PGS – TS. Lê Quốc Hán
(Nhân đọc tập sách Tiểu luận – phê bình Tình thơ bạn thơ của Nguyễn Văn Hòa, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020)
(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Nhân loại có nhiều tôn giáo lớn: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo… Mỗi tôn giáo đều sinh ra trong máu và nước mắt của những người tiên khởi, và trong quá trình truyền giáo và mở rộng giáo hội, không ít người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ cho niềm tin của cộng đồng. Người ta vinh danh họ là “Thánh tử đạo”. Theo dòng lịch sử, mỗi thời đại số tín đồ của mỗi tôn giáo đó “đông như kiến”, nhưng số “chân tín đồ” không nhiều, số tín đồ “đắc đạo” càng hiếm.
Tập sách Tình thơ bạn thơ của Nguyễn Văn Hòa
2. Tôi không biết ai là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “Tôn giáo Thi ca”. Nhưng cũng như các tôn giáo đã dẫn trên, Tôn giáo thi ca cũng đã phát sinh và phát triển trên sự dâng hiến đời mình của hàng trăm nghìn vị thánh tử vì đạo, và số tín đồ tôn giáo thi ca ngày nay nhiều như “cát sông Hằng”, nhưng số tín đồ thi ca đắc đạo có thể “đếm bằng mười ngón tay”.
3. Sáng nay, 6.6.2020 – ngày đẹp tháng đẹp năm đẹp – tôi nhận được cuốn sách rất đẹp “Tình Thơ Bạn Thơ – 36 khúc đò đưa” của một tâm hồn cũng rất đẹp là Nhà văn – Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa từ miền gió cát Phú Yên gửi tặng. Với anh, tôi chưa từng được diện kiến và trước đó chưa từng đọc tác phẩm hoàn chỉnh nào của anh, nhưng qua những gì đã đọc trên facebook, tôi cảm thấy anh là một người có tấm lòng nhân hậu, liên tài, luôn nâng niu yêu quý những thành quả dù rất nhỏ của các bạn văn chương mà không ít người anh chưa từng gặp mặt. anh quả là Chung Tử Kỳ của các Bá Nha thời nay vậy.
Qua những gì anh viết mà tôi đã đọc, tôi cũng linh cảm anh còn rất trẻ nhưng cuộc đời không mấy bằng phẳng. Và tối hôm trước, khi anh inbox hỏi tôi địa chỉ để anh gửi tặng sách, tôi đã gọi điện hỏi thăm một người bạn thơ mà trong thi tập đầu tay của cô ấy có in lời bạt của anh. Và người bạn thơ của tôi đã xác nhận linh cảm tôi hoàn toàn chính xác.
Tác giả Nguyễn Văn Hòa
- Vẫn biết: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”, nhưng không hiểu sao trong suốt buổi chiều hôm nay, Tôi cứ luẩn quẩn nghĩ về Thánh Anrê cùng quê với anh. Cách nay mấy năm, trong một chuyến “Hành hương theo dấu chân Hàn Mạc Tử” do Giáo phận Quy Nhơn tổ chức, chúng tôi đã đến Phú Yên quê anh và dừng chân viếng nhà thờ Mằng Lăng, một trong ba nhà thờ Công giáo được xây dựng đầu tiên ở Việt Nam. Nhà thờ Mằng Lăng còn được gọi là Đền thánh Anrê, vị thánh tử đạo đầu tiên và ít tuổi nhất trong Lịch sử Công giáo Việt Nam. Nơi đây còn lưu giữ bản in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Đức giám mục Alechxan De Ros. Phú Yên có nhiều cảnh đẹp, hiện có kỳ quan “Gềnh đá đĩa” đang thu hút hàng vạn khách du lịch đến tham quan. Phú Yên cũng gần “nhà thương Quy Hòa”, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử – người hiệp sĩ tiên phong của đạo quân Thánh giá – đã sống những ngày cuối cùng. Hàn từng cho rằng: Thiên Chúa đã dựng nên ba loài cao quý: Con người, Thiên Thần và Thi sĩ (!) . Tất cả, tất cả những ký ức ấy bất chợt hiện về khi tôi cầm trên tay cuốn sách của Hòa.
- Tác phẩm ”Tình thơ bạn thơ – 36 khúc đò đưa” Do “Tủ sách thơ” do nhóm Lý Phương Liên – Nguyễn Nguyên Bảy chủ trương. Sau “Lời thưa” của hai người là lời cám ơn: “Mười năm, từ 2001 – 2020, với 10 đầu sách Thơ Bạn Thơ (1-10), đã được xuất bản là bằng chứng về sức làm việc, lực yêu văn chương của Hòa Phú Yên, trong cuộc chơi văn chương sang trọng tâm hồn xứng đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ. Tập sách tiểu luận, phê bình “Tình thơ bạn thơ”, với 36 bài Đò đưa tác phẩm và tác giả thơ là bằng chứng tài hoa ghi văn triện Nguyễn Văn Hòa”.
Trong 36 người thơ được chọn bình ở cuốn sách này (12 nam, 24 nữ), có vài nhà thơ tôi đã từng gặp và quen thân (Bùi Kim Anh, Phan Thị Thanh Nhàn) một ít nhà thơ tôi đã đọc (Khánh Chi, Dư Thị Hoàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Thu Nguyệt, Lệ Thu, Thảo Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đinh Thị Thu Vân), còn lại tôi chưa may mắn được đọc thơ họ, thậm chí chưa từng được nghe danh. Nói điều này để biết sức đọc của một tác giả còn khá trẻ như Nguyễn Văn Hòa thật đáng nể.
Tôi hy vọng anh, 36 tác giả được chọn và nhóm chủ trương “Tủ sách Thơ bạn thơ” sớm đắc đạo trong cộng đồng Tôn giáo thi ca!
L.Q.H