện hữu. Chính vì vậy, bao giờ cũng chi phối trong ý thức nghiệp duyên của mỗi người, cùng theo nghiệp lực xã hội mà trôi theo dòng đời trong tri kiến ấy đã nhận ra:

“ngọn bút nào chỉ phù suy
báu đao nào chỉ mài vì thế nhân
đường gươm hào sảng trăng ngần
khoa tay chém hận, vung chân đạp xiềng” (1510)

“phải chi đừng chuyện đổi dời
phải chi thành tích đừng khơi điêu tàn” (1511)

Hành giả, kể cả tác giả Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, biết rằng khi quán chiếu sẽ nhận ra rằng ấy là nghiệp. Nếu người biết cách chuyển hóa thì đâu phải nhọc nhằn khốn khổ cho cả một cộng đồng lương dân để đến nỗi:

“phù sa cay mắt hải triều mặn môi
một lần thôi cũng đành thôi
tím xuôi theo nhớ, vàng trôi theo buồn” (1514)

Mong chỉ một lần thôi, một lần thôi nhé, mà sao mãi thôi thúc bước chân hành giả dạo khắp muôn phương mong đem lại sự bình an cho sự sống (nắng mưa) “núi dang tay đón nắng chiều” dù đã muộn màng, mặt trời ngã bóng về tây, hởi cố lý xa xăm còn nghe những bi thiết trong muôn trùng xa xôi vọng về chập chùng trong hờn xưa bát ngát “sáng kêu sương rụng – chiều gào mây giăng” (1518).

Và là kẻ lưu thân xứ người khác xa về lịch sử, cách sống, lẫn địa dư “quê cha sông rót biển đông/ đất người nước trổ ngược dòng về tây” (1353). Biết bao nỗi nhớ chập chùng thét gào không nguôi… nhưng thời gian đã xóa mờ vết sẹo, có lẽ đã quên từ dạo ấy, là người cầu đạo bèn bày hương án trang nghiêm thiền đường có trầm hương khói quyện mà đảnh lễ rằng:

“thiền đường khói quyện trầm vương
mời tình lên tiếng mở đường khai thông
hồng chung lay tỉnh ngọn nguồn
người nâng tay nhẹ thức chuông gia trì” (1525)

Bước chân muôn dặm tiếp bước hành trình trên vạn nẻo gian nan, rồi gặp phải đối đãi không như ý lại trách móc có khi đến đố kỵ “Em con bạch tuộc trăm vòi” hoặc “em loài cua chửa hai lòng” (1659) hay “đá xanh lệ ngấm chân cầu/ bóng câu mấy thuở mùa ngâu ngậm hờn” (1833)… ấy cũng là thường tình trong dặm dài bát ngát đường tu khi chưa đạt sự buông bỏ hoàn toàn cần thiết của chứng nghiệm, liễu ngộ.

Và từ đó ngược dòng thời gian “tìm về Linh thứu dấu chân/ nghìn năm diệt độ mê lầm chợt qua” (1672) để tự hỏi mình vì sao còn chưa tan mê lầm, phá chấp vọng niệm cứ hoài tụ tán triền miên và khi nhận ra: “bao nhiêu hẹn, bấy nhiêu thề/ bao cơn sốt giả, bấy mê tưởng lầm/ bao nhiêu thăng, bấy nhiêu trầm/ bao lòng gian dối, bấy tâm ê chề” (1761) mới thảng thốt hiểu rằng “chỉ có rừng chánh niệm” may ra giải quyết những phiền trược đầy rẫy trong thế gian dù ai thị hiện cũng phải đi trong cõi ta bà nầy và Võ Thạnh Văn cũng vậy.

Chẳng qua tác giả thực chứng đầy đặn sắc mùi dâu bể, hệ lụy thăng trầm… từ đó nghiệm suy để viết một trường ca lục bát dài và đặt là Kinh vô thường, chỉ là áng văn hay đẹp, hàm ý nêu tánh đạo nhiệm màu và chỉ có thời gian và độc giả mới có quyền định danh cho nó. Dù cho tác giả đã “vẹt mòn đôi giày hành giả để tìm hồng đào linh đan” cũng chưa thể tìm ra ngọn nguồn giải thoát (1842 – 1843). Đến lúc nhận ra được nụ cười hồn nhiên đôn hậu của tinh thể đạo mới thốt lên rằng:

“búp non chúm chím nụ cười
thịnh khai nghìn cánh mộng cưu mang đời” (1997)

Từ đấy, công án được khai mở. Hóa ra, khởi thủy của sự tìm đạo, mà từ lâu công phu tu tập trong gian nan ấy cũng được thật sự chuyển hóa nhiệm màu, lòng tịnh, tâm an không màng lợi, chẳng cầu danh mặc ai cứ trùng trùng mê đắm trong cõi tục lụy mà mình đã thị hiện, dự phần và như thế mới là ta bà xứ, riêng tác giả giờ này đã ngộ được đạo mầu vi diệu nên khoan thai, thong dong từng bước trong chánh niệm, nhẹ nhàng từng hơi thở an hòa thấm nhuần đạo vị:

“lánh đèn xanh, trốn bụi hồng
ngâm kinh vô tự, gom lòng vô thanh” (2003)

Hoặc:

“ai cầu danh, ai bán danh
ta lau tâm kiếm, đoạn ngành ngọn xưa” (2012)

Thôi, tất cả thị phi, lợi danh, còn mất, hơn thua, thương ghét, ân oán… đã quyết đoạn nghiệp từng ngành ngọn là lúc tâm bồ đề kiên cố, thanh tịnh tràn đầy. Lập tức trước mặt hiễn bày cái đang là lúc nào cũng an lạc sừng sững như tượng đài trong dòng dịch hóa vô thường. Nhìn đâu cũng thấy bình an vô sự, chơn tâm tự tánh bừng sáng giác tha, giác ngộ, giác từ bi.

Cảm ơn trần gian cho thi sĩ Võ Thạnh Văn làm hạt bụi trong suốt hành trình nhân gian đi từ cung lòng mẹ tinh khôi đến lúc khép lại một hành trình cát bụi, trong khổ thơ cuối cùng, của tác phẩm trường thi kinh:

“sắc – không – chân – giả – bóng – hình
cát: ân thiên hựu – bụi: tình khởi nguyên” (2500).

Ai hay hạt bụi ấy cũng có hành trình ít ra phản ảnh được sự trăn trở cựa mình thức giấc giữa càn khôn vũ trụ trong đại địa mênh mông của vô thường thị.

Thay lời kết bài viết cho trường thiên Kinh vô thường của thi sĩ họ Võ, tôi xin mượn lời của nhà nhận định văn học Ngô Nguyên Nghiễm: “Nhập thể vào chân tướng hữu vi, hóa thân kim cang dù tâm thức hay cho thơ cũng là bi trí dũng thuần thành của Phật tánh.” Như vậy cũng đã đủ đầy trước nhân gian đa lụy tầng tầng, khổ đau trùng điệp hầu mong cho người có duyên đọc cũng được hưng chấn an lạc tâm.

N.D.T 
Mạnh đông Kỷ hợi (2019)

* Ghi chú 1: Tác giả Võ Thạnh Văn, nhân dịp này, muốn bày tỏ tri ân đối với người bạn nhỏ, Bùi Le-Dung đã yểm trợ tinh thần và tài chánh, để bộ Kinh vô thường có mặt trên văn đàn và đến tay bằng hữu khắp nơi. (NDT)

* Ghi chú 2: Suốt 10 nghìn câu thơ lục bát, của 1500 trang sách, từ Cát bụi 1 đến Cát bụi 10, không chữ nào tác giả viết hoa. Có lẽ tác giả muốn diễn tả hình thức vô thường của con chữ, chỉ là phương tiện biểu đạt… (NDT)