Đôi bàn chân ngoại – Tản văn của Nhuận Tâm Hiền

480

(Vanchuongphuongnam.vn) – Bà tôi đã qua tuổi tám mươi, nhiều năm nay Bà tôi không còn đi được bước nào. Theo lời dặn của một vị lương y, chiều nào tôi cũng ngâm đôi bàn chân Bà vào xô nước ấm, pha chút muối, để mong đêm về Ngoại dễ ngủ hơn.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Lâu ngày chân không chạm đất, lại ngâm nước muối rồi lau khô, mang vớ, nên đôi bàn chân Bà trắng hồng mềm mại. Các bà, các cô, các chị trong xóm thường khen: “Như chân con gái mười bảy”. Nhưng với riêng tôi, mỗi lần nghe mọi người khen như vậy, ngoài một thoáng vui, tôi lại nao nao thấy nặng trĩu lòng bởi đôi chân Bà hơn tám mươi năm trường xuôi ngược, tảo tần suốt đường dài cát sỏi, qua nắng sớm mưa chiều… giờ đây đã đến hồi tê liệt.

Đôi bàn chân ấy đã dãi nắng dầm mưa suốt gần thế kỉ với bao nhọc nhằn gian khổ. Đôi bàn chân ấy đã đi qua chính cuộc đời và cuộc đời của từng đứa con, đứa cháu mà Ông Bà tôi sinh ra và nuôi lớn.

Bà Cố tôi mất khi sinh Ông cậu Út tôi chừng ba tháng. Ít năm sau ông Cố ngoại cũng lìa trần. Người chị đầu theo tiếng gọi non sông tập kết ra miền Bắc. Bà tôi lúc đó mười ba tuổi, là chị lớn trong nhà cùng bốn đứa em thơ dại, với cơm áo gạo tiền, ruộng vườn, nương rẫy.

Cả bốn chị em đều không biết đến việc học hành, chỉ có Ông cậu Út là trai một và nhỏ nhất, chưa làm được việc gì nên đi học mà thôi.

Tất cả lo toan trong gia đình sớm dồn vào đôi bàn chân của Bà. Những lúc nông nhàn, Bà phải tìm thêm việc để làm mong có đủ tiền chi tiêu. Bà đã từng cầm càng xe kéo chở đá thuê để trải đường hay các công trình xây dựng. Đôi bàn chân ấy đã bao lần rướm máu, bám đường lên dốc, bao lần thoăn thoắt khi xe đá nặng xuống dốc mỗi lúc càng nhanh.

Hai chín tuổi, Bà vâng lời chú bác cất bước theo chồng, về với Ông Ngoại tôi. Thời ấy đâu có xe hoa mà đón rước, đôi bàn chân Bà chạm đất tơi để bước sang trang mới của cuộc đời. Năm sau, Bà sinh cậu Hai, và từ đó cuộc đời Bà càng thêm vất vả, tảo tần.

Mười ba lần mang thai, bỏ bốn lần, nuôi lớn được chín. Nhưng cậu Hai tôi cũng đã ra đi ở tuổi 20 vì tai nạn bom mìn do chiến tranh khi tuổi Bà vừa tròn năm chục.

Theo lời kể của Mẹ tôi: Buổi chiều tháng 8 năm 1979, tiễn Cậu ra nghĩa trang, Bà không hề khóc, đôi bàn chân vẫn bước chậm và đều theo sau quan tài của con, đôi bàn tay chấp trước ngực, khuôn mặt tĩnh đến lạ lùng. Có phải Bà đang giấu kín niềm đau?

Ra ngoài tuổi lục tuần, vì lao khổ nhọc nhằn, nuôi các con ăn học mà Ông Ngoại đã bị chấn thương nặng cột sống, không còn đứng thẳng lên được, phải ở nhà suốt cho đến ngày tạ thế. Từ đây, đôi bàn chân Bà càng chai sần gót. Chồng không còn đi làm được nữa, cả chín đứa con đều còn tuổi ăn tuổi học, đứa Út thì chỉ vừa mới lên hai tuổi. Vườn rẫy, cuốc xới Bà lăn lộn một mình. Mùa nào thức ấy cũng khóm, mít, sắn, khoai, cũng đậu mè, rau cải… Bà chăm sóc cho đến hồi thu hoạch, gánh bán tận chợ xa. Bán xong mua một gánh trở về nào gạo, nào rau, cá tôm, muối mắm và thỉnh thoảng gói bánh cho Ông, cho các con và thậm chí cho thế hệ cháu, chắt như chúng tôi. Tiện tặn từng chút một, đến độ Bà không dám bước lên xe bus để đi vì sợ tốn thêm tiền, không gói ghém chi tiêu sợ không đủ dành cho Cậu, Dì ăn học.

Đường sá thời của Ngoại cũng không tốt như bây giờ. Một số đường còn ổ gà lỏm chỏm, thậm chí là cả con đường đất phủ một lớp rong rêu trơn trợt. Ấy thế mà đôi bàn chân Bà đã qua đây không biết mấy vạn lần. Nắng cũng như mưa, Bà ít khi đi dép mà xếp lại thành đôi vắt vào gióng gánh để bước cho nhanh. Khi mẹ tôi hỏi, Bà nói rằng: “Vú quen rồi, đi dép lâu hơn mà lại dễ trợt”. Phải chăng Bà sợ dép mau hư, mau mòn rồi tốn tiền mua đôi mới!

Ngày Ông theo ông theo bà. Bà lại âm thầm đưa tiễn Ông bằng những bước chân chậm rãi, trong tiếng kệ kinh. Đến năm 80 tuổi, đôi bàn chân Bà không còn đủ mạnh, Bà phải cầm thêm chiếc gậy nhưng vẫn chưa thấy tạm dừng. Vẫn bôn ba trên mọi nẻo đường quê tìm đến những phút an tịnh trong lòng trong những tiếng chuông chiều công phu sau làn khói bếp.

Mùa hạ 2011, trong một ngày nắng hanh tháng sáu, Bà lâm bệnh tai biến phải liệt một bên. Những bước chân ngược xuôi ngày nào không còn tiếp tục được nữa.

Tôi đi làm xa, mỗi lần về quê nhìn Bà vẫn lui tới trong nhà, dạo quanh những con đường trong xóm, nhưng phải nhờ vào chiếc xe lăn, với đôi chân hầu như sắp đến ngày bất động, đang co rút dần và hẳn là rất nhiều đau nhức bên trong, mặc dù ai gặp cũng khen: “Chân Bà đẹp như con gái mười bảy”. Nghe mà ứa nước mắt.

N.T.H