Đọc Truyện ngắn Xóm biệt tăm của Ngân Kim – Bài Trần Danh Thùy

483

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện ngắn Xóm Biệt Tăm của nhà văn trẻ đến từ quê hương cát nóng Bình Thuận là một sự đan xen giữa thực tại và hồi ức của Thương, nhân vật chính của truyện. Trong đó, hồi ức của Thương lúc tìm về xóm cũ để “tiễn đưa” bà mẹ đang bệnh rất nặng là phần cốt lõi của truyện.

Phần hồi ức của Thương là khi cô trên đường tìm lại xóm cũ nằm sau những cồn cát. Xóm có cái tên thật lạ “Xóm biệt tăm” vì tính chất địa hình của nó: vào dễ, ra khó. Biết đường vào xóm nhưng người ta vẫn khó nhớ được lối ra.

Dõi theo dòng hồi ức của Thương, người đọc sẽ tưởng tượng và cám cảnh cho hoàn cảnh và tâm trạng của cô, một mình như thân gái dặm trường tìm về quê cũ không còn định hình trong ký ức. Quê cũ của Thương như một thiên nhiên bao la, mênh mông, trập trùng những đồi cát như một không gian khó định hướng cho một ngày về.

Và trong cái xóm ấy, Thương có mẹ và anh trai, tên Hai. Hai anh em, thuở thiếu thời kiếm sống bằng nghề cho thuê ván trượt để du khách chơi trượt cát xuống đồi với những nỗi nhọc nhằn, cơ cực để kiếm sống hàng ngày. Thế rồi, cuộc đời cô bé Thương bỗng dưng biến đổi khi có người ở thành phố nhận làm con nuôi. Và từ đó, “cô lột xác thành con người khác. Cũng từ đó những chuyến đi về miền cát thưa dần, thưa dần rồi không còn nữa. Giờ thì Thương thực sự không còn nhớ đường về nhà. Thương đang bị lạc trên chính mảnh đất đã sinh ra mình.” (Xóm biệt tăm)

Tác giả Ngân Kim

Đọc Xóm Biệt Tăm, người đọc cũng sẽ, qua tâm tưởng của Thương, tức cũng qua bút pháp viết truyện ngắn chân thực nhưng không kém phần nghệ thuật của Ngân Kim, sẽ không khó rơi nước mắt vì một xóm nghèo hun hút của một quê hương cát nóng; vì một Thương tội tình theo số phận đẩy đưa của mình, vì một anh Hai biết thương em gái tội nghiệp của mình và vì một bà mẹ già với lòng thương con sâu sắc vượt qua cái không gian những cồn cát khô cằn, đơn giản khi bấm bụng cho đứa con gái ruột rà của mình ra phố để có một cuộc sống “đổi đời”.

Vât đổi, sao dời. Điều này tương ứng với bối cảnh của tự nhiên và hoàn cảnh của nhân vật. Đọc hồi ức của Thương, người đọc thương cảm cho cả những điều nhân vật không thể hiểu mình.

Với một giọng văn chân chất, hồn nhiên thể hiện những gì nhân vật trung tâm nghĩ suy một cách đơn giản, Xóm biệt tăm vẫn khiến cho người đọc phát hiện ra những khía cạnh sâu sắc của cuộc đời cũng như nghệ thuật viết văn của tác giả.

Giữa những đồi cát như một bức tranh tuyệt đẹp của một vùng quê hương cát nóng. Thương, như một nhân vật nhỏ bé nhưng là một nhân vật với một định mệnh vô vàn, đã thể hiện một kiếp người là một “nạn nhân” của một cảnh đời khốn khó tất nhiên.

Trên đường tìm về quê cũ, Thương như lạc lối vì những thay đổi của cuộc đời. Mà những thay đổi ấy là ngoài tâm tưởng và tâm thức của cô.

Xóm Biệt Tăm, như cái tên của nó, đã chia cách Thương với mẹ và anh Hai. Chia cách vì đâu, nhân vật của chúng ta có thể không hoàn toàn không có trong nhận thức. Nhưng người đọc chúng ta thì có thể định hình điều ấy khi đọc truyện. Đó cũng là nghệ thuật ngôn từ của nhà văn.

“Nỗi đau ồng ộc tuôn. Thương ném tiếng thét vào bầu trời đêm đặc quẹo phía trên cao, tiếng thét rơi xuống đập vào mặt cát rồi mất hút:

– Má ơi! Hai ơi!

Thương biết vậy là sợi dây mỏng mảnh nối nó với miền cát này đã đứt. Mặt cát lặng lẽ uống từng giọt nước mắt tuôn rơi.” (Xóm biệt tăm).

Đọc những dòng cuối truyện, tiếng thét của Thương như xé lòng chúng ta. Tuy vậy, tiếng gọi mẹ, gọi anh của cô như một hóa giải cho cuộc đời Thương. Tiếng thét và những giọt nước mắt của Thương vừa là một sự đứt rời và vừa là một sự thấm đẫm vào lòng cát nóng và vĩnh cữu ở lại đó như cái tên của một người con gái đáng thương…

T.D.T