Đọc tập thơ ‘Đôi bờ ký ức’

808

Phạm Văn Hoanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng đều có vẻ đẹp mang dáng vóc hình thể và diện mạo tâm hồn. Ở đó, bóng dáng của người cầm bút như một sự phản chiếu tâm thức, quyết định sự sinh tồn của tác phẩm. Thành công của tác phẩm nhờ vào giá trị đạt được từ nghệ thuật và nội dung. Tập thơ “Đôi bờ ký ức” của 62 tác giả, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 06 năm 2020 phần lớn đã thành công trên hai bình diện đó.

Tập thơ Đôi bờ ký ức

Tập thơ “Đôi bờ ký ức” có 180 bài thơ với 216 trang in, được chiếu xạ từ những “mảnh ghép” của quá khứ, của hiện tại và những mong ước tới tương lai. Tập thơ đa dạng về đề tài nhưng chung quy vẫn là tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, làng xóm, tình yêu lứa đôi… tất cả đều đậm chất nhân văn.

Trong “Đôi bờ ký ức”, mỗi câu thơ, mỗi bài thơ được tuôn ra từ trái tim của những con người sống vì tình. Tình yêu của họ như dòng sông Vệ chảy mãi không bao giờ cạn, càng chảy càng  thấm, càng ngấm vào vùng cảm thụ của độc giả và độc giả càng đọc càng hoan ca với những cung bậc sắc thái tình cảm mà các tác giả đã gửi gắm vào trang thơ. Đọc thơ của tác giả Nguyễn Hạnh Nhi, Nguyễn Mậu Công, Phạm Thảo, Hoàng Thân, Sơn Trần, Trần Hữu Sơn, Nguyễn Ngọc Hưng, Lưu Lãng Khách, Sóng Thu, Vương Nữ Quỳnh Dao, Đoàn Ngọc Thanh, Võ Tấn Thường, Trần Thế Phương, Thanh Lương… trái tim ta cứ xao xuyến. “Em lớn lên từ gốc rạ rơm thơm mùi lúa mới/ Nơi thượng nguồn con nước chảy về xuôi/ Nơi buổi chiều cánh diều no gió/ Vút tầng không gởi mơ ước tuổi thiên thần” (Từ nơi em lớn – Nguyễn Hạnh Nhi). Hình ảnh con sông Vệ hiền hòa êm đềm trôi về biển mang theo bao kỉ niệm của thời thơ ấu mãi in đậm trong tâm trí của bao người con Quảng Ngãi xa quê: “Dịu dàng như dải lụa xinh/ Vệ Giang ơi! Rọi bóng hình quê hương/ Qua cầu tìm những ngày thương/ Dẫu xa ta vẫn vấn vương một đời.” (Nhớ Vệ Giang – Lê Thị Thu Thủy). Nếu như tác giả Lê Thị Thu Thủy đứng trên đất Kon Tum mà lòng khắc khoải nhớ về con sông Vệ đẹp như dải lụa xanh, thì tác giả Võ Tấn Thường lại đặc biệt hơn khi chính anh đang đứng trên mảnh đất của mình nhưng lòng lại thương nhớ dòng sông Vệ: “Nhớ Vệ Giang! Ôi lòng ta tê tái/ Mãi đầy vơi như sông mãi lở, bồi/ Sông với mình từng như một chiếc nôi/ Luôn ngân mãi điệu à ơi quê mẹ!…” (Vệ Giang quê tôi – Võ Tấn Thường). Còn Nguyên Ngọc Hưng nhìn dòng sông Vệ lại trào dâng khát vọng tìm về cội nguồn: “Dòng sông tuổi thơ ơi/ Nước nổi mạch ngầm/ Đuôi cá quẫy trăng vàng xao mặt sóng/ Ngày gió biển chưa no buồm khát vọng/ Trái tim tôi còn đói cội nguồn!” (Bóng dáng một dòng sông – Nguyễn Ngọc Hưng). Tác giả Sơn Trần thì hoài niệm về dòng sông tuổi thơ những ngày còn ở bên mẹ, bên cha. Hình ảnh người mẹ người cha hiện lên trong thơ anh với bao nỗi nhọc nhằn: “Mười năm xa biết bao lần/ Trong mơ vấp phải khúc dân ca buồn/ Cái cò lội dọc triền sông/ Mẹ tôi tơi nón giữa đồng tái tê./ Mười năm hoài vọng chốn quê/ Cha ngồi nhả thuốc bốn bề lo toan (Lục bát quê nhà – Trần Đức Sơn). Tác giả Nguyễn Mậu Công lại than thở về cuộc tình dang dở: “Thôi thì tình đã đong đưa/ Ta về ủ bóng cơn mưa cuối mùa.” (Tình mùa đông – Nguyễn Mậu Công). Trần Thế Phương lại nhớ ngày chia tay người yêu: “Một dòng sông thương một nẻo về/ Đôi bờ ký ức mộng bến quê/ Em đi từ độ vầng trăng khuyết/ Sương phủ bên lòng lạnh tái tê” (Lạc nhau – Trần Thế Phương). Hoàng Thân lại nhớ về mối tình đầu: “Cuộc tình đầu là tình ở bên trong/ Dẫu đau xót nhưng là điều rất thật/ Khó chấp nhận dù luôn là đẹp nhất/ Thẳm sâu nhau riêng nỗi nhớ khôn cùng” (Tháp cổ mưa lòng – Hoàng Thân). Phạm Thảo lại cảm thấy vô nghĩa khi vắng người yêu: “Ta muốn thét lên cho vầng nguyệt lu mờ/ Cho nổ tung thiên đường và địa ngục/ Phía không nhau đã thành vô nghĩa/ Mây bay rồi đừng đổ tội gió, trăng” (Đêm trắng vần si – Phạm Thảo). Trần Hữu Sơn lại nuối tiếc một thuở ngọc ngà: “Mây giăng ngút vầng trăng tỏ/ Mịt mù một cánh buồm xa/ Vết chân lặng thầm trên cỏ/ Tiếc thương một thuở ngọc ngà.” (Nuối tiếc – Trần Hữu Sơn). Và còn rất nhiều tác giả nữa nhưng phạm vi bài viết không cho phép.

Có thể nói “Đôi bờ ký ức” với ngôn ngữ bình dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm trân quý. Hy vọng tập thơ này sẽ được bạn đọc đón nhận.

                                                                                                                      P.V.H