(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc tập thơ Bóng Chiều Vàng, tập thơ mới nhất của Thiên Di trong tâm trạng hân hoan, không phải với tư cách của một nhà phê bình, mà với ánh mắt và tâm hồn của một người làm vườn giản dị.
Nhà thơ Thiên Di
Bởi như nhà thơ, nhà tư tưởng lỗi lạc người Mỹ Allen Ginsberg (1926 – 1997) từng có một phát biểu rất hình tượng về thế giới nội tâm, hay hơn thế, thế giới nội tâm của một nhà thơ: “Bên trong tất cả chúng ta đều là những đoá hướng dương vàng” – We’re all golden sunflowers inside-
Với tâm thế đó tôi dễ dàng thưởng thức và cảm nhận được toàn cảnh của tập thơ cùng thông điệp mà tác giả, ngay từ cổng vườn thơ, đã treo một bài thơ Ngỏ :
Ngỏ
Như cánh hoa vươn về ánh sáng
mở lòng mình đón nắng vào thơ
như suối sông xuôi về biển cả
mang theo bao kỷ niệm đôi bờ
Như áng mây theo ngày gió cuốn
tan thành mưa ngọt mát chồi xanh
như hạt bụi cũng dường lấp lánh
trôi vào dòng ánh sáng lung linh
Từ tàn than khơi lên ngọn lửa
cho thơ bay thắp những bình minh
Chỉ vậy thôi! Tập thơ muốn gởi Nắng vào thơ, gởi hy vọng vào những phận đời, gởi lửa cho những tâm hồn đơn lạnh, để cùng đi qua cát bụi. Cũng có nghĩa là gieo hạt yêu thương cho tình yêu, cho cuộc đời.
Đó là ước muốn của tác giả, nhưng có lẽ quý bạn đang thầm hỏi về tính khả thi của ước muốn đó?
Điều đó cũng khó lường, nhưng tôi nghĩ khả năng thành công là rất lớn, bởi người viết tập thơ này là Thiên Di, đã thành danh trên thi đàn Việt, trong nước và trên thế giới.
Cô không phải vận dụng những kỹ thuật thi ca gì cao siêu cả. Cũng không cố ý kết hợp những trường phái thơ khác nhau, để làm nên thơ mình. Cũng không nề hà về những thể thơ sử dụng.
Bởi thơ Thiên Di có môt điểm cực mạnh là chân thành và tự nhiên- những gì cô viết ra đều xuất phát từ trải nghiệm và cảm nhận từ trải nghiệm.
Quý vị có ngạc nhiên không, khi tôi biết những điều đó, trước hết, không phải qua thơ, mà qua những bài ký thấm đẫm triết lý nhân sinh của cô như Rừng Chảy Máu, Bên Dòng Sông, Tiếng Chim Hót Trên Cao, Người Hủi …
Tôi đã cảm nhận được những giọt nước mắt của tác giả rơi nhoè trên những trang viết, khi nói đến quê hương, đến tình yêu đất nước, những khổ nạn môi trường và những thân phận người…
Tôi có một kinh nghiệm là, những người nặng lòng với quê hương, đều có một tâm hồn tươi sáng, một tư duy mẫn tiệp và chân thành.
Nói về thân phận người, ta tìm thấy qua bài thơ Gánh Hàng Rong:
Gió tháng giêng chạy dài con hẻm vắng
Vài bụi mưa vương lạnh dáng ai gầy
Tiếng rao buồn trôi cuối ngõ heo may
Người đàn bà gánh bốn mùa qua phố
Chỉ vài nét phác vậy thôi mà tím cả lòng người đọc. Bởi ai cũng đều thấy trong thơ, không chỉ là người đàn bà – mà là Người Mẹ của chúng ta!
Nói về thân phận tình yêu, có bài Cánh Chim Cô Đơn :
Đêm lặng nghe giọt thời gian đang khóc
giữa em và anh là những lũng sầu
Hay đôi dòng tâm sự đẫm nước mắt, trong Quên:
những giọt sương như lời nguyện cầu
bầu trời dâng cho đêm tối
em có lỗi gì khi yêu anh?
em có lỗi gì khi quên anh?
Hay sự tuyệt vọng lặng lẽ trong bài Niệm Khúc :
không còn em
không còn anh
không còn đường về
nơi mùa xuân xưa cũ
chỉ còn đom đóm xanh xao
và:
Kỷ niệm đã khô mùa lá dội
cơn mưa nhỏ làm sao tưới nổi
kỷ niệm như
cây chết giữa mùa đông
Bìa Tập thơ Bóng Chiều Vàng
Với một Thiên Di đã xuất hiện trong những tập thơ đã qua như vậy, thì quý vị hẳn đã dự đoán trước những đoá hoa thơ trong Bóng Chiều Vàng sẽ đem đến cho tâm hồn mình những giây phút cũng hoá thành Thơ!
Cấu trúc tập thơ gồm 2 phần. Phần đầu gồm 18 bài thơ tình, đánh số từ 1 đến 18. Phần sau gồm 57 bài thơ lẻ. Chỉ là vậy thôi, nhưng cũng đủ màu sắc, đủ cung bậc và ly kỳ như một cuốn tiểu thuyết – bởi thơ Thiên Di luôn có sự liên thông và kết nối giữa các chủ đề, và đôi khi giữa những bài thơ!
Ta vẫn gặp những dòng thơ triết lý nhẹ nhàng :
Có chiếc lồng son nào nhốt được chim xanh
và gió lộng
Có chiếc lồng son nào giữ mây trắng lang thang
Và em
Và anh
Có thể nào
Dù cô đơn chẳng thể bỏ ước vọng của ngày mai
(Bài thơ tình thứ 13)
Hay man mác nỗi buồn:
Đuổi theo gió, làn sương mai
ngỡ mình hoa nở trên tay người cầm
( Bài thơ tình thứ 18)
Hay nỗi cô đơn:
Trong thăm thẳm bước chân của gió
Nhờ hư vô dấu một mùa hương…
(Mưa Hoàng Hôn)
Và ngậm ngùi:
Câu ca dài chứa chất nỗi niềm
Chạm bóng tối hư vô chạm điều không thể…
(Câu Ca Dạt Từ Dĩ Vãng)
Rồi tự nhủ :
Ừ nhỉ có chi là mãi mãi
Tiếc gì hương cũ đã xanh xao
(Nhủ Lòng)
Và thắp lên hy vọng:
Mai quay lại tìm nhau
thì nắng chiều
đã tắt
Hàng me còn xanh mướt
như ngày anh đón em
(Sài Gòn Riêng Em)
Và…..
Năm xưa nhạc sỹ Trần Trịnh (1937 – 2012) viết bài Lệ Đá nói về một thân phận người, một cánh chim cô đơn, qua những ca từ tuyệt đỉnh:
Thuở ấy tôi như con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn bay trong chiều vàng
Tôi tưởng như cánh chim cô đơn đó là nàng thơ Thiên Di, đang bay đi trong chiều vàng đó, nhưng với một sứ mạng thắp nắng cho đời!
Như cánh hoa vươn về ánh sáng
mở lòng mình đón nắng vào thơ
như suối sông xuôi về biển cả
mang theo bao kỷ niệm đôi bờ
(Ngỏ)
Bởi trong tâm hồn nàng là những đoá hướng dương- như Allen Ginsberg đã nói!
- TS Nguyễn Đại Hoàng