Đọc tác phẩm ‘Cỏ hồi xuân’ của Đỗ Mạnh Hùng

886

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Người tìm được niềm vui sướng cao quý từ những cảm xúc của thi ca là thi nhân thực thụ, cho dù anh ta không viết được dòng thơ nào trong cả cuộc đời” (George Sand). Và đây, tác giả tập thơ Cỏ hồi xuân bộc bạch: “Thưa bạn đọc! Tập thơ nhỏ của tôi đang nằm trên tay bạn. Đó thực sự là niềm hạnh phúc của tôi! Và nếu như qua cả tập thơ nhỏ này, chỉ cần được một bài, thậm chí một câu thôi được bạn đọc yêu thích thì đó cũng là sự toại nguyện của tôi rồi”. Nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng đã viết với tâm thế vững vàng mà khiêm cung như vậy trong lời cảm tạ ở phần cuối tập thơ của ông. Tư tưởng lớn gặp nhau, dù họ ở hai phương đông tây cách biệt.

Tôi vô cùng thú vị với sự phát hiện này sau khi đọc đến những trang cuối Cỏ hồi xuân (NXB HNV. 2010) mà nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng đã ưu ái gởi tặng. Tập thơ bìa cứng, trình bày đẹp, in ấn trang nhã, bao gồm 90 bài thơ, đủ các thể loại với bút pháp truyền thống cổ điển, thi ngôn dung dị tao nhã, tạo cảm giác tin cậy và sự trân trọng khi thưởng ngoạn thơ ca xuất phát từ niềm đam mê vô bờ của ông.

Giữa đời thường, nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng là một con người giản dị, chất phác. Tính cách ông thể hiện ở triết lí sống xuyên suốt trong tác phẩm Cỏ hồi xuân, mang tính nhân văn sâu sắc. Trước hết là niềm tin, là sự tôn trọng và biết ơn tầng lớp bình dân trong xã hội, ông yêu mến ẩn dụ nhân dân là ngọn cỏ xanh dẻo dai với sức sống diệu kì:

Bước đầu đời mẹ dắt ta trên cỏ
Đến suốt đời cỏ vẫn đỡ ta đi
Khi hóa thân cỏ về làm đất
Để nên đồng nên bãi mỡ mầu kia… (“Cỏ”, tr 82)

Ông thấy được sức mạnh phi thường và tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc qua hình ảnh thảm cỏ xanh với sức sống bền bỉ bằng những câu thơ giản dị mà thâm thúy, chất ngất niềm tin:

Trên đất mẹ có nơi nào không cỏ
Tự muôn đời và vĩnh viễn mai sau
Đầu tiên cỏ và tận cùng là cỏ
Sống hồn nhiên xanh biếc một màu (“Cỏ”, tr 83)

Triết lý sống của nhà thơ vô cùng đơn giản, chúng ta hãy nghe ông tâm sự khi nhìn các chậu cây cảnh “tưởng cao quý Quân tùng, La hán”, phải chăng, thơ là người, là chính tâm hồn ông:

Thèm làm cỏ thênh thang trời đất
Vạn lần hơn đôn sứ ang sành (“Cây cảnh”, tr 51)

Thơ ông già dặn, đằng sau ẩn chứa vô vàn suy tưởng, ông để dành cho độc giả cùng thưởng ngoạn, thả hồn cùng ông. Theo nhận định của tôi, ý tưởng chủ đạo của Cỏ hồi xuân vẫn là những cảm xúc tuyệt vời trong trái tim lãng mạn, luôn xao động bềnh bồng trước cái đẹp, trước hoàn cảnh và cảm xúc của nhân vật trữ tình mà ông bắt gặp. Trái tim của nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng trọn vẹn là “trái tim yêu”. Ông lãng mạn đến từng chữ một trong việc định nghĩa niềm đam mê của mình, như một thông điệp dịu dàng gởi đến bạn bè muôn phương:

Trái tim không già, tim đâu có tuổi
Tim yêu thương đến buổi tận cùng
Tim còn giữ giọt máu hồng
Tim ngân vang nhịp cuối cùng: Tình Yêu. (“Trái tim yêu”, tr 7)

Vâng, tình yêu trong thơ Đổ Mạnh Hùng trước hết là tình yêu thiên nhiên hoa lá bốn mùa, ông trải lòng cùng xuân thu nhị kì đầy ắp khát vọng, những câu thơ lóng lánh “bảy sắc cầu vồng”, với một trái tim thiết tha rộng mở đón đợi trời đất tỏa hương:

Phải chi ta là hạt sương kia
Mê ly ngủ quên đời trong cánh
Đợi lung linh, lung linh mai nắng
Bảy sắc cầu vồng óng ánh cùng hoa.
Hồn nhiên yêu như ong bướm yêu hoa
Mây yêu trời cao, diều chao yêu gió
Quỳnh hoa yêu trăng, xuân yêu hoa cỏ
Hoa dương yêu ngã hướng mặt trời… (“Hoa hồng – giọt sương”. Tr 24)

Tôi thực sự cảm nhận được sự tinh tế trong tâm hồn ông, chất thơ tỏa hương ngào ngạt như một khu vườn đầy hoa lay động khoe sắc. Không có một tình yêu thiên nhiên bao la, không thể nào viết nên những dòng thơ như thế. Tình yêu thương con người, nhất là tình cảm lứa đôi trong trái tim thi nhân càng sâu đậm, chất chứa khát vọng nhân bản, tự do. Những phút giây hạnh ngộ trong đời ông là những khoảnh khắc quý báu, khi trái tim rung lên nhịp điệu bất tận của yêu đương nồng cháy. Ta liên tưởng đến những vần thơ tình của Puskin, Xuân Diệu, Khalik Gibrant:

Cùng vội vã sợ vầng trăng trôi mất
Sao xa xăm lạc đáy mắt dập dờn
Môi tơ mềm run rẩy đón mưa hôn
Mi dịu khép trôi miền vô thực
Thuyền tạo hóa buồn căng rạo rực
Gió ái ân vút tột đỉnh chưa từng… (“Khoảnh khắc”, tr 24)

Ngôn ngữ thơ của nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng trong giây phút thiêng liêng ấy như mật ngôn khắc trên đền đài tình ái, đó là hơi thở diệu kì của khoảnh khắc âm dương giao hòa, là tài năng khắc họa tuyệt mỹ nét đẹp của tạo hóa, của Ađam và Eva trong vườn địa đàng. Tôi đi cùng ông trở về miền ấu thơ, nơi mà thi ngôn vụng dại không hề che dấu nét thơ ngây của chàng thiếu niên và người bạn gái nhỏ năm xưa năm xưa:

Cho ta về lại tuổi ấu thơ
Thẹn quá đi thôi, rõ dại khờ
Thân gái chín mười trần như nhộng
Vú chúm núm cau tắm tỉnh bơ.

Không ai đỏ mặt cả với sự chân thành đến chân tơ kẻ tóc của những câu thơ hoài niệm thuở tóc còn để chỏm tuyệt đẹp của thi nhân.

Thời gian trôi nhanh, hình như hai đứa trẻ ấy lớn lên rồi yêu nhau, bao nhiêu lần hẹn hò gặp gỡ là bấy nhiêu lần trái tim mong manh của thi nhân run rẩy, sợ tình yêu như sương khói tan đi, như nhà thơ Nguyên Sa: “Gặp một bửa anh lại mừng một bửa/ Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn”, theo tôi, nhà thơ Đổ Mạnh Hùng giản dị mà thiết tha hơn thế nữa:

Có nụ cười đôi môi héo hắt
Có niềm vui nước mắt lại rơi
Đừng nhạo anh! Anh van em đấy
Quá lòng mừng được gặp em thôi! (“Cuộn theo anh với”, tr 30)

Chính vì thế mà tình yêu trong trái tim ông luôn là niềm thắc thỏm lo âu, sợ một ngày kia tình ai kia phai nhạt, ông van lơn với nụ tình:

Xin nguồn em vô cùng vô tận
Dâng vô biến mấp mé bến bờ
Mây ghé soi gương trăng sao tắm gội
Những cánh buồm trôi tựa trong mơ.

Rồi nhân tình hứa hẹn với tình nhân, như lời thề nguyện ngàn năm mãi dạt dào. Trái tim tôi thực sự thổn thức với nỗi lòng của chàng trai đang yêu say đắm:

Xin nguồn em dạt dào năm tháng
Cho sông anh lai láng bến bờ
Nguồn đổ bao nhiêu sông nhận cả
Chưa, sông chưa phụ lỗi bao giờ.

Vậy mà trời cao không thấu, (tôi không dám tin họ mất nhau), chắc hẳn trong đớn đau tuyệt vọng, nhà thơ không dám đối mặt với người yêu trong giây phút chia tay, những mảnh hoang tàn của trái tim ông ghép lại trở thành bài tình thơ bất tử:

Về đi em! Về đi em… đành vậy
Tình nặng sâu không kênh nỗi duyên phần
Đưa em qua sông, đưa em qua suối
Không đưa khỏi lòng nổi nửa bàn chân (“Đưa em”. Tr 29)

Và, thơ một lần nữa chứng nhân cho lòng chung thủy sắt son, ông thề nguyện với nàng:

Lỡ mai cao xanh gió gọi
Không gì hối tiếc về nhau
Một lời có trời chứng giám
Làm người yêu lại kiếp sau. (“Từ độ”. Tr 39)

Hạnh phúc không ngoảnh mặt với một tâm hồn đôn hậu, cuối cùng, ông đón nhận người mình yêu trở về trong căn nhà hạnh phúc, và trong trái tim biết ơn của ông là hình ảnh hai người đàn bà, đã cho ông biết thế nào là yêu thương, nâng cánh cho ông bay cao giữa cuộc đời:

Mẹ xưa đồng quá tấm bánh
Em giờ canh ngọt cơm mềm
Mẹ xưa quạt nồng ấp lạnh
Em giờ chăn ấm gối êm
Mới hay anh hùng hào kiệt
Một vòng tay mẹ, tay em…! (“Mẹ và em”, tr 67)

Không sử dụng nhiều diệu ngôn mỹ ngữ, đây chỉ là tấm chân tình, mà sao nó len lỏi vào trái tim tôi sâu đậm đến thế. Bên cạnh những bài thơ tình đong đầy cảm xúc, Cỏ hồi xuân của nhà thơ Đỗ Mạnh Hùng còn đậm đặc những vần thơ viết về quê hương bầu bạn, những vần thơ tinh khôi bay bổng từ những phút thăng hoa trong tâm hồn thi sĩ. Chừng đó cảm nhận của tôi chắc hẳn không thể nào nói hết những nét đẹp trong thơ ông. Tôi chỉ đi tìm cái đẹp trong thơ bạn bè, bông hoa nào cũng có linh hồn của nó dù là một nhành cỏ dại ven đường.

Ai yêu mến thơ ông hãy tìm đến, trao gởi chút tình, đàm đạo một đôi câu, thẩm một ý thơ sâu lắng. Tôi tin, mọi tấm lòng trân trọng thi ca đều sẽ trở thành bạn tri âm trong đời. Rất mong ông tiếp tục cho ra đời những vần thơ đẹp, góp một bông hoa thắm, một thảm cỏ xanh cho đời như ông mơ ước. Và tôi tin rằng, Cỏ hồi xuân ngàn năm trong tâm hồn ông!

Bà Rịa, 8/10/2020

N.B