Đọc tác phẩm Ngày không gió – Bài của Nguyên Bình

1342

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày không gió nắng không về bên cửa/ Có một người đem nỗi nhớ ra phơi (Thụy Sơn)

Nhà thơ Thụy Sơn

Xây dựng chân dung văn học một nhà thơ đòi hỏi phải tiếp cận tác phẩm, thân thế tác giả xuyên suốt quá trình sáng tác, đồng thời không thể bỏ qua sự tác động của những biến chuyển phức tạp của đời sống xã hội và những khuynh hướng văn học nghệ thuật của thời kỳ mà nhà thơ đang sống và đang viết.

Thụy Sơn sinh ra và lớn lên ở miền đất hội tụ nhiều hào kiệt, văn nhân thi sĩ. Đó là “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Nhà thơ trưởng thành và sáng tác vào đúng thời kỳ văn chương cả nước như một vườn thơ nở rộ. Sau hai tác phẩm: Như hạt bụi đam mê (2017) Trầm Tích (2019), NGÀY KHÔNG GIÓ (2023) là tác phẩm thứ ba, đánh dấu và khẳng định phong cách, bút pháp, tư tưởng của một người làm thơ nghiêm cẩn, đầy tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo và bản lĩnh. Theo tôi NGÀY KHÔNG GIÓ là thi tập đậm chất nhân bản, liên kết cảm xúc với suy tưởng mang tính thiền luận, hàm chứa tư tưởng Phật giáo.

Nhìn chung, với đề tài trải rộng nhiều lĩnh vực, cảm thức bất tận, suy tưởng độc lập cộng với bút pháp tài hoa, sử dụng nhiều thể loại thơ, ngôn ngữ thơ đan xen nhuần nhị giữa kiến văn hiện đại và cổ điển, điều đó nói lên Thụy Sơn sáng tác Ngày Không Gió với tâm thức thơ đã được định hình, ta ít bắt gặp những cảm xúc vu vơ bất chợt. Bài thơ “Xin Làm Người Thắp Nến” được tác giả đặt ở đầu tập sách, chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên:

Người đàn bà

xin làm người thắp nến

Lửa nhóm trong thơ

huyết lệ tâm hồn

(Xin Làm Người Thắp Nến)

Đó là một tuyên ngôn. Phải chăng, theo Thụy Sơn , thơ là giọt máu ứa từ khóe mắt, thơ là ánh sáng thiên hà đăng quang, là ánh nến huyền diệu soi tỏ hành trình quán tưởng tự thân. Với nhà thơ, dù đời có bể dâu thì thi nhân cũng hòa mình vào hoa cỏ để sống cùng, nhìn ngắm hương vị của đất trời bằng thái độ an nhiên tự tại. Bởi khi hơi thở thi nhân đã hòa quyện với hương của thiên nhiên, tâm hồn nhẹ hẫng bềnh bồng “dịu dàng nhìn mây trôi” thì chính lòng ta vừa uống cạn chén hoang nhiên, thân tâm không còn vướng bận:

Ngày… trả hương cho đất

Ngày… trả gió cho trời

Trả đời nhau sau trước

Dịu dàng nhìn mây trôi.

(Đoản Khúc Cho Một Ngày)

Khi thi nhân nhắm mắt quán tưởng “Đêm ta là thác đổ” thì sá gì phong ba bão tố, để nếu có một NGÀY KHÔNG GIÓ, nắng không về, ta đủng đỉnh “đem nỗi nhớ ra phơi”:

Đời đã lạnh

sá chi chiều bão tuyết

Lòng quá giang

con sóng cũng thác ghềnh

Ngày không gió

nắng không về bên cửa

Có một người

đem nỗi nhớ ra phơi

(Ngày không gió)

Tư tưởng Phật giáo tiềm tàng trong tâm thức và luôn ẩn hiện trên những trang viết của nhà thơ. Chừng như tâm cảm thơ Thụy Sơn tuôn chảy từ suối nguồn tâm thức Bát Nhã, Hoa Nghiêm. Ở đó, thơ và đời với chị như một trang kinh, không hề thở than yếm thế. Bóng tối và ánh sáng chờ nhau, mà uyên áo hơn “không chờ ta vẫn đến” giữa những sát na hư huyễn, sắc không là không sắc. Tôi thật sự tâm đắc với bốn câu thơ, cũng như tôi hiểu được tâm ý thi nhân khi Thụy Sơn trả lời tôi: “tâm là vạn pháp, còn nhục thân sẽ rã mục”.

Bóng tối chờ ánh sáng

Đền thiêng chờ khói nhang

Không chờ ta vẫn đến

Giữa đời nhau vô thường

(Đêm Chảy Tràn Qua Đêm)

Thiền luận là mảng thơ xuất hiện với tần suất khá cao trong thi tập Ngày Không Gió. Thụy Sơn nhìn những biến chuyển xoay vần của tạo hóa từ những nhân duyên giao hòa trong vũ trụ với sự có mặt của vô thường như một tồn tại vĩnh cữu. Ở những bài thơ này, nhà thơ sử dụng thi ngôn cổ điển khiến cho hơi thở thơ thơm ngát hương vị thiền môn, không gian thơ trở nên bàng bạc sương khói trong cảnh giới mông lung sâu thẳm:

Hồng hoang

lạc xuống trần duyên

Đi tìm một nửa

sông thiền lội qua

Đò ai cuối bến giang hà

Trăm năm đứng đợi bóng tà huy trôi

(Sương Khuê)

Và, như tôi đã nói, Thụy Sơn liên kết nhuần nhị ngôn ngữ hiện đại vào trong thể thơ cổ điển, làm chủ mảnh đất màu mỡ để vun trồng những đóa hoa tâm với nhân sinh và vũ trụ quan hình thành trong tư tưởng để khi mở lòng thì phát tiết thiền thi:

Kìa! Mưa tạm trú bờ môi

Kìa! Trăng hôn phối trong đôi mắt đầy

Gởi lòng theo ngọn heo may

Tan trong vũ trụ phút giây nhiệm mầu

(Hiện Thực)

Ngay cả cái chết cũng chỉ là phút giây mầu nhiệm của tồn tại vĩnh hằng, một cuộc chia tay không vướng bận, một sự trở về an nhiên:

Có nhánh sông

vừa về biển cả

Dòng nhẹ tênh

ngày tan cuộc phù Vân

Có chiếc lá

đêm qua thành thiên cổ

Dưới cội già

trăng ngồi chít khăn tang

(Tan Cuộc Phù Vân)

Những thi ảnh độc đáo cũng được nhà thơ khắc họa đậm nét, nhất là với thể thơ ngũ ngôn. Bốn câu thơ trích dẫn dưới đây tôi xin mạn phép miễn luận bàn. Theo tôi, nó đã là tranh, định hình một thi tài:

Người vẽ sông người trôi

Những nhánh buồn lơ đãng

Con đò chiều mắc cạn

Nằm trơ cuối dòng đau

(Rừng Phong Đêm Thác Đổ)

Tinh thần nhân văn chảy suốt chiều dài cuộc hành hương của suy tưởng. Đó là sự cảm thông khi nhìn những phận đời, đó là đồng cảm cùng những nỗi đau tận cùng trong tâm khảm nhân vật trữ tình, đó là khoan hòa trước những biến động đau thương của cuộc sống: “Chiếc khăn choàng bay về phía gió xổ tung/Người đàn bà cặm cụi ngồi nhặt từng sợi ký ức đêm ba mươi đời mình cất vào túi áo/Bên vệ đường/ Mimosa đang ngủ cựa mình”. Nhà thơ chia sẻ nỗi buồn vạn kiếp của thân phận góa bụa cô đơn như chính lòng mình đang đau đáu: “Đêm/Nỗi nhớ cong vênh/Cơn khát hạnh phúc phủ chụp cháy khô vòm cổ/Đưa tay níu. sợi buồn làm tổ/Con nhện cô đơn/giăng cửi một khung sầu/Con thằn lằn độc thoại niềm đau”. Nhà thơ quan tâm chia sẻ với cả nhân loại nỗi đau thế kỷ vì đại dịch cô vít: “Sài Gòn bão dông/ đất trời vần vũ /Lòng ta cơn mưa đi về phương ấy”. Và đây là những câu thơ biết khóc: “những câu thơ bỗng cựa mình/ đêm trắng /Lột xác nỗi buồn/ thế kỷ một cơn đau /Xin đừng khóc/ kiếp người mang phận cỏ/ Cuộc đi về / trong chiếc áo nhị nguyên” Hay khi Thụy Sơn ứa lệ với những mất mát đau thương của cuộc chiến tàn khốc mà nhân dân Ukraina gánh chịu với tinh thần trách nhiệm của một người cầm bút: “Có tiếng nấc/ từ bầy chim sẻ lạc /Bỏ phố về rừng/ từ buổi can qua/Thương cọng lúa non/ oằn mình chín vội /Mai sa trường/ thiếu phụ hoá chinh phu” .

Ai cũng có một thời từng là thiếu nữ tóc thề chấm vai, ai cũng có một thời nữ sinh áo trắng qua cầu, hoài niệm trong thơ Thụy Sơn đưa ta trở lại với thời hoa mộng lung linh huyền hoặc. Ôi những trang viết về thời hoa niên dịu dàng quá đỗi: “Mai về/tắm giặt trên sông cũ/Lòng nhớ/lở bồi phía bãi xa/Áo trắng vạt dài/mây khói trắng/Dịu dàng em/thuở ấy mười ba” (Vẫn Dịu Dàng Xưa). Hoặc khi thi sĩ trở về với mái trường xưa với cảm xúc đẹp vô ngần:

Mai rồi

hoàng hạc lặng im

Trên đồi cỏ

một màu sim tím… chờ

Về trường

rung lại tiếng tơ

Yêu thương

là một bài thơ không đề.

(Bài thơ không đề.)

Tôi thực sự tiếc nuối khi khép lại bản thảo tập thơ. Với hơn 200 trang, Ngày Không Gió là tập thơ đầy đặn, mỗi bài thơ ẩn chứa hương vị riêng trong cảm thức thơ ứa tràn như dòng nhựa nguyên bất tận của đất trời nuôi dưỡng cây đời nở hoa.

Ngoài thơ, Thụy Sơn còn ưu ái đưa vào tác phẩm của mình những bài viết của một vài tác giả , tôi nghĩ họ là những người lữ khách tình cờ đi ngang và dừng lại chiêm nghiệm trước vẻ đẹp ngôn ngữ và cảm xúc của thi ca về một bài thơ mà họ bất chợt khám phá trong khu vườn thơ của một người đàn bà đang “giẫm bóng đi về phía ngày không gió…”

Để kết thúc bài viết, theo tôi, Ngày Không Gió như là một đại diện cho chân dung văn học lấp lánh ánh sáng văn chương của một tâm hồn mẫn cảm với thi ca, một tính cách khoan hòa thầm lặng.

Mến chúc Thụy Sơn thành công và tiếp tục hành trình trên con đường sáng tác dẫu như nhà thơ Hồ Sĩ Bình đã nói “dù biết rằng với nghệ thuật là đường đi không bao giờ tới đích…”

Bà Rịa, ngày 9/5/2023

          Nguyên Bình