Đọc “Về miền sông Hậu” của nhà thơ Đặng Tuyết

1263

Hoàng Thị Bích Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Vào một chiều đầu hạ, trong khu cách ly ở trường quân sự thành phố Cần Thơ dành cho công dân Việt Nam từ Singapore về nước, tôi nhận được món quà quý của nhà thơ Đặng Tuyết – tập thơ “Về miền sông Hậu”. Một ấn phẩm xinh xắn, bắt mắt với năm mươi tám bài thơ, rất ấn tượng. Tôi đã đọc một mạch ngay chiều hôm đó cho đến hết tập thơ. Lần theo mạch cảm xúc vui buồn của tác giả để khám phá thế giới tâm hồn của một người cầm bút giàu lòng nhân ái. Khám phá từng vần thơ mà chị đã gửi gắm nỗi lòng.

Thơ Đặng Tuyết có khi ghi lại tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc nhất của tâm hồn, cũng có khi bộc lộ những khoảnh khắc đau buồn trong cuộc sống.

Thơ chị mang đậm nét hồn quê Việt Nam: giản dị, mộc mạc, chân phương nhưng cũng không kém phần tinh tế. Năm mươi tám bài thơ phần lớn là thơ trữ tình, thỉnh thoảng có đan xen thế sự của một hồn thơ nặng lòng với quê hương. Những rung cảm toát lên tình yêu cuộc sống thiết tha. Ở đó đầy ắp tình người, tình đời.

Mở đầu tập thơ với bài Chợt nghe câu ví tác giả đưa chúng ta về cố hương núi Hồng sông La của chị. Hình ảnh quê hương chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí của người con xa xứ:

Về miền sông nước Cửu Long
Chợt nghe câu ví ấm lòng người xa
(Chợt nghe câu ví)

Người đang ở miền sông Hậu mà hồn bỗng mơ về cố hương khi nghe một điệu hò ví dặm (làn điệu dân ca xứ Nghệ), lòng tác giả dâng lên niềm cảm xúc thiêng liêng. Quê hương nơi chị cất tiếng khóc chào đời và lớn lên trong lời ru của mẹ. Điệu ví dặm quê nhà đã thấm vào buồng tim của người thơ để rồi dẫu khi xa quê tới một vùng đất mới đầy hứa hẹn, chị đã gặt hái nhiều thành công trên quê mới Cần Thơ – miền sông Hậu nhưng không thể quên xứ Nghệ thân yêu!

Tình người vùng đất Chín Rồng
Quyện vào câu ví núi Hồng sông La
Ai về xứ Nghệ quê ta
Nhớ miền sông Hậu bao la nghĩa tình.
(Chợt nghe câu ví)

Đã hơn ba mươi năm trôi qua, chị gắn bó với vùng đất Cần Thơ nhưng hình ảnh quê hương luôn đậm sâu trong tâm thức:

Mùa xuân sông nước hữu hình
Phố đông vẫn nhớ bóng hình quê hương.
(Tết về lòng mãi ấp ôm)

Và những địa danh những nơi chị đã từng dừng chân trên bước đường công tác hay thăm thú vãn cảnh đều để lại dấu ấn trong thơ.

Về với sông nước Tiền Giang
Nghe câu vọng cổ ngân vang dập dìu

Sông Tiền, Bến Lức, Trung Lương
Ngọt lành cây trái quê hương gọi mời”
(Về với sông nước Tiền Giang)
Hay: Sóc Trăng yên ả thanh bình
Châu Thành, Thạnh Trị ân tình khó quên
(Về thăm Sóc Trăng)
Hoặc: Đôi bờ sông Hậu sông Tiền
Qua miền Duyên Hải nối liền Trà Vinh
(Trà Vinh tình nghĩa sắt son).

Thơ chị còn chứa đựng tình yêu thiên nhiên qua những hình ảnh khi mùa xuân về như: mai, đào, chim chuyền cành, chồi non, tia nắng sớm… cho thấy tác giả quan sát kỹ những sự vật xung quanh, đó là những cảnh vật quen thuộc nhưng khi chọn lọc để đưa vào thơ, chị cũng có cách riêng để ghi lại khoảnh khắc thời gian bằng những rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên. Với nghệ thuật tạo hình cho không gian và thời gian. Đó là những hình ảnh “chiều nghiêng nắng đổ”, “đêm nghiêng”… thì quả thật rất mới. Bằng trí tưởng tượng phong phú tác giả đã tạo hình để ta thấy khoảnh khắc của thời gian cũng điệu nghệ đáng yêu! , rồi hình ảnh ” sương ướt”, ” đất mềm lối đi” được huy động các giác quan để cảm nhận rồi chọn để gửi gắm những cảm xúc của mình với một cảm giác thư thái dễ chịu trước bước đi tự nhiên của đất trời khi mùa xuân về:

Ban mai réo gọi xuân thì
Chợt bừng tỉnh giấc đếm vì sao rơi
(Nghiêng)

Đề tài quê hương, mùa xuân, mùa thu… là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Chính vì thế những hình ảnh về quê hương, dòng sông, tia nắng, cánh cò… không phải là mới. Nó đã xuất hiện trong thi ca nhiều thế kỷ trước. Không những thế mà có lẽ từ khi con người biết làm thơ thì hình ảnh: phong, hoa, tuyết, nguyệt đã có mặt trong thơ cổ điển nhưng khi đi vào thơ Đặng Tuyết chúng ta vẫn thấy có những nét rất riêng, rất hồn nhiên mà dung dị. Những cảnh vật của thiên nhiên được chị đưa vào thơ rất có hồn nhờ khả năng quan sát tinh tế, chọn từ ngữ giản dị, hình ảnh gợi sức liên tưởng. Sử dụng các biện pháp nghệ thuật tu từ như: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ hướng độc giả đến những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tình đời, tình người. Từ đó hướng suy tư và chiêm niệm, ngẫm ngợi về lẽ sống, về nhân tình thế thái.

Và đây nữa, những câu thơ với nghệ thuật nhân hóa, sử dụng từ láy, từ ghép thành công:

Khung trời mây lững lờ trôi
An nhiên tự tài tìm nơi trú về
Nắng vờn mây biếc vân vê
Nửa như hờn dỗi nửa mê say tình.
(Khung trời mây)

Những câu thơ tác giả dùng những hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi các y bác sỹ trong tuyến đầu chống dịch Corona:

Màu áo trắng thật tuyệt vời
Gian nan vẫn nở nụ cười xinh tươi
(Màu áo trắng)

Nhìn chung đề tài trong thơ Đặng Tuyết khá phong phú. Ngoài mảng đề tài về quê hương đất nước, những vùng đất tác giả đã có dịp đặt chân đến. Chị cũng dành những vần thơ tâm đắc để viết về những người thân yêu trong gia đình .Ngoài ra chị còn có những bài thơ về thế sự đan xen cảm xúc trữ tình hài hòa cân đối.

Hai câu thơ sau đây, tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh để gây ấn tượng cho người đọc:

Bài báo như những mũi tên
Bắn vào thói xấu xóa tên gian tà.
(Mừng ngày báo chí Việt Nam)

Tác giả cũng đã sử dụng biện pháp liệt kê rất thành công để câu thơ hàm súc, ít lời mà nhiều ý khi nói về những món ăn đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ:

Bánh vòng bánh cốm ưa nhìn
Phu thê bánh hỏi như mình với ta
Lá dứa, bánh ú, bánh đa
Bánh tét, lá cẩm, banh da lợn, bò…
(Hương vị phương Nam)

Ở thơ tám chữ chị có những câu thơ rất đạt trong lựa chọn hình ảnh, đảm bảo tính nhạc:

Đêm tĩnh lặng với bao điều tâm sự
Mảnh trăng ngà soi bóng khoảng trời xa
(Khúc giao mùa)

Nhìn chung thơ Đặng Tuyết phong phú về thể loại: thơ lục bát, thơ bát ngôn, thơ thất ngôn, thơ ngũ ngôn và thơ tự do. Nhưng đọc hết tập thơ Về miền sông Hậu tôi có nhận định thế mạnh của chị thuộc về thơ lục bát- một thể thơ truyền thống của dân tộc, chị tỏ ra rất nhuần nhuyễn, gieo vần chỉnh chu và có giọng thơ mượt mà. Ở các thể thơ bảy chữ, tám chữ, năm chữ và thơ tự do đọc giả vẫn muốn chị vận dụng luật đổi thanh hợp lý, tăng cường tính nhạc trong thơ để đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của độc giả.

Thành công của tác giả ở tập thơ Về miền sông Hậu là đã dụng tâm chắt lọc cảm xúc, biểu đạt bằng những từ ngữ dung dị dễ hiểu, lựa chọn hình ảnh sinh động, ấn tượng, gợi nhiều hơn tả để có những câu thơ hàm súc đầy tính ước lệ và sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật. Đặc biệt là biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh và ẩn dụ.

Xuyên suốt tập thơ của Đặng Tuyết thể hiện một tình yêu người, yêu đời thiết tha với quê hương đất nước. Một tâm hồn nhạy cảm tinh tế trước thiên nhiên và cuộc đời. Chúc chị luôn sức khỏe, yêu đời yêu thơ và giàu cảm hứng sáng tác.

H.T.B.H