Đọc tập thơ ‘Bấm chân qua tuổi dại khờ’ của Cao Xuân Sơn

1831

Cao Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tập thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ” gồm 101 bài, là tác phẩm mới nhất của nhà thơ Cao Xuân Sơn, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, do Nxb Hội nhà văn ấn hành, cuối 2019. Nếu tính từ tập thơ “Chuông lá” (Nxb Thanh niên, 1999) thì tròn hai thập niên Cao Xuân Sơn mới xuất hiện trở lại. Tôi đã đọc kỹ tập thơ mới này. Phần lớn chúng được viết trong 5 năm trở lại đây (2015-2019), riêng bài thơ “Bấm chân qua tuổi dại khờ”, được lấy làm tên tập thơ, viết năm 2002. Hai mươi năm chỉ để thai nghén một tập thơ, nội việc ấy cũng đã nói lên nhiều điều. Trong bài viết này tôi sẽ đề cập hai ý, thứ nhất là tác giả muốn bày tỏ gì qua nhát bấm chân ấy, thứ hai là biểu đạt của nhát bấm trong thơ thế nào.

Tôi xin đề cập ý thứ nhất. Theo cảm nhận của tôi thì Bấm chân qua tuổi dại khờ căn bản là tập thơ hướng nội. Rất nhiều sắc thái cảm xúc được tác giả soi chiếu, định danh. Vốn dĩ, là thi sĩ, chẳng riêng ai mà là hầu hết, đều nhạy cảm. Vui cũng vui hơn người. Buồn cũng buồn hơn người. Gây thương nhớ, sát thương, tự sát thương cũng ở mức cao gấp năm gấp bảy bình thường. Buồn, họ không níu, “vịn” vào người (là tôi dùng chữ của Cao Xuân Sơn), mà “vịn” vào câu thơ, để tự vỗ về, tự an ủi, tự xoa dịu, và để tự tin đứng dậy. Thi sĩ đích thực là vậy. Cao Xuân Sơn hẳn cũng không ngoại lệ. Tôi có cảm nhận hết sức rõ ràng cái mốc 2002, tức là sau khi bài thơ Bấm chân qua tuổi dại khờ xuất hiện, thế giới thơ của Cao Xuân Sơn như bẻ ngoặt một nhát. Anh lên đường đi tìm lại mình. Rốt cuộc, cuối cùng cũng thành tựu.

“Mình có nhau đời thêm nhộn nhịp/ và bốn mùa yêu dấu cũng về theo” (Tận hiến); “Nào, hãy yêu nhau đi/ ừ, yêu không kiểm soát/miễn là đừng bên nhau/ bằng trái tim người khác” (Yêu không kiểm soát). Chẳng nói thì mọi người cũng tỏ tường ngay đấy là món yêu. Yêu thời @ hối hả, thậm chí chụp giựt. Chẳng thiếu những cuộc đào mỏ, những cơn cuồng ghen. Thi sĩ cũng yêu hối hả. Đã yêu thì tận hiến, là yêu không kiểm soát. Nhưng tận hiến và yêu không kiểm soát chẳng phải lúc nào cũng ngọt ngào. Chân lý ở đây là, đừng bên nhau bằng trái tim người khác. Trái tim sẽ cứu rỗi tất cả. “Đường gần hun hút nẻo xa/ vịn vào nước mắt mà qua phận mình” (Vịn); “Xin đem mấy chục tuổi đầu/ đặt mua vé vớt chuyến tàu ăn năn/ ví còn mộng mị gió giăng/ thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ” (Giật mình chiều muộn); “Ngủ đi nghìn day dứt/ bận lòng chi ngày mai/ mọi điều dù lỡ mất/ thì vẫn còn tương lai” (Tự khúc đêm muộn).

Đây lại là một trạng thái tâm lý khác, về thân phận con người. Cao Xuân Sơn có những câu thơ buồn, nhưng không bi lụy. Nó khiến người ta vững tin vào tương lai. “Xưa nay trăm tài nghìn sắc/ không ngoài hai chữ thiện lương/ cứ thế mà đi, con gái/ cả khi mình con một đường” (Dặn con gái); “Đường trần thực đến lơ mơ/ nhìn dâu biếc lá thương xơ xác tằm/ không ngậm ngải, cứ tìm trầm/ kể chi được mất trăm năm trò đùa” (Bấm chân qua tuổi dại khờ). Cao Xuân Sơn đã viết về đạo làm người như thế. Cứ đội hai chữ thiện lương lên đầu, thì đi đâu về đâu chỉ là chuyện muỗi.

Tư tưởng tác phẩm như vậy là rất ổn, bởi như tôi vừa trình bày, nó đậm chất nhân văn. Giờ tôi chuyển qua ý hai. Như nhiều người biết, Cao Xuân Sơn là nhà thơ có nghề. Thơ anh, gói trong tập Bước chân qua tuổi dại khờ, hồn nhiên, dễ đọc, dễ nhớ. Nhiều hình ảnh thơ rất đẹp. Đặc biệt là việc chưng cất câu chữ, ý tứ thì hết sức tinh tế. “Bấm một phát thang máy/ mười chín tầng dưới chân/ ngỡ mình ngoài vô tận/ thôi không là nhân dân” (Bấm nút tầng 19); “Nguyện một đời làm con dế/ miên man cỏ rả xanh rì/ thương nhau cả khi giấu mặt/ nhớ nhau là ri ri ri” (Miên man); “Giữa miên man mận trắng/ xen phớt hồng đào phai/ sương mờ dâng lũng nắng/ chập chờn miền thiên thai/ ngan ngát thảo nguyên gió/ trinh nguyên hương tình đầu/ em gái nào thoáng gặp/ cũng như là cô dâu” (Mộc Châu hò hẹn).

Việc dụng từ “Nhân dân” trong “Bấm nút tầng 19”, và “cô dâu” trong “Mộc Châu hò hẹn” của Cao Xuân Sơn thật sự là rất cao cơ. Ở đây, khó có thể thay chúng bằng cụm từ khác. Hương táo chín trong “Mộng du” còn độc nữa. “Tràn ngập bủa vây mùi hương táo chín/ nồng nàn thơm, thơm dấp dính/ hình như chưa ở đâu, chưa từng ai chưng được mùi hương này” (Mộng du). Đúng là trong thơ, vẻ như chưa có ai chưng được mùi thơm dấp dính này. Hương thơm này đích thị là của Cao Xuân Sơn nhà ta!

Tóm lại, xét về tư tưởng và nghệ thuật thơ, Bấm chân qua tuổi dại khờ của Cao Xuân Sơn là một tác phẩm đứng tốt và rất đáng đọc. Thực sự tôi không biết gì mấy về tác giả, hữu duyên thế nào cách đây chừng đôi chục ngày chúng tôi gặp nhau và anh đã tặng tôi cuốn sách. Tôi đọc, cảm nhận tâm sự gan ruột của thi sĩ. Và tôi ghi ra đây ít dòng như một lời cảm ơn chân thành người đã tặng sách cho mình.

C.C