Đời bão – Truyện ngắn của Hồ Xuân Đà

730

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng hôm sau, hàng xóm vẫn thấy hình ảnh bà thu gom từng vỏ lon bia, phế liệu, đổi thành từng đồng bạc lẻ, cho vào cái túi nho nhỏ, dắt vào túi áo bà ba, miệng luôn đon đả nói cười, như chưa từng có cơn bão nào đi ngang qua.

Nhà văn Hồ Xuân Đà

Trời lại chuyển mưa, đã cuối tháng mười một rồi. Sao năm nay trời Sài Gòn mưa vẫn không ngớt, sáng thì trời mù mờ bởi những đám mây đen, con đường trong xóm thì ươn ướt nhiều đoạn – chưa bê tông hóa, nước do mưa, kết hợp những đợt triều cường dâng lên, cứ thỉnh thoảng ngập lụt mọi ngõ ngách. Những ngôi nhà được nâng nền lên cao thì đỡ vất vả, những ngôi nhà chưa được đầu tư nâng nền thì cứ ngập triền miên. Như nhà bà Năm ở cuối hẻm đang tất bật kê bàn ghế lên cao, để mong khỏi bị hư bộ sa lông, mấy cái tủ gỗ kị nước. Cứ nâng nền lên càng cao, thì mỗi năm mực nước lại tăng thêm một vài nấc. Cả xóm, mỗi khi họp khu phố luôn bàn bạc, thảo luận rôm rả, khi những đợt triều cường hàng năm lại về. Miền Trung vất vả vì những cơn bão, còn dân của một thành phố văn minh bậc nhất nước, cũng mệt mỏi không kém khi điệp khúc ngập, ngập từ trong nhà và đến mọi con đường, ngõ hẻm khi mỗi khi trời mưa lớn.

Nhà bà Bảy thì thảnh thơi hơn, đợt trước, bán đất ruộng bà đã kịp xây lại căn nhà với tiêu chí là nền nhà phải cao hơn hàng xóm, bà sợ lắm cảnh nhà ngập nước, đêm nằm ngủ không ngon giấc vì sợ mấy bao lúa giống lên mộng, tủ quần áo, tủ chén nước tràn vào. Khi nước rút phải rửa và phơi khô lại. Bà đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi,  cái tuổi gần chạm đến mốc tám mươi năm cuộc đời, già rồi nhưng có được thảnh thơi đâu, hết việc nhà cửa rồi con cái. Bà ám ảnh mãi cảnh nhà trên nhà dưới lênh láng nước.

Thời trẻ suốt ngày với ruộng đồng, gà vịt nên bà chẳng biết đau lưng mỏi gối là gì, từ ngày bán hết ruộng bà chỉ ngồi lẩn thẩn ở trong nhà, ngủ gật lên ngủ gật xuống, thèm đi ra đồng nhìn đám lúa đang trổ bông, bầy vịt đang đói mồi, nhưng giờ bước ra chỉ thấy đó là những lô dất được phân chia có quy hoạch với giá tiền tỷ trở lên. Bà nhớ thương cánh đồng của mình. Lòng quặn đau. Trong một cơn cùng cực nào đó, bà đã vì con mà bán đi mảnh ruộng cuối cùng của một đời như máu thịt mình với giá hời, chỉ cần nghĩ đến thôi, mà bà đã nhói trong tim, chứ đừng nói đế nhìn lại kỷ vật quý giá từng là của mình. Đời này, thời nay, còn gì giá trị hơn đất đâu. Đất là sự sống, là mầm chồi nẩy lộc của một đời con người.

Còn sống là còn lo, chỉ khi nhắm mắt xuôi tay, mới mong được nghỉ ngơi thật sự. Bà nghĩ – bà cũng thọ, còn sức khỏe, nhờ một thời luôn chăm chỉ lao động chân tay, mê mãi mỗi khi thóc lúa về đầy nhà. Cùng lứa của bà, có rất nhiều người đã về với tổ tiên rồi, bà dù thỉnh thoảng có đau lưng, nhức gối, vài cơn cảm mạo cũng vượt qua nhờ bầy con gái phụ giúp chăm lo cơm nước, thuốc thang. Dù đứa nào cũng bận bịu với gia đình riêng. Ngày xưa bà cứ mê con trai, giờ tuổi già chỉ cậy vào con gái, bà thấy hối hối trong ngực. Có khi bà cũng chẳng cần muốn sống thêm ngày nào nữa, khi mỗi sáng thức dậy lại nghe những cơn bão do đám con trai bà gây ra.

Bà có cả mười hai người con, trời thương bà nên thuở xưa bà đầu tắt mặt tối bán lưng cho đồng ruộng, cúi người mãi giữa trời trưa nắng bà vẫn sanh đẻ và nuôi tròn trịa, chín gái, ba trai. Thời đó, bà chỉ mong con cái rắn chắc khỏe mạnh, cơm no áo ấm là bà vui rồi, còn việc học hành, bà cũng mong lắm, nhưng cũng không ép, vì đứa nào có ý thức thì học, còn không thì ở nhà phụ bà chăm đàn gà, lùa đàn vịt cũng vui rồi. Cuộc sống của người nông dân hiền lành, chất phát, chỉ mong ước vậy. Khi các con trưởng thành chừng mười lăm mười sáu tuổi, thì cũng biết đi làm công nhân ở các khu công nghiệp kiếm sống. Bầy con gái của bà, lớn lên từ đồng ruộng, biết phụ mẹ phơi lúa, làm bếp, bắt cua đồng từ tấm bé, nên đứa nào cũng tỏ ra phong trần, khéo léo. Lần lượt vợ chồng bà gả được chúng ở những nơi tử tế, gia đình gia giáo lễ nghĩa, nên bà cũng yên tâm phần nào. Lấy đó làm niềm vui mỗi khi trái gió trở trời, có cả bầy con gái lo gì đói no.

Trời chỉ hù dọa người ta, bảo là có mưa to trên diện rộng, mà bà nãy giờ ngồi cắt cả cây chuối sứ cho hai con heo mọi ăn, mà có thấy giọt nào rơi đâu, ông Bảy ở trong nhà chặp chặp thì réo bà:

– Trời sắp mưa rồi, bà còn không lo dọn dẹp mà vô nhà, bà ngồi đó nhìn trời nhìn đất, lại ốm đau báo hành tụi nhỏ!

Bà Bảy nổi quạu:

– Kệ tui, ông làm gì la tui, ở riêng rồi thì quan tâm làm gì, tui chết kệ cha tui, tui có kêu ông đâu!

– Nhưng bà kêu tụi con gái về, sao lúc đau yếu bà không kêu mấy thằng con trai cưng của bà đó! Tụi nó chỉ giỏi quậy phá, tui nói từ xưa rồi, tui không ưa con trai, mà bà cứ đẻ, nhất là cái thằng Út Mười của bà, chắc hồi xưa tui ở trong ruộng canh vịt, bà ở nhà lấy ai, mới sinh ra cái thằng trời đánh đó, phá cha, hai mẹ, nếu nó không phá, giờ tui đã ở nhà lầu 5 tầng, chứ không phải căn nhà cấp 4 nắng thì nóng chảy mỡ, mưa thì lạnh thấu xương.

– Ông vừa nói gì, ông nói tui lấy ai, già rồi mà không tu bớt đi, già rồi mà không nên nết, ông đi vô nhà ngay chứ không có chuyện với tui à!

Ông Bảy, sống chung với bà cả một đời người, ngay từ cái tuổi mười bảy bẻ gảy sừng trâu, cho đến hôm nay bà đã chạm cái tuổi cuối của bảy mươi mấy, tóc đã bạc trắng, cháu nội cháu ngoại, cháu cố, cháu chắt, chít, tập trung mỗi dịp tết đến xuân về, cả nồi bánh tét ngót nghét 20 kg nếp, 5 kg thịt ba chỉ, 5 kg đậu xanh bà cặm cụi gói từ những ngày giáp tết không đủ ăn, phải gói kèm thêm bánh ít, bánh ú. Con cháu đông như vậy, nên ông cũng đã quá hiểu tính nết của bà, miệng thì luôn nói, tỏ vẽ ta đây rất chi là hung dữ, không chịu thua ai, nhưng khóc thì cứ là khóc thầm, giấu nước mắt vào trong, lấm la lấm lét, quệt nước mắt, rồi giả bộ đổ thừa tại bụi, tại thời tiết, khóc mà cứ xấu hổ lắm, kiểu như làm chuyện gì xấu xa. Nghĩ cho cùng tâm lý con người sao lại mâu thuẫn đến vậy, đôi lần bà thấy mình buồn cười đến não ruột. Thật ra, con người càng tỏ ra mạnh mẽ lại là người yếu đuối nhất, người tỏ ra bất cần tình cảm lại cần sự quan tâm nhất.

Ông Bảy thấy thương vợ mình lắm, đôi lần ông ngõ ý nói với bà, vô nhà ông mới xây mà ở chung, vợ chồng già bảo ban nhau, nương tựa nhau, đầu ấp-tay gối-vai kề lúc tuổi già cô đơn, bóng xế. Nhưng bà không chịu, bà cứ nói với ông, rằng già rồi, bà không quen ngủ chung, rồi đổ thừa rằng ông ăn uống khó khăn, keo kiệt, khắt khe, cả đời bà đã chịu đựng rồi, giờ không muốn chung thúng đụng nia nữa. Ông Bảy buồn lắm, vì không thể thuyết phục được bà, rồi ông nói trỏng một mình, mỗi khi bà đi ngang qua cửa nhà ông:

– Con hư tại mẹ, bà ở đó mà thương thằng Út Mười, ở chung với nó, mà cung phụng nó đi! Hai công ruộng với giá hai tỷ đồng cho thói ăn chơi cờ bạc, bóng đá của nó rồi mà bà còn chưa sáng mắt ra. Cả đời tui phá hoang, cuốc đất, be bờ đắp ruộng chỉ được năm công đất, không dám ăn, không dám mặc, dè sẻn từng bạc lẻ khi hút điếu thuốc lá Sài Gòn, để giờ nghèo cũng hoàn nghèo cũng vì thằng quý tử của bà.

– Ông nói nữa đi, nói nữa tui ôm gói đi biệt tích ông đừng tìm, nó có phá thì phá phần của tui, còn phần của ông với mấy đứa kia tui chia đều hết rồi, tui với nó hết thì tui với nó nhịn, ông ở đó mà nhằn hoài, ai mà sống nổi. Chẳng lẻ, tui làm mẹ, mà thấy con mắc nợ trốn chui trốn nhủi, sợ giang hồ bắt đánh đập, tui làm thinh sao. Ông đâu có mang nặng đẻ đau như tui mà hiểu được tui đau khổ như thế nào!

– Thương có nhiều cách thương, cách thương của bà chỉ tổ làm hư con, cưng chiều, bảo bọc.

– Không – tui không bảo bọc, nó vẫn tự làm tự ăn, khi từ thời mới mười bốn tuổi, ông còn nhớ lúc đó nó nghỉ học vì nhà mình nghèo không, ở nhà chăn vịt, cắt rau muống bán, rồi đi cắt lá dừa? Nó làm đủ thứ việc bằng sức lao động. Tui thương nó không được học hành như bạn bè.

– Ai cũng vậy bà ơi, ai không lao động mà sống trong cuộc đời được. Con người sinh ra phải lao động mới trưởng thành. Tại nó không chịu học thì trách ai?

Bà Bảy im lặng một hồi, bà nhìn xă xăm, và thở dài nặng nhọc…

– Tui biết, tui lớn lên từ ruộng đồng, mẹ của tôi từng là một hành khất mà làm sao tôi không hiểu, tui quý từng đồng, tui gói trong cái bị cũ mèm, chỉ sợ ai đó thấy tiền của tôi rồi để ý.

– Bà quý vậy sao bà cầm những cọc tiền tỷ để trả nợ cho nó, bà không để nó đi khỏi cái vùng này đi.

– Ông tưởng tui không biết tiếc tiền khi trả nợ cho con sao?

– Tiếc thì đừng trả, cho nó tự làm tự chịu, hơi sức đâu bà lo, mình có cả hơn chục đứa con, chứ làm như có mình nó, mà bà phải nặng đầu.

– Nói vậy mà ông cũng nói được sao? Nợ cờ nợ bạc, nợ gì cũng phải trả, không thể không trả, nó còn có vợ có con, tui với ông đã sống ở đất này hết một đời. Tui thà bỏ mất tiền tỷ, chú không muốn nghe ai động phạm đến con trai tui.

– Thì vậy, bà thương con, thì tui biết làm sao, tui luôn vẫn phải sống theo lệnh bà từ xưa tới giờ mà!

– Ông làm như tui hiếp ông lắm! hứ…

– Tối qua đây ngủ nghe! Tui ôm cái coi!

– Ông già này, tụi nhỏ thấy kìa!

– Thấy gì mà thấy, tui với bà đẻ được mười hai đứa con rồi, bày đặt mắc cỡ.

– Nhưng giờ già rồi!

– Già mới nương vào nhau mà sống, cây khô dễ gãy mà bà!

– Biết rồi, bớt khó khăn một chút đi, cây khô gần chết mà cứ la lối, lẻ phải suốt ngày!

– Tại bà hết đó! Tại bà mà tui mới vậy!…

Đêm đó, mưa dầm suốt đêm, nghe nói ở miền Trung đang bão, bà nằm ngủ mà không yên, tâm trạng vẩn vơ đủ thứ chuyện, chuyện con heo mọi bị đói, bị ướt ở ngoài sân, chuyện mấy đứa cháu nội đi chơi đêm chưa về kịp, chuyện mấy cái bao đựng ve chai, bà gom khi chiều mà chưa cột lại cho ngay ngắn, chuyện mấy cái bìa cac-tông bà xin hàng xóm về để bán, mưa cứ thế này chắc ướt hết rồi. Còn thằng Út Mười đi đâu tới giờ này chưa về…

Đến hơn nửa đêm rồi, khi tiếng gà đã bắt gáy canh thứ nhất, tuổi già cứ nghe có tiếng động nhỏ, tiếng chó sủa, mèo hoang kêu nheo nhéo ngoài hàng rào, hay cơn gió xào xạt mạnh hơn một chút cũng đủ làm bà làm tỉnh giấc, cứ thế thức trắng đêm, mất ngủ. Bà biết dù có trở mình lăn qua lăn lại, ôm chiếc gối, cố vỗ về giấc ngủ trở lại là điều không thể. Bà ngồi dậy, bước vào phòng khách bật cái ti vi thời bà mới bán mảnh ruộng đầu tiên để mua với giá năm chỉ vàng ta, bà đậy khăn không cho nó bám bụi, xài thật kỹ lưỡng, cho đến thời bây giờ người ta xài toàn tivi siêu phẳng, wifi, thì bà vẫn luôn trung thành với cái tivi bắt anten của mình. Bà có lúc thắc mắc: “Sao bây giờ đài truyền hình họ hay thiệt, mở tivi giờ nào cũng có cái để xem, công nhận thời đại này người ta tiếp nhận nguồn thông tin rộng rãi thật!”.

Đêm đó, bà xem chương trình cải lương và ngủ gật trên chiếc ghế tựa lưng, mãi cho đến khi trời tờ mờ sáng. Những chú gà trống bắt đầu thi nhau tiếng gáy. Bà nghe chuông điện thoại reo:

– Má ơi, ra mở cửa cho con vào!

Thì ra, thằng Út Mười của bà đi chơi tới giờ này mới về, chắc là mới ngồi sòng ở đâu, giờ này mới vác xác về. Bà biết chắc, nhưng không dám la lối, âm thầm ra mở cửa cho thằng con trai cưng. Vừa cầm xâu chìa khóa, kiếm cái chìa của cổng chính, bà làu bàu trong miệng vừa đủ cho thằng Út Mười nghe:

– Mày đi đâu giờ này mới về, vợ mày nó nhăn làm tao không chịu nổi, rồi ba mày, ổng chưởi tao suốt, mày cứ vậy làm sao tao sống nổi hả Út?

– Con đi kiếm tiền mà!

– Kiếm cái đầu mày, mày đi phá tiền thì có. “Cờ bạc là bác thằng bần – cửa nhà bán hết ra thân ăn mày” con ơi!

– Mệt má quá, riết má cũng giống y như ba với con vợ của con.

– Mày không nghe tao, rồi mày sẽ hối hận, giờ tao hết tiền rồi, không cứu mày nổi lần nữa đâu nghe! Ruộng đồng tao cũng hết rồi! mày lo mà liệu tấm thân!

– Con đi ngủ đây, buồn ngủ rồi, con lớn rồi, con biết mà, rồi con sẽ gỡ lại, lấy lại hết những gì con đã mất!

– Con đừng mơ giữa ban ngày, gỡ lại hay cho người ta thêm con?

– Mệt má thiệt, thôi đi ngủ đây!…

Nói rồi, thằng con quý tử phá bà bạc tỷ đi vào phòng nằm ngủ, chẳng màn hỏi thăm con cái nó đi học như thế nào, bỏ mặc con dâu bà tất bật với những việc không tên, bắt đầu ngày mai cho hai đứa cháu nội của bà đến trường. Hai đứa cháu ngoan, một trai, một gái, khoanh tay trước mặt chào bà nội đi học, bà ôm hôn hai đứa mà trong lòng xa xót, muốn ứa nước mắt, đau thắt ruột gan khi nghĩ đến “thằng cha” của chúng nó.

Nhìn theo dáng đứa con dâu tất tả lo lắng cho hai đứa nhỏ, bà cảm thấy mình có lỗi, thấy thương con gái của người ta, làm dâu ai không làm, lại làm dâu nhà bà, vướng phải cái thằng con có máu cờ bạc nó ăn sâu vào tận gốc rễ, bao lần bà định khuyên con dâu bỏ thằng con của bà mà kiếm người đàn ông khác, nhưng rồi vì sự ích kỷ cho riêng mình cũng lớn hơn cái tình thương giữa người với người. Bà không đành lòng để cháu nội của bà thiếu vắng tình thương của cha, hoặc mẹ, và bà cũng thèm nhìn tụi nhỏ lớn lên trong căn nhà vốn không ngọt lành này, có tiếng cười của tụi nhỏ vẫn hơn, tiếng nói thơ ngây, hành động đáng yêu của cái tuổi lên ba lên bốn làm ấm lòng, để bà  được sống thêm một ngày, ngày hai. Cây già thèm nhìn măng mọc, để thấy sự sống vẫn trường tồn, máu mủ của mình đang sinh sôi nảy nở, và dù bà có trăm nỗi đau, triệu sự nhức nhối hàng đêm, thì sáng ra bà vẫn lom khom cái lưng, quét cái sân cho con cháu chạy nhảy. Mỗi chiều về, bà lại xuống bếp tranh thủ bắt nồi cơm cho con dâu, rồi mang chiếc ghế đẩu ra sân ngồi đợi cháu con đi học, đi làm trở về. Bà thầm nghĩ, không biết những việc làm nầy là đúng hay sai. Bà luôn khuyên con dâu, đừng buồn lòng chồng mà bỏ bà đi, bà nói nhiều lần, với nhiều lý do, và con dâu bà, có lẽ vì sống với bà ngót chừng cũng gần mười năm. Mến tay mến chân nên không bỏ bà mà đi. Vợ chồng đã ly thân với nhau cả chừng bốn năm, hay năm năm rồi, bà nhớ không rõ, bà chỉ nhớ, đã rất lâu rồi con dâu bà không nói chuyện với con trai bà, không chung phòng, không buồn khuyên thằng con bà điều gì nữa, chắc có lẽ con dâu bà cũng đã quá mệt mỏi, sau bao lần trả nợ cho chồng, dính đến chuyện phiền phức do cờ bạc của chồng gây ra. Bà thương con dâu, nhưng bà lại thương con bà nhiều hơn, thương cháu nội nhiều hơn. Bà cảm thấy mọi việc cực kỳ nan giải.

Lại nhớ đến chuyện của bà bạn ở xóm trên, bà vẫn có rất nhiều bạn bè từ thuở làm đồng, cấy mướn. Bà Hai Thơ, khổ còn hơn mình. Khổ nhiều hơn đấy chứ? Mà sao bà Hai Thơ giỏi thật, chứ gặp bà là bà bỏ thằng con nghiện ma túy đó rồi, buôn bán có mấy đồng với cái xe bánh bèo, bánh lọc. Lấy đâu ra tiền mà mỗi ngày phải mua thuốc đúng cữ cho con. Nghe bạn kể, bà ứa nước mắt, phải ôm bà Hai Thơ mà khóc, vì thấy sao cuộc đời làm mẹ đau đớn đến thế này, sinh con nuôi con đã vất vả, lớn lên tưởng đã trưởng thành mà nào có yên, mỗi ngày bà Hai Thơ bán xong đều tìm nơi để mua thuốc về cho con, có lần nghe chính quyền địa phương khuyên can, bà cũng cho con cai nghiện, nhưng lại thấy con vật vả khi lên cơn, thì chính tay bà lại cởi trói và mua thuốc cho con. Cứ như vậy, bà cho rằng bà thương con, yêu con. Vì tình mẹ bao la không khéo lại đưa con vào ngõ cụt. Bà không vượt qua được ngay từ khi bà nuôi con từ thuở bé, con đòi kẹo là có kẹo, con té ngã bà đánh ngay cục đá nào ngán đường con, con đánh nhau với bạn, bà chẳng cần biết nguyên nhân, mắng xối xả, đòi tát vỡ mặt đứa nào động đến con bà. Mới hôm qua thôi, ở phường sau bao lần muốn cho con bà vào trại cai nghiện nhưng không được, lần này, họ quyết tâm và đưa xe đến đọc quyết định cho con bà đi trại, bà khóc lóc van xin. Bà ngồi lỳ ở phòng tiếp dân, một hai phải bảo lãnh con bà về cho bằng được.

Nghe câu chuyện của bà Hai Thơ mà bà Bảy thấy mình vẫn còn may, may hơn chỗ con mình chỉ nghiện cờ bạc, cờ bạc thì có thắng có thua, chứ có hại ai đâu, nghe nói ở mấy nước láng giềng họ còn tổ chức cả casino cho người dân đánh bài, khách du lịch đến chơi, rồi thu thuế để xây trường học bệnh viện mà. Bà cứ thắc mắc hoài trong đầu, tại sao nhà nước cấm chơi cờ bạc, đánh bài, bóng đá, mà con của bà luôn có nơi để chơi, nhất là khi con bà có tiền, người ta lại rủ rê, mời gọi. Lúc con bà có tiền thì mặc sức bạn bè tìm đến cho mượn nợ, cho vay. Đến khi, đen vận người ta lại tìm đến nhà bà, rồi hăm he thế nọ thế kia, bà luôn sợ hãi, âu lo khi những đứa cháu nội của bà sẽ là miếng mồi ngon của chúng nó.

Bà trở về nhà, bữa cơm chiều buồn thiu, với mấy ngọn rau lang luộc, đĩa cá kho quẹt, một ít rau sống hái quanh vườn nhà. Bà không thể nào ăn nổi đến một chén cơm, thì chuông điện thoại reo, bà bắt máy, đầu dây bên kia là giọng nói thằng Út Mười:

– Má ơi, làm ơn cứu con!… Con bị bắt trên đây rồi, đang đánh có vài ván có 10 ngàn đồng thôi, nhưng công an họ vào bắt tại trận rồi, bao nhiêu tiền trên người con và mọi người tại đó đều bị giữ làm tang vật.

– Kệ mày! Cho mày bị nhốt một thời gian, mày biết cái thân mày, tao già gần xuống lổ rồi, mày ở đó mà báo tao hoài. Tao cúp máy đây!

– Thôi mà má, má làm ơn lên đóng phạt và bảo lãnh con đi, chứ con còn có ai đâu, vợ con nó chặn số điện thoại con rồi!

– Cho đáng cái thân mày!

Vậy là thêm một đêm nữa, bà Bảy không thể ngủ được một phút, cứ nhắm mắt lại là bà lại thấy con của bà đang bị muỗi đốt, cứ nhắm mắt là bà lại nghĩ đến số tiền đóng phạt cho con về, số tiền lớn quá, bà làm sao đây. Sau khi trả nợ đợt trước cho quý tử, bà có còn lại gì đâu, đói no cũng chỉ nhờ mấy đứa con gái, bệnh tật cũng gọi cho mấy đứa con gái chăm, cũng may cái thân bà sống vì con hết mình, nên cũng còn có những đứa con hiếu thảo, bà chỉ khổ mấy thằng con trai, nhưng khổ nhất vẫn là thằng quý tử này, nước mắt của người già đâu còn dạt dào như những bà mẹ trẻ. Mà sao, chiếc gối bà nằm như có mưa từ trên mái nhà dột xuống ướt hết cả một khoảng.

Đã gần đến trưa rồi, đợi tới giờ chiều mà bà không lên đóng phạt là con bà sẽ đợi đến ngày khởi tố ra tòa. Bà không đành lòng đâu. Bà không nằm nữa, bà đứng dậy, đi tới đi lui một hồi cho tới khi Ông Bảy đi ra quán mua ít trà, ít sữa, ông Bảy nói vọng vào nhà cho bà nghe:

– Trông nhà cho tui đi ra quán chút, để ý mấy con gà coi chừng nó vô sân ỉa đầy nhà nghe bà!

– Tui biết rồi! đi ra quán có tí xíu mà lo xa vậy!

Ông Bảy đi chừng khoảng ba mươi phút sau thì trở về, bà Bảy trưa hôm đó tự tay nấu cơm và gọi ông Bảy vô ăn, ông Bảy mừng thầm trong người, sao bà vợ mình hôm nay lại tốt bụng, quan tâm mình đến vậy. Chẳng cần biết lý do, chỉ cần trưa hôm đó, vợ chồng ông bà, đã lâu lắm rồi mới có bữa cơm ngon miệng cùng nhau.

Chiều hôm đó, bà Bảy đi đâu tới chạng vạng mới vế nhà, làm ông Bảy lo âu, đứng đứng ngồi ngồi chẳng yên. Ông hỏi bà vài câu, bà cũng nhỏ nhẹ trả lời với ông, rằng bà đi thăm chị Hai Thơ, ông Bảy không nói gì, chỉ rủ bà cùng ngồi ăn tối với ông. Lần này, thì bà nghe ông, ông bà lại có thêm một bữa cơm tối ngon miệng ấm áp, dẫu radio luôn phát tin tức bão số 12 đang hoành hành các tỉnh miền Trung và đang tiếp tục di chuyển sang các tỉnh miền tây Nam Bộ.

Sáng hôm sau, cả nhà tỉnh giấc tập trung hết cả ngoài sân, vì tiếng gọi của Ông Bảy:

– Đứa nào vào phòng tao lấy chìa khóa, tao để dưới cái khăn màu vàng, rồi lấy một sợi dây chuyền, một cái tấm lắc, một chiếc nhẫn của con gái thứ tư gửi. Nó sợ mất nên mang về gửi tao, mà giờ đứa nào độc ác lấy mất rồi!

Rồi ông nói tiếp:

– Tao biết, chỉ có người nhà mới lấy được, vì nếu người dưng lấy họ đã lấy hết chứ không chừa!

Câu chuyện cứ dài ra, với nghi ngờ, với tiếng thở dài, bực tức, mệt mỏi, của người nói và người nghe. Bà Bảy chẳng nói gì chỉ biết im lặng. Ông Bảy nhìn Bà một cách mất hết niềm tin, rồi nói:

– Ngày mai, tui gọi đám con gái về nói chuyện, rồi tụi nó sẽ điều tra ra ngay!

Ai lấy số vàng đó sẽ không yên với tui đâu!

– Thì ông muốn làm gì thì làm, muốn nghi ai thì nghi! Ông có quyền mà!

Rồi bà lẳng lặng đi ra sân, lại ngồi cắt từng khoanh chuối cho mấy con heo mọi ăn, bà chuẩn bị cái ăn cho ngày tết, ai nói gì thì nói, bà vẫn mong đến ngày tết, cần mẫn chăm sóc con heo mọi, chăm sóc mấy cây chuối, mấy cây trúc thủy, trong đầu nghĩ – ngày nào đó thích hợp, sẽ gom hết số ve chai, phế liệu này bán đi, chắc cũng dư sức mua nếp mua đậu. Thằng con quý tử của bà làm như thương mẹ lắm, cứ ngồi trước mặt bà, quấn quýt bà, tỉ tỉ tê tê, mặc cho ông Bảy trong nhà đang cạnh khóe, bà thấy thương con mình quá, đã hơn bốn mươi tuổi đầu rồi, mà sao mỗi lần vấp ngã sai lầm nó vẫn là thằng bé vừa lên bốn. Bà chẳng thể nào hiểu, cái lý do vì sao cuộc đời nó cứ va đầu vào đỏ đen, sao cuộc đời nó cứ bị đồng tiền dẫn dắt đến cơ sự khốn cùng, bần cực, nợ nần.

Cuộc đời của bà bao lần nghe tin bão, mà sao lần này cái se lạnh của tiết trời ảnh hưởng bão đang di chuyển đến buốt đau tận tâm can, thớ thịt. Tin bão vẫn còn đươc tiếp tục vang đều trên tivi – radio, và bà vẫn lắng tai nghe, bão chưa thể làm đau tới nơi bà đang sống, còn cơn bão của đời bà sao cứ quằn quặn đau. Mà không phải là quặn đau, cơn đau muốn xé tâm cang bà, sinh ra cái thằng con dại khờ, biết đến bao giờ làm người tử tế được, ngay cả đối với những đứa con mang gen di truyền và huyết thanh của mình mà cũng chả tử tế được. Chẳng bao giờ bà thôi nghĩ đến, khi bà đã mang nó chín tháng mười ngày, đánh đổi của cải vật chất để cầu mong nó quay về, bà nguyện cầu ơn trên, “con dại cái mang, mũi dại thì lái chịu đòn”, xin để bà chịu hết những lời ra tiếng vào. Tóc bà một đêm trắng cả mái đầu, đôi mắt thâm quầng, cái lưng cong hơn, thêm vài cm, bà quyết không rơi nước mắt, ai hỏi gì bà cũng nói, con bà là một đứa con ngoan. Lẩm ca lẩm cẩm một mình, nó là thằng con biết nghĩ mà, rồi nó sẽ giác ngộ, sẽ tu tâm dưỡng tính, rồi nó sẽ là thằng con có hiếu nhất nhà cho mà coi. Buổi sáng hôm sau, hàng xóm vẫn thấy hình ảnh bà thu gom từng vỏ lon bia, phế liệu, đổi thành từng đồng bạc lẻ, cho vào cái túi nho nhỏ, dắt vào túi áo bà ba, miệng luôn đon đả nói cười, như chưa từng có cơn bão nào đi ngang qua.

17-4-2019

H.X.Đ