Đôi điều suy nghĩ về ngày Gia đình Việt Nam

639

Võ Văn Thọ

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển Văn minh, bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy, hay nói rộng hơn nền văn hóa của quốc gia dân tộc được bảo tồn, phát triển, phù hợp với xu thế dòng chảy lịch sử  của nhân loại.

Nhà văn Võ Văn Thọ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt, xã hội tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đây cũng là quan điểm duy vật biện chứng. Ngày 28.06.2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị số 55 – CT/ TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tiếp đó, ngày 04.05.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/ QĐ – TTg về ngày gia đình Việt Nam, lấy ngày 28.06 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, là thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu!

Kỉ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam, ta càng thấy tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Dân gian ta thường có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, hàm ý của câu ca dao, khuyên dạy con người tôn trọng mái ấm gia đình, sự thủy chung, mà mỗi gia đình Việt Nam đã tạo dựng trên nền móng vững chắc; đó cũng là khởi điểm cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam thời hiện đại. Từ thực tế hiện nay, do sự phát triển của xã hội công nghiệp, thời điểm công nghệ 4.0, nên các thành viên trong gia đình mỗi người mỗi việc, ít có cơ hội, điều kiện để sum họp gia đình thường xuyên. Vợ chồng có khi ba ngày, một tuần, thậm chí cả tháng chưa được sum họp một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình, đã làm cho tình cảm gia đình không còn được mặm mà, ấm áp, mỗi vui buồn, sự cảm thông, chia sẻ chưa được giải bày, tâm sự kịp thời, nên là nguyên nhân dẫn đến gia đình chưa được hạnh phúc trọn vẹn. Việc đề cao, coi trọng ngày Gia đình Việt Nam chính là tạo dựng cho tổ ấm gia đình được gắn kết, hạnh phúc hơn, ý nghĩa của việc vì sao phải coi trọng ngày Gia đình Việt Nam.

Thực tế, tục ngữ, ca dao đã đúc kết bằng câu thành ngữ: “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, ý nghĩa nói lên việc coi trọng gia đình, coi trọng giá trị văn hóa cao quý của dân tộc, cùng hướng về nguồn cội; bảo vệ cái tốt, cái đẹp, hướng đến chân, thiện, Mỹ. Nếu vợ hoặc chồng, con cái không chia sẻ khó khăn, không động viên quyết tâm thực hiện, thì dù việc nhỏ cũng khó thành công, chứ chưa nói những việc lớn lao; chính vì lẽ đó, ngày Gia đình Việt Nam càng có ý nghĩa hơn, nếu mỗi gia đình đều biết coi trọng. Mọi sự, không biết coi trọng gia đình, không kịp thời chia sẻ, quan tâm, không hiểu thấu đáo và tôn trọng lẫn nhau… đều là nguyên nhân dẫn đến rạn nứt trong gia đình, dẫn đến bất hòa, không hạnh phúc và là khởi điểm cho sự tan nát, ly tan gia đình. Chính vì lẽ đó, không ít cặp vợ chồng, con cái phải chia tay nhau, dù thời điểm ban đầu sống rất hạnh phúc!

Ngày nay, trong sự bận rộn, hối hả của công việc nhất là người làm công ăn lương, ít có điều kiện để đoàn tụ gia đình, nên tình cảm, sự quan tâm bị mai một. Tuy nhiên, những ai hiểu, biết được tầm quan trọng, và luôn đề cao, sống có trách nhiệm với các thành viên trong gia đình, coi trọng tổ ấm gia đình, thì gia đình ấy chắc chắn sẽ có cuộc sống thuận hòa, an yên và hạnh phúc vững chắc.

Bữa cơm của ngày Gia đình Việt Nam, còn là dịp để cha mẹ, vợ chồng, con cái quan tâm lẫn nhau, trao đổi những vấn đề về nuôi dạy con cái, cùng chung tiếng nói trao đổi kinh nghiệm việc nuôi dưỡng, bảo vệ trẻ em; lên tiếng phê phán, đấu tranh đối với những trường hợp trẻ em bị ngược đãi bất công, hay bị tệ nạn xã hội xâm hại…

Có thể khẳng định, ngày Gia đình Việt Nam 28.06 hàng năm luôn là ngày có ý nghĩa, được xã hội quan tâm, đề cao nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước hội nhập, hợp tác và phát triển sâu rộng với thế giới. Việc bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa hướng về nguồn cội là việc làm không thể lãng quên, xao nhãng; có làm được như vậy, thì xã hội mới phát triển bền vững và hạnh phúc!

Tam Kỳ, ngày 27.06.2020

V.V.T