Trên thế giới, các nước: Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp… được thừa nhận là những nền giáo dục tiêu biểu của nhân loại. Tất cả các nước đang phát triển, kể cả các nước có lịch sử giáo dục huy hoàng, như: Trung Quốc, Ấn Độ và Ả rập Hồi giáo… thời hiện đại đều chuyển sang học tập 5 nền Giáo dục kể trên.
Tuy nhiên, trong khi 4 nước Anh, Đức, Mỹ và Nga làm một chương trình chung cơ bản bắt buộc, toàn diện cho giáo dục phổ thông, cần thiết cho các em không được học lên thì vẫn có một lượng kiến thức văn hóa tối thiểu sơ đẳng để vào đời… thì Pháp là nước duy nhất thực hiện phân Ban. Điều này cũng do hoàn cảnh và điều kiện nước họ Nước Pháp có các trường đại học lớn nhỏ với các chế độ chính sách ưu việt, lúc học và ra trường khác nhau. Cái gốc của sự phân Ban là định hướng cho học sinh vào các đại học kể trên. Ở nước ta, từ năm 1950 chủ trương bỏ phân Ban để khẳng định một nền giáo dục toàn diện. Theo đó là một chương trình nhất quán ổn định, các bộ sách giáo khoa chuẩn được sử dụng hàng chục năm. Một “nền giáo dục độc lập và không thu học phí” được thiết lập trong hoàn cảnh vừa xây dựng chế độ mới và chiến đấu giành độc lâp, thiếu thốn, nghèo đói và gian khổ. Nền giáo dục thực sự là một bông hoa đẹp của chế độ? Sau năm 1975, nhiều chính khách nước ngoài, kể cả Mỹ, đều ngạc nhiên và ca ngợi nền giáo dục Việt Nam. Năm 1978, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được xếp hạng thứ 27 trong tổng số 78 trường Đại học Tổng hợp trên thế giới tham dự họp, được tổ chức tại Australia. Lịch sử nền Giáo dục của nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, có mấy đợt biên soạn chương trình sách giáo khoa như sau: Từ năm 1945 đến năm 1975 trước tiên là chương trình sách giáo khoa chuẩn của GS Hoàng Xuân Hãn dựa theo chương trình sách giáo khoa của Pháp, được biên soạn trong 2 tháng cuối năm 1945. Đặc điểm nổi bật của chương trình này là dạy bằng tiếng Việt, hệ thống thuật ngữ khoa học và có phân Ban. Đến năm 1955 là chương trình sách giáo khoa chuẩn của GS Nguyễn Văn Huyên và GS Nguyễn Khánh Toàn trực tiếp chỉ đạo trong 6 tháng, chủ yếu là theo chương trình sách giáo khoa của Liên Xô.
Đến năm 1974, chương trình sách giáo khoa chuẩn là tổ hơp các chương trình sách giáo khoa đã có, được chỉnh sửa lại để chuẩn bị cho đất nước thống nhất năm 1975. Từ năm 1979 đến nay nước ta có 3 lần thay chương trình sách giáo khoa. Lần thứ nhất là giai đoạn 1981- 1992 theo Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục của Bộ Chính trị ra ngày 11/1/1979. Theo đó, việc thay sách giáo khoa mỗi năm một lớp kéo dài 12 năm mới xong chương trình sách giáo khoa chuẩn. Lần thứ hai là giai đoạn 2002-2011 theo NQ40 của Quốc hội, với “phương pháp giảng dạy tích cực”. Việc phân Ban được tiếp tục “thí điểm”, mặc dù Bộ Giáo dục & Đào tạo đã cảnh báo không được làm trái Luật giáo dục 1998. Lần thứ ba dự kiến triển khai từ năm 2018, nhưng phải hoãn đến năm 2020, với “cách tiếp cận theo phẩm chất năng lực” theo Nghị quyết 29- NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI ngày 1/11/2013; và NQ 88/2014/QH13 của Quốc hội. Năm học 2020-2021, có thêm 5 Bộ sách giáo khoa lớp 1 ra đời, Bộ Giáo dục & Đào tạo giới thiệu sách giáo khoa và sách tham khảo cho lãnh đạo các địa phương lựa chọn. Năm 2011, Bộ Giáo dục & Đào tạo trình dự án 70.000 tỷ VNĐ để thay chương trình sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rút xuống còn 700 tỷ VNĐ vào năm 2014. Muốn có sách giáo khoa chuẩn, việc đầu tiên phải làm rõ “chuẩn kiến thức” trong học thuật. Việc này hết sức hệ trọng trong khoa học. “Chuẩn kiến thức” là gì? Có một hình ảnh so sánh mộc mạc, có ý nghĩa tương tự như đoạn tre dùng làm thước đo mà người ta thường gác lên xà nhà, sau khi xây nhà xong.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, qua cái thước đo ấy, người thợ giỏi sẽ biết được kích cỡ, tỷ lệ kèo, cột… và hình dung ngôi nhà như thế nào? Tại Liên bang Nga, theo Luật Giáo dục thì chuẩn kiến thức được thông qua tại Nghị viện (Duma) ít nhất mười năm một lần để có cơ sở xác định trình độ tối thiểu bắt buộc. Thế mà việc biên soạn sách giáo khoa đổi mới ở nước ta, theo ông Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục – thừa nhận là 45 năm qua, chưa tìm thấy “chuẩn kiến thức” (!) (Báo Lao động ngày 1/9/2000). Trên thế giới, tồn tại hai cách chính trình bày nội dung kiến thức sách giáo khoa phổ thông. Một là, xuất phát từ sự kiện, hiện tượng riêng đến chung tổng quát; hai là ngược lại, xuất phát từ những nguyên lý chung đến những kết luận riêng. Xin lấy một ví dụ: sách giáo khoa toán ở lớp 8 được Nhà xuất bản của Bộ Giáo dục ấn hành vào năm 1955, được dùng ở trường phổ thông Việt Nam 35 năm, nếu so sánh nội dung của nó với sách giáo khoa của Nga năm 2020, là cơ bản giống nhau (!) Đã là “sách giáo khoa phổ thông” thì phải rõ là kiến thức phổ thông và cách trình bày phổ thông, dễ học dễ nhớ. Báo chí từng kể chuyện: Ngày 14/3/1998, trong buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm Hà Nội về giáo dục, cố GS Nguyễn Lân lúc đó 92 tuổi, đã trao cho Bác Phạm Văn Đồng một bộ sách của cháu mình mới học lớp 2 nhưng có tới 7 quyển Toán và 7 quyển Tiếng Việt và nói: “Thời tôi với Bác học chỉ có 2 cuốn”. Rõ ràng là một mặt người ta đang “đại học hóa phổ thông” bằng cách dạy các em nhiều cái khó quá và chưa cần thiết, chưa thích hợp với lứa tuổi; mặt khác lại đang “phổ thông hóa đại học” (!) Nhà văn Lê Lựu đã từng phải thốt lên “… đi kèm theo các cuộc cải cách ấy là sách giáo khoa thay đổi liên tục, tiêu phí hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước. Biến ngành viết, in bán sách giáo khoa trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Thật độc ác khi bắt trẻ em làm những vật thí nghiệm cho những sản phẩm sống sít, tùy tiện của ngành Giáo dục” (Diễn đàn doanh nghiệp, 11/5/2001)…
Giáo dục đã tồn tại hàng nghìn đời, tính kế thừa luôn được tôn trọng. Đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Quốc văn Giáo khoa thư đầu tiên bằng tiếng quốc ngữ do các nhà trí thức Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đỗ Thận… biên soạn. Cuốn sách đề cập đến tình cảm làng mạc, quê hương, lòng hiếu thảo ông bà, cha mẹ, tính cần mẫn học hành và cách sống chân thật, cụ thể; vừa dễ hiểu, dễ thấy và thiết thực cho các em thơ. Cuốn sách này được sử dụng rộng rãi trong dân chúng tồn tại rất lâu, hiện vẫn còn giá trị. Năm 2020, các thành viên trong hội đồng biên soạn môn tiếng Việt lớp 1 trong Bộ sách Cánh diều, yêu cầu các em thơ “thông thạo” các truyện ngụ ngôn của Lev Tolstoy, Jean de La Fontaine… PGS Chu Mộng Long nhận xét: Chuyện ngụ ngôn đòi hỏi vốn sống phong phú, tầm trí tuệ cao mới hiểu được. Chưa bàn đến chuyện ngụ ngôn, các ông chỉnh sửa của nguyên bản làm người học hiểu nhầm. Ngụ ý của các ông là dạy lười biếng và mánh khóe gian dối (!), bỏ tính kế thừa truyền thống của giáo dục trước đây, dạy những điều xa với cuộc sống rất trừu tượng, thật khó hiểu với tuổi thơ. Năm 2018, Bà Nguyễn Thanh Hải – Chủ nhiệm Ủy Ban Dân nguyện đã tuyên bố tại diễn đàn Quốc hội: “Mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa rồi bán giấy vụn suốt từ năm 2002 đến nay” (Báo Dân Việt ngày 18/9/2019). Trả lời VNexpress ngày 18/4/2014, tôi (Nguyễn Xuân Hãn) đã nói: “Thiếu tổng chủ biên, tiền gấp 10 lần (34 tỷ USD) cũng không làm được sách chuẩn”. Cũng xin nhắc lại tâm tư và trăn trở của đồng chí Phạm Văn Đồng trước lúc đi xa: “Giáo dục nước ta chưa phải là tốt. Đừng nghĩ mình ít tiền, ít tiền không sợ, miễn là biết cách làm. Nếu ít tiền mà làm hỏng, thì nhiều tiền càng hỏng hơn” (Báo Tuổi trẻ ngày 12/9/2000).
Theo tôi, có 3 nguyên nhân quan trọng bậc nhất. Một là, cách tiếp cận “cắt khúc cuốn chiếu, vừa chạy vừa xếp hàng” do Viện Khoa học Giáo dục đề xuất năm 1978 là cách tiếp cận chưa chuẩn, nếu không nói là phản khoa học. Sự chỉnh thể của chương trình sách giáo khoa theo tư duy nhất quán bị vi phạm nghiêm trọng. Tổng thể của chương trình sách giáo khoa bị xé vụn ra từng mảnh, mỗi nhóm giành lấy một mảnh (!) Hai là, về phương pháp, ngày 15/7/2014 tôi được lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo mời đến trụ sở của Bộ để góp ý về đổi mới chương trình sách giáo khoa sắp tới. Tôi có hỏi lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo về đổi mới giáo dục: “Phương pháp tiếp cận phẩm chất năng lực” lần này cũng như “Phương pháp giáo dục tích cực” năm 2002, so với phương pháp “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn” của Bác Hồ năm 1945, giống nhau và khác nhau như thế nào? Không ai trả lời được. Sau, một GS chủ chốt trong đợt đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này trả lời: không có gì khác nhau cả! Các khái niệm cốt lõi này đã vô tình bị đánh tráo, người dân phải chịu mọi hậu quả! Lưu ý “Học đi đôi với hành” của Bác, theo thiển nghĩ của tôi là đã học cái gì thì phải làm được cái đó trong thực tế.
Cách nghĩ và cách làm chương trình sách giáo khoa đợt hai (2002-2011) và đợt ba (2018 đến nay) vô tình lại đi ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh mà tôi đã hệ thống ở phần trên. Ba là, sự tùy tiện thiếu sơ sở khoa học trong biên soạn chương trình sách giáo khoa. Năm 1981 trong môn tiếng Việt lớp 1, học sinh được dạy đánh vần theo chữ chữ a,b,c… đến năm 2002 lại bắt đầu từ chữ E (?) khiến truyền thông dậy sóng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn hóa Trần Bạch Đằng và nhiều trí thức khác lên tiếng phản đối nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn cứ làm. Từ năm 2018 đến nay sách giáo khoa lớp 1 tiếng Việt lại trở về dạy theo a, b, c… Rõ ràng “tít mù nó chạy vòng quanh”. Ai phải chịu trách nhiệm về sự tùy tiện này? Hoặc như từ năm học 2021-2022, sách giáo khoa Khoa học tự nhiên – môn tích hợp (Lý, Hóa, Sinh) lớp 6 được triển khai cho học sinh THCS.
Nội dung trong sách giáo khoa, có “cả trăm lỗi sai từ cơ bản đến nghiêm trọng kiến thức Vật lý dẫn đến những hệ lụy vô cùng khó lường” (Báo Dân Việt ngày 5/7/2021). Xin chưa bàn kỹ đến nội dung sách giáo khoa ở đây, chỉ riêng chữ “tích hơp” thực chất là xáo trộn trật tự kiến thức trước đây và chưa làm rõ bản chất kiến thức. Hiện giáo viên dạy những môn học này đang là thách thức lớn, thừa và thiếu hàng vạn giáo viên cũng từ đây mà ra. Khi đang viết bài này, tôi nhận được một tin trên Facebook “Yêu cầu Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo phải có chế tài chấm dứt ngay việc sách giáo khoa học một năm rồi vứt bỏ. Đây là trò ăn cướp, rất thất đức. Không thể để cho nhóm lợi ích cấu kết với nhau, hút máu dân kiểu này mãi được”. Tin này lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Tôi tra cứu, thấy tác giả là TS Toán lý Nguyễn Nguyên Hy, nên đã trực tiếp liên hệ với ông Hy để xác minh. Năm nay, TS Nguyễn Nguyên Hy đã gần 80 tuổi, con một lão thành cách mạng là GS Nguyễn Trinh Cơ, người đã góp phần xây dựng nền móng cho ngành Y dược Việt Nam dưới chế độ mới. Đồng tình với ông Hy, tôi kiến nghị dừng sử dụng tất cả sách giáo khoa mới mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đang triển khai lớp 1 năm hoc 2020-2021 và lớp 6 năm học 2021- 2022.
Là một nhà giáo nhiều tuổi nghề, tôi tin nếu tạm thời sử dụng sách giáo khoa cũ sẽ không hề ảnh hưởng đến chất lượng và kế hoạch giảng dạy năm học, đồng thời thành lập một Hội đồng biên soạn cấp Quốc gia, trực thuộc Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã có lần phát biểu công khai trước diễn đàn Quốc hội rằng, hãy giải phóng Bộ Giáo dục & Đào tạo khỏi việc biên soạn chương trình sách giáo khoa. Theo thiển nghĩ của tôi, Hội đồng này tập trung trí tuệ của những nhà giáo, nhà khoa học của cả nước, biên soạn chương trình sách giáo khoa và triển khai đồng loạt vào các trường lớp của bậc học phổ thông, xong thì giải tán. Để kết thúc bài viết, tôi xin nói thêm: Từ năm 2007, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cũng đã từng nói với hãy tôi chuẩn bị “Hồ sơ Chương trình Sách giáo khoa”, để các đồng chí trình lên Bộ Chính trị giải quyết. Nghiên cứu những kinh nghiệm quý báu mà các vị Bộ trưởng GS Nguyễn Văn Huyên, GS Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng GS Nguyễn Khánh Toàn… khi làm chương trình sách giáo khoa chuẩn cho “nền giáo dục độc lập, không thu học phí” thời 1945-1975, tôi một lần nữa khẳng định rằng: Chỉ cần 100 tỷ VNĐ, thời hạn một năm, là hoàn thành chương trình sách giáo khoa mới, thậm chí không có tiền cũng vẫn làm được. Chắc chắn sẽ có một bộ chương trình sách giáo khoa chuẩn, mang tính kế thừa truyền thống và cập nhật những thành tựu khoa học, công nghệ của thời đại. Và chắc chắn chương trình sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng lâu dài như các nước trên thế giới.
Theo Nguyễn Xuân Hãn/Văn nghệ