Đôi bàn tay mẹ – Truyện ngắn Hồ Xuân Đà

1138

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cơn mưa chiều nay nặng hạt và dai dẳng bất ngờ. Mới 5 giờ chiều mà trời như đã tối. Mây đen và gió vần vũ trên nền trời chớp sang những cơn giông. Dù đã rất cẩn thận khoát kín lên người chiếc áo mưa, nhưng vẫn không sao khỏi thấm lạnh da người.

Nhà văn trẻ Hồ Xuân Đà

Chị trở về nhà sau một ngày tích cực làm việc ở cơ quan. Căn phòng này, là nơi hội tụ sự bình yên, chở che cho chị qua bao mùa thăng trầm mưa nắng… Chị thả người nhè nhẹ trên bộ ghế sô pha và mở ti vi, xem tin tức trên đài truyền hình. Mấy hôm nay chị cũng đã nghe thoáng qua việc một bà mẹ trẻ vì bị trầm cảm nên vô tâm đã giết con ruột của chính mình mang nặng đẻ đau. Sau phần đưa tin, đài truyền hình có thực hiện một cuộc nói chuyện với một bác sĩ chuyên khoa tâm lý nói về căn bệnh trầm cảm của phụ nữ sau khi sinh. Chuyện vẫn thường xảy ra mỗi năm, thỉnh thoảng xuất hiện trong các bản tin thời sự, các trang báo mạng, có bài viết chi tiết, mỗi bài miêu tả một trạng thái khác nhau. Mạng xã hội nóng lên với những quan điểm ngược chiều. Người thì lên án những người phụ nữ đó rằng “Hổ dữ không ăn thịt con…”, hay “không thể nào tin chuyện đó xảy ra!”. Chị rơi nước mắt khi xem hết chương trình, lắng nghe từng lời đối thoại của vị bác sĩ khách mời với các nhân vật tham gia tọa đàm…

Chị nhớ lại những ngày tháng, một mình chị vượt qua cơn khủng hoảng của những ngày sinh con. Chị có lẽ, không tin vào bản thân mình đã chiến thắng những ngày tháng tăm tối ấy, tiếng khóc của con giữa đêm khuya, nỗi lo về hơi thở không đều hay tiếng ho của con, sự vô tâm của chồng, hay tiếng chê bai của mẹ chồng, hay sự bận rộn vô tư của mẹ đẻ, và cả những lời ong ve của bạn bè.

Lúc đó, chị chỉ thấy trước mắt mình một màu đen tối, ám ảnh những câu nói chẳng biết là vì thương hay ghét. Mà sao, chị cảm thấy mình như bị bỏ rơi giữa mênh mông biển cả, mà xung quanh chỉ toàn sóng dữ. Chị không biết bơi, và chị cô đơn trong căn phòng với tiếng khóc của con, và sự buồn chán khi con ngủ say, mệt mỏi khi con thức giấc, bi quan khi con ốm đau. Ngày tháng cứ thế hành hạ thân xác và tinh thần của chị. Chị không cười, cũng không nói, không bước chân ra khỏi cửa phòng, không buồn tắm rửa, không thể nào nói gì được với người thân. Ai hỏi gì chị cũng cáu gắt, khó chịu, và chính chị đẩy tất cả họ đi ra xa cuộc sống của mình. Chị trầm hẳn xuống, cảm giác thất thường, không biết buồn hay giận, không biết mình phải làm gì, chị thấy mình chán nản-vô nghĩa, tương lai mờ mịt, xác thân nặng trịch, với chỉ số cân nặng tăng đáng kể, vết thương vừa sinh con ngang bụng do phẫu thuật đôi lần làm cho chị khó chịu. Chị cứ mãi ám ảnh chính mình khi tìm bộ quần áo ngày trước mặt vào. Mọi cái thật tồi tệ. Chị không còn là chị. Quá tệ hại cho một người phụ nữ vừa vượt cạn. Chị một mình đối diện với tiếng khóc của con. Chị gọi chồng giúp, chồng trả lời “Đàn bà phải biết nuôi con, cho con bú, dỗ con không xong thì đừng làm đàn bà”. Thế là, đêm ấy chị vừa ôm con, vừa hát ru, vừa lưng rưng nước mắt. Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, chị tiếp tục im lặng trong đớn đau và lên cơn sốt nhẹ.
Sữa trong hai bầu vú chị bắt cương lên, nhưng con chị thì cứ khóc không ngưng, hết dỗ con rồi nặn sữa cho ra, nhưng chị vẫn bất lực. Thế là, chị bỏ con một mình mà cứ ngồi khóc. Chị nghĩ, không còn con đường nào cho mình. Chị muốn chết đi, hoặc cả hai mẹ con cùng chết. Chị không nghe được điều gì lọt tai, sao giọng nói ngày thường cứ tưởng như thân quen mà sao giờ vô cùng cay nghiệt.

Tình yêu là gì, hôn nhân là gì, hạnh phúc là gì, trách nhiệm và bổn phận làm mẹ, làm một người đàn bà khiến tinh thần chị luôn căng như sợi dây đàn. Chị không còn nhớ mình đã từng vui vẻ ra sao, ngày cuối cùng chị cười khi nào. Giây phút đón con chào đời lâng lâng bao cảm xúc, giờ đã tan biến. Tối tăm bao quanh lấy chị. Chị nghe ai đó nói kết thúc sẽ quên hết tất cả. Mọi khổ đau sẽ qua đi. Chị hoàn toàn không có người chia sẻ. Những người bạn khiến chị thấy mặc cảm, gia đình bên ngoại, chị không muốn mình là gánh nặng, gia đình bên chồng khiến chị thấy ngột ngạt. Chồng chị vẫn đi sớm về muộn mặt kệ cho chị loay hoay với mớ bòng bong. Chị nhức nhối trong từng thớ thịt. Cơn sốt bắt đầu tăng mạnh. Hình như cơ thể chị bắt đầu phản kháng. Chị thấy lạnh run. Và có khi nghĩ đến mọi việc kết thúc. Chị ngã gục xuống cái bồn rửa mặt, nhìn lên chiếc gương, chị không còn nhìn ra mình và bắt đầu khóc như một đứa trẻ, thì lúc đó mẹ chồng chị vào:
– Tại sao không cho con bú sữa, mà bỏ con mình khóc vì đói, rồi đứng đó mà khóc lóc. Đàn bà gì mà hư hỏng, giờ này còn nhớ thương ai…

Chị không trả lời, chị vẫn không ngưng được hai hàng nước mắt. Chắc chị nhớ lại vài chuyện xưa, đại khái thời ấy chị luôn được quan tâm – yêu thương. Chứ không phải lấy chồng rồi, với chị luôn là nhiệm vụ, luôn là đạo lý, và các lý lẽ khác nhau trong việc làm dâu nhà chồng, chị luôn là người sai. Cho dù chị có biện minh hay cố gắng biểu lộ cho mình một vài tiếng nói trong gia đình lớn. Giọt nước như tràn ly, chị chỉ muốn kết thúc bằng những viên thuốc ngủ. Phải chăng cái chết sẽ chôn vùi hết mọi bi thương, ấm ức của đời chị. Chị định trong bụng đêm nay chị sẽ ra đi…

Đêm ấy, mẹ chồng chị pha sữa ngoài cho con gái chị bú. Lúc đầu, con bé hơi tỏ ra không quen, nhưng rồi cũng chịu ngậm bình bú, khi con đã no bụng, con bé ngủ say bên cạnh chị, đôi môi mũm mỉm, đôi má non phúng phính, đôi bàn tay xíu xíu mới thật đáng yêu làm sao. Vậy mà, mới trong trạng thái nào đó vừa đi ngang qua bảo chị kết thúc mọi việc bằng tự kết liễu đời mình, và cả đứa con vừa chào cuộc đời. Chị nghĩ đến mẹ, giờ này chắc mẹ vẫn chưa ngủ, tuổi càng lớn mẹ chị càng khó ngủ, có những đêm bà gọi cho chị, hỏi chị có ổn không, chị vẫn trả lời rằng chị đang ổn, nhưng thật ra chị có ổn chút nào đâu, chị phải làm sao đây, khi không muốn mình là gắng nặng cho mẹ. Nhưng lần này, chị phải gọi ngay cho mẹ, chị bấm phím điện thoại, mà nước mắt chảy dài trên gò má, chuông điện thoại reo chừng đôi ba tiếng thì giọng nói miền trung của mẹ quen thuộc vang lên:
– Đứa nào gọi cho mẹ vậy? Sao không nói gì? Nói cho mẹ biết đứa nào đi?
– Con đây, con đây mà, mai mẹ lên với con đi, mai mẹ lên với con đi mẹ, con cần mẹ.
– Con không ổn sao? Con bệnh à?… Trong người thế nào rồi, nói cho mẹ nghe!
– Con không sao, nhưng con nhớ mẹ quá!
– Vậy mai mẹ sẽ lên với con, và cháu, mẹ biết ngay là không có mẹ những lúc sinh con thì không thể nào ổn được mà!
Chị tắt điện thoại và bỏ nó xuống đầu giường và khóc nức nở, chị cố không để nó tan ra thành tiếng nấc, và nước mắt thì cứ chảy. Sáng sớm hôm sau, khi chị còn chưa thức thì mẹ chị đã có mặt tại nhà chồng chị, mẹ ôm lấy chị vào lòng như thuở chị còn bé nhỏ, như những ngày chị còn thơ. Mẹ đã đi chuyến xe lúc 2 h sáng, để kịp đến bên chị. Mẹ hỏi chị rất nhiều, mà chị cứ im lặng và khóc, cơ thể chị bắt đầu lên cơn sốt cao, mẹ vội vàng đưa chị đến ngay bệnh viện phụ sản gần nhất. Sau một buổi sáng, xét nghiệm và sự chẩn đoán thăm khám của bác sĩ. Mẹ chị nói cho chị nghe về những gì chị đang gặp phải.
– Con à, con bị áp xe vú và đi kèm triệu chứng của căn bệnh trầm cảm rồi, bây giờ con hãy làm bạn cùng mẹ, mẹ sẽ cùng con vượt qua những ngày tháng khó khăn của một người phụ nữ bắt đầu làm mẹ.

Chị nằm yên trên giường bệnh, nghe từng lời yêu thương của mẹ, lặng im nhìn ánh mắt chan chứa tình cảm, như hiểu nỗi khó khăn, sự mệt mỏi, những gì chị đang gồng gánh trong tâm trí, bế tắc trong suy nghĩ, mất phương hướng trong cuộc hành trình bắt đầu làm mẹ, chị cầm chắc đôi bàn tay của mẹ mình, và đặt lên ngực, như muốn tìm lại chút hơi ấm, như muốn nói rằng: “Mẹ ơi, tình yêu thương của mẹ đối với con bao la, rộng lớn như thế nào, mẹ đã cứu con vượt qua cái hố của tử thần mà chính con không thể vượt qua, mà chỉ muốn vùi chôn cuộc đời mình”. Suốt tuần đó, mẹ chị luôn ở bên cạnh chị, anh chị em hai bên nội ngoại đến chơi với chị nhiều hơn, không khí trong căn phòng trở nên vui tươi, mẹ chị cắm một lọ hoa với màu sắc tươi sáng, rực rỡ, cửa sổ căn phòng cũng được mở ra, và giai điệu du dương của nhạc nhẹ khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, chị không còn thấy gắt gỏng, áp lực khi nhìn những việc khó khăn đang xảy ra quanh mình. Chị khỏe mạnh lại hoàn toàn từ thể chất đến tinh thần. Mẹ chị an tâm về quê, mỗi ngày không quên gọi điện thoại cho chị. Chị thân với vài người bạn hơn, và sẵn sàng nói lên những ấm ức của mình với những người xung quanh. Khi tâm lý không bị đè nén, chị trở nên tự tin hơn trong việc làm mẹ. Con gái chị mỗi ngày lớn lên xinh xắn, đáng yêu. Chị bắt đầu cảm nhận mọi thứ xảy ra hàng ngày đều là trải nghiệm của hạnh phúc.
Chuyện của chị đã trải qua đã gần 6 năm rồi, con gái chị giờ đã bắt đầu chuẩn bị vào lớp 1, mọi việc chăm con nhỏ muôn vàn khó nhọc giờ đã vơi bớt phần nào. Đôi khi nhớ lại những ngày tháng cứ tưởng mình sẽ làm điều đó dại dột, chị rùng mình, hóa ra mình rất may mắn khi còn mẹ, khi có người mẹ biết quan tâm thương mến con. Nếu ngày ấy, chị không gọi điện về cho mẹ, để rồi bật khóc như trẻ nhỏ, để mẹ chị quan tâm chị kịp thời, thì không biết, chị có phải như người phụ nữ mà tin tức thời sự đang rầm rộ đưa tin, nhằm đưa ra hồi chuông cho tất cả các gia đình có những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh. Cái căn bệnh mà chính người bệnh cũng không hay biết, người thân không thể nhận dạng, thì cần có những người đã trải nghiệm qua cảm xúc tâm lý của người bắt đầu làm mẹ ấy giúp đỡ, chia sẻ quan tâm và động viên, thấu hiểu với những gì họ đang trải qua.

Đêm ấy, mưa vẫn rỉ rả không ngừng rơi, chị lướt qua rất nhiều trang báo, và nhật ký zalo của rất nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa và cả của “đàn em” mới vào cơ quan, đa số họ là phụ nữ, và đang bắt đầu làm mẹ, đang làm mẹ. Những cảm xúc, trạng thái đầy căng thẳng, tâm trạng. Chị như hiểu ra vấn đề họ đang gặp phải, chị nhắn tin cho một cô em gái trong số đó, và buổi tối kéo dài mãi tới tận khuya, chị mới có thể đi ngủ, câu chuyện của cô em gái ấy quá dài, và cô ấy cần có người lắng nghe, cần có người trò chuyện. Khi người ta cô đơn, khi người ta bế tắc, khi người ta cảm thấy mệt mỏi, thì sự quan tâm là cứu cánh của họ. Phút giây yếu đuối về tinh thần đôi khi quật ngã con người nhanh hơn những cơn bệnh của thể xác. Chị biết rằng cô em gái đồng nghiệp của chị cần sự chia sẻ, động thái tích cực hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, ủi an.

Giấc ngủ trôi qua thật nhanh, khi ngoài sân gà đã gáy sáng, nắng bắt đầu tỏa những chùm ánh sáng đầu tiên qua ô cửa sổ, trong lịch trình làm việc hôm nay của chị, có thời gian dành cho một bà mẹ trẻ vừa mới sinh con đầu lòng.

THÁNG 8 NĂM 2018- HỒ XUÂN ĐÀ