Đôi điều về truyện cực ngắn

903

Thể loại Truyện cực ngắn đến nay vẫn là một thể loại thịnh hành trong văn học Trung Quốc (và thời gian qua cũng có nhiều tác giả Việt Nam thử sức ở lĩnh vực này). Hàng năm, Tác gia hiệp hội Trung Quốc đều có các tuyển tập chọn lọc Truyện Cực Ngắn của năm, cùng với Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Thơ…

Bài viết sau đây của Uông Tăng Kỳ, một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, người được coi là đi đầu trên phương diện viết tiểu thuyết bằng ngòi bút tản văn, sẽ cung cấp một góc nhìn về thể loại văn học này…

Truyện cực ngắn (hay Truyện ngắn mini) vốn vẫn có từ xưa. Nước ngoài cũng có. Nhưng ở Trung Quốc thời gian gần đây, truyện cực ngắn đặc biệt phổ biến, diện độc giả cũng rất rộng. Vì vậy, truyện cực ngắn lại trở thành một hiện tượng mới đáng chú ý; truyện cực ngắn trên thực tế cũng hình thành một khái niệm mới. Truyện cực ngắn là gì? Khái niệm này bao gồm những nội dung gì? Tìm hiểu một chút về vấn đề này sẽ giúp ích cho sự phát triển trong sáng tác truyện cực ngắn.

Truyện cực ngắn thịnh hành, không chỉ là vì tiết tấu khẩn trương của cuộc sống hiện nay, khiến cuộc sống trở nên gấp gáp, thiếu thời gian rảnh rỗi. Nếu đúng như thế thì những tiểu thuyết dài ắt hẳn sẽ không có ai đọc nữa. Nguyên nhân quan trọng hơn chính là yêu cầu của độc giả đối với hình thức của tiểu thuyết ngày càng nhiều hơn. Họ đòi hỏi có những sản phẩm mới, hình thức mới, hương vị mới. Thừa nhận điểm này, thì truyện cực ngắn mới có thể thực sự chiếm được một chỗ ngồi trong bàn tiệc văn học, tác giả của truyện cực ngắn mới có thể có những tìm kiếm đặc biệt riêng có của mình.

Truyện cực ngắn không phải chỉ là một câu chuyện ngắn. “Ngắn” không phải là đặc trưng bên ngoài duy nhất của nó. Truyện cực ngắn vẫn có thể được coi là một nhánh của truyện ngắn, nhưng nó lại đứng bên lề của truyện ngắn. Truyện cực ngắn nên có đầy đủ những tính chất bình thường của truyện ngắn. Truyện cực ngắn và truyện ngắn xét về bản chất vừa tương cận lại vừa có những khác biệt. Nói một cách đại thể: trong truyện ngắn có nhiều thành phần tản văn hơn, còn trong truyện cực ngắn thì nên có nhiều thành phần thơ hơn. Truyện cực ngắn là một sản phẩm kết hợp hòa trộn giữa truyện ngắn và thơ.

Nó không có sự hoành tráng của thơ tự sự, cũng không có tính âm nhạc mạnh mẽ như thơ trữ tình. Có thể nói, nó là một sản phẩm được viết bằng tản văn, mờ ảo hơn so với thơ tự sự, và có tính tình tiết hơn thơ trữ tình. Nó lại không phải là thơ tản văn, bởi vì rốt cuộc nó vẫn là một truyện ngắn. Truyện cực ngắn có “bốn cái không giống” ấy, vì vậy nó mới có ý nghĩa, mới “hay ho”, mới khiến người ta thích thú.

Truyện cực ngắn thì phải “ngắn”. Ngắn thì là ngắn thôi: từ ngoài vào trong đều ngắn. “Trong nhỏ thấy lớn” là câu cửa miệng của những nhà bình luận, nhưng những ai có một chút kinh nghiệm sáng tác truyện cực ngắn thì đều biết, trên thực tế điều đó không thể làm nổi. Ai cũng không thể thực sự từ một giọt nước mà nhìn ra biển lớn được. Hình thế lớn, vấn đề lớn, đề tài lớn đều là những cái mà truyện cực ngắn không thể dung nạp được. Yêu cầu truyện cực ngắn phải có cảm súc lịch sử to lớn dày nặng, khái quát cả một thời đại, thì không khác nào ép một con lừa đi kéo một đoàn tàu hỏa cả.

Điều mà tác giả truyện cực ngắn phát hiện, suy nghĩ, thể hiện chỉ có thể là một phiến đoạn, một mảnh ghép nho nhỏ trong cuộc sống. Mảnh ghép ấy người khác chưa từng thể hiện qua, chưa từng suy nghĩ đến, chưa từng phát hiện ra. Quan trọng nhất là phát hiện. Phát hiện tất nhiên là đi cùng với suy nghĩ, cùng với đó cũng sẽ khá dễ dàng tìm thấy một hình thức biểu hiện thích hợp một cách tự nhiên.

Văn học vốn đều là sự phát hiện. Nhưng, tác giả truyện cực ngắn càng cần phải có “mắt nhìn” hơn, bởi những điều thu hút sự chú ý của tác giả truyện cực ngắn thường là những chuyện nhỏ mà người bình thường dễ dàng bỏ qua. Chuyện nhỏ ấy phải là nguyên liệu tự nhiên cho một truyện cực ngắn.

Một nguyên liệu như vậy, không phải cứ cúi xuống nhặt mà được, tiện tay vơ là có thể vơ được. Có được nguyên liệu cho một truyện cực ngắn thường là việc mang tính ngẫu nhiên, thiên duyên kỳ ngộ, chẳng hẹn mà gặp. Hơn nữa, thường thường phải lưu giữ một thời gian, tác giả mới có thể hiểu ra được ý nghĩa của chuyện nhỏ ấy một cách đại khái. Viết truyện cực ngắn quả thực cần phải có một chút “thiên cơ”.

Truyện cực ngắn không có nhiều khả năng mang tư tưởng gì quá sâu sắc, và cũng không nên có tư tưởng sâu sắc gì. Truyện cực ngắn có thể có một chút triết lý, nhưng không thể tiến hành một tư biện triết học nghiêm túc gì trong đó (truyện vừa, và trường thiên tiểu thuyết thì có thể).

Đặc điểm của truyện cực ngắn là tư tưởng sáng rõ. Nửa mẫu mặt hồ, một vụng nước khe, nông mà chẳng lộ. Truyện cực ngắn nên phải có tính mờ ảo ở một trình độ nhất định. Mờ ảo không phải là thủ pháp, mà chính là tư tưởng của tác giả vốn không phải là quá rõ ràng. Có một chút ý tứ như vậy, nhưng hoàn toàn không hề thấu triệt. “Trong đây có chân ý; Muốn nói đã quên lời” (Câu thơ của Đào Uyên Minh – N.D).

Trên thế giới không có một ai thực sự hiểu rõ một cách triệt để và toàn diện về thế giới cả, mà họ chỉ có thể hiểu về phần thế giới mà họ cảm biết được. Hemingway nói, những tiểu thuyết gia thế kỷ XIX tự coi mình là Thượng đế, cái gì cũng biết. Balzac thì cho là cái gì ông cũng biết, độc giả chỉ cần nghe ông nói. Vì vậy, độc giả liền trở thành một kẻ thật thà nghe thế nào thì biết như thế, còn bản thân ông ấy thì đã nói rất nhiều cái mà kỳ thực ông cũng không biết.

Tác giả truyện cực ngắn phải thực sự thành khẩn thể hiện cho độc giả biết rằng: về câu chuyện nhỏ này, ý nghĩa của nó, đến nay tôi vẫn mới chỉ có thể nghĩ được đến mức độ này thôi. Một thiên truyện cực ngắn được viết ra, thì quá trình sáng tác vẫn còn chưa kết thúc. Tác giả vẫn còn có thể suy nghĩ tiếp, độc giả cũng sẵn lòng cùng tác giả tiếp tục suy nghĩ. Như vậy, độc giả mới có thể vừa có được khoái cảm thưởng thức, vừa có được khoái cảm của suy tưởng.

Tìm tòi, là vẫn còn chưa đạt được. Tìm tòi là việc của tác giả, cũng là việc của độc giả. Truyện cực ngắn không cần nhiều nhiệt tình quá, thậm chí không cần nhiệt tình. Hô hào, hò hét, hoa tay múa chân, sẽ khiến độc giả chán ngấy.

Tác giả truyện cực ngắn trước mảnh ghép cuộc sống mà anh ta phát hiện, tốt nhất hãy vượt lên trên một chút, giữ một thái độ khách quan, hết sức để không thể hiện lên tiếng bày tỏ riêng gì. Truyện cực ngắn luôn có thái độ của nó, nhưng phải hết sức thu gọn. Có thể thể hiện sự mến mộ đối với một người, nhưng không thể khoa trương thành một đóa hoa; có thể châm biếm đối với một sự việc, nhưng không sâu cay.

Điều mà một tác giả truyện cực ngắn cần là: thông minh, an tĩnh, thân thiết.

Truyện cực ngắn là một dây hoa anh đào, là một cành bạch lan đượm sương, bản sắc thiên nhiên, đầy đặn hoàn mỹ. Truyện cực ngắn không phải là một cái bánh lương khô ép nhỏ, không phải rau sấy khô, không thể đem một truyện ngắn vắt khô hết nước đi, ép chặt lại trong khuôn khổ nhỏ nhoi, để biến thành một thiên truyện cực ngắn. Tất nhiên, cũng chẳng có ai đi làm một việc ngốc nghếch không ai nghĩ đến ấy.

Truyện cực ngắn không thể viết một cách quá khô khan, quá bó chặt, quá chật hẹp. Càng trong một khuôn khổ có hạn, càng cần phải ung dung thoải mái. Truyện cực ngắn tự thành một kiểu, với kỹ năng riêng. Truyện cực ngắn giống như một bức tranh khổ nhỏ hình vuông, hình quạt, hay sách gấp. Cách vẽ bức tranh với khuôn khổ như thế, khác hẳn với cách vẽ một bức tranh lớn hay cuộn dài. Bố cục, dùng mực, bố trí màu sắc cũng hoàn toàn khác nhau. Một bức tranh sơn thủy hoành tráng rất khó thu nhỏ lại vẽ vào một bức tranh nhỏ.

Đời Tống từng có vẽ những khung cảnh lớn như tranh đua thuyền rồng – “Long chu cạnh độ đồ”, tranh núi non lầu gác – “Tiên sơn lâu các đồ” vào những chiếc quạt lụa, dụng bút tuy cực kỳ tinh tế kỹ thuật, nhưng nhất định phải để lại những khoảng trống lớn, chứ không thể vẽ chen chúc đầy kín vào đó được. Khoảng trống, là đặc điểm của truyện cực ngắn. Có thể nói, truyện cực ngắn là nghệ thuật của khoảng trống. Trung Quốc họa coi trọng việc cân đối giữa hình vẽ và khoảng trống.

Truyện cực ngắn không phải là cắt bỏ bớt mà thành. Một câu truyện mà cắt bỏ quá tàn nhẫn thì có thể nhìn ra được ngay, thường nó sẽ không thuận, không hài hòa, không “tròn”. Nên ngay trong lúc viết khống chế ngòi bút của mình, mỗi khi viết một câu đều phải suy nghĩ xem: câu này có thể không cần viết hay không? Hết sức viết ít, để những gì viết ra đều là những cái cần phải viết, một câu là một câu. Những cái không viết ra cũng vẫn có mặt, có ở “trên dưới tả hữu” của mỗi một câu. Như thế mới có thể đạt đến việc mỗi câu có dư vị, mỗi truyện có dư ý.

Những bức tranh nhỏ thì càng cần phải chú ý “bút mặc tình thú”. Còn truyện cực ngắn thì cần phải chọn lựa ngôn ngữ. Người xưa luận về thơ rằng: “Thơ thất ngôn tuyệt cú như hai mươi tám hiền nhân, lẫn một kẻ đồ tể, hàng rượu vào là không thể được.” Viết truyện cực ngắn cũng nên như vậy.

Truyện cực ngắn tốt nhất chớ để có khí vị của bình sách, của tấu hài, chớ nên dùng lối văn chương nhờn nhã, nửa sống nửa chín. Truyện cực ngắn nên có cảm xúc hóm hỉnh, nhưng không phải là văn chương bỡn cợt. Truyện cực ngắn không nên dùng những câu hiểm hóc kỳ quái, như người đời Tống nói là “lời khù khoằm”. Ngôn ngữ của truyện cực ngắn phải giản dị, bình đạm, nhưng có vận vị.

Dẫu không thể hoàn hảo, song lòng phải luôn hướng tới vậy.

  Theo Uông Tăng Kỳ – nhà văn Trung Quốc
(Châu Hải Đường dịch/Văn nghệ)