PGS. TS Đoàn Trọng Huy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921 tại thôn Đông Yên, Xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ cậu học ở quê, lớn lên học trung học ở Quốc học Huế, đậu tú tài Triết năm 1943. Tế Hanh kết thân với các bạn Huy Cận, Xuân Diệu và tham gia phong trào Thơ mới. Năm 1939 tập thơ đầu tiên Nghẹn ngào được in và được giải thưởng Tự lực văn đoàn (1940).
Nhà thơ Tế Hanh
Tháng 8/1945 ông tham gia khởi nghĩa ở Huế, từ đó hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc và từ 1946 tiếp tục viết báo, làm thơ.
Tháng 11/1947 Tế Hanh được kết nạp Đảng, cũng từ đó tham gia lãnh đạo Liên đoàn Văn hóa kháng chiến Nam Trung Bộ và Hội Văn nghệ Liên khu V.
Năm 1954 tập kết ra Bắc, ông công tác ở Hội Văn nghệ Trung ương, tham gia phụ trách báo Văn nghệ, tạp chí Tác phẩm mới, Nhà xuất bản Văn học.
Sau Đại hội Nhà văn lần 3 (1983) ông làm Chủ tịch Hội đồng dịch của Hội Nhà văn, 1986 làm Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, đồng thời là ủy viên Ủy ban Trung ương các Hội liên hiệp Văn học Nghệ Thuật.
Tế Hanh đã được nhiều tặng thưởng cao quý trong nước và cả ở nước ngoài, Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996) và các giải thưởng, kỷ niệm chương của nước bạn Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc, Ba Lan.
I. Nhớ lại một hồn thơ lớn
Những năm 60, vì công việc giảng dạy và nghiên cứu chuyên môn ở trường Đại học, tôi thường liên hệ, giao tiếp với nhiều nhà văn đương đại. Tuy nhiên, chủ yếu là với các nhà văn danh tiếng lớn tuổi đã từng sáng tác từ thời trước 1945: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan…
Thường là đi với nhóm hoặc đôi khi là riêng cá nhân. Tôi đến thăm Tế Hanh khá sớm và thường đi với GS Huỳnh Lý, người đồng hương lưỡng Quảng: người Quảng Nam đến với nhà thơ Quảng Ngãi. Cũng là vì hai người ở gần nhau, chỉ một “cuốc” xe đạp mươi, mười lăm phút. Nhà giáo Huỳnh Lý ở số 10 Thi Sách gần chợ Hôm, nhà thơ Tế Hanh ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền, gần hồ Thuyền Quang. Tôi đã có lúc thầm nghĩ vui vẻ hai con số 10 gần nhau nên mới thân tình trọn vẹn “mười phân vẹn mười”. Cũng thường trò chuyện tình cảm – tình người và tình văn.
Cả hai trước hết đều là con người tình cảm. Thường xuyên là những gợi nhớ kỷ niệm: “Anh có nhớ…”, “Tôi còn nhớ…” Rồi là những tình cảm với bè bạn văn chương, phần lớn là lời tán thưởng tác phẩm hay cần khen ngợi, con người tốt cần biểu dương.
Anh em trong Khoa Văn thường ca ngợi GS Huỳnh Lý: tên là Lý mà sống rất có Tình. Với Tế Hanh cảm nhận ban đầu của tôi cũng là như vậy: con người sống rất có tình… Đặc biệt đó là chân tình. Tế Hanh là con người có tấm lòng chân thật, là con người của lòng chân thành. Qua những câu chuyện giữa hai nhà văn, nhà thơ tôi cũng cảm nhận rất rõ điều đó. Đó là chất keo dính chặt tình bạn giữa Tế Hanh với bè bạn văn chương và trong đời sống.
Ông thân thiết nhất từ xưa với các nhà thơ quê hương. Bộ ba Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh là những nhà thơ Quảng Ngãi nổi tiếng trước 1945. Rồi những nhà Thơ mới cùng trang lứa, nhất là Huy Cận từng khuyến khích ông làm thơ, đã từng khen hai bài Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học “Tôi thích hai bài thơ này vì tứ thơ hay, hồn thơ và tình thơ quyện vào nhau trọn vẹn”.
Bạn học từ thời ở Huế – Nguyễn Văn Bổng – sau này đi B ra cũng ghé thăm bạn cũ Tế Hanh. Đó là cuộc họp mặt kỳ thú mà tôi có hân hạnh được tham dự. Đủ thứ chuyện: từ chuyện học hành trường xưa đến chuyện chiến đấu ở chiến trường hôm nay.
Như những nhà thơ bậc đàn anh Tế Hanh cũng có tấm lòng liên tài với các nhà thơ, nhà văn trẻ, thế hệ sau. Lê Minh Quốc trong bài viết trên báo Phụ nữ Thành phố.Hồ Chí Minh (17 / 7 /2009) đã có những dòng tưởng niệm thể hiện tấm lòng thành với nhà thơ quá cố: Tế Hanh – Từ thương đến nhớ. Nhà thơ trẻ nhớ lại lần đến thăm Tế Hanh năm 1994 khi nhà thơ đã kém mắt, được nghe mấy vần tâm sự.
Bạn tặng tôi tập thơ
Nhưng tôi không đọc được
Nước mắt tôi thầm ướt
Không giấu nỗi đau buồn
Tôi đã nhờ vợ con
Đọc giùm khi rỗi rảnh
Nhưng mà thơ khó tình
Đòi hỏi sự lặng im
Đó là cách nhờ “đọc thơ”. Nhưng lại còn nhờ cả “làm thơ” bằng một cách độc đáo qua tâm sự: “Khi có được một ý thơ thì tôi phải chuẩn bị trong tâm hồn: đọc nhẩm đi nhẩm lại cho thật thuộc. Rồi đọc lại, nhờ bạn bè hoặc vợ con chép giùm. Thật vất vả nhưng biết làm sao hơn...”.
Vui chuyện, Tế Hanh khoe ông đang viết Hồi ký văn học cũng bằng cách “Tôi đang đọc để vợ viết giùm”. Nhiều người biết, Tế Hanh ngày càng sút kém sức khỏe Nhà thơ đã tự giễu bằng bài thơ vui Kém mắt: Nhưng không chỉ mù dở mà còn đi lại không được và cuối cùng phải nằm như liệt giường. Có lần Nguyễn Trọng Tạo hỏi ông là làm thơ không, Tế Hanh trả lời thật xót xa:
Người ta hỏi tôi làm gì
Tôi làm thinh
Mười năm làm thinh trên giường bệnh nhưng ta biết đầu óc ông vẫn đang nung nấu cuốn Hồi ký tuổi thơ bao nhiêu lâu như là khát vọng viết của một đời tâm hồn nghệ sĩ.
Con người sống hồn hậu và tin yêu trong suốt cuộc đời dù trải qua thăng trầm buồn vui trần thế.
Tuy mắt rất kém, gần như sống trong cảnh mù lòa, nhà thơ vẫn nhớ rõ cuộc đời, con người và sự sống theo cảm nhận riêng. Rất khó tìm những câu ta thán, oán trách cuộc đời, những vần thơ mệt mỏi chán chường mặc dù có thoáng nét buồn do bệnh tật bản thân kéo dài
Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống
Như đất, như trời, như núi, như sông
Trước sau, thủy chung một tấm lòng, một tình yêu với núi, với sông, và với con người, cuộc sống thiêng liêng cao quý thân yêu nhất.
Rất tiếc, 10 năm cuối đời tâm hồn thơ gần như không còn sức sống, đi vào một thế giới xa vời! Sau khi đi dự lễ tưởng niệm 10 năm Bộ đội Trường Sơn – Đoàn 559 – nhà thơ bị tai biến. Từ đó ông nằm trên giường bệnh và nhiều lúc chập chờn trong vô thức.
Bạn văn, bạn đọc cảm nhận rõ ràng tâm trạng nuối tiếc ghê gớm của một hồn thơ vẫn âm ỉ cháy theo những tháng năm: nhà thơ thực ra còn nặng nợ với đời lắm. Bạn thơ chợt nhớ ra thân phận từ thuở hoa niên có câu thơ hay như vận vào đời thơ những năm tháng cuối đời:
Tôi thấy tôi thương những chuyến tàn
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Cuối đời chẳng còn “đủ sức đi mau” mà đến “đi chậm” cũng hết hơi. Rõ ràng trong nội tâm diễn ra ra sự day dứt, dằn vặt, trăn trở ghê gớm khôn nguôi.
Phải “làm thinh” trong khi mọi người được nói và nhất là mình cũng rất cần nói. Khát vọng khôn cùng về nghề văn, nghiệp viết là một sự thật của một hồn thơ lớn.
Tiếc thương và tưởng niệm, nhà thơ, Nguyễn Trung Tạo đã viết những dòng xúc động: “Ông vĩnh viễn từ biệt cuộc đời này nhưng thơ ông thì đang như cứ bảng lảng bên cạnh những người còn sống. Đó cũng là con người ông, cách sông ông, hồn thơ ông – Một rớm lệ Tế Hanh (Rớm lệ)
II. Nhìn lại một sự nghiệp văn thơ trân quý
Sự nghiệp văn học của Tế Hanh có hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Trước 1945, đó là thành tựu sáng tác gắn liền với phong trào Thơ Mới. Sau này, sự nghiệp được mở rộng qua sáng tác, dịch thuật và phê bình văn học trong suốt quá trình kháng chiến và xây dựng hòa bình.
Trên thi đàn thời Thơ mới, Tế Hanh là một nhà thơ như “bông hoa nở muộn” nhưng đầy hương sắc lạ tươi tắn trẻ vào “con mắt xanh” của Hoài Thanh, là một trong số 48 tác giả được bình luận trong Thi nhân Việt Nam “Tế Hanh là một người tinh lắm (…) Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới của những tình cảm ta đã âm thầm tạo cho cảnh vật…”. Nhà phê bình bậc thầy nhấn mạnh đặc sắc tâm hồn Tế Hanh: “Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người sẵn có một tâm hồn tha thiết (…) Sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được”.
Còn nhà phê bình Vương Trí Nhàn thời nay nhận xét:
“Trong thơ Việt Nam tiền chiến, ông chưa bao giờ tạo được một sự hấp dẫn lạ lùng như Hàn Mặc Tử hoặc Nguyễn Bính, cũng không có lúc nào làm chủ thi đàn như Thế Lữ hoặc Xuân Diệu. Nhưng ông vẫn có chỗ của mình.
Thơ Tế Hanh buổi đầu có cái trong trẻo, non tơ, luôn hồn nhiên mà đằm thắm, sớm nhận được sự chào đón của bạn đọc. Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Chiếc rổ may ghi được dấu ấn sâu sắc hồn người”.
Đặc biệt nổi lên từ rất sớm là tình quê hương với làng quê chài lưới ven sông, với biển cả mặn nồng vị men nồng mặn của đất trời. “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/ Con thuyền im bến mới trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Đó là cảm nhận hồn nhiên về vẻ đẹp và sức sống quê hương. Có những hình ảnh thật cường tráng ”Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” Qua đó cũng biểu lộ yêu thương và khát vọng tuổi trẻ.
Phảng phất nỗi buồn nhưng không như của cá nhân như một số nhà Thơ mới đương thời. Đó là nỗi buồn về thân phận đất nước và quê hương, tuy chưa thật rõ nét.
Hiện rõ một cái tôi nhỏ nhoi, cô đơn, hoài nghi. Đó cũng là chuyển biến tìm đường trong đời và trong thơ một thời để nhận ra con đường mới của thơ ca cách mạng.
Từ sau 1945 là bước ngoặt lớn trong đời thơ Tế Hanh. Cuộc sống mới cách mạng khiến nhà thơ định hướng được những cảm xúc mới và những phương tiện thể hiện nghệ thuật mới.
Người đàn bà Ninh Thuận là một dấu ấn rõ nét như tự bạch của nhà thơ:
Dòng thơ tôi càng thưa bóng mây sầu
Càng lấp lánh những ánh trời hy vọng
Sau một thời gian phấn đấu trong sự nghiệp thời kỳ mới, Tế Hanh đạt được độ chín mới từ sau những năm 60. Đây là thời hòa nhập mạnh mẽ của chủ thể trữ tình, cái Tôi hòa nhập với cái Ta. Tiến tới sự hòa nhập thực sự với thế giới mới, cuộc sống mới, cộng đồng mới. Đây cũng là thời hồn thơ mở rộng với nhiều đề tài, chủ đề mới phong phú. Có thể nói trước hết, Tế Hanh đóng vai một chủ tướng của dòng thơ đấu tranh thống nhất trong những năm chống Mỹ cứu nước.
Tâm hồn thực sự rộng mở
Hồn tôi vang tiếng vọng cả hai miền
Những bài thơ về miền Nam, về quê hương bên kia giới tuyến làm xúc động lòng người cả nước, trở thành loạt những bài thơ hay nhất không chỉ của Tế Hanh.
Lòng thương nhớ da diết gắn với ý thức trách nhiệm cao cả; Tâm hồn lớn lên với thời gian: “Tôi không thể để tháng ngày thành nước chảy/ Sống sao xứng đáng với miền Nam/ Nửa nước anh hùng đang rực cháy”.
Hình ảnh quê hương miền Nam thường trực trong trái tim nhà thơ. Đó là không gian nghệ thuật đặc biệt, độc đáo trong tâm tưởng như dấu ấn của con người quê biển, chính gốc “dân biển” ân tình tha thiết với quê hương, cũng chính là nói phong cách độc đáo của Tế Hanh.
Tôi thấy đời tôi gắn liền với biển
Từng con sóng vui từng lượn sóng buồn
Tiếng sóng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Nhớ con sông quê hương
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhà thơ lại hân hoan sung sướng nói về niềm vui đoàn tụ và từng bước chia sẻ với sự hồi sinh của quê hương. Đó chính là nguồn mạch trong trẻo, dạt dào nhất của hồn thơ đắm đuối, thiết tha.
Tuy nhiên, quê hương trong thơ Tế Hanh vẫn mang vẻ độc đáo. Đó là vùng miền thân thương tràn đầy nỗi nhớ, tình thương ruột thịt. Nỗi nhớ giăng mắc tâm tình tràn đầy kỷ niệm trong ký ức.
Với hồn thơ mở rộng tình yêu quê hương đã trở thành tình yêu đất nước, đó cũng là cuộc chuyển biến tự nhiên, chân thành của một hồn thơ lớn.
Đây cũng là một tình cảm thiêng liêng cao quý của một hồn thơ chuyển biến theo cách mạng.
Ý thức đấu tranh thống nhất ở hàng đều là minh chứng rõ rệt nhất. Chỉ điểm qua nhan đề một số tập thơ: Lòng miền Nam (1950), Gửi miền Bắc (1958), Hai nửa yêu thương (1963). Ở miền Bắc nhớ về miền Nam với tâm trạng ngày Bắc, đêm Nam. Xa nước càng nhớ nước trong cảnh bị chia cắt. Bài thơ tình ở Hàng Châu là minh chứng thấm thía.
…Anh xa nước càng thêm yêu nước
Anh xa em càng nhớ em thêm
Trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm
Trời Hàng Chân bốn bề êm ái
Mùa thu đã đi qua còn gửi lại
Một ít vàng trong nắng,trong cây
Một ít buồn trong gió, trong mây
Một ít vui trên môi người thiếu nữ
Nhân đây xin nói thêm một mảng thơ không kém đặc sắc: thơ tình của Tế Hanh. Bạn đọc rất ấn tượng với một số bài thơ đặc sắc của mảng thơ tình yêu: Vườn xưa, Em ở đâu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Hà Nội vắng em, Không đề, Văn xuôi cho em… Thơ tình Tế Hanh là thơ của con người không kém si tình, đầy nhạy cảm và tràn ngập khao khát yêu đương.
Thơ trước 1945 có nét trong trẻo, hồn nhiên, sau này đằm hơn, sâu lắng hơn, cái riêng tư vẫn độc đáo nhưng không xa lìa với tình chung qua nhịp đập của xã hội về đất nước. Chẳng hạn ở Chiêm bao, Em chờ anh, Vườn xưa, Mặt quê hương… thì nỗi day dứt xa lìa gắn kết với niềm yêu thương. Hoặc trong trăn trở, day dứt vẫn sâu lắng mối tình chung thủy: Anh trong đau đớn gặp em, Cái nhìn… Những xao động của hoàn cảnh, tình thế sau những va chạm vì cuộc sống, con người, chiến tranh, tai họa… cũng đập vào tâm hồn nhà thơ tạo nên âm vang sâu lắng của tình yêu.
Như một nghịch cảnh tình yêu tương sự việc, tâm tư:
Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng ra muôn tiếng sao đành lặng im
Mùa thu tiễn em
Từ những trăn trở bệnh tật đôi mắt nghĩ đến biến thiên cuộc đời
Em không thể mãi là em
Dẫu anh còn mãi cái nhìn ngày xưa
Cái nhìn
Nhưng dù ở hoàn cảnh nào vẫn là một tình cảm hết sức chân thật. Dù mơ màng trong Chiêm bao
Ban ngày công tác bận
Ban đêm dành nhớ em
Ban ngày ở miền Bắc
Ở miền Nam ban đêm
Và thủy chung nghĩa tình cả khi đã lớn tuổi: “Tặng em thế kỷ chúng ta/ Niềm vui, nỗi khổ đều qua vội vàng (…) Biển một bên, em một bên/ Ta đi trên biển cát êm đềm/ Thân buông theo gió hồn thơ mộng/ Sóng biển vào anh với sóng em”.
Nhớ thương qua nhịp điệu, câu chữ, hình ảnh; yêu đương qua tình ý, xúc cảm. Đó là những nét tài hoa riêng của Tế Hanh.
Có lẽ một nét riêng cũng khá rõ là khát vọng kiếm tìm, sự tìm hiểu một đời để chiến lĩnh “nửa mình “trong tình yêu. Đó cũng là tình yêu say đắm của kẻ si tình
Em là một biển đầy
Anh đứng trên bờ rợn ngợp
Em là một pho sách
Anh mới đọc mấy trang đầu
Người yêu quả là một thế giới tâm hồn mà phải chiếm lĩnh bằng tình yêu “vũ trụ”. Đó cũng là khát vọng hòa hợp, hòa điệu cao cả trong tình yêu.
Nếu so sánh, ta dễ thấy tình yêu thơ Tế Hanh có nét khác biệt với tình yêu trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử thời xưa cũng như thơ tình của thế hệ trẻ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh thời sau này.
Riêng với Tế Hanh, có bạn thơ nhận xét, có lẽ mảng thơ tình là mảng thơ nổi trội của đời thơ ông. Sự đánh giá này có thể bàn luận thêm. Tuy nhiên nét dễ đồng thuận là sự hài hòa và tế nhị của thơ tình Tế Hanh. Hồn nhiên mà sâu lắng, riêng tư mà vẫn có chung, triết lý suy tưởng mà vẫn nhuần nhị, nghịch lý mà vẫn thuận chiều Cây nhót là bài có được rõ nét ấy.
Một ít chua thôi tựa cuộc đời
Nỗi buồn xen lẫn với niềm vui
Cũng như em nhỉ, tình yêu vậy
Nước mắt song song với nụ cười
Và một mẫu số chung của tất cả thơ tình thời đại mới: tình yêu đồng nghĩa với tình bạn, tình người. Nói vậy có nghĩa đó là cốt lõi nhân văn của tình yêu thời đại mới. Tình yêu trong thơ nói lên tấm lòng đôn hậu, nhân ái của chính nhà thơ. Khát khao tình yêu, ước mơ hạnh phúc, Tế Hanh cũng là nhà thơ của niềm tin và hy vọng.
Có ý kiến đánh giá tình yêu của Tế Hanh dường như vô hạn, vô tận: “Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn/ Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết” . Tình yêu như là điều tất yếu của lẽ sống, “Anh đến với em là lẽ tất nhiên/ Như con sông trở về với biển… Như con chim buổi chiều quay về tổ”…
Có bài thơ nhan đề: “Tình yêu và vĩnh viễn”. Ấy là vì Tế Hanh là trái tim tràn đấy hy vọng trong tình yêu và cả cuộc đời. Nhìn cảnh thấy cả đất trời bao la
Nông trường ta rộng mênh mông
Trăng lên, trăng lặn vẫn không ra ngoài
Tưởng nhớ Nguyễn Du, là niềm tin vào tình người vĩnh cửu “Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc/ Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ…”: Hoặc bàn về được – mất.
Trên mất mát là vô cùng hy vọng
Trên cái chết là vô cùng sự sống
Thơ ông có hơi thở nồng nàn say đắm của nhiều thế hệ. Thơ ông là máu thịt trái tim như kết tinh giá trị một đời người. Thơ ông làm ta hướng đến đợi chờ một ngày mai tươi đẹp. Tế Hanh cùng cảm thức với Nguyễn Du. Bạn đọc chân chính tin rằng thơ ông sẽ sống mãi trong lòng người đời các thế hệ.
Thơ về đất nước của Tế Hanh nói đầy đủ vùng miền Nam, Bắc kể cả miền núi Sơn La, Mộc Châu, Điện Biên, Bắc Cạn và vùng biển Móng Cái, Quảng Ninh và đặc biệt Hà Nội quê hương thứ hai từng sống lâu dài, tha thiết.
Viết về đất nước với bao cảnh tượng thiên nhiên tươi đẹp từ hương vị quê hương là hương sắc tâm hồn thơ. Cảnh, tình thường quấn quyện đằm thắm. Như thơ của nhiều thi sĩ, thiên nhiên trở thành người bạn lớn để chia sẻ tâm tình. Khát khao giao hòa thiên nhiên có từ thời Hoa niên.
Mùa nhất là mùa thu nổi bật của những hình tượng gió, mây, nắng… (Bài thơ tình ở Hàng Châu). Mùa thu chia xa man mác nỗi lòng xao xuyến (Mùa thu tiễn em). Cỏ cây hoa lá chen đầy thơ.
Lá nào đưa tiễn mùa xuân
Lá nào dành để đón dâng mùa hè
Lá bàng non
Trăng, rồi biển, sông là những hình tượng nổi bật. Chế Lan Viên nhận xét: “Dù anh viết khá hay về biển… nghĩ đến anh tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những dòng sông”. Hình ảnh sông có nhiều sáng tạo nhờ thế có sức rung động sâu sắc lòng người. Đó là Sông Đáy, Sông Tiền Đường, Nhất là sông Hiền Lương (Nói chuyện với Hiền Lương).
*
Nhìn chung lại, sự nghiệp văn thơ của Tế Hanh là khá đồ sộ, khoảng hơn 30 tác phẩm thơ, thơ dịch và 1 tiểu luận phê bình: Thơ và cuộc sống mới (1961)
Tác phẩm chính có thể kể:
Hoa miên (1945), Hoa mùa thi (1948), Nhân dân một lòng(1953), Lòng miền Nam (1953), Gửi miền Bắc (1956), Tiếng sóng (1960), Bài thơ tháng Bảy (1966), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966) Đi suốt bài ca (1970 Câu chuyện quê hương), (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985), Tuyển tập Tế Hanh (I) (1987), Thơ Tế Hanh (1938 – 1958 (1989) Vườn xưa (1992), Giữa anh và em (1992) Thơ Tế Hanh (1996) Tuyển thơ Tế Hanh II (1997), Thơ thiếu nhi: 5 tập
Mảng thơ dịch của Tế Hanh rất phong phú. Thi viện có trang web giới thiệu 157 bài thơ dịch của đủ các tác giả Thế giới Âu, Á, Mĩ, Phi. Thơ dịch từ chuyển ngữ tiếng Pháp. Có những nhà thơ được dịch nhiều như Pháp, Hungaria, Đức, Chi lê, Nga… Paul Éluard: 18 bài, Louis Aragon: 10 bài , Józsev Attila: 27 bài, Henrich Heine: 19 bài, Andrei Voznhesenki: 15 bài… Tập thơ dịch xuất bản là 9 tập. Trong đó có Việt Nam trong lòng bạn, Trái tim chúng tôi bên cạnh Việt Nam là 2 tập thơ thế giới ủng hộ Việt Nam chống Pháp và chống Mỹ
Với tư cách sứ giả văn hóa như vậy, Tế Hanh đã được nhiều tặng thưởng của nước bạn:
– Huy chương Lenin của Liên Xô (cũ)
– Kỷ niệm chương Hasec của Tiệp Khắc
– Huân chương công trạng của Ba Lan
Phát lộ hồn thơ trẻ trung, tươi sáng từ thuở Hoa niên và nổi tiếng với nhiều giải thưởng qua các thời trước và sau 1945: Giải thưởng Tự lực văn đoàn (1940), Giải thưởng Phạm Văn Đồng (1953), Tế Hanh nhận được vinh danh cao quý nhất với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên, 1996.
Tế Hanh nằm trong danh sách 3 nhà thơ danh tiếng nhất của quê hương Quảng Ngãi. Trong cuộc bình chọn 4 nhà Thơ mới còn được yêu thích nhất của Tác phẩm mới (1995) Tế Hanh cùng đứng trong nhóm với 4 nhà thơ danh tiếng nhất.
Sự nghiệp văn chương một đời Tế Hanh là rất đáng trân quý. Xin trích dẫn đôi dòng diễn văn trong Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh như lời kết luận.
“Gần một thế kỷ sống và sáng tạo, nhà thơ Tế Hanh thật sự ghi một dấu ấn quan trọng vào nền thơ Việt Nam hiện đại (…) Ông vẫn đang lặng lẽ, bình dị trở về cùng chúng ta tại ngôi nhà cũ, mảnh vườn xưa, trở về bên con sông quê yêu dấu… Con sông vẫn đang xuôi chảy từ nguồn về biển cũng như sự nghiệp thơ ca cuả ông chảy mãi cùng hậu thế mai sau và bất tử cùng tình yêu thiên nhiên cây cỏ:
Ngàn năm sau chỗ đôi ta
Yêu nhau có lẽ lá hoa mọc đầy…”
Sinh thời, nhà thơ Tế Hanh đã dự nhiều phỏng vấn giao lưu và biết được nhiều dư luận văn đàn về danh phận của mình. Có thể ông đã biết rõ việc xếp hạng cá nhân lọt vào top 3, top 4, top 5, top 7… các đỉnh cao văn học trong thế kỷ.
Người dân Quảng Ngãi xếp nhà thơ vào top 3 danh tiếng nhất của quê hương: Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh. Trong cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc của Tác phẩm mới, nhà thơ trong top 4 cùng với 3 danh tài Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận. Có lần Nguyễn Quang Thiều – nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – đặt câu hỏi về cây đại thụ mới của thơ hiện đại sau khi đề dẫn là dư luận đánh giá: “ Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận là 5 cây đại thụ của thơ ca hiện đại Việt Nam”. Nhà thơ Tế Hanh đã cười xòa, không chối bỏ mà chỉ gợi ý thêm về Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… Khi kết luận bài Tế Hanh – Tinh tế – Trong trẻo đề dẫn cho cuốn Tế Hanh – Về tác giả, tác phẩm (Giáo dục, 2000 Mã Giang Lân viết: “Cùng với Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tố Hữu… Tế Hanh góp vào và tạo nên những đỉnh cao trong Ngũ hành của thơ ca Việt Nam hiện đại. Nói thơ ca hiện đại không thể không nói tới Tế Hanh”.
Vậy là ông đã được khẳng định vị trí ở đỉnh ngọn Tam Điệp Tứ Sơn, Ngũ Hành và cả Thất Sơn, những dãy núi danh tiếng ở khắp Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên dù mệnh danh gì, thứ hạng nào chắc nhà thơ cũng không bận tâm nhiều. Bởi, Tế Hanh đã thuộc nằm lòng Bài học nhỏ từ một nhà thơ lớn. Ngoài đời có thể quên tên tác giả nhưng nhớ mãi trong lòng những áng thơ. Đó là vinh dự và hạnh phúc lớn lao, quý giá nhất còn lại với một người sáng tác.
Đ.T.H
(Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
—
Tài liệu tham khảo
[1] Mai Bá Ấn (2021), Cuộc đời, sự nghiệp văn chương của nhà thơ Tế Hanh, vanhoavaphattrien.vn, 20/6/2021
[2] Mã Giang Lân (1999), Tế Hanh – Tinh tế – Trong trẻo. In trong Tế Hanh – Về tác gia, tác phẩm, Giáo dục, 2000
[3] Nhiều tác giả (2000), Tế Hanh – Về tác gia, tác phẩm, Giáo dục, 2000