Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Hiền – Bài của Trần Danh Thùy

509

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chưa có nhiều tư liệu về Nguyễn Thị Như Hiền, nhưng đọc qua 3 truyện ngắn Ngồi khóc bên đời, Cha và cánh đồng và Rồi sẽ bình yên, tôi đoán tác giả, một nhà văn nữ còn rất trẻ và xinh xắn, đến từ một tỉnh miền Trung nước ta.

Nguyễn Thị Như Hiền

Truyện ngắn Ngồi khóc bên đời là một câu chuyện buồn kép. Chuyện buồn của Mẫn, một cậu bé 14 tuổi, không có mẹ để yêu thương dù cậu bé rất muốn và chuyện buồn của con trai bà Năm có mẹ nhưng vì… “nể vợ” nên không yêu thương mẹ. Nhưng “cover” hai chuyện buồn đó là nhân vật bà Năm, hàng ngày, ở tuổi xế chiều, vẫn tần tảo đi bán bánh gói để tự nuôi thân. Bà thương Mẫn vì hoàn cảnh côi cút của em, vì em không có mẹ. Nhưng bà buồn cho đứa con trai duy nhất của mình vì nó không biết thương mẹ nó.

Truyện Cha và cánh đồng cũng là một chuyện buồn. Một “cựu” họa sĩ nghèo vì cảm thương cho hoàn cảnh một cô bé có mẹ chết lang thang, cơ nhỡ tại một bến tàu nên đem về nuôi trong khi gia đình ông vốn đã có 5 miệng ăn bữa no bữa đói. Trước sự chì chiết của những thành viên trong gia đình, cô gái chịu đựng và thương cảm họ. Tuy nhiên, tấm lòng thương cảm của cô dành cho cha nuôi của mình là đặc biệt và sâu sắc nhất. Và chính lòng thương cảm ấy đã khiến cho cô gái đã xem những người còn lại như những người thân thiết của mình dù họ không ngừng chì chiết cô vì hoàn cảnh nghèo khổ của họ.

Rồi sẽ bình yên cũng là một chuyện buồn nốt. Hai nhân vật chính của câu chuyện chắp nối với nhau muộn màng nhưng kết quả của tình cảm của họ, bé Ốc, lại chết đuối khi chưa đầy một tuổi. Cái chết của bé đã trở thành nỗi buồn day dứt trong phần đời còn lại của họ.

Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Như Hiền, người đọc như “cảm” được sự cảm thương của tác giả đối với những nhân vật đáng thương của mình. Và có lẽ trên hết là “cảm” được cái duyên, không biết có phải do tiền định, đã “kết nối” họ lại với nhau để trở thành những con người với mối quan hệ nhân thế thiêng liêng. Đó là Mẫn và dì Năm trong Ngồi khóc bên đời, là cô gái và ông họa sĩ trong Cha và cánh đồng; là dì dượng Hai trong Rồi sẽ bình yên.

Nhờ Mẫn mà dì Năm thoát chết vì bệnh tật. Nhờ ông họa sĩ nghèo mà cô gái có một cuộc đời riêng của cô. Và nhờ có nhau mà dì dượng Hai cuối đời cũng tìm thấy hạnh phúc trong bình yên.

Và những mối lương duyên ấy chỉ nở hoa khi những nhân vật, những con người thực sự gắn bó với quê nhà của chính họ, chứ không phải ở nơi nào khác hay nói khác đi ở một thành phố “xa xôi” nào khác, dù không cách xa quê nhà của họ là mấy…

T.D.T