Đọc tác phẩm ‘Trang đời’ của nhà thơ Trần Hà

846

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nẻo đi về của đời người là một cuộc hành hương… Tác phẩm thứ X của nhà thơ Trần Hà đến với tôi trong một sớm đầu thu. Là một nhà giáo, nhà thơ, nghiệp văn cột chặt đời ông với chữ nghĩa, món ăn tinh thần mà ông tiếp cận hằng ngày là văn chương đông tây kim cổ. Bằng một tình yêu thơ ca sâu đậm kết hợp với nhân sinh quan rộng mở, với vốn liếng tri thức sâu rộng, ông viết như thở cùng, sống cùng, đau cùng và thăng hoa cùng với những trang thơ. Tập thơ Trang đời của NXB Nghệ An 2020 nói lên điều đó…

Ngôn ngữ thơ Trần Hà trong tác phẩm Trang đời là sự kết hợp của giọng thơ trữ tình đời thường, đỉnh đạt, điểm xuyết bút pháp bi hài, bao hàm tính triết lý, đậm đà văn hoá, tâm hồn Việt. Ông trung thành với thể thơ truyền thống, thơ tự do, cảm quan hiện thực, phần lớn là thơ có vần điệu.

Trang đời mở ra với vô vàn phức cảm, nhà thơ chà xát và nhận diện cuộc sống qua nhiều giai đoạn biến chuyển lịch sử, xã hội xoay vần, do vậy tập thơ là một phức hợp những phản ánh đời thường gắn liền với cuộc đời tác giả, xuyên suốt quá trình sáng tác, những thời khắc sống, làm việc và trăn trở, suy tư với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Tuổi đời ông đi qua suốt cuộc chiến tranh, rồi hòa bình thống nhất, từng mảnh vụn Trang đời của nhà thơ chất chứa những băn khoăn chưa có lời giải, dù giờ đây khi cho ra đời tác phẩm, nhà thơ đã ở “tuổi thất thập cổ lai hy”:

Lật giở trang ngày, trang tháng, trang năm
Bao ly loạn giữa cuộc đời dâu bể
Đọc cho ai, để rồi ai kể
Tiểu thuyết đời mình những năm tháng chiến tranh.

Bài thơ chủ đề của một tập thơ bát ngát nỗi niềm, chắt lọc bao suy tư, những khóc cười nhân thế, thể hiện tình yêu thương, nỗi đau đời canh cánh bên lòng của bậc trí giả vùng đất địa linh nhân kiệt, Nghệ An quê ông. Tuổi thơ nhà thơ Trần Hà lận đận với bao nhọc nhằn vất vả của mẹ cha, dấu ấn khắc sâu mà đằm thắm trong tâm hồn ông là tình yêu bao la của cha mẹ, những câu thơ như lớn lên cùng bước chân xuôi ngược chai sần, lắng sâu cùng lời ru của mẹ, những nhọc nhằn của cha, trái tim ông quặn đau xé ruột gan, để thi ngôn bật ra chân thực như từng giọt mồ hôi lăn dài trên lưng mẹ hiền:

Hun hút bờ đê
Nắng trải trưa hè rát bỏng
Mồ hôi mẹ rơi trên ruộng cày
Làm nên hạt gạo
Mồ hôi mẹ
Thấm vào áo
Thấm vào người
Thành nỗi buồn muôn thuở
Thành lời ru khô gầy (Mẹ, tr 87)

Hình ảnh của người cha một nắng hai sương, thầm lặng hy sinh, lam lũ cực nhọc nhưng luôn “gieo vào lòng con bao chuyện cổ tích trong vắt” bồi đắp cho tâm hồn ông đầy đặn khí chất thuần phát để mai này khôn lớn mang khát vọng dấn bước vào đời:

Tuổi thơ theo cha ra đồng
Cấy cày, gieo hạt
Cha gieo vào lòng con bao chuyện cổ tích trong vắt
Sao đời cha ngập tràn vất vả khó khăn. (Ngày sang cát cho cha, tr 92)

Lòng biết ơn và ý thức về bổn phận làm con hiếu thảo luôn là tia nắng ấm trong tâm hồn Việt, vì thế, thơ ông ngập tràn tình cảm dành cho ông bà tổ tiên cha mẹ. Tình chảy thành thơ, thơ chảy vào tim độc giả bằng những vần lục bát dân dã mà đậm đà truyền thống, ý vị, phảng phất hơi hướng ca dao:

Con đi suốt cuộc trường chinh
Trắng tóc cha mẹ quên mình vì con
Suối nguồn và núi Thái Sơn
Làm sao sánh được công ơn của người. (Hồn quê, tr 98)

Hành trang đạo lí đong đầy trong tâm hồn, ông dấn bước vào cuộc đời dâu bể. Cuộc sống dù có tốt đẹp đến đâu cũng luôn để lại trong ta những trăn trở, hoài nghi. Nhà thơ Trần Hà cũng vậy, lí tưởng ông ôm ấp và hiện thực cuộc sống quanh ông luôn mâu thuẫn, nhà thơ chỉ biết băn khoăn rồi tự trả lời cho chính lòng mình:

Lí tưởng trong sáng ngọc ngà
Cớ sao hiện thực lại là tối tăm
Cuộc đời được mấy mươi năm
Chân thành là trọng, giối gian làm gì. (Còn chi, tr 17)

Trải nghiệm cuộc đời bằng những chà xát đớn đau, những mất còn phù du mà ông từng chứng kiến và nếm trải, trong tâm thức nhà thơ sớm định hình một nhãn quan bao dung, tâm thế khoan hòa, pha chút bi hài trong cuộc trăm năm:

Bao nhiêu khóc, bấy nhiêu cười
Biết ai xuống đất lên trời mà vui
Mỗi người riêng một cuộc chơi
Lăn lóc khắp giữa trò đời nhiễu nhương.

Với tâm thế của một nhà giáo ưu thời mẫn thế, một người từng trải mặn nhạt chua cay, với ông nụ cười là tiếng khóc không lệ, và nước mắt đôi khi là những hạt sương lóng lánh lòng nhân ái, khiêm cung:

Hai mươi chín chữ cái
Chứa hết cả kiến thức nhân loại
Một đời học hành bươn chải
Tự thấy mình ôm không hết chữ ngờ. ( Chữ ngờ. tr 32)

Am hiểu sâu sắc để thấu cảm những góc khuất của tâm lý con người, hiểu lẽ biến chuyển vận động không ngừng nghỉ của thiên nhiên vạn vật, trong thơ ông bàng bạc chất triết luận về sự tồn tại của bản ngã, của tự nhiên. Ông lí giải tiếng “con họa mi hót véo von trong lồng” hết sức nhẹ nhàng mà thâm thúy:

Con họa mi hót véo von trong lòng
Nó hót những gì hỏi ai biết được
Nó hót như ở giữa cao xanh, không có cái lồng son ràng buộc.
Thời gian đằng đẳng, không gian mênh mông. (Tự hỏi. tr 30)

Nhận thức nẻo đi về của đời người là một cuộc hành hương với những số phận treo lững lơ trên đầu, dẫu có lặn lội kiếm tìm bao nhiêu cũng không thể qua hết chiếc cầu vô định, nhà thơ thả bút:

Ngược xuôi miền thương nhớ
Ai biết ai hành hương
Hết thảy mọi con đường
Không có con đường nào là tận cùng… (Hành hương, tr 39)

Chiêm nghiệm tình người tình đời giữa thời buổi kinh tế thị trường bon chen, ông nhận diện cái ác, cái xấu xảy ra quanh mình và lên tiếng cảnh tỉnh: “Các triều vua bây giờ không còn nữa/Liệu Hòa đại nhân có còn?. Ông hỏi và để cho bạn đọc tự trả lời. Nhìn đám người khoa trương hãnh tiến, huênh hoang ăn to nói lớn mà cái bụng rỗng không, nhà thơ cười mà như khóc: “Điếc không nghe gì cả/ Chỉ có điều rất lạ/ Điếc hay nói nhiều”. Ông cười mũi bọn nịnh hót, luồn cúi, quý mọp dưới chân quan lớn, sâu cay mà hài hước: “Giữa cõi trần ai/Nếu biết quỳ cúi/Xương sống, đầu gối/ Chẳng bao giờ đau”.

Trên hành trình chông gai đi về phía hoàng hôn, với tinh thần Á đông trọng nhân nghĩa, ông xẻ chia tâm tư mình với bạn bè trang lứa, với bao thi hữu xa xôi chưa hề chạm mặt, tất cả được ông viết thành thơ với tấm lòng đôn hậu, gần gũi, ấm áp tình người, ông khóc bạn với tiếng khóc không thành lệ, tiếng lòng ông chảy xuống trang giấy thành những vần thơ:

Anh như bầu rượu
Không ai uống một mình
Có anh
Là bạn bè đông vui cùng anh nâng chén
Người thơ không bao giờ lỗi hẹn
Sao anh dừng cuộc chơi (Nhớ anh Nguyễn Trọng Tạo. tr 44)

Tác giả bài viết này (Nguyên Bình) cũng hân hạnh được ông nhớ đến, như một gã viết tình thơ lãng tử, khúc thơ sao mà da diết chạnh lòng:

Nơi viễn xứ giọt sầu rơi tí tách
Chút duyên thơ ngơ ngẩn lạc bên đường
Ai quay quắt nỗi niềm hoang thế kỷ
Bỗng quay vòng trong đực chuyến đò thương (Một hồn thơ. Tr 46)

Trang đời còn chất chứa bao nhiêu thi cảm đẹp đẽ. Đó là lúc thi nhân lắng lòng cùng vẻ đẹp của tạo hóa, của non sông gấm vóc và ngay cả khóm chuối bụi hoa bên hiên nhà, vành trăng chiều lặng lẽ, tiếng lá rơi bên hiên chùa hoang vắng. Đại văn hào Tagore nói: “Tôi đã đi rất xa, tôi đã thấy mọi thứ, nhưng tôi quên thấy giọt sương trên lá cỏ nhỏ bé ngay bên ngoài nhà tôi, giọt sương phản chiếu trên mặt cầu của nó toàn bộ vũ trụ.” Vâng, tôi dạo vườn thơ ông, nhắm mắt, thả hồn phiêu theo những giọt sương phản chiếu cung bậc cảm xúc mà nhà thơ rót vào đêm dài mộng mị. Tâm tình một phụ nữ nữa khuya thức giấc, bỗng thấy mình cô đơn trong chăn chiếu, những câu thơ đẹp quá:

Ồn ào thức giấc mơ hoa
Buồn vương thương nhớ nhạt nhòa ánh đêm
Tìm đâu gương mặt thân quen
Trắng tóc em, một mình em hoang tàn. (Hư không, tr 34)

Trong một buổi chiều tàn khi hoàng hôn buông xuống, thi nhân lặng lẽ soi bóng tâm hồn mình nơi đáy nước, gởi tình vào mây, để tiếng thở dài chừng như rơi rơi theo cánh chim cuối chân trời xa thẳm:

Tím mây trời ngũ sắc
Lặng lẽ trăng chiều trôi
Tự thấy mình trống trải
Cánh chim trời chơi vơi. ( Thời gian, tr 37)

Những câu thư viết trong tịnh thức của một sớm mùa thu, như tiếng thở của thời gian tĩnh mịch, như tiếng vô ngôn của thiền sư nhập định bên mái hiên chùa, hay trên đỉnh phù vân nào huyền hoặc:

Tiếng chuông chùa làm rụng lá vàng
Sen úa tàn khắc khoải mãi mùi hương
Heo may đi hoang cuối nẻo đường
Vô cảm thời gian
Vô cảm hình hài lữ thứ
Không gian trầm tích òa vỡ.

Tâm hồn tôi như say như bay theo những vần thơ ông vừa gieo vào vô biên vô tận. Tôi ngưỡng mộ hồn thơ ông trong phút giây này…

Với 91 bài thơ, không gian và thời gian trữ tình trong tập sách trải rộng trong nhiều lĩnh vực. Điều đáng quý là dù trong lĩnh vực nào, ông đều ôm ấp khát vọng làm đẹp cho đời, hướng về chân – thiện – mỹ. Mỗi bài thơ là một tấm chân tình ông trải lòng cùng bạn đọc những dấu ấn Trang đời mình. Tôi nghĩ, đây chưa phải là trang đời cuối cùng trong sự nghiệp văn chương của ông. Hy vọng ông sẽ cho ra đời những tác phẩm mới, góp mặt vào nền văn chương đương đại.

N.B