“Đối thoại văn chương” – Cẩm nang nghề nghiệp dành cho người yêu thơ

227

Hơn 60 năm miệt mài sáng tác và nghiên cứu văn chương, ngoài những tác phẩm đã được dịch xuất bản và phát hành ở nước ngoài, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã xuất bản hơn 50 tác phẩm ở trong nước, trong đó có 26 tập thơ, 3 tập tiểu thuyết, 9 tập phê bình lí luận văn học và lịch sử, cùng 15 tập biên khảo, tuyển chọn và giới thiệu 6 nhà thơ lớn của thế giới.

‘’Đối thoại văn chương” – Tác phẩm luận về thơ bằng văn xuôi do Trần Nhuận Minh thực hiện cùng với nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng.

Tài sản văn chương kể trên có lẽ rất dễ khiến người khác trầm trồ ngưỡng mộ, nhưng thực ra Trần Nhuận Minh (TNM) không phải là người có tham vọng. “Là một nhà thơ, ông chỉ viết và viết, thơ (sách) in ra, thành công hay thất bại ở ngoài tầm tay…”, nhà thơ Ngô Xuân Hội (NXH) ở đầu sách, đã viết như thế về người bạn thơ của mình. Thế nhưng, NXH nhấn mạnh rằng “Đối thoại văn chương” – một tác phẩm luận về thơ bằng văn xuôi do TNM thực hiện với nhà thơ hải ngoại Nguyễn Đức Tùng, thì thật đúng là một cuốn “Từ điển về thơ”. Và ông (NXH) khẳng định rằng, nếu bạn đọc kĩ tập sách này, sẽ thấy là ông nói đúng.

Theo tôi, đây là một “bộ” sách, trong đó có nhiều tập sách khác nhau, đan xen nhau, cộng lại. Có vị GSTS đã gợi ý TNM rằng, nên tách ra từng phẩn một, có thể in riêng. Tạm thời, xin không kể đến phần hồi ức của tác giả như một thiên hồi kí, với rất nhiều kỉ niệm cảm động, những lẽ đời, chuyện đời và thuyết nhân quả, những cảm nhận về con người và đất nước, thời thế, nhiều câu tổng kết hay, có ý nghĩa như những câu châm ngôn, riêng tình yêu cũng  có nét khác biệt. Phần về Trần Đăng Khoa cũng có thể in thành một tập riêng, những mẩu chuyện về Khoa từ lúc viết câu thơ đầu tiên, với không ít những ám ảnh khó quên và hoàn cảnh làng quê, khi trong lúc bom đạn ác liệt, bao người xa gần tìm đến nhà Khoa để tự tìm hiểu thực hư việc Khoa làm thơ là như thế nào, những chuyện liên quan ở làng xóm, về các vị khách quí, thầy giáo và học trò, về đất đai và nạn đói ….

Xin không kể những tổng kết các giai đoạn văn học, xu hướng văn chương, diễn tiến của các trào lưu, sự đánh giá lại nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, ít nhiều có tính khách quan độc lập riêng biệt của tác giả… vân vân và vân vân…  Ở đây, tôi chỉ xin nói đại lược về phần mà nhà thơ NXH nói tập sách là một “từ điển về thơ” và lao động thơ, theo quan niệm, cái nhìn và các thao tác nghệ thuật của người trong cuộc, tức là của nhà thơ TNM – người lao động thơ. Có  dường như đầy đủ các điều mà các bạn yêu thơ hoặc mới làm thơ quan tâm, về thể loại, ngôn ngữ, cấu trúc, các khúc thức,  các đặc trưng nghệ thuật, thơ hay, thơ rất hay,  thơ dở, thơ dư ba,  ý ở ngoài lời, thơ cổ điển, thơ hiện đại, hậu hiện đại, thơ trẻ thơ già, thơ minh họa và thơ nghệ thuật… cái thực và cái ảo… về cách viết và cách sửa thơ, cách làm sách để các tập thơ không tập nào giống tập nào… vân vân và vân vân…

Có 2 điều mà tôi cảm nhận rõ ràng làm cho tập sách này khác hẳn các tập sách tương tự khác của các tác giả khác.

Một là tác giả không trình bày những điều trên theo lối lí luận mà trình bày qua cảm xúc và hình ảnh, nhiều trang viết như bút kí, luôn có những chi tiết bất ngờ, đọc xong là bị ám ảnh, rất khó quên. Ví như “người chết đói, bao giờ cái mồm cũng há ra như mồm con cá ngão, không ai có tài khép cái mồm người chét đói vào được”. Ví như ông hàng xóm sang nhà, thấy Trần Đăng Khoa 1 tuổi đói quá lả đi, bèn kêu to lên rằng thằng cu đã chết rồi, vội chẻ cây tre non làm ba cái lạt lớn, bó Khoa vào cái chiếu võng vội vàng xách tay mang đi chôn… (vì cho là chết dịch, không để lây nhiễm). Ví như bà hàng xóm chết, 3 năm sau, cải táng, thấy con dao con sắc lẻm, bà vẫn dùng để bổ cau ăn trầu buộc vào giải rút quần, cắm phập vào tấm ván thiên ngang ngực, bởi chôn rồi, bà mới sống lại và bằng cách đó, báo cho con cháu sau này biết…  Ví như đoạn TNM kể, năm 19 tuổi, một đêm, ông đi xem bói trộm ( vì lúc đó bị cấm) ông thày bói mù, nói 3 điều, TNM chỉ nói điều thứ 3, là ông sẽ bị kẻ nằm trong số đàn em và học trò phản, thậm chí  hãm hại, kẻ đó thường được ông yêu mến, chăm lo dìu dắt chu đáo tận tình… Vì thế khi trò chuyện hay giảng bài cho các bạn, thuộc lớp này, ông thường nói:

“Các bạn phải vượt tôi, vượt càng xa càng hay. Bởi tôi chưa là cái gì cả, hơn nữa, nếu các bạn giống tôi, thì người ta chỉ cần tôi mà không cần các bạn. Các bạn hãy giành lấy cái của mình. Nó là cái gì, ở đâu? Ấy là cái nỗi buồn của đất đai trong sắc mây mùa thu, đang bay lảng vảng ở bên trời kia, hay là cái nỗi vui của vầng mặt trời trong cơn mưa mùa hạ, đang ào ào trút xuống đám cây lá bên đường kia… Nghĩa là tất cả đều ở bên ngoài tôi, ở trên đầu tôi. Nếu các bạn cho tay vào cuộc đời tôi mà khoắng, sẽ không thấy có bất cứ cái gì của các bạn cả, trừ lòng tốt. Vì thế, các bạn không nên tranh hơn thua với tôi, cũng không nên tranh hay dở với các đồng nghiệp của mình. Các bạn hãy tranh với Tự nhiên, với ông Trời, vì làm văn chương nghệ thuật là sáng tạo, mà chữ “sáng tạo” ban đầu được sử dụng trong Kinh Thánh để chỉ hành động của Đức Chúa Trời đã sinh ra thế gian…”

Hai là, kết cấu trong sách cũng khác, các chương chuyện trò theo tháng, mỗi chương một chủ đề riêng về đặc trưng nghề và các vấn đề văn học liên quan, nhưng cách dẫn giải về nội dung, thì đan xen nhau ở nhiều câu hỏi và câu trả lời khác nhau, không liền mạch. Có khi sắp đến “cao trào” thì dừng lại và cái đỉnh của “cao trào” ấy, bạn đọc phải tìm ở các chương sau. Hỏi thì TNM nói rằng, đó là vấn đề được coi là “nhạy cảm”, dù chỉ trong phạm vi sáng tác văn chương, cần phải nói ở cái chương mà điều “nhạy cảm” đó được bảo vệ… Do đó, nhiều điều thoáng đến, thoáng đi, câu văn vận động nhanh, hấp dẫn, dù được 2 tác giả dẫn dắt từ gốc đến ngọn, nhưng đôi khi vẫn thấy khó nắm bắt theo một hệ thống liên tục cho có đầu có cuối.

Trong vai trò một nhà thơ, nhà văn, nhà sáng tác, hơn nửa thế kỷ qua, TNM luôn dốc sức cho công việc, không ngừng khai phá tri thức, dâng hiến cho cuộc đời những tác phẩm in hằn, khắc họa dấu ấn một thời. Tác phẩm của ông nói lên chính con người ông –  trọng đạo lí và nhân nghĩa, luôn đúng mực, chỉn chu và chân thành. Nhà phê bình Hồng Diệu trong sách “Chuyện thơ”, cũng khen “Đối thoại văn chương” là quyển sách “rất hay”. Tôi chỉ xin chia sẻ đôi ba câu:

“Không có chữ nào không thơ. Cái chính là tâm khảm của anh phải có độ nung cuả cái nồi áp suất, với nhiệt độ cao thì xương xẩu nào cũng có thể ninh nhừ”. Và “Trong nghệ thuật, tôi hoan nghênh cái cá nhân. Chỉ có đến đó, tự do mới xuất hiện và nhà văn, nhà thơ mới tạo ra được bản sắc. Trong thi ca cũng như trong các loại hình nghệ thuật khác, không có bản sắc riêng của cá nhân, nghĩa là không có cái gì…” Và “Quá khứ bao giờ cũng có giá trị hiện hữu và ánh sáng của nó vẫn có sức soi tỏ chặng đường ta cần đi tới, với những thông điệp có ý nghĩa sâu xa. Không có cái gì trôi qua vô ích cả đâu. Và rốt cuộc, mỗi người sẽ tìm ra một con đường của mình, tuy có khác nhau, nhưng cuối cùng đều đến với cội nguồn. Đó là Tổ quốc và Dân tộc”…

Tôi hiểu đó là lý do vì sao nhà thơ NXH đề cao giá trị của cuốn sách này, và có đọc “Đối thoại văn chương”, mới thấy những nhận xét và đánh giá của nhà thơ NXH thật không quá lời.

Từ những trao đổi qua lại giữa hai nhà thơ, độc giả có cơ hội nạp thêm nhiều kiến thức về lịch sử thi ca trong nước và thế giới, thậm chí còn khám phá nhiều câu chuyện “động trời” khác, như lời mách của nhà thơ NXH – người đã nghiền ngẫm rất kĩ cuốn sách này.

Tập sách đã được trao giải thưởng Đào Tấn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Tân Việt đã tái bản năm 2023.

TIỂU MAI/VANVN