Hoàng Thị Bích Hà
(Vanchuongphuongnam.vn) – Vài năm gần đây, thỉnh thoảng tôi có đọc các bài viết trên các trang Web Văn học Nghệ thuật (VHNT) trong nước và hải ngoại. Và tôi cũng đã tiếp cận với các truyện ngắn của Trương Văn Dân (TVD) đăng rải rác trên các trang nói trên của nhà văn – người kỹ sư hóa, dược phẩm có duyên nợ với văn chương.
Tác giả Trương Văn Dân
Đó là một cây bút xuất thân nghiên cứu khoa học, không dính dáng đến viết lách nhưng anh lại bén duyên đậm sâu với chữ nghĩa. Anh say mê sáng tác và còn dịch thuật, chuyển tải những trang viết từ tiếng Italia sang tiếng Việt những tác phẩm của vợ anh.
Tôi cũng là bạn đọc, bạn viết cùng các sân chơi VHNT với nhà văn TVD, nhưng mãi đến lần ra mắt tạp chí Quán Văn số 90 tôi mới có dịp gặp anh ở ngoài đời. Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn sau buổi ra mắt sách tại Cofee Kinh – 86 Nguyễn Văn Công, Vò vấp (ngày 23/10/2022). Anh đi cùng vợ là nữ nhà văn người Ý – chị Elena Pucillo. Anh đôn hậu, vui vẻ và lịch thiệp. Tôi chào Elena, chị cũng đáp lại với nụ cười thân thiện và cởi mở.
Anh gửi cho tôi truyện ngắn Cơn gió bên bờ vực đã được đọc ở kênh của Khề Khà truyện qua messenger. Câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn được chuyển tải qua giọng đọc của nghệ sĩ rất truyền cảm, vì thế càng dễ đi vào lòng người. Nghe xong, tôi đề nghị anh gửi bản word qua email cho tôi. Sau đó một hai tuần thì truyện Cơn gió bên bờ vực đã được đăng tải trên báo Thanh Niên và nhiều trang Web VHNT khác.
Nội dung Cơn gió bên bờ vực: kể lại nhân vật “tôi” một chuyến đi Ý về lại London đã có những thay đổi trong tâm hồn, có những chuyển biến tích cực để nuôi dưỡng tình yêu cũng như gìn giữ hạnh phúc gia đình, tức là bàn chân kịp dừng lại bên bờ vực thẳm.
“Chuyến đi Ý vừa rồi đã cho tôi mở mắt. Cái bàn tay khô nhám và cách xử sự
của Đôn đã tác động, giúp tôi thấy mình có lỗi”
Câu chuyện của người bạn đã lay động tâm hồn người chồng:
“Trong buổi sáng đi làm chợt nhìn thấy bàn tay mình cũng thô nhám, anh nhớ tới những gì mà Elisa đã kể. “Khi Đôn nắm lấy bàn tay vợ, anh thấy khô và nhám,
lòng anh dâng lên một niềm ân hận”.
Nàng đã hy sinh quá nhiều cho mình. Những năm tháng nấu ăn, rửa chén,… tiếp xúc với nước nóng và hoá chất… bàn tay của Anna không còn thon mềm như trước. Hôm ấy Đôn đã đi mua kem dưỡng ẩm về thoa cho vợ. Không phải là Anna không biết điều ấy, nàng cũng có dùng nhưng cách quan tâm của chồng qua những cử chỉ tưởng như nhỏ nhặt đã làm cho tình yêu của họ bền chặt”.
Nghe Đôn kể anh chợt thấy mình quá vô tâm. Anh suy nghĩ về cuộc hôn nhân của mình. Họ du học, chung trường, quen nhau rồi yêu nhau và đi tới hôn nhân. Đó là một tình yêu đẹp. Nhưng cuộc sống hối hả cứ cuốn người ta đi theo guồng máy của công việc. Cả hai vợ chồng đều bận rộn, việc cơ quan, con cái và gia đình. Đặc biệt cuộc sống ở thành phố công nghiệp càng hiện đại càng bận rộn hơn. Khi về nhà mệt rồi, muốn nghỉ ngơi:“Mệt mỏi và thiếu thời gian là một trong những nguyên nhân phát sinh khủng hoảng”.
Có con cái là một niềm hạnh phúc lớn. Tiếng bi bô của Bé Hương (con gái anh) đã mang lại niềm vui cho gia đình. Nhưng anh mặc cảm là không dành thời gian cho bé nên bù lại bằng cách mua cho con những quà tặng để chuộc lỗi với con. Nhưng anh cũng nhận ra:
“Nhiều đứa con bị hư hỏng vì có những người cha bận rộn như tôi. Mãi sau này tôi mới hiểu là Hương ngoan ngoãn và chăm chỉ học là nhờ phần lớn thời gian mà vợ tôi dành cho nó.”
Cuộc sống không chỉ có vậy, ngoài ra còn giao tiếp vì công việc, bạn bè, mua sắm, các sinh hoạt văn hoá khác,… không chỉ riêng anh mà xung quanh nhiều cặp đôi khác cũng bận rộn như thế.
“Em ơi, anh về rồi nè!” có nhiều bữa từ văn phòng trở về, bước vào nhà tôi nói thế, lòng thầm mong có được một sự chào đón nồng nhiệt của Lan để tạm quên cái thế giới xô bồ ở bên ngoài. Nhưng Lan cũng vừa về,… vừa dạy dỗ bé Hương và làm việc nhà, nấu ăn,… không có thời gian để nhìn vào mắt chồng, để cho tôi cái cảm giác là người quan trọng và duy nhất trong gia đình”.
Cứ thế, họ sống bên nhau chỉ vì trách nhiệm còn tâm hồn như trống rỗng, ngay cả đời sống phòng the vợ chồng cũng hời hợt, nhàm chán, dù cuộc hôn nhân vẫn còn “ổn định”. Không ai biết cái vực thẳm đang chực chờ.
Lại còn có một bất ngờ xảy ra:
“một chuyện xen vào cuộc đời tôi, nhớ lại làm tôi hổ thẹn với lòng.
Trước khi ra về. Bất ngờ tôi thấy đèn ở phòng bên còn sáng…
– Trời, Jennifer, cô vẫn còn ở đây sao?
– Dạ, em cũng có chút việc nên nán lại để làm cho xong”.
Jennifer là một người đàn bà đẹp, đã ly dị với chồng, cô này có cảm tình với anh, còn anh chưa nghĩ là sẽ phụ tình vợ.
Trời nóng, em vừa pha một ly nước mát, anh muốn dùng một chút không?
Bàn tay cô khẽ chạm vào tay tôi, như một sự an ủi cho công việc. Khi tôi nhìn lại với ánh mắt biết ơn thì bất chợt hai bàn tay cô đặt nhẹ lên vai và sau đó chúng tôi như con rối ngã vào lòng nhau”.
Mối tình vụng trộm, lặp lại vài lần nữa nhưng cũng như một cơn gió lạ thoảng qua. May mà anh đã kịp dừng lại. Không “tung hê tất cả” mái ấm gia đình của mình để đến với tình mới.
Cuộc sống dù tươi đẹp nhưng cũng đầy cám dỗ, buộc chúng ta tỉnh táo, và bản lĩnh để vượt qua:
“Anh về nè em.
Tôi đặt cái cặp lên ghế và đến cầm lấy tay nàng. Bàn tay nàng cũng khô nhám. Tôi nâng lên khẽ hôn và nói nhỏ “anh xin lỗi!”… Tôi mở cặp lấy ống kem giữ ẩm vừa mua trên đường về. Tôi thoa kem lên tay Lan, nàng ngạc nhiên khẽ hỏi “có chuyện gì vậy anh”. “Không có gì cả, anh chỉ muốn nói yêu em thôi”. Tôi ôm chặt lấy vợ mình. Hôn lên tóc, vừa lúc thấy dưới chân tóc có nhiều sợi bạc. “Lâu nay mình sống rất thờ ơ và lãnh đạm với nhau. Anh xin lỗi em” – “Em cũng có lỗi với anh.” Chỉ có mấy từ đơn giản mà lâu nay khó nói với nhau… và lúc này cả hai ngập chìm trong nụ hôn say đắm.
Khi buông nhau, qua cửa sổ của tầng 22 tôi nhìn xuống dưới, sâu hun hút. Một cơn gió lạnh len qua khung cửa khép hờ làm tôi rùng mình và có cảm giác là hai vợ chồng vừa kịp dừng bên bờ vực”. – Trích từ tiểu thuyết Cử chỉ cuối cùng, sắp xuất bản.
Câu truyện Cơn gió bên bờ vực cho chúng ta thấy một hiện thực cuộc sống đang diễn ra, không chỉ ở phương Tây như không gian trong câu chuyện mà ngay cả ở trong nước, xung quanh chúng ta. Áp lực từ công việc và gia đình sau hôn nhân cần phải đối diện, chấp nhận và ứng xử phù hợp để duy trì mái ấm. Có thể ai cũng yêu mặn nồng, rồi tiến đến hôn nhân. Nhưng tình yêu thường chỉ nồng nàn được vài năm sau hôn nhân. Khi có thêm con cái, công việc mưu sinh, việc nhà, món nợ cơm áo làm cho cuộc sống càng bận rộn. Tình yêu cứ thế nhạt dần. Vì những quan tâm khác của cuộc sống cuốn vào vòng xoáy của bộn bề. Nếu không đủ cảm thông, thấu hiểu và đứng vào vị trí của nhau nhìn nhận để sống vì nhau thì không ít cặp đôi tan vỡ sau đám cưới không lâu. Đó là điều đáng báo động.
Câu truyện quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng tình yêu sau hôn nhân, gia đình và sự cần thiết để duy trì mái ấm. Khơi gợi nhận thức giá trị thật của cuộc sống, phân biệt với phù du, hào nhoáng bên ngoài. Nền tảng của hôn nhân là tình yêu, trong đó có tình yêu gia đình. Tình vợ chồng là cái nghĩa tào khang. Tình yêu có thể phai dần theo tháng năm, giảm theo sức khỏe và ham muốn, bù lại nghĩa tào khang sẽ thấm dần. Người ta mới có thể sống với nhau đến đầu bạc răng long.
Truyện ngắn của TVD lôi cuốn người đọc trước hết bởi góc nhìn của tác giả về đời sống rất tinh tế, chọn vấn đề để xây dựng cốt truyện. Miêu tả hành động, lời thoại, tính cách, diễn biến tâm lý nhân vật hợp logic và sinh động. Thông điệp cần chuyển tải hấp dẫn, sát thực. Ngòi bút chân thực và giản dị. Vốn từ phong phú, chọn từ ngữ hình ảnh có giá trị biểu đạt. Văn phong trong sáng, dễ hiểu. Anh không múa may chữ nghĩa để người đọc rối tung rối mù lên rồi chờ khen sáng tạo. Anh cứ điềm tĩnh để nhân vật thực hiện nhiệm vụ của mình trong văn bản để người đọc dõi theo, cảm nhận. Trách nhiệm của mỗi cá nhân, dù bận rộn đến đâu cũng sống cho có tình. Những cử chỉ nhỏ nhưng tác dụng lớn. Người đọc đi hết câu chuyện, chợt thấy đôi lúc mình cũng xử sự vô tâm như thế. Có thể rút ra bài học cho mình. Đó là thông điệp tác phẩm hướng đến người đọc.
Nghệ thuật kể chuyện: theo trình tự đi từ hồi tưởng quá khứ (gần) thức tỉnh (hiện tại) đến hành động và sẽ hành động tiếp diễn trong tương lai. Diễn biến tâm lý nhân vật: nghe kể, nhận thức, suy nghĩ và đi đến hành động, kịp thức tỉnh, biết cần phải làm gì, từ bỏ gì để neo giữ tổ ấm, cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Đúng như hình tượng anh chọn là Cơn gió bên bờ vực.
TVD là người nghiên cứu khoa học nên có lẽ vì thế tính chính xác, tính chân thực khá cao. Văn là đời, giọng văn của anh cũng như phong thái của anh: hồn hậu, chân chất và giản dị. Là cha đẻ của những đứa con tinh thần thì các tác phẩm thể hiện văn phong và con người gần như là một. Đó là điều dễ hiểu khi ta đọc, nghiên cứu về tác giả, tác phẩm.
Nếu nói nhà văn là thư ký của thời đại cũng không sai. Có điều mỗi người sẽ có một góc nhìn, một cảm quan nghệ thuật riêng. Ai đó đã nói rằng “Sống đã rồi hãy viết” điều này rất đúng. Vốn sống là chất liệu quan trọng được tích lũy trước đó rất lâu. Có khi đi hết môt đoạn đường đời không hề ngắn mới đến với văn chương. Con người hiện đại, khi có đủ kiến thức khoa học, không tin vào thần thoại, hoang đường nữa thì những truyện giàu tính hiện thực là những truyện có sức sống nhất. Đời thực của thời đại mình đang sống được nhà văn chuyển tải lên trang viết. Văn chương là cuộc đời nhưng không phải bản phô tô cuộc đời. Mà phải qua lăng kính của nhà văn đến tác phẩm là cả quá trình ấp ủ cảm hứng sáng tạo. Cảm xúc thúc bách ở bên trong con người, cần bộc lộ. Và tự thấy trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời. Đi vào tác phẩm là đi vào thế giới tâm hồn của nhà văn. Tác phẩm nghệ thuật chắt lọc từ thực tế cuộc sống. Có thể là nguyên mẫu ngoài đời, có khi là cái bóng của tác giả. Để đời sống thực đi vào nghệ thuật dĩ nhiên ít nhiều cần có hư cấu. Hoàn cảnh sống, tâm lý, hành động, lời nói của nhân vật như đã gặp ở đâu đó trong cuộc đời này. Thậm chí còn tìm thấy bóng dáng mình trong đó… Người đọc cảm nhận là thật hơn cả ngoài đời. Neo lại trong lòng người đọc và sức lan tỏa ra sao? Điều đó thuộc về tài năng của nhà văn. Bởi vì “Văn học thực chất là cuộc đời”. Nhà văn phải “đi, đọc và viết”. Trương Văn Dân có lợi thế đi nhiều, đọc nhiều,…tiếp cận, hấp thụ nhiều nền văn hóa của các vùng miền khác nhau ở trong nước, và cả ở nước ngoài- nơi anh từng sinh sống, học tập và công tác.
Tôi chưa có dịp tiếp cận với tiểu thuyết của anh. Chỉ mới đọc các truyện ngắn anh đăng rải rác trên các tạp chí VHNT trong nước và hải ngoại. Những truyện ngắn của anh dù đề cập một số vấn đề gì của cuộc sống cũng để lại tình người, tình đời trong lòng người đọc. Dù cốt truyện này anh xây dựng có phần đơn giản. Nhưng không sao bởi vì có những truyện ngắn không cần cốt truyện mà vẫn hay (ví dụ: “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam là một truyện ngắn không có cốt truyện nhưng vẫn hấp dẫn và gợi lên trong người đọc nhiều điều cần suy nghĩ). Dĩ nhiên là tôi không dám so sánh bậc tiền bối với tác giả đương đại. Ngày xưa có những “bậc kỳ tài” (từ dùng của Hoài Thanh) ngày nay chưa sánh được. Nhưng chúng ta có thể kế thừa và phát huy. Bổ sung vào cẩm nang của mình để sáng tạo phù hợp với thời đại mình đang sống.
Bởi vậy, viết truyện ngắn cũng không nhất thiết là phải xây dựng cốt truyện chặt chẽ, tạo ra nhiều kịch tính, nhiều xung đột mới thì mới hấp dẫn, mới là truyện ngắn. Quan trọng là nhà văn chọn vấn đề gì của cuộc sống, nội dung phản ảnh và thông điệp gửi gắm. Cuộc sống vốn phong phú đa dạng nên mỗi nhà văn sẽ có góc nhìn riêng và một cách chuyển tải riêng. Cuộc sống đi vào trang viết giàu tính hiện thực, nhân vật lạ mà quen. Ai cũng có thể nhận ra là đã gặp đâu đó tương tự hoặc có thể tìm thấy một phần đời mình trong đó. Để chợt giật mình, thức tỉnh, thay đổi cách nghĩ, cách sống để hướng đến những gì tốt đẹp hơn, đáng sống hơn. Cốt lõi đọng lại là tính nhân bản, (coi trọng con người), tính nhân văn (vẻ đẹp của con người) mà văn học thời nào cũng phải hướng đến.
Từ những tình huống rất đỗi bình thường nhưng khi đi vào trang viết qua ngòi bút của nhà văn sẽ có một ý nghĩa nhất định. Bởi nhà văn đi từ cuộc sống. Thu vào tầm mắt những vấn đề nổi cộm của cuộc sống để khái quát, chọn lọc, tìm vấn đề đặt ra cho tác phẩm. Nhà văn có thể quan sát nguyên mẫu hay tổng hợp cuộc sống vào hình tượng nhân vật điển hình lên trang viết: sinh động, tự nhiên như ngoài đời thật. Tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn và neo lại ý nghĩa trong lòng người đọc là thuộc về tài năng của người cầm bút.
Là dân khoa học, anh đến với văn chuơng khá muộn nhưng lại là một cây bút sung sức. Những tác phẩm của anh đã chứng tỏ là một cây bút vững vàng. Nhưng chúng tôi vẫn mong anh lưu ý những câu văn đôi chỗ còn thừa từ, cần được gọt dũa súc tích hơn. Bớt những chi tiết không quan trọng để truyện ngắn cô động hơn mà vẫn đủ ý. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên, đó chỉ là tiểu tiết có thể khắc phục. Chất liệu cuộc sống, tư tưởng thẫm mỹ và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm mới là điều quan trọng. Không hẳn cứ phải đi sâu vào chuyên ngành viết lách với những học hàm, học vị liên quan thì mới viết tốt. Hãy để tác phẩm lên tiếng thay chủ nhân của nó.
Những trang viết của anh thấm đẫm hơi thở của cuộc sống và đầy tính nhân văn. Qua báo chí, những đóng góp của anh ở mảng văn xuôi từ truyện ngắn đến tiểu thuyết cho văn học đương đại là điều đáng ghi nhận. Bạn đọc đã biết đến anh với những tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết và dịch thuật. Độc giả có quyền chờ đợi những tác phẩm mới của nhà văn TVD trong thời gian tới.
Sài gòn ngày 11/02/2023
H.T.B.H