Đổi mới văn nghệ hôm nay chính là bình thường mới

386

35 năm trước (1986), đứng trước vận mệnh dân tộc, Đảng ta đã xóa bỏ thời kỳ “quan liêu bao cấp”, chuyển sang thời kỳ mở cửa, đổi mới. Trong sự đổi mới đó, có sự đổi mới văn nghệ mà ta quen gọi là “cởi trói” cho sáng tạo văn nghệ với câu nói ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.


Nhiều buổi hòa nhạc Việt Nam tham gia biểu diễn, giao lưu tại các nước trên thế giới (ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19). 

Đổi mới văn nghệ không phải là một hành trình “thuận buồm xuôi gió”.

Ngày ấy, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về đổi mới văn hóa nghệ thuật đã như một luồng gió mới tạo không khí cho văn nghệ khởi sắc. Trong công cuộc đổi mới này, bên cạnh việc đánh giá lại và tôn vinh những giá trị văn nghệ mà một thời gian đã để ngỏ, trả lại quyền tự do sáng tạo và công bố tác phẩm cho các văn nghệ sĩ đã từng có “vấn đề” trong quá khứ, là việc thúc đẩy, tìm kiếm những tác phẩm hay của những người sáng tạo đang sung sức và đang thăng hoa bởi thoát khỏi sự ràng buộc của bệnh “công thức – sơ lược”.

Văn nghệ nước nhà đã gặt hái được những thành tựu mới không chỉ được đón nhận trong nước mà còn trên toàn thế giới. Những vở kịch nói của Lưu Quang Vũ không chỉ làm sáng đèn các rạp ở Thủ đô, ở TPHCM, ở Đà Nẵng… mà còn được đón nhận trân trọng trên các sân khấu quốc tế. Một thế hệ họa sĩ trẻ đã hình thành như Đặng Xuân Hòa, Hoàng Hồng Cẩm, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Quách Đông Phương… với những triển lãm trong nước và nước ngoài.

Tranh của họ đã đi vào những căn nhà, những nơi sưu tập ở nhiều quốc gia, Hội họa Việt Nam mạnh mẽ bước ra thế giới. Nhiều tác phẩm văn học của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Minh Tường… đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được đón nhận nồng nhiệt.

Nhiều phim Việt Nam đã được tham dự các liên hoan phim quốc tế. Nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ như Đàm Linh, Đỗ Hồng Quân, Võ Đăng Tín, Trần Mạnh Hùng, Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc… cũng vang lên tại các buổi hòa nhạc ở nhiều nước trên thế giới. Và còn nhiều nữa những lần xuất ngoại của rối nước, của chèo, của hát văn… giới thiệu di sản văn nghệ Việt Nam với thế giới.

Những thành tựu đạt được trong 35 năm đổi mới là không thể phủ nhận. Nhưng liệu có phải tất cả những đóng góp nói trên đã là toàn bộ sự phát triển hay không thì chắc chắn là chưa phải là tất cả. Đổi mới văn nghệ hoàn toàn không phải là một hành trình “thuận buồm xuôi gió”. Có những tư tưởng bảo thủ, trì trệ lưu cữu của nhiều năm tháng vẫn còn là một cản trở không nhỏ cho hành trình này. Chúng ta vẫn đòi hỏi những tác phẩm có tầm vóc lớn lao hơn, cân xứng với sự chuyển mình của dân tộc.

Bởi thế, việc đổi mới văn nghệ hôm nay vẫn một một việc vô cùng cấp thiết mà lại thêm một lần nữa khởi xướng cho giới văn nghệ sĩ đang nhẫn nại sáng tạo từng ngày. Khi những cái hay, cái đẹp xuất hiện nhiều thì sẽ bớt đi những cái dở, cái xấu mà dư luận từng phê phán. Có lẽ, xã hội càng phát triển thì càng cần vô cùng những tiếng nói phản biện không chỉ riêng ở báo chí, mà còn ở trong các tác phẩm văn nghệ. Chắc chắn là tiêu chí đổi mới văn nghệ hôm nay sẽ rất quan tâm đến vấn đề này.

Rất cần sự đồng hành, chia sẻ của các cấp quản lý

Dù đã được nhắc tới từ “Đề cương văn hóa” của Đảng năm 1943: “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”, nhưng cái gốc gác dân tộc để tạo ra sự khác biệt nhau của các nền văn nghệ các các quốc gia trên thế giới bao giờ cũng được quan tâm đến một cách đặc biệt. Nếu không có gốc gác này, nền văn nghệ của một nước sẽ trở nên nhợt nhạt. Chúng ta vẫn thường nói: “Đậm  đà bản sắc dân tộc” là thế!

Tôi chỉ đơn cử một trong rất nhiều sự vinh danh đất nước của các văn nghệ sĩ Việt Nam. Trước đại dịch Covid-19, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có tham gia một Festival âm nhạc quốc tế tại Columbia với sự góp mặt của các nhạc sĩ nhiều nước. Tác phẩm mà nhạc sĩ tham dự trong chương trình biểu diễn là bản concerto viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng. Dàn nhạc thì sử dụng dàn nhạc của Columbia. Nhạc sĩ chỉ đưa độc nhất nghệ sĩ đàn bầu Huỳnh Tú sang để thể hiện những phần của đàn bầu cùng dàn nhạc.

Xem và nghe buổi biểu diễn được nhạc sĩ quay bằng điện thoại thì thấy cảm động và tự hào khi âm hưởng dân tộc vang lên khác biệt trong chương trình. Cảm động hơn là tiếng vỗ tay tán thưởng còn kéo dài hơn cả thời gian tác phẩm vang lên. Đấy cũng là một cách đổi mới trên gốc gác bền chặt của âm nhạc truyền thống.

Có lẽ, để hòa nhập nhưng không hòa tan trong thế giới hôm nay, đổi mới văn nghệ càng ngày càng phải chấp nhận sự khác biệt mà nhiều năm tháng trước, chúng ta đã không đề cao. Để có được sự khác biệt này, bên cạnh sự nỗ lực của của các văn nghệ sĩ trong sáng tạo luôn bám chặt vào gốc gác dân tộc, rất cần sự đồng hành, chia sẻ của các cấp quản lý như “bà đỡ” để cho các tác phẩm ra đời. Cũng rất cần tầm nhìn xa rộng của các cấp lãnh đạo. Không sơ hở buông lỏng, nhưng cũng không quá xét nét “bới bèo ra bọ” do không đủ bản lĩnh dám chịu trách nhiệm.

Dịch Covid-19, như thế chiến ba lan tràn toàn thế giới. Để tồn tại và phát triển trong thực trạng này, cả thế giới đã phải học cách chung sống với nó trong một cụm từ rất đáng ghi nhận là “bình thường mới”. “Bình thường mới” là sự bình thường khác với sự bình thường trước dịch. Đổi mới văn nghệ hôm nay chính là bình thường mới mà các văn nghệ sĩ phải thích ứng, để có những sáng tạo mới khác và kỳ vọng là hơn những gì đã đạt được suốt 35 năm qua.

***

Việc khởi xướng đổi mới văn nghệ hôm nay do Đảng chủ trương chắc chắn sẽ là tiền đề cho một tương lai văn nghệ Việt Nam tầm vóc hơn, bản lĩnh hơn, sánh vai với các nền văn nghệ trên thế giới.

Theo Nguyễn Thụy Kha/Vanvn