Đổi thay tích cực ở phim hình sự Việt

294

Không hẹn mà gặp, trong tháng 10 này, cả 2 bộ phim phát sóng vào “khung giờ vàng” trên kênh VTV1 và VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) đều thuộc dòng phim hình sự, đó là “Mặt nạ gương” và “Phố trong làng”. Cùng với các đề tài khác như chính luận, hôn nhân – gia đình, mảng đề tài hình sự vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim và thu hút đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ.

Ngay sau khi bộ phim Ngày mai bình yên kết thúc, bắt đầu từ ngày 14-10, bộ phim nối sóng khung giờ 21h30 trên VTV3 có tên Mặt nạ gương. Đây là bộ phim nằm trong sêri Cảnh sát hình sự nổi tiếng, đã trở thành thương hiệu của Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC).

Mặt nạ gương (đạo diễn Bùi Quốc Việt) là bộ phim hình sự điều tra phá án kết hợp với tâm lý gia đình. Phim kể về hành trình của Hoa (Lương Thu Trang thủ vai) là một nhà văn chuyên viết dòng trình thám có bố là bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng và Tùng là bạn trai đồng thời là đội trưởng đội trọng án. Để có nhiều chất liệu cho tác phẩm của mình, Hoa thường xuyên tham khảo kiến thức, kinh nghiệm từ công việc phá án của Tùng cũng như quan tâm chuyên môn của bố.

Cùng với quá trình hoàn thiện bộ truyện trinh thám của mình, Hoa dần tiếp cận và lý giải được những bí mật quanh cái chết của mẹ mình cách đây gần 20 năm. Tuy nhiên, càng đi sâu tìm hiểu, cô càng hoang mang, thậm chí có lúc rơi vào tuyệt vọng khi nghi phạm lớn nhất gây ra cái chết cho mẹ lại chính là bố cô cùng âm mưu của người mẹ kế. Dù chịu nhiều tổn thương, mất mát nhưng trong hoàn cảnh éo le ấy, Hoa lại chính là cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình.


Khai thác đề tài hình sự, “Mặt nạ gương” hứa hẹn là bộ phim giàu kịch tính.

Sau Mê cung, Sinh tử, Hồ sơ cá sấu… bộ phim Mặt nạ gương đánh dấu sự trở lại của dòng phim hình sự. Với nhiều yếu tố ly kỳ, hấp dẫn, câu chuyện phim xoay quanh những vụ án liên quan đến phẫu thuật thẩm mĩ. Ngoài ra, phim còn là hành trình vén màn bí mật đằng sau những chiếc mặt nạ của những người tưởng như thân thiết, ruột thịt. Những tội ác nhằm tranh đoạt tiền bạc, danh vọng, trả thù dần bị vạch trần.

Không chỉ đậm đặc chất điều tra phá án, truyện phim còn là hành trình đầy giằng co, đấu tranh của lý trí và cảm xúc của nhân vật Hoa để tìm ra sự thật. Chuyện vụ án, chuyện tâm lý đan xen giữa các chi tiết, sự kiện khiến các tình huống phim càng khó đoán, tạo sự bất ngờ. Điều đó cũng chính là điểm hấp dẫn của bộ phim.

Phần kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng có sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành điều tra phá án. Sự kết hợp giữa đạo diễn Bùi Quốc Việt và DOP (Giám đốc hình ảnh) Vũ Trung Kiên được ví như “song kiếm hợp bích” của những người có thế mạnh trong mảng phim hình sự. Đạo diễn Bùi Quốc Việt được biết đến với những bộ phim hình sự trước đó như Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Đầm lầy bạc, Câu hỏi số 5, DOP Vũ Trung Kiên gắn với Người phán xử…

Dàn diễn viên nổi tiếng, giàu nội lực cũng hứa hẹn làm nên sức cuốn hút của bộ phim ngay từ những tập đầu tiên. Sau thành công với vai Minh HH trong phim Hướng dương ngược nắng, Lương Thu Trang vào vai cô nhà văn trinh thám thông minh, cá tính. Lối diễn tự nhiên, sự mạnh mẽ tiềm ẩn của Lương Thu Trang rất phù hợp để hóa thân thành một nữ nhà văn trẻ can đảm trước nhiều biến cố cuộc đời và có diễn biến tâm lý phức tạp.

Đảm nhiệm vai bác sĩ thẩm mỹ Nghị, bố của Hoa là NSƯT Hoàng Hải. Vốn là một nghệ sĩ khá quen thuộc với khán giả phim truyền hình, NSƯT Hoàng Hải sở hữu lượng vai diễn đồ sộ. Anh được đánh giá là nghệ sĩ có thể khả năng biến hóa ở nhiều dạng vai khác nhau. Gần đây, anh khá tích cực tham gia phim truyền hình thông qua các bộ phim như Ngược chiều nước mắt, Chạy trốn thanh xuân, Đừng bắt em phải quên.Mặt nạ gương, vai bác sĩ Nghị của NSƯT Hoàng Hải là sự đan xen giữa tốt và xấu rất khó đoán định.

Bên cạnh đó, vai Đội trưởng đội điều tra phá án Tùng được giao cho Bảo Anh. Với vẻ điển trai, cương nghị, từng kinh qua khá nhiều vai diễn Công an thì không khó để hiểu vì sao đạo diễn lại chọn anh. Tuy nhiên, Bảo Anh cho biết, dù đã từng vào vai Công an nhưng bản thân anh chịu không ít áp lực để tìm tòi ra cách diễn mới. Ngoài những gương mặt nổi tiếng khác như Bình An, Ngọc Quỳnh thì sự góp mặt của “gương mặt phía Nam” Ngọc Lan sẽ là một điểm nhấn thú vị của bộ phim.


Một cảnh trong phim “Phố trong làng”.

Cùng với Mặt nạ gương, cũng trong tháng 10 này, bộ phim Phố trong làng sẽ lên sóng VTV1 ngay sau khi bộ phim Hương vị tình thân kết thúc. Với độ dài 35 tập, Phố trong làng (đạo diễn Mai Hiền) là bộ phim nói về cuộc chiến chống lại tệ nạn xã hội ở vùng nông thôn. Câu chuyện phim xoay quanh nhân vật Nam – một chiến sĩ Cảnh sát hình sự về xã Tân Xuân làm Trưởng Công an xã. Ở đây, Thượng úy Nam đã gặp phải không ít khó khăn trong công việc cũng như những va vấp ban đầu ở một đơn vị mới. Những vụ việc, rắc rối liên tục xảy ra khiến người lính trẻ nhiều phen đau đầu. Để giải quyết, một bên là nguyên tắc trong công việc và một bên là phong tục tập quán, đất lề quê thói cũng như quan hệ dòng họ khiến các chiến sĩ phải rất linh động, linh hoạt.

Như tên gọi của phim, Phố trong làng phản ánh cuộc đấu tranh căng thẳng và quyết liệt nơi làng quê đang trong giai đoạn đổi mới. Sự đối đầu giữa cái tốt và cái xấu. Ở nơi làng quê tưởng như bình yên, vẫn còn đó một số cán bộ bị tha hóa, biến chất. Cũng như quá trình đô thị hóa khiến cho nhiều giá trị truyền thống ở nơi này bị mai một. Các chiến sĩ Công an phải vượt qua và hóa giải những điều đó.

Chia sẻ trên báo chí, đạo diễn, NSƯT Mai cho biết Phố trong làng có nhân vật chính là những chiến sĩ Công an nhưng vẫn tập trung khai thác yếu tố tâm lý ở đời sống một vùng nông thôn Bắc bộ. Không có những cảnh hành động căng thẳng hay phá án hồi hộp, bộ phim đi vào phản ánh những khó khăn, vướng mắc của những chiến sĩ Công an ở một vùng quê đang dần đổi mới. Chính vì thế, bên cạnh câu chuyện về các chiến sĩ công an thì Phố trong làng còn là bức tranh nông thôn đa sắc màu. Ê kíp làm phim đã rất dụng công để có được những hình ảnh đẹp của đồng bằng Bắc bộ. Cảnh đồng lúa chín đẹp như tranh, đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ được quay tại xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội. Bộ phim cũng quy tụ dàn diễn viên trẻ tài năng như Anh Tuấn (vai Nam), Ngọc Anh (vai Ngọc), Thu Minh, Mạnh Đạt…

Có thể nói, trong bối cảnh phim truyền hình đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo khán giả trên khắp cả nước nên các nhà làm phim đã không ngừng đổi mới để mang đến những tác phẩm hấp dẫn nhất. Việc thường xuyên phải thay đổi “món” cho công chúng là điều các đạo diễn đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, khi khán giả đã khá bão hòa với dòng phim hôn nhân – gia đình thì sự thế chỗ của phim hình sự là tất yếu.

Lâu nay, phim hình sự vẫn có một sắc màu riêng và vai trò quan trọng trong bức tranh tổng thể phim truyền hình Việt. Những đặc trưng riêng có của dòng phim này như kịch tính, bất ngờ… vẫn là những điều cuốn hút khán giả. Các đạo diễn có kinh nghiệm ở mảng phim hình sự cũng không ngừng thay đổi để không chỉ là phim về một nghề nghiệp. Nếu như không muốn nói, gần đây, ở nhiều phim, vụ án chỉ là cái cớ để phản ánh tâm lý, đời sống xã hội.

Thay vì khai thác những yếu tố vốn quen thuộc với dòng phim hình sự như vụ án buôn bán ma túy, cướp của giết người, các băng nhóm giang hồ mâu thuẫn nhau… Mặt nạ gương đi vào khai thác một lĩnh vực khá “hot” trong thời gian gần đây đó là trào lưu phẫu thuật thẩm mĩ cùng những hệ lụy của nó. Tương tự, Phố trong làng cũng tập trung phản ánh những câu chuyện, tình huống gần gũi, đời thường trong công việc của những chiến sĩ buổi đầu làm Công an xã. Các nhân vật trong phim cũng không thuần túy chỉ tốt hoặc xấu. Nhiều nhân vật có sự phức tạp trong tâm lý, tính cách…

Không chỉ tập trung miêu tả vào công việc chuyên môn của các chiến sĩ Công an, giờ đây, hình ảnh người công an trong phim gần gũi, “đời” hơn. Ví dụ như trong Mặt nạ gương, Tùng không chỉ là một chiến sĩ điều tra thông minh, quyết đoán mà còn là một chàng trai ấm áp, tin cậy và thú vị với người mình yêu. Hy vọng rằng, với những sự đổi thay tích cực ấy, những bộ phim hình sự sẽ khiến đông đảo khán giả hài lòng.

Theo Khánh Thảo/VNCA