(Vanchuongphuongnam.vn) – Trương Công Tưởng sinh năm 1990 hiện đang sống tại Bình Định. Gia tài thơ ca của anh đã có hai tập thơ Ngồi gỡ tơ trời (NXB Hội Nhà văn – 2018) và Đợi những vắng xa (NXB Hội Nhà văn – 2021) cùng hai giải thưởng: Giải B – Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2019, Giải thưởng Cuộc thi sáng tác Văn học Bình Định mở rộng 2018-2019.
Đợi những vắng xa – Tập của thơ Trương Công Tưởng
Ở tập thơ Đợi những vắng xa vừa ra mắt, bạn đọc dễ dàng nhận thấy một tâm hồn nhạy cảm, dễ tổn thương và tha thiết với làng quê. Làng ai cũng có cánh đồng, đường quê, hoa cải, đàn bò… những trong thơ Trương Công Tưởng làng quê không chỉ có bấy nhiêu. Ở đó luôn có câu chuyện riêng mỗi nếp nhà, những “Người già phơi tuổi mình trên vách/ Bóng thời gian đổ phía sườn đồi” và “Người già âm thầm rủ nhau về đất/ Mang theo hồn làng và những trái tim đau/ Nếp vẫn chín trĩu nương không ai gặt/ Lũ trẻ lớn lên xuôi dốc chẳng quay về” – (trích K)… Câu chữ nhẹ bẫng dường như chấp nhận thực tại nhưng nghe ra nặng trĩu tâm tư.
Trong Đợi những vắng xa sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hình ảnh mẹ và tóc: “Tóc của những người đàn bà nửa đêm ngồi soi gương/ Trong gương không bóng người/ Chỉ hỗn mang ký ức”. Mẹ ngồi chải tóc, chải những muộn phiền, chải từ khi tóc còn xanh đến khi bạc, nhuộm vẫn dặn con một câu đã cũ: “Mỗi lần cắt tóc mẹ và em đều dặn:/ Hớt làm sao cho ra giống con người!”.
Mẹ không chỉ là đối tượng, mẹ chính là không gian, khi anh ra khỏi không gian thân thuộc đó, người tinh ý sẽ nhận ra ngay những vần thơ mất hẳn nhịp điệu tự nhiên, chậm rãi, gần gũi của một đứa con giàu tình cảm nhưng không giỏi tỏ bày.
Văn Chương Phương Nam xin trích giới thiệu một số bài thơ trong tập Đợi những vắng xa vừa mới phát hành của nhà thơ Trương Công Tưởng.
VCPN
Tóc
Một ngày thiệt buồn…
Buồn hơn những ngày buồn
Tôi tính ra tiệm cắt tóc thật ngắn
Nhưng vừa quay đi tiếng mẹ cứ vọng theo:
– Hớt làm sao cho ra giống con người!
Thế là tôi cạo trọc!
Mẹ tôi một đời thương tóc
Mẹ khóc khi nhìn quả đầu tôi trọc lóc
Bà mắng: Tổ cha mày!
Tôi thời im lặng…
Tôi bỏ mẹ ra phố
Đi theo những cô gái váy ngắn tóc vàng
Đầu tôi trọc lóc
nên mẹ không biết nắm níu ở đâu để lôi cổ tôi về
Bà thì không còn đủ sức…
Bà tôi một đời thương tóc
Dịu dàng nhu mì bồ kết hương nhu
Nghe tin bà bệnh tôi lén về,
chỉ dám đứng nhìn vào trong từ hành lang bệnh viện
Dáng bà mỏng manh như chiếc lá cuối mùa
Tóc bà giờ cắt ngắn
Tôi đau…
Chiếc lá cuối mùa ấy rồi cũng rụng
Tôi sờ lên đầu mình tiếc những mùa xanh
Tôi thương bà, nuôi tóc lên trở lại
Mẹ đâu còn đủ sức níu tôi
Tôi tự quay về…
Một ngày thiệt buồn…
Buồn hơn những ngày buồn
Mẹ tôi ngồi nhuộm tóc
Mẹ hỏi: Làm sao giấu thời gian dưới những nếp nhăn?
Ngân 98 nhắn tin cho tôi: Phố đợi anh!
Tôi im lặng…
Tôi không ra phố nữa
Chọn sống tối giản và ở nhà với mẹ
Nuôi lại vóc con người
Tôi bây giờ cũng học đòi thương tóc
Tóc em thẳng mượt và suông
Tóc tôi thì xanh lại
Mỗi lần cắt tóc mẹ và em đều dặn:
Hớt làm sao cho ra giống con người!
Tóc rụng
Đêm khóc, nước mắt chảy vào cô độc
Mỗi khuya, mẹ thường bật dậy ngồi chải tóc,
tóc rụng lả lả thềm nhà
Chó sủa, sủa, sủa…
Người vẫn đi những bước hư không
Trăng treo nhành bưởi
Trăng ẩn vào ngực em
Ngực em thơm hoa bưởi
Ngực em nồng nàn những đêm trăng
Chó sủa, sủa, sủa…
Tóc rụng lả lả đường làng
Tóc của những người đàn bà nửa đêm ngồi soi gương
Trong gương không bóng người
Chỉ hỗn mang ký ức
Chó sủa, sủa, sủa…
Người cô độc đi về cõi khác
Chỉ mang trái tim khô
Nước mắt không làm hồi sinh những mầm xanh đã chết
Tóc của những người đàn bà vẫn rụng
Xuống long lanh mùa
Chợ Đồng Dài*
Mẹ tôi, một người ca cũ
ngồi rao bán tháng giêng bên góc chợ trầm
cây bàng xanh lên trong mắt người sắp đi xa
người quét chợ đã già, lưng còm, nheo mắt
Mùa xuân dìu người già xuôi dốc
vôi trầu còn thắm trên môi
chợ cũ hơn những nếp nhăn
mỗi lều quán trưng bày từng ký ức
Lũ trẻ lớn lên chưa kịp hẹn nhau
đã đi xa khỏi từng lời hứa
đã Tây đã Tàu đã Nam đã Bắc
đã quên dáng Mẹ ngồi khuya sớm khơi vơi
Lũ trẻ lớn lên tóc nhuộm mấy lần xanh
cũng không nhớ nổi bao nhiêu tiếng súng đã trút trên đồi vắng
bao nhiêu trận lụt, cây gòn bao lần trái
bao nhiêu cơn đau tạt khuôn mặt thời gian
Mẹ tôi, một người ca cũ
ngồi rao bán lãng quên bên những tượng buồn
những thân tượng làm thời gian ngưng lại
Đồng Dài thăm thẳm vắng xa
—
*Đồng Dài : chợ quê lâu đời tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định
Trước biển
Đáng lẽ bây giờ tôi đang ngồi chờ
những con tàu đang trôi về ngoài bãi
như mẹ tôi đã chờ
sóng đánh một đời tóc bạc
Mẹ đi biển một mình
giữa mùa hè biển động
cắt rốn mang tôi về giữa cơn giông
những người đàn bà đi biển không bóng dáng đàn ông
họ mang về những đứa trẻ trai lớn lên làm nghề biển
Có những con tàu cứ đi mải miết
lênh đênh không trở về
những người đàn bà vá lưới trong cơn mê
nỗi đau xanh um lồng ngực
mùa biển động họ thường ra bãi
một mình khấn vái mênh mông
Làng chài mỗi năm những đứa trẻ lớn lên
lại theo cha trên những chuyến khơi xa
mắt nối vào chân trời đang mở
mặc kệ gió giông sóng dữ chực chờ
Tôi ra phố đi tìm giấc mơ
những ngôi mộ gió vẫn thốc vào lòng mỗi mùa gió trở
mẹ tôi và những người đàn bà vẫn ngồi trước biển
vá lưới âm thầm
khấn vái mênh mông
Sông
nơi phù sa chảy qua mái tóc của làng
những đứa trẻ lớn lên da thơm mùi nắng
đàn bà cõng cả cánh đồng về nhà
trong giấc mơ đàn ông hừng hực ngực trần
quả dâu chín mọng khu vườn con gái
nơi ấy chỉ có nắng
nắng khô mái nhà bong tróc từng lớp rêu từ mùa mưa trước
tiếng cu gù mỗi sáng
người già ngồi ngoáy cơi trầu nhìn xa xăm lên ngọn tre cao nhất
con đường bụi đỏ cả thời gian
nơi ấy chỉ có mưa
năm nào cây cầu tràn lũ nối hai bờ cũng ngập đầy bùn đất
Thuận – bạn tôi, cô nữ sinh có đôi mắt trong veo đã ra đi theo dòng lũ cuốn
để lại những tờ giấy khen treo đầy tường nhà
ám ảnh chúng tôi suốt thời tuổi trẻ
sông bồi đắp phù sa
cũng bồi đắp trong lòng chúng tôi bao nỗi niềm khôn tả
như gió lạnh lùa vào lòng giữa đêm sâu
mỗi mùa lũ sông mang theo tiếng khóc
sông nói với đầu nguồn về những cơn đau
sông khơi mạch giếng trong
ai đi xa cũng nhớ ngụm nước mát mùa hè
bà tôi đèn dầu nón lá đi suốt những đêm dài
người già kể về thuở xa xưa
chúng tôi lớn lên trái tim hồn nhiên như cổ tích
nơi những mùa trăng sông đẹp như tiếng hát
ai gõ mạn thuyền dưới bầu trời đầy sao
sông lắng cả tiếng bom vào lòng ùng ục chảy
đôi bờ xanh che những người lính yên nằm
chiều nay tôi qua cầu nhớ Thuận
nhớ những vòng xe của tuổi học trò
nhớ ngọn đèn tắt bà tôi một mình dò dẫm qua sông
những bến bờ gọi tôi tha thiết
Làng
Đất vỡ ra từ đường cày
Cây lúa lớn lên từ hạt mầm lấm lem trong bùn
Hoa thơm từ đất
Ngày con cất tiếng khóc chào đời
mùa sen nở
ếch mơ hồ kêu sương
Những đứa trẻ lớn lên từ làng
đều mang đôi mắt buồn thăm thẳm
Làng Năng nghèo
cây lúa cong mình trĩu nặng
Đất làng hiền người làng hiền
con gái lấy chồng về bên kia sông
của hồi môn là cái nghèo
nỗi buồn mang theo từng câu hát
Những câu hát theo người làng về phố
đêm nằm gối tay thương những mùa trăng
sen vẫn nở giếng nước vẫn thơm
mối tình đầu trong trắng
Người già bảo: Không đi đâu bằng sống ở làng
dẫu tiếng ếch có buồn xa vắng
Con thì tự thương mình bé mọn
cuộc đời toàn những quẩn quanh
Trăm năm làng vẫn đứng bên sông
Thăng trầm cùng mưa nắng
Cỏ mòn
Cha đừng hút nhiều thuốc
Cha đừng uống nhiều rượu
Cha đừng bước đi ngõ mới mà quên lối cỏ mòn
Tim mẹ rất đau
Mẹ
Mặt mộc
Một đời không biết phấn son
Mẹ
Tóc rối
Da thô ráp và bàn tay chai sần
Là lỗi của mẹ
Không biết giữ chồng
Là lỗi của mẹ
Lỗi của những người đàn bà dành cả thanh xuân
để sống vì một người đàn ông
Là lỗi của mẹ (lời thiên hạ bảo)
Mẹ
Không quen nói những lời đường mật
Nhưng cho cha cả cuộc đời không chút tính toan
Cũng là lỗi của mẹ
Cha cứ bước đi ngõ mới
Mẹ vẫn dõi theo và đôi lần nhắc nhớ:
– Bảo cha mày đừng hút nhiều thuốc, đừng uống nhiều rượu…
Riêng mẹ vẫn cô đơn năm tháng cỏ mòn
T.C.T