Đối mặt với rừng đêm – Truyện ngắn của Hồng Chiến

2114

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những gốc cây rừng đang dần dần sẩm lại báo hiệu màn đêm sắp ập xuống, H’Chi quyết định chọn cây mít rừng có gốc to tới ba người ôm chưa hết làm chỗ dựng lều. Sáng nay amí(1) bận dự lễ đâm trâu của buôn mà người ốm, bụng to như đeo trống, da vàng như nghệ đến xin thuốc nhiều quá nên H’Chi phải một mình vào rừng hái thuốc.

Nhà văn Hồng Chiến

Việc ngủ giữa rừng già qua đêm là chuyện bình thường của những lần đi tìm cây thuốc. Mọi lần có amí đi cùng, việc dựng lều amí làm, mình kiếm củi; còn hôm nay lần đầu tiên ngủ một mình giữa đại ngàn phải tự tay dựng lều, quả thật cũng hơi buồn một chút. Nhưng ta cũng đã gần mười bốn tuổi, học sinh lớp chín rồi, có phải bé con đâu mà sợ – H’Chi tự nhủ rồi bật cười.

Chiếc lều được làm đơn giản bằng bốn cây to bằng ngón chân cái, mỗi cây dài hơn sải tay, buộc hai cây làm thành hình chữ A in đặt tựa gốc mít rừng, hai cây hình chữ A còn lại dựng cách khoảng hai mét, lấy một cây dài độ hai sải tay gác lên đỉnh hai chữ A buộc lại rồi vắt tấm ni lông qua cây ngang kéo xuống hai bên sẽ thành một ngôi nhà tránh sương đêm. Dưới mặt đất chặt vài ôm lá rắc đều làm nệm. Việc nặng nhọc nhất còn lại là chuẩn bị củi đốt qua đêm. H’Chi chọn những cây khô mới gãy xuống to bằng bắp đùi, chặt mang về xếp trước cửa lều.

Xong việc kiếm củi đến việc tìm nước. Ở núi cao mỗi lần ngủ lại qua đêm, amí bao giờ cũng chọn nơi gần suối, vừa  sẵn nước tắm rửa lại có thể hái rau, bắt tôm cua, cá… cải thiện. Trong rừng già thuộc dãy núi Krông Jin có loại cua núi to bằng con cua đồng lớn, màu sắc rực rỡ; con đực đỏ tươi như được quét một lớp sơn, con cái màu vàng chanh trông rất đẹp mắt. Buổi sáng sớm hoặc chiều tà chúng bò từ trong các kẻ đá ra phơi mình giữa dòng suối nước trong vắt trông giống một vườn hoa. Còn hôm nay ở giữa rừng già không có sông suối, việc kiếm nước phải dựa vào các loài dây leo. Ở rừng có loại dây chạc chìu trong thân chứa nhiều nước lắm, chọn một dây to độ bằng ngón chân cái, chặt đứt ngang thân hơi vát một chút đưa quả bầu khô mang theo đón dòng nước trong vắt từ trong thân dây chảy ra chỉ một chốc là đầy; không biết loài dây này chứa nước ở đâu mà nhiều đến thế. Nước trong dây chạc chìu, giống như nước suối, nhưng uống vào đỡ khát hơn nước suối. Có lẽ loài dây này đã chắt lọc nước từ trong lòng đất nên dù có uống cả tuần cũng không bị đau bụng bao giờ, vì thế người đi rừng ưng uống nước cây hơn nước suối.

***

Trong rừng, màn đêm buông xuống quá nhanh, nhóm được lửa bén vào cây nhìn ra xung quanh chỉ còn thấy một màn đen đặc quánh.

-T… ắc k …è! T… ắc  k …è! …

Tiếng con Tắc kè ở trên cây mít đột ngột vang lên làm H’Chi giật mình, tự diễu: đến con tắc kè kêu mà sợ! Người dân Tây Nguyên không ai lạ gì con tắc kè, trông nó giống con thạch sùng bám trên trần nhà nhưng lớn hơn nhiều, có con phải bằng cổ tay người lớn; trên thân mình được trang điểm những đốm xanh, đỏ, đen, vàng… lóng lánh. Người Kinh bắt tắc kè làm thuốc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khoẻ cho người già. Nghe tiếng kêu, có thể biết nó sống bao nhiêu mùa rẩy, lớn bằng chừng nào. Con nào chỉ kêu được ba tiếng rồi tắt, đó là con chưa qua một mùa rẫy, cứ mỗi năm thêm một tuổi, nó kêu thêm một tiếng. Trong rừng có những con kêu tới mười lăm, mười sáu tiếng một lần; loại này quí lắm dùng làm thuốc cho người già, người mới ốm dậy thì tuyệt vời. Song bắt được chúng trên các hốc cây cao hay vách đá dựng đứng quả thật không dễ chút nào, phải có bí quyết riêng mới làm được.

Vừa ăn hết cơm mang theo còn lại từ buổi trưa, H’Chi vừa nghĩ miên man đến chuyện nhà: chắc giờ này mọi người đang ăn cơm tối, amí sẽ nóng cái bụng khi mình chưa về kịp trong ngày! Lần đầu tiên vào rừng thiêng một mình, gặp bao điều lạ; song có lẽ cái lạ nhất ở khu rừng này là các loài thú còn nhiều lắm, cứ như được người ta nuôi vậy. Gỗ chưa bị đốn một cây nào, ngay như cây mít rừng khổng lồ này sẽ cho bao nhiêu là gỗ, thớ gỗ vàng óng đóng giường, bàn, tủ… thì nhất. Cây mít rừng lá giống mít nhà, quả cũng vậy nhưng nhỏ hơn, quả lớn nhất mới bằng ấm pha trà, khi quả chín múi vàng ươm, ăn vừa ngọt lại có vị hơi chua chua. Trong rừng, nơi nào có mít chín, nơi đó có khỉ, vượn, chim, sóc… đến ăn đông như chợ tết.

***

-Gâu! Gâu! Gâu!

Tiếng sủa của bầy chó sói xen lẫn tiếng rú gọi nhau xé toang màn đêm tỉnh mịch. Ban ngày chỉ có một số ít loài vật kiếm ăn như người, còn đa số các loài thú phải chờ ông mặt trời ngủ một hơi dài mới rủ nhau thức dậy đi kiếm ăn. Bầy sói này chắc lại gặp con thú xui xẻo nào rồi, đang đuổi bắt đây!

Hôm trước ama(2) nói: rừng vùng này chỉ có một loài sói lửa, gọi như vậy vì bộ lông của chúng giống nhau, có màu vàng sẩm như bị lửa cháy. Chúng sống theo bầy, mỗi bầy có trên chục con, do một con cái nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhất chỉ huy. Gặp thú rừng, chúng sủa, rú nhặng xị cả lên, con nào yếu không chạy kịp sẽ bị chúng bắt ăn thịt. Thỉnh thoảng người trong buôn vẫn bắt được heo, nai do chúng săn, đuổi chạy lạc ra buôn hoặc đuổi xuống suối móc mắt và ruột ăn hết, còn thịt bỏ lại. Đi trong rừng nếu nghe tiếng chó sủa đứng im một chỗ, ta đến thế nào cũng gặp cảnh hổn chiến giữa bầy sói và con thú bị săn mà thường con thú bị săn là heo rừng hoặc nai. Khác với loài thú ăn thịt khác như: hổ, báo… ăn thịt con mồi là chính; còn loài sói thích moi ruột, tim, gan, móc mắt… con vật bị bắt ăn trước. Phải công nhận lũ sói khéo léo trong cuộc chiến săn mồi. Khi gặp nai, chúng đuổi cho nai chạy mệt phải xuống suối tắm. Lũ sói chạy đến đứng trên bờ sủa ầm ỹ, không cho nai lên. Mấy con sói khỏe nhất nhất lao xuống nước bơi theo nai, con cắn tai, con nhè mắt nai gậm trước cho nai mù mắt không biết đường chạy. Con đầu đàn bơi phía sau con nai, dùng bộ răng sắc nhọn của mình cắn hậu môn kéo hết ruột ra ngoài, trong lúc con mồi vẫn sống, vẫn bơi trên suối. Bầy sói ăn hết bộ lòng, chúng mới xúm nhau cắn bụng lôi tim gan con vật xấu số ra chia nhau, còn thịt bỏ lại lúc nào đói mới lại ăn tiếp.

Bọn sói sợ người lắm, dù đang săn hoặc đang ăn, thoáng thấy bóng người sẽ bỏ chạy hết. Có lẽ do sợ con người nên không bao giờ chúng xuống bắt trộm thú nuôi của người ở vùng này.

***

Tiếng sủa xa dần rồi tắt hẳn, con heo hoặc con nai nào đó bị săn đuổi còn khỏe nên chưa dễ gì bầy sói bắt được. H’Chi xếp thêm củi vào bếp, ngọn lửa bùng lên liếm láp các thân cây, dần dần để lộ ra những cục than hồng óng ả, than này mà đặt bắp hoặc khoai mì lên trên nướng tuyệt vời lắm đây. Gió rừng nhè nhẹ thổi mang đến tiếng nhạc rừng thì thào của lá cây va vào nhau như đệm cho tiếng khắc khoải trả lời của đôi chim “năm trâu sáu cột; bắt cô trói cột”, đối đáp nhau vang vọng trong đêm. Thỉnh thoảng mụ cú mèo  gõ vào không gian nhịp phách lạc lõng: Cú! Cú! Cú! Gây cho ta cảm giác rờn rợn.

-Thủ thỉ thù thì! Thủ thỉ thù thì!

Tiếng chim ăn đêm gọi gần làm H’Chi vừa nằm xuống vội bật dậy; thật đáng gét cho loài chim ăn thịt tàn bạo này. Con thủ thỉ thù thì – người ta lấy tiếng kêu của nó để đặt tên cho nó; con trưởng thành to như con ngỗng, chuyên săn mồi ban đêm. Đi đến đâu nó cũng cất giọng thê lương gõ vào màn đêm báo cho mọi vật biết sự hiện diện của mình. Nó đến mang theo thần chết đi kèm, bắt tất cả các loài vật khác nếu có thể tha được lên cây cho dù đó là chó, mèo, heo con…

Những con heo mẹ dẫn con đi ăn không cảnh giác, chỉ nghe vèo một tiếng, tám móng chân như tám gọng kìm của chim đóng chặt vào lưng heo nhấc bổng lên trời để lại trong không trung tiếng kêu: éc, éc, éc… thảm thiết. Heo mẹ chỉ còn biết nghiến răng, hộc lên những tiếng tắc nghẹn không làm gì nổi. Loài chim thủ thỉ thù thì, tạp ăn lắm; nó có thể bắt cả rắn, kì đà, tắc kè… dù có độc hay không độc để ăn. Đây là loài chim ăn thịt lớn nhất Tây Nguyên, tiếng kêu to nhất và cũng khó chịu nhất khi phải nghe tiếng nó lặp đi lặp lại… Bực mình H’Chi nhặt một mẩu gỗ cháy dở ném lên phía tiếng kêu. Hòn than hồng được gió thổi sáng rực vẽ một đường vòng cung trước khi va vào cây làm bắn ra hàng ngàn những tia sáng nhỏ li ti như pháo hoa, con chim giật mình đập cánh ào ào bỏ đi.

***

– G… a… o!

Tiếng gào của con báo vang lên xé toạc màn đêm nghe rợn cả da. Có lẽ nó ngồi rình mồi đâu đó phía sau gốc cây mít hay đang tò mò nhìn đống lửa, bất ngờ thấy cục than H’Chi ném ra xua chim, giật mình gào lên. Tiếng gào hoảng hốt trong đêm giữa rừng già tạo tiếng vọng nhái lại, nghe ghê ghê. Từ xưa đến nay ở vùng này chưa bao giờ nghe nói báo tấn công người. Con báo có trọng lượng nhỏ, con trưởng thành nặng không quá bốn chục kí, leo trèo khéo léo như khỉ, chạy nhanh hơn cả hươu nai nên thức ăn luôn luôn dư thừa; có lẽ vì thế chúng luôn luôn tránh xa người.

Nhưng tại sao đêm nay con báo lại đến đây? Nó tình cờ đi qua hay cố tình rình mình? H’chi băn khoăn, đứng dậy chất thêm mấy khúc củi lớn, ngọn lửa bốc cao mang theo những tàn than đỏ, nhỏ li ti bay lên trời. Loài thú dù lớn đến đâu, hung dữ như thế nào đi nữa đều sợ con người vì con người biết dùng lửa; mình có thể yên tâm ngủ được rồi, H’Chi tự nhủ.

Ban đêm dưới tán lá rừng nhìn lên chỉ thấy một màu đen mênh mông bao phủ, lá cây xào xạc chặn mất tất cả ánh sao trời, không cho lọt xuống mặt đất. Giữa đại ngàn nằm một mình mới thấy lẻ loi làm sao, thèm được nghe một tiếng người quá chừng. Thoảng trong gió có mùi thơm của con cầy hương mới đi qua. Thôi, phải ngủ một tí mai lấy sức còn về. H’Chi ngã mình lên lớp lá, nhắm mắt lại. Tiếng rì rầm của cây rừng được cô gió tấu khúc nhạc đêm như tiếng ru của amí, đưa H’Chi chìm dần vào giấc ngủ.

H.C

Chú thích tiếng Êđê:

  1. Amí: má.
  2. Ama: ba.