Đôi lần ngẫu hứng với bác Kim Lân

621

29.11.2017-15:00

 Cha con nhà văn Kim Lân – hoạ sĩ Thành Chương

Đôi lần ngẫu hứng – chuyện gẫu

với bác Kim Lân

 

TRUNG TRUNG ĐỈNH

 

NVTPHCM- Sự ra đi của nhà văn Kim Lân gieo vào văn đàn cả nước một niềm thương nhớ. Nhưng con người ấy, nhà văn Kim Lân đã nói về cái chết rất giản dị và hóm hỉnh: “Ấy là vì “người anh em” cũng chán nhau quá rồi”.

 

Có tới cả năm trời nhà văn Kim Lân cứ vài hôm vào viện, vài hôm lại ra viện. Tôi bảo ông: “Cái thằng mệt hơi đuối sức gặp phải cái tính hiếu động, nghịch ngợm của bác cho nên nó mới cứ hay chơi đểu thế”. Ông cười hóm hỉnh bảo tôi: “Ấy là vì “người anh em” cũng chán nhau quá rồi. Ở đời không cái gì chán bằng cái anh già yếu. Đã già lại còn yếu nữa, thế có chết không kia chứ!”, ông nói xong rồi  phá lên cười, tất nhiên không “phá” lên được như dăm ba năm trước. Ông bảo, đó cũng là do mình làm cái nghề cứ hay để ý người ta… thế thôi. Chứ người ta thì chỉ có mỗi cái việc là phấn đấu tập tành để tiếp tục… sống. Ông liếc sang mấy người bạn bệnh đang vươn vai thể dục.

 

Tôi nhớ có lần tôi ca thán với ông, đại ý rằng: Lao động nhà văn, nhất là viết  tiểu thuyết, thực ra là loại lao động “khổ sai” – một kiểu “khổ sai tự nguyện”. Vậy mà tương lai về cái sự kết quả của công cuộc lao động ấy là hết sức mù mờ. Người lao động lại chỉ có thể vịn vào niềm tin và năng lực của mình, cùng những ảo tưởng về người đọc theo cái cách ảo tưởng của từng người. Kẻ có tài ít thì kết quả được ít người đọc. Người có tài hơn thì có nhiều người đọc hơn, đấy là theo cách đánh giá thông thường.

 

Trong lịch sử văn học, có không ít nhà văn đương thời bị bỏ rơi, bị quên lãng, khi chết đi mới được đánh giá đúng. Nghiệt ngã là vậy nhưng các nhà văn đâu có “ngán”! Thời nào cũng có những cây bút thường xuyên cho ra mắt bạn đọc những cuốn dày cồm cộp, lại cũng có những ông cứ lùi mãi, lùi mãi, lùi cho đến khi phải thốt lên rằng: “Lạy thánh mớ bái, “người anh em” chịu, không viết được nữa!”.

 

Câu ấy là của nhà văn Kim Lân – bậc thầy truyện ngắn một thời.

 

Tôi nghe câu ấy mấy chục năm nay rồi mà vẫn cứ hy vọng ông già nói vậy mà không phải vậy. Nhưng rồi thời gian thì cứ năm nọ sang năm kia, bảo không viết được nữa thì quyết không phải. Nhưng bảo là có viết, đang viết thì nghe cũng đã hơi bị… sốt ruột. “Sốt cái con tiều”, ông già bảo tôi. “Viết ngắn viết dài, viết nhanh viết chậm là do cái tạng của mỗi người, ép cũng chả được”.

 

– Con không tin thế, đó chỉ là cách nói – tôi phản ứng.

 

– Anh không tin là việc của anh – ông già nói. Thằng nhà văn nào cũng thích viết được nhiều tác phẩm hay. Nhưng cái món ấy cố gắng làm sao được? Càng cố gắng càng hỏng chứ chả chơi. Chuyện được mất là của giời cho, chả thằng nào chớp được của thằng nào đâu!

 

Rồi ông cười phá lên, tiếp.

 

-Nhưng mà cái nhà ông giời ông ấy kẹo lắm! Ông ấy chỉ thí cho mỗi anh một tí thôi, anh nào lao động cật lực mà có thực tài thì ông ấy mới để mắt đến. Thế cho nên mới có nhiều anh tưởng bở ngon ăn, cứ hùng hục đào bới, chẳng chịu học hỏi gì, kết cục sách chồng cao hơn người mà vẫn trắng tay. Lại có anh viết được đôi cái kha khá rồi, được giải này giải nọ, lấy làm thoả mãn ngồi vuốt đến mòn cả đùi, xác cả râu, mãi rồi thành ra thói quen, không viết được nữa. Anh ta mới là người có nhiều lý do “chính đáng”. Mấy anh nhà văn có lương, cũng dễ có lí do để mà biện hộ. Tiền nong không giầu nhưng phần cứng lương cũng đủ cho vợ đi chợ, không quá bức xúc.

 

Cứ nghiệm từ mình ra – ông già hạ giọng -Nhiều khi cũng trăn trở, cũng thức trắng đêm, cũng chò chõ ngồi vào bàn, cũng gọi được thằng cha cảm hứng hẳn hoi, nhưng lại vấp phải “ông bạn vấn đề!”. Chẳng ai ép mình mà không hiểu sao chính mình lại cứ giương “ông ấy” lên thành ra trọng đại. Thế là “người anh em” tự thu mình lại, tự nhủ mình rằng: vấn đề này cần nghĩ cho chín cái đã, và lí do buông bút như vậy đúng quá rồi còn gì!

 

Ông già lại khoái trá phá lên cười rất to khiến tôi cũng cười hùa theo vang nhà.

 

– Vâng, con chỉ khác bác ở chỗ là sao khó tìm được cảm hứng quá!

 

– Anh lại mắc bệnh nghiêm trọng rồi! Cảm hứng đúng là phải đi tìm nó thật. Nhưng mà cũng chớ nên quan trọng nó quá. Viết văn đâu phải chỉ có mỗi “thằng” cảm hứng mới giúp ta viết được? Còn nhiều chuyện khác nữa chứ?

 

– Con cho rằng đã làm nghệ thuật thì đều phải cần có cảm hứng! – Tôi tiếp -Mà cảm hứng thì cũng phải có vấn đề gì gây kích thích cho ta nữa chứ, tôi phụ thêm.

 

– Đúng! Nhưng văn chương nghệ thuật đâu phải chỉ có mỗi cái “ông vấn đề” mới gây kích thích cho ta cảm hứng? Anh nên nhớ rằng, ở đời có cả linh tinh bậy bạ lẫn nghiêm trang, có đẹp có xấu, có cao thượng có hèn mạt, có anh đóng bộ comp  lê, lại cũng có anh xộc xệch, có thằng là ma, lại cũng có thằng là thằng người hẳn hoi. Thằng nhà văn là thằng biết gom các chuyện linh tinh ấy lại, và cả biết phóng to hay thu nhỏ nó lại, “chế” nó thành ra món ăn tinh thần, gây cảm xúc, gây kích thích cho người ta sống. Thế là “ăn”.

 

– Món giải trí cũng là một món ăn ngon với mọi tầng lớp người, vậy mà chúng ta rất hay quên, đấy mới là lỗi, ông tiếp.

 

– Đúng thế. Con thấy người Việt mình cũng lắm trò thông minh hóm hỉnh, nhưng mà trong văn học đương đại lại ít cái món này thật.

 

– Phàm phải thông minh mới hóm hỉnh được, ông già nói giản dị.

 

Mấy tháng ấy gặp thời tiết nặng nên cái “thằng cha mệt” nó tấn công ông mạnh hơn. Nhằm chơi khăm nó, ông bảo tôi: “ta chơi mẹo bỏ thuốc, bỏ rượu, bỏ trà, chỉ uống nước nhạt”.

 

Mệt thì mệt thế, nhưng hễ lần nào đến thăm, ông cũng bảo tôi, đã  khá rồi, nhưng nó chơi đểu mình, nó kéo dài quá… Ông nói đến cái sự sống chết nhanh chậm cũng giống như nói chuyện văn chương ở đời. Cái cách ông già thể hiện hóm mà giản dị khiến ta yên lòng.

 

Có lần ông hỏi tôi cái quyển sách tôi đang viết dở đã xong chưa. Tôi bảo con cũng viết chậm lắm.

 

Ông cười:

 

– Viết chậm mà hay như cụ Đốt (Dostoiepski) thì cũng nên viết.

 

Tôi thú nhận:

 

– Con cũng có nhiều “lí do chính đáng” cho cái sự chậm của mình lắm. Một là ham chơi. Đang viết mà có bạn rủ đi chơi, thế là tếch. Mà đi chơi hàng tháng, thậm chí hàng năm trời chứ có ít đâu. Lúc ấy thì có lý do, rằng mọi chuyện đã “chín” rồi, đã viết được kha khá rồi, đã có không khí rồi, đi chơi biết đâu có nhiều chi tiết hay, lúc nào về, ngồi vào bàn là “chiến đấu” được ngay thôi mà, vội làm gì. Lại có khi đang viết, bạn rủ đi viết kịch bản phim truyền hình, kiếm chút đồng mọn, thế là nhất trí ngay. Rồi gì nữa? Viết báo, viết loại sách cho các nơi làm kỷ niệm… kiếm ăn theo đơn đặt hàng, với lí do “lấy ngắn nuôi dài”, thực ra tuyền lấy ngắn nuôi ngắn! Mà khổ nỗi, làm gì cũng thấy đơn giản và ít nặng nề hơn viết văn. May là cũng có lúc “điên” lên, quên hết, cắm mặt cắm mày vào “phang”; “phang” xong mới biết mình cũng là tay chịu khó! Cách “giải quyết” ấy thực ra là vẫn mang nặng tính tài tử, nghiệp dư, khó có thể khá lên được!

 

– Anh còn trẻ, còn sức khỏe mới “chơi” kiểu ấy được. Chứ già rồi “chơi” thế nguy lắm! Mà xem ra anh vẫn chưa thoát khỏi vòng cương toả của cái lối nghĩ “vấn đề nghiêm trọng” đấy nhỉ? Nhà văn Kim Lân nói và nhìn tôi vẻ giễu cợt.

 

– Vâng. Có lẽ tuổi con cũng hết hồn nhiên rồi! Thức trắng một đêm là biết nhau ngay. Hồi ba bốn mươi, thức vài đêm liền là chuyện cơm bữa.

 

Ông nhìn tôi âu yếm, tâm sự:

 

– Già hay trẻ, hồn nhiên hay không hồn nhiên, thức nhiều hay thức ít, tất nhiên tuổi tác có ảnh hưởng. Nhưng phải nói thật, đến chết cái nết không chừa, các cụ đã dạy thế, cấm có sai. Cái nết đây là nói cái tính nết, cái bản tính của anh chứ còn thời gian và sự từng trải cũng giúp cho ta đằm lại, sâu sắc hơn, nhưng không phải vì thế mà nó chi phối hết cả mọi điều đâu.

 

Rồi ông bảo, cứ đọc lại Nam Cao và Vũ Trọng Phụng mà xem, hai ông ấy viết mỗi người một kiểu, nhưng đều viết khi trẻ mà chín chắn sâu sắc, hóm hỉnh thông minh nữa đấy. Trong khi đó hồn nhiên, có thể nói tự nhiên như Nguyên Hồng thì cũng từ thời trẻ cho đến khi già vẫn thế, nếu không hồn nhiên làm sao Nguyên Hồng viết được những bộ tiểu thuyết dài như vậy?

 

Tôi về ngẫm nghĩ, ở đời thật khó lắm thay! Viết ngắn, viết dài, viết nhanh, viết chậm, rốt cục chẳng có ý nghĩa gì bao lăm. Cái chính là sự chân thành. Yêu nghề thì phải say mê lao động – lao động cho có hiệu quả hết cái “tạng” của mình, cũng là một cách. Im lặng, không viết nữa, leo qua cái dốc mà mình đã leo, người ta đã leo, thì leo làm gì cho nhọc, cũng là một cách.

 

Nhưng mà không leo thì làm sao biết được sức mình? Càng leo càng đuối sức, càng tụt dốc mới thật là thảm hại. Có “sức” mà không biết cách leo cho giỏi thì cũng thảm hại thế. Cái chính vẫn là cái cách anh leo thế nào! Mỗi người mỗi cách! Mà hay hay không cũng còn tuỳ cái “gu” nữa, anh bảo hay người khác lại chê thì sao?

 

Kì thực, vẫn có chuẩn đấy! Một thứ chuẩn rất rõ ràng, cụ thể, đó là thời gian. Người có tài thì leo dốc dễ dàng bởi anh ta biết cách làm cho mình đỡ tốn sức mà vẫn chiếm lĩnh được điểm cao – một thứ điểm cao ảo, thế mới khiếp và thế mới hấp dẫn!

 

Đêm hôm kia nhà tôi mơ thấy ông về ăn cơm với chúng tôi, sáng ra kể cho tôi nghe giấc mơ rồi nhắc tôi đi thăm ông, thế mà đến chiều có tin ông mất.

 

Ông đã ra đi thanh thản và mẫu mực như chính cuộc đời bình dị của ông vậy.

 

Kim Lân nói đến cái sự sống chết nhanh chậm cũng giống như nói chuyện văn chương ở đời. Cái cách ông già thể hiện hóm mà giản dị khiến ta yên lòng.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…