Đọc ‘Tiếng thời gian’ của Lâm Lê

855

Nguyễn Đăng Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với bốn mươi bốn bài thơ đầy ắp sự kiện viết không chỉ từ mọi miền đất nước, mà còn từ châu Âu hay từ nước  Lào… Tập thơ như một sự luận đàm về thời gian. Thời gian cụ thể trong những bài thơ là chín mươi năm cuộc đời một người thầy, là ba mươi lăm năm người lính sinh viên rời khẩu súng, là…

Nhà thơ Lê Lâm

Tác giả đã đặt bài thơ Sáng ấy tiễn thầy ra ga viết về người thầy vào đầu tập sách. Cuộc đời người thầy – một nhà văn – một chiến sĩ được khắc họa rõ nét.

“Đành rằng thầy không ưa cảnh lấn chen

Nhưng người ta lại nghĩ là thầy không biết

Để nhận lãnh suốt một đời thua thiệt

Thầy đã tự vượt lên trong cuộc độc hành”

Bài thơ cũng nói đến một điều về thời gian, thời gian cũng thật tương đối:

“Nghĩ cuộc đời gần chín mươi năm

Cũng chỉ là phút chốc…”

Tác giả là người rất gắn bó với thầy vậy mà ngày thầy mất không đưa tiễn thầy được, nên những câu thơ như một nỗi niềm thay lời tiễn biệt.

Ngoài ra còn còn có các bài Không chết, Mang bầu trời thành phố, Nếu một lần người lính nói lời chối từ, Bù đắp, Ngày mai mình ở đâu, Nhịp điệu bàn chân, Đàn ông đi chợ, Thành phố chưa một lần lỗi hẹn, Quê núi, Thu về, chợt nhớ…, Trở về từ rốn lũ, Nhà văn lên Tam Đảo, Mặt trời trên đỉnh núi, Ở đây vẫn có sóng, Vẫn còn một con đường, Nợ đời, Trăng trên đỉnh tháp, Trò chơi, Giấc ngủ trong thành phố, Bình đẳng, Tìm đường, Những con sóng, Biển lặng, Giữa mùa mưa bão, Trở lại Đức Hòa, Cái bốt gác ở trạm giao thông, Nhìn người đẹp, Những anh hùng sân cỏ, Gặp lại mùi hương…

Có bài đọc lên buồn man mác, đó là nỗi buồn của những mối tình nam nữ. Nhưng lại có một cái buồn sâu lắng, đọng lại khi đọc Dưới chân kinh đô ánh sáng. Hai sự kiện đồng thời xảy ra một ngày đó là nạn “đinh tặc” và vụ xả súng ở quận 2, Paris đã làm du khách không ai kịp tận hưởng đời sống ở Thủ đô hoa lệ:

“Ai cũng cố bước đi thật lẹ

Thầm cám ơn thần chết

Đã không nhằm vào chính mình”

Tác giả viết “Cũng đủ nhận ra thế giới vừa mất mát”, nỗi đau này không chỉ riêng Paris, không chỉ riêng của nước Pháp, không riêng châu Âu, nỗi đau của chung trái đất.

Cũng ở châu Âu, trái ngược khi nhìn thấy ở Paris, những câu thơ dưới đây ghi lại một xứ sở bình yên:

“Hướng dẫn viên nói với chúng tôi

Ở đây tuổi thọ bình quân 91

Đàn ông cao 1 mét 85

Đất nước có 40%

Dưới mực nước biển…”

“Những đồng cỏ không bờ không bến

Ngay tuy lip chỉ sắc không hương

Cũng làm mắt mình lấp lánh trong sương

Cùng cải vàng điểm cho đất hiền dịu

Những cô gái ngực đầy như níu

Người ơi ở lại đừng về…”

Rồi

 “Đất nước không khói là đây

Hơi thở cũng thanh bình”

Một đất nước thanh bình, giàu có nhờ sự lao động cần cù từ xa xưa, với hình ảnh

“Cối xay gió ngoài kia

Vẫn quay tít bộn bề”

(Trong mắt người nước ngoài)

Trong chuyến đi châu Âu của tác giả còn có bài Người vẫn còn đây viết về Karl Marx nhà triết học người Đức gốc Do thái, và cũng là nhà kinh tế, nhà sử học, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Khác với thông lệ khi viết về ông, trong bài thơ đã có những nhận xét tinh tế.

Trong tập có bốn bài thơ làm theo thể lục bát, đó là Những nắm cơm tình nghĩa, Tam Đảo, Hẹn nhau ở Cổng Trời, Mang gió sang Lào.

Lục bát vốn khó viết, nhưng ngoài việc truyền tải những điều cần nói, vẫn bắt gặp nhũng câu hay, lạ

“Khom mình cho nắng cháy lưng

Chưa ngửa mặt gặp sương buông cuối chiều”

(Hẹn nhau ở Cổng Trời)

hoặc:

“Anh về quê mẹ miền Trung

Giữa trưa tháng sáu nắng nung chín người”

và còn nữa:

“Chày em gõ xuống giêng hai

Con đường như cũng nghiêng tai thở dồn”

(Mang gió sang Lào)

Có thể nói tập thơ là “tâm trạng” của những chuyến đi. Chuyến lên Tam Đảo tác giả viết về nghề nghiệp, và về những mối tình, có lẽ có nhiều bài nhất. Với tôi, bài Đông đến sớm là bài hay nhất tập thơ, chắc cũng viết trong dịp đó?

“Tất cả chìm mông lung

Đất trời như đổi sắc

Tiếng đêm như thầm nhắc

Mùa thu đã qua rồi”

Bài thơ mang một nỗi nhớ, một nỗi buồn man mác rất hợp với đất trời Tam Đảo.

Không chỉ bài thơ này theo thể năm chữ, trong tập thơ có tám bài thơ năm chữ. Người ta cho rằng sự ngắn về câu chữ nhiều khi lại dài về sự ngân vang. Quả đúng trong tập thơ này. Tất cả các bài thơ nói về sự chuyển mùa đều là thơ năm chữ, bài Đông đến sớm nói trên và bài Mùa thu qua nhanh.

Khác với Đông đến sớm, bài Mùa thu qua nhanh có một sự luyến tiếc, cũng có cả một nỗi buồn nhưng chỉ trong giấc mơ.

“Mùa thu đi qua ngõ

Hãy còn chưa kịp chào

 

Cánh chim chiều như chao

Vào làn mây lững thững

Đã dai dẳng bên thềm

Chẳng phải mưa sóng dựng?”

Ở một bài năm chữ khác, bài Phía trước là đền Mẫu, tác giả đã phát hiện ở chốn tâm linh một điều thú vị:

“Người xưa nào biết đâu

Chắc em không hề biết

Mẫu ở trên núi biếc

Lại giữ anh cho em?”

Sự chia tay của một mối tình trong bài Đâu lỗi riêng ai như một qui luật không ai có thể cưỡng lại. Ba bài thơ năm chữ còn lại Thu Tam Đảo, Khí núi, Sương trắng đều là câu chuyện của những cặp đôi ở nơi thời tiết núi rừng như một chất xúc tác, nhưng kết cục ở mỗi bài một khác.

Tác giả là một người lính trở về, việc có những bài thơ liên quan đến người lính cũng là điều dễ hiểu. Vẫn là nhũng suy tư thời hậu chiến kể cả viết về chuyến trở lại nơi đóng quân năm 1975.

Nếu như tập thơ Cơn mưa bất chợt là tập thơ đầu, Tiếng thời gian1 là tập thơ thứ tám của anh. Người đọc có thể vẫn nhận ra một Lê Lâm đã định hình, nghĩa là có những nét rất riêng nhưng cũng đã có sự bứt phá, những nhìn nhận rộng lớn hơn khi đặt chân đến nhiều vùng đất xa xôi…

N.Đ.H

(1) Tiếng thời gian – Thơ Lê Lâm – Nxb Hội Nhà văn – 2019