Đôi điều cảm nhận về thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

479

Vương Huy

(Vanchuongphuongnam.vn)Ấn tượng đầu tiên của tôi đối với thơ Quỳnh Nga là tính chất mô-đéc của thơ. Những con chữ trong thơ chị luôn mới và hình tượng dặt dìu. Cái đặc biệt của thơ chị là sự lặp lại nhiều lần những chữ như: xanh, miền – như hai từ mã khóa của thơ. Như vậy thơ Quỳnh Nga là màu xanh của ước vọng và là thơ của người châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Hai đặc trưng này gần như xuyên suốt trong tập thơ “Nghiêng phía nào cũng nhớ“.

Tác giả Huỳnh Thị Quỳnh Nga 

Chị có những câu thơ đẹp và lạ như nắng mai, những câu thơ khơi gợi liên tưởng sâu xa, chị viết: “Mưa trổ tiếng hát giữa lòng đất xanh“. Cái lòng đất đó xanh ngời lên tiếng hát của mưa. Câu thơ mang hơi hướm siêu thực nhưng cũng rất thực. Nó chỉ gợi sự suy nghĩ, cảm giác.

Hay chị viết: “Em hóa loài chim hạc – Sãi cánh vào chiều ngơ ngác“. Câu thơ gợi lên sự cô độc mải miết của một đường bay định mệnh. Vâng, trong thơ, chị là cánh chim hạc cô độc bay giữa trời chiều, một loài chim tượng trưng cho sự thanh cao nhưng lẻ loi.

Quỳnh Nga có lẽ yêu loài sen, một loài hoa thanh quý của cửa Phật, chị vẽ lên bằng ngôn từ cái hình tướng và bản chất của loài sen, chị viết:

“Vẽ những đường cong từ sen

Tỏa lên nguồn ánh sáng tinh khiết

Tôi nghe từ mùi bùn non

Những vết cọ. Đặc trưng như cánh ván

Những mảng màu vi ngôn

Đẫm ướt sợi khói thiền!“

Từ loài sen cho thấy tâm thế thiền. Nét bút chị như vờn vẽ cho một loài hoa tỏa ánh sáng thanh khiết. Thơ chị như để cảm cái chiều sâu hun hút của tâm thức trên bình diện ngôn ngữ phơi bày, chứ thật ra thơ chị khó giải thích. Mà thật vậy, thơ có cần giải thích không nhỉ!?

Đóa linh lan là hoa gì? Mà đóa linh lan nở hoa trên từng đợt sóng tình xô đẩy, chị viết: “Em đóa linh lan trên con sóng say tình“. Cái hình tượng một đóa hoa vừa trôi vừa nở trên con sóng, gợi nhắc đến một cái đẹp chênh vênh, lênh đênh giữa dòng đời cay nghiệt. Thơ chị là vậy đó, chỉ có thể liên tưởng và cảm nhận.

Ở nhiều chỗ, thơ chị cho thấy cái rực lên của đồng bằng, bằng những hình ảnh rất thực và tiêu biểu cho miền sông nước. Những lúc đó, thơ chị trở nên dễ hiểu và nhịp thơ đi như điệu nước cuốn hoa trôi của bài Lưu Thủy. Có lẽ, phải là một đứa con của đồng bằng sông nước mới có thể viết như thế này:

“Tôi về hái trái bần xanh

Nghe con sáo sậu cất cánh bay về tổ

Để nghe đồng bằng đỏ lên phù sa mùa lũ

Con bìm bịp kêu chiều gọi nước ròng nước lớn

Con cá lòng tong phơi mình đợi bóng nắng rơi“

Đấy, đặc trưng của vùng châu thổ phương Nam đi vào thơ một cách tự nhiên dung dị tựa hồ như hơi thở: trái bần xanh, con sáo sậu, phù sa đỏ, con bìm bịp, con cá lòng tong. Những hình ảnh như chắt chiu hoài giữ trong miền sâu tâm thức vùng đất chợt bật ra trên trang thơ một cách đơn giản như tính cách người Nam bộ. Có những câu thơ đơn giản nhưng chạm rung sợi tơ lòng của những ai từng sống và thiết tha với vùng đất yêu dấu của mình.

Và đây câu thơ chị như gợi nhớ đến cánh cò của Vương Bột bay trong thơ Đường, Trung Quốc từ nhiều thế kỷ về trước. Câu thơ Vương Bột: “Lạc hà dữ cô lộ tề phi“ (Ráng chiều với cánh cò đơn lẻ cùng bay). Quỳnh Nga viết:

“Tôi thấy chân dung tôi

Hóa cánh cò thôi miên ngẩn ngơ bay theo chiều ráng đỏ“

Có lúc chị gọi về giữa lòng quê mẹ những khúc ca mộc mạc quê mùa như nhịp thở, nhịp sống, và ngân dài mênh mang như hai dòng Tiền giang và Hậu giang trôi hoang vu giữa xứ sở. Những câu ca thấm trong chiếc nôi ấu thơ và chưa xa mà bỗng nhớ, chị viết:

“Em cô gái sông Tiền ơi về đi giữa lòng quê mẹ

Tôi sẽ đợi em xuống khúc xàng xê

Câu ca quê mình sao dịu ngọt lạ ghê

Tôi chưa xa mà bỗng dưng thấy nhớ“

Khổ thơ này gợi tôi nhớ đến bài haiku nổi tiếng của nhà thơ lãng du Basho:

“Đang ở cố đô

Nghe chim thời gian hót

Mà nhớ tiếc cố đô“

Cái nhớ tiếc của hai nhà thơ ở hai không gian và thời gian khác nhau bỗng dưng có cơ hội trùng phùng. Một đằng nghe chim hót mà nhớ tiếc kinh đô xa xưa. Một đằng nghe câu hát quê mình mà bỗng nhớ quê đến lạ dù chưa đi xa quê. Thơ là thế, những hồn thơ thực sự luôn có hội ngộ trong thơ.

Có lúc thơ chị rất hiện đại, câu thơ như một ẩn ngôn, như một nhiệt hứng, như một sự tìm tòi một cái gì khác và mới, chị viết:

“Tôi muốn sờ vào gương mặt em

Để chạm vào một góc cạnh khác

Của những dòng thơ lửa cháy“

Chị cũng có cách dùng từ mới lạ độc đáo như biểu hiện của một sự tìm tòi về mặt dụng ngôn, chữ đắc địa. “Mùa rất ngâu“ thì chỉ có chị viết như thế.

“Tay nào em hái vạt mưa

Thả vào tôi buốt một mùa rất ngâu“

Thơ của Quỳnh Nga là những bài thơ với bút pháp hiện đại, tìm đến những hình ảnh truyền thống để thể hiện, tức là có sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại, giữa cách tân và cổ điển, siêu thực và hiện thực đan cài nhau trong thi phẩm. Xin mọi người hãy mở lòng với thơ của chị.

V.H