Đôi điều về tập sách ‘Con tằm rút ruột nhả tơ’ của Nguyễn Văn Hòa

839

Nhà thơ Lê Phương Lan

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Con tằm rút ruột nhả tơ” – 32 khúc đò đưa thơ và văn xuôi là cuốn sách vừa xuất bản của nhà phê bình trẻ và tài hoa Nguyễn Văn Hòa.

Bìa sách “Con tằm rút ruột nhả tơ” của Nguyễn Văn Hòa.

Cầm cuốn sách trên tay, lần giở từng trang, tôi thầm tự hỏi mình: Nguyễn Văn Hoà sẽ viết những gì về các nhà thơ, nhà văn đương đại? Và tôi đã chọn cái tên Đoàn Thị Lam Luyến để bắt đầu cho những cảm nhận của mình.

Đoàn Thị Lam Luyến là nhà thơ đương đại nhưng đã thành danh từ những năm 80,90 của thế kỉ 20 với tập thơ mang tên “Lỡ  một thì con gái”, được độc giả đón nhận và yêu quý, nhất là độc giả nữ với chất thơ đầy tình yêu và nữ tính.

Bà chính là tác giả bài thơ “Khát vọng” nổi tiếng đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc với những câu từ tha thiết, cháy bỏng:

Gửi tình yêu vào đất

Được hoa trái ngọt lành

Gửi lên trời cao rộng

Sẽ được ngọn gió xanh

Em trao cả cho anh

Một tình yêu nồng cháy…

Tôi hồi hộp muốn biết Nguyễn Văn Hoà sẽ viết gì về người nữ sĩ tài hoa ấy.

Và tôi đã hoàn toàn bất ngờ với những nhận định, phân tích sâu sắc và cực kỳ ấn tượng về nhà thơ từng đơn phương “phát động cuộc chiến tranh tình ái” này.

“Đoàn Thị Lam Luyến có một kiểu tình yêu mạnh mẽ, bạo dạn, không giống ai… Ít người có được cá tính như bà: phân cực tình yêu, yêu ghét rạch ròi. Bà yêu “đến nơi đến chốn” và yêu ai cũng yêu một cách tận cùng.

Với bà, tình yêu không đơn giản chỉ là tình yêu mà nó là những cái cao đẹp, thánh thiện của con người.

Lam Luyến yêu một cách cuồng nhiệt, cháy bỏng, nhưng đổi lại đó là những mất mát, đổ vỡ và thất bại tột cùng. Càng đổ vỡ thì bà càng khao khát được yêu, được sống trong tình yêu chồng vợ. Trong bài “Huyền thoại” bà viết:

Giá được một chén say, mà ngủ suốt triệu năm

Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy

Giá được anh hẹn hò dù phải chờ đợi lâu đến mấy

Em sẽ chờ như thể một tình yêu.

Lam Luyến yêu đến độ mê đắm, lúc nào bà cũng tôn trọng và đề cao người tình của mình hơn mức bình thường:

Anh có trong tay tất cả

Tài danh, sức lực, quyền hành

Em là kẻ ăn mày sang trọng

Một chiều bén ngõ nhà anh

(Huyền thoại)

Hình ảnh người tình của Lam Luyến, có lúc được bà “thiêng” hoá:

Anh đến như trời sai đến

Em không giữ nổi phép màu

Như có bàn tay định mệnh

Bàng hoàng ánh mắt giao nhau

(Lời anh trên biển)

Và đây nữa…

“Nồng nhiệt và tự tin đến ngây thơ, bất chấp những cảnh ngộ thực tế, người đàn bà ấy sẵn sàng cao giọng “thách thức” với mọi khắc nghiệt của đời sống:

Gian khổ hay cách trở

Thương nhau thêm bội phần

Và với em khi đó

Tình yêu là phép nhân

(Phép nhân)

Với Đoàn Thị Lam Luyến, bà sẵn sàng thế chấp tất cả vì tình yêu, cho dù đó chỉ là tình yêu đơn phương, chỉ là tình cảm một phía, không được đền đáp, không được nhận lại và không được sẻ chia:

Dẫu chẳng được hẹn hò

Em cứ đợi cứ say

Em vẫn đợi

Vẫn chờ

Dẫu chỉ là huyền thoại một tình yêu

(Huyền thoại)

Có lẽ, Đoàn Thị Lam Luyến chỉ sống được trong thế giới của tình yêu. Và “yêu” đó là tâm lý thường trực ở người đàn bà tài sắc đa đoan này.

Những khao khát yêu đương mãnh liệt trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến đánh thức phần bản năng nhất của con người mà lâu nay người ta thường giấu giếm, che đậy. Điều đó mang một giá trị nhân văn sâu sắc”.

Chà, thật bất ngờ…

Và còn nhiều, nhiều nữa…

Tôi như bị lạc giữa những câu chữ hay và đẹp; những nhận xét tinh tế, nhận định sắc sảo; những cái nhìn độc đáo, mới lạ; những thấu cảm sâu sắc, rất Tình, rất Người, rất Đời- đầy nâng niu, trân trọng, yêu thương và cả xót xa nữa… của tác giả.

Cùng với Đoàn Thị Lam Luyến, trong “Con tằm rút ruột nhả tơ” ta còn bắt gặp rất nhiều những cái tên vừa quen, vừa lạ của các nhà thơ, nhà văn đương đại khác được Nguyễn Văn Hoà nhắc đến như: nhà thơ Lý Phương Liên, Trương Lan Anh, nhà thơ Trần Nhuận Minh hoặc Huỳnh Thuý Kiều – Gương mặt thơ nữ trẻ nhiều triển vọng vùng sông nước Cửu Long; hay nhà văn Võ Chí Nhất với tiểu thuyết “Hoàng cung”, Hà Kiều với tiếng lòng của người thầy giáo trong tập bút kí “Làm sao để khôn ngoan hơn trên đường đời?” hoặc Trương Phú Thiện với tập sách “Tình yêu diệu kì- Giải mã bí mật ba nguồn vốn…!” – được coi như cuốn cẩm nang ghi chép những chiêm nghiệm, cảm nhận về công việc, sức khoẻ, tiền bạc, tài nguyên, cuộc sống…

32 bài viết về 32 nhà thơ, nhà văn đương đại là 32 bông hoa tươi sắc thắm – mỗi bông một vẻ, một sắc, một hương.

Chúng ta hãy cùng đọc, cùng cảm nhận và cùng chia vui với những thành công của Nguyễn Văn Hoà.

Chúc anh sẽ ngày càng thăng hoa hơn nữa trong sự nghiệp và những đam mê của mình.

L.P.L