Đọc truyện ngắn Hoàng Đình Quang

1297

Cao Chiến

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện ngắn của Hoàng Đình Quang, dù khởi đi là việc gì, có khi bé như hạt đậu, thì kết lại vẫn đậm hai chữ nhân tình. Đường dây dẫn dắt câu chuyện của ông Quang khá hớp, nhưng cái tôi gọi là nút thắt cổ chai khi kết mới độc. Trong khoảnh khắc, nó cô thời gian lại. Cái cũ ngày nào, cái phủ sương khói ở giữa, ở cuối câu chuyện được gọi dậy, lại mới tinh. Hồn nhiên, hợp lý, nhưng vẫn khiến người đọc bị bất ngờ. 

Nhà văn Hoàng Đình Quang

Chủ quan tôi cho rằng làng văn thành phố Hồ Chí Minh hiện có vài cao thủ truyện ngắn, một trong số đó là nhà văn Hoàng Đình Quang. Ông Quang viết thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, và làm nhạc. Ở thể loại thơ ông có các tập Nói thầm (1991), Hát chẳng theo mùa (2009). Ở thể loại truyện ngắn ông có các tập Mùa chim ngói (1995), Thời loạn (1997), Phiên chợ Tết cuối cùng (2002), Người Sài Gòn. Ở thể loại tiểu thuyết ông có Những ngày buồn (1992), Phản trắc, Cánh đồng lưu lạc (2005), Xuân Lộc. Và một số tác phẩm khác. Thơ và văn xuôi của ông Quang đứng tốt. Các tập Nói thầm, Những ngày buồn, Cánh đồng lưu lạc, Xuân Lộc, Người Sài Gòn, đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, trao những giải thưởng xứng đáng. Các sáng tác của ông, cả thơ và văn xuôi, theo tôi đều đáng đọc. Chúng hồn vía lắm. Còn hồn vía như thế nào thì tôi sẽ đề cập ở phần tiếp để hầu bạn đọc. Trong bài viết này tôi dẫn ra 4 tác phẩm: Cái roi, Những người thọ nạn, Phiên chợ Tết cuối cùng, Mùa trứng kiến, có cái in đã lâu, có cái mới đây, để minh họa cho những nhận định của mình về truyện ngắn của ông Quang.

Cái roi kể về một ông giáo già có thói đánh đòn học trò. Vật chủ là roi, được dựng ở góc lớp, trò nào không học bài là thầy bảo mấy trò khác quất. Bây giờ mà roi vọt thế có khi chết với phụ huynh. Tất nhiên thỉnh thoảng mới có đứa ăn roi. Cứ thế cho tới một bữa đứa bị ăn roi bật cười. Thì ra từ lúc nào đám học trò đã chơi chiêu. Chúng tuốt cọng tàu chuối đem nướng, trông khủng nhưng quất thế chứ quất nữa cũng chỉ như xoa đít. Thầy cầm cái roi, lặng đi. Sau lần ấy thầy thôi đánh đòn bọn chúng. Chiến tranh, ông giáo già không thể ra trận, những đứa trẻ lũ lượt lên đường. Thư đi thư về ấm tình thầy trò. Hòa bình, nhiều trò của thầy đã không trở lại. Một ngày, thầy về với đất chẳng đem theo thứ gì, chỉ duy nhất một cái hộp gỗ nhỏ gọi là tráp, ở quê thường làm bằng gỗ mít. Cái tài của Hoàng Đình Quang chính là ở nút thắt cổ chai này, khi viết chẳng biết trong cái tráp thầy đem theo xuống đất có những gì. Những gì ấy thì người đọc tự ngẫm.

Câu chuyện thứ hai là truyện ngắn Những người thọ nạn. Chiến tranh, người lính Cộng hòa bị đối phương bắt làm tù binh, đưa ra Bắc. Trong một lần đi chặt nứa ở rừng, người tù binh gặp một cô thôn nữ. Diễn biến tiếp theo là một trong hai người (tôi không nhớ người tù binh hay cô thôn nữ) bị nứa đâm chảy máu, phải dùng thuốc lào để cầm. Vẻ như tình cảm phát sinh giữa hai người, nhưng cũng chỉ dừng tại đấy. Chiến tranh. Bên này bên kia. Khó diễn tả lắm. Hình ảnh cô thôn nữ buột miệng nói như tự lục vấn “thì ra đất nước mình nó cũng nhỏ nhỉ” ám ảnh tôi mãi. Những người thọ nạn được trao giải tư trong một cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi nhớ bữa Tạp chí trao giải, tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, ông Quang bảo tôi: giải tư ngang với khuyến khích. Vậy mà Những người thọ nạn vẫn sống dai dẳng ở trong tôi, từ bấy đến tận bây giờ.

Câu chuyện thứ ba là Phiên chợ Tết cuối cùng, in số Tết của Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam (tôi không nhớ năm nào). Nhân vật chính là chị Tằm, 17 tuổi, và cậu bé Hoàng 13 tuổi. Chợ Ba Hàng họp phiên cuối vào 26 tháng Chạp âm lịch. Chị Tằm bảo Hoàng đón ngõ cho chị đắt hàng, bán xong chị sẽ cho cậu hai hào mua pháo. Hoàng (nhân vật Tôi), chị Tằm, bà bán hàng xén, Đắc Vỏ, mỗi người mỗi tính cách, hỷ nộ ái ố chẳng thiếu thứ gì. Hình ảnh chị Tằm cầm đòn gánh phang vào vai Đắc Vỏ giải cứu cho Hoàng; cảnh cô mắng bà bán hàng xén; cảnh mua coóc–sê; cảnh Hoàng hỏi chị Tằm có áo mới chưa, rất sống động. Tôi nói thế này, phải rất tài tình mới vẽ ra được bức tranh chợ Tết hiện thực đến thế. “Đêm ấy về nhà, tôi nằm một mình lạnh và buồn quá, tôi sẵn cái đèn pin tự chế và đôi giày thủng cỡ bốn mươi, tôi chạy sang chui vào chăn với chị Tằm. Không chờ chị ôm, tôi ghì lấy lưng chị, đầy vẻ biết ơn và thương mến. Tôi không ngờ đó là phiên chợ Tết cuối cùng. Bởi vì năm sau, chiến tranh nổ ra, chợ họp sơ tán và thưa thớt. Ngày hòa bình, chợ Ba Hàng về trung tâm thị trấn, họp quanh năm, không còn kể phiên, kể lượt. Sẽ chẳng bao giờ còn những phiên chợ Tết như thế nữa. Chị Tằm ơi!”

Câu chuyện thứ tư là Mùa trứng kiến, in trên Văn nghệ Việt Nam Tết 2019, dẫn người đọc về một buổi chiều xưa. Bom giặc trút xuống Hà Nội. Cô nữ sinh tên Quyên được mẹ đưa đi sơ tán. Cậu bé con chủ nhà, nhân vật Tôi, lớn tuổi hơn Quyên. Hai anh em rất thân thiết. Tết Hàn thực, Tôi đưa Quyên cùng đi lấy trứng kiến về làm bánh. Quyên bị kiến đốt phát sốt. Đến hè, mẹ Quyên đón con gái về Hà Nội. Lúc chia tay, Quyên tặng Tôi con dao xếp rất đẹp. Tôi chẳng có gì, hái cho Quyên ba trái ổi vườn nhà. Tôi bảo Quyên ăn nhưng Quyên bảo không ăn, sẽ giữ mãi mãi. Sau này nghe nói Quyên đi học ở Liên Xô, theo chế độ con liệt sỹ. Còn Tôi giải ngũ về đi cày. Và đây là đoạn kết của câu chuyện: “Có điều, tôi muốn kể lại: Con dao mà Quyên tặng tôi năm nào, tôi đem theo mấy chiến trường, có những lần giúp tôi thoát nguy, mà đến ngày trở về, con dao nhỏ vẫn theo tôi, không bị mất… Một lần, do sơ xuất, khi đi máy bay, tôi để con dao của Quyên trong túi xách, an ninh sân bay soi thấy, bắt tôi bỏ ra. “Chị thông cảm cho tôi. Đây là kỷ vật…” Chị an ninh lắc đầu. Tôi không nói tiếng nào nữa, lặng lẽ bỏ con dao vào thùng rác. Về sau, cứ mỗi lần đi qua, tôi lại nhìn vào cái thùng sắt ấy. Tôi tin là con dao vẫn ở đâu đó sân bay Nội Bài”.

Điểm chung ở truyện ngắn Hoàng Đình Quang, cụ thể là trong 4 truyện ngắn này, là chúng đều được khởi lên từ một vùng đất không thuộc về đô thị. Ngoại trừ nhân vật Quyên là Hà Nội, còn tất cả, Tôi, Chị Tằm, cô thôn nữ trong Những người thọ nạn, tất cả đều chân quê trong trẻo. Cảnh sắc lại càng đặc trưng. Nơi ấy, có đồi sim, mua hoa tím; có những tổ kiến, có những đêm đom đóm đốt lửa lập lòe. Để có thể làm bật lên cái chất quê thăm thẳm ấy quả thật chẳng dễ chút nào. Phải đi qua rất nhiều cánh đồng, rất nhiều lửa đạn, rất nhiều con phố, sống vô vàn cuộc sống, và phải có thực tài, mới có thể viết ra những trang văn như thế. Truyện ngắn của ông Quang, dù khởi đi là việc gì, có khi bé như hạt đậu, thì kết lại vẫn đậm hai chữ nhân tình. Đường dây dẫn dắt câu chuyện của ông Quang khá hớp, nhưng cái tôi gọi là nút thắt cổ chai khi kết mới độc. Trong khoảnh khắc, nó cô thời gian lại. Cái cũ ngày nào, cái phủ sương khói ở giữa, ở cuối câu chuyện được gọi dậy, lại mới tinh. Hồn nhiên, hợp lý, nhưng vẫn khiến người đọc bị bất ngờ. Như việc ông giáo già đem theo cái tráp xuống mồ; như việc Tôi ghì lấy lưng chị Tằm, đầy vẻ biết ơn và thương mến; như việc an ninh sân bay Nội Bài thu con dao xếp kỷ vật, bỏ vào thùng rác. Chỉ những cao thủ thuộc hàng thượng thừa mới đủ trình để có những cú kết như thế. Ông Quang còn cái tài nữa, thứ này ít người viết có, nhưng thôi tôi sẽ cất đi để nói vào lúc khác.

C.C