Đợi – Truyện ngắn Ngô Văn Cư

683

Nhà văn Ngô Văn Cư

Bà Mịch chống chiếc gậy nói vọng qua hàng rào:
– Con Nẫm đấy hả? Đã nấu cơm chưa? Cho tao xin một chén, đói quá… từ hôm qua đến giờ có miếng cơm nào trong bụng đâu!
– Con thấy cô vừa ăn xong mà!
– Mày lại cùng với vợ chồng thằng Trần bỏ đói tao nữa à?
Nói xong, bà Mịch lại lọ mọ đến cái ghế nhựa đặt trước nhà ngồi xuống. Chiếc gậy kẹp sát vào người, miệng lầm bầm nói câu gì đấy nghe không rõ. Nẫm nhìn bà Mịch mà áy náy. Bà vẫn chưa qua tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khỏe đã yếu lại thêm lú lẫn. Chuyện vừa xãy ra đã quên ngay nhưng có những chuyện cũ rích bà vẫn còn nhớ rõ mồn một. Như sáng nay Nẫm thấy thằng Hùng, đứa cháu đích tôn, cùng ăn sáng với bà trước khi dìu bà ra ngồi ngoài hè rồi khóa cửa nhà, cửa cổng… Phải làm thế vì vợ chồng Trần đi làm từ sáng sớm, hai đứa con cũng đi học. Khi không có ai ở nhà thì bà Mịch phải ngồi ngoài hè. Ở trong nhà nguy hiểm lắm. Điện máy. Bếp ga. Cầu thang. Nhỡ bà táy máy thì hậu quả khó lường. Ngồi ngoài hè, tuy rằng có bất nhẫn nhưng an toàn.

Riết thành quen. Buổi sáng. Buổi chiều. Bà Mịch đội chiếc nón ngồi nhìn ra đường như chờ đợi một điều gì. Đời bà là một chuỗi ngày chờ đợi như thế. Chỉ khác là ngày xưa là khi đêm đến…

Ngày xưa, nhưng vẫn chưa xưa lắm, khi đất nước vỡ òa niềm vui chiến thắng, mọi người hy vọng được hưởng những ngày no ấm, hạnh phúc thì Mịch cũng hy vọng người lính cộng hòa ấy sẽ cùng Mịch xây dựng một tương lai mơ ước. Nhưng lời hứa đã đi phương trời nào biền biệt còn lại bên nách Mịch là thằng Trần vừa biết đi lẫm chẫm. Cứ nghe tin người lính ấy cải tạo nơi nào thì Mịch ẳm con đến tìm. Tin tức ngày dần thưa và bặt tin… rồi xem như người ấy đã chết. Tiếp đến là những ngày gian khổ tìm cái ăn, cái mặc, cái nơi trú ngụ; để rồi ma đưa lối quỉ đưa đường Mịch cặp đôi với Huyền, người con gái cũng đang vất vưỡng, buông thả. Hai người mở một quán nước nhỏ bên đường quốc lộ, heo hút nơi sườn đèo, xa khu dân cư. Đêm đêm ánh đèn dầu leo lét gây chú ý cho khách đi đường. Khách thường là cánh xe tải đường dài và những người lỡ đường. Nói là hàng quán nhưng khách không chỉ ghé đến uống nước mà còn vì cả hai cô chủ quán. Khách thường ghé vào ban đêm. Uống ly nước. Cười cợt. Chả chớt. Dẫn vào căn phòng tồi tàn ở phía sau. Trả tiền. Ra đi. Không biết bao người đã đến và đi nhưng Mịch không nhớ lấy nổi một người. Cũng vì có thằng Trần nên khách của Mịch không bằng Huyền. Dần dần ngôi vị đã chuyển đổi. Không còn là đồng chủ nhân của quán. Mịch trở thành người đón khách. Đồng hành với Mịch là chiếc nón che sương. ánh đèn dầu vàng vọt với cái đèn pin trong tay dẫn khách. Khách quen gọi khách lạ, rỉ tai nhau… nên cơ sở ngày càng mở rộng tính bằng số lượng những cô gái mới đến. Thằng Trần cũng đã đến tuổi ăn học, không thể ở đây mãi. Một tài xế muốn có nơi tạm trú trong những chuyến đường dài. Túp lều nhỏ được dựng lên không xa nơi cũ bao nhiêu. Mịch và đứa con lại bắt đầu bằng những đêm đợi khách. Hàng tháng, đôi ba lần Mịch có những đêm thật sự chồng vợ với anh tài xế kia. Nếu hạnh phúc có thật thì khoảng thời gian này Mịch thật sự hạnh phúc. Thằng Trần được đi học. Dây phơi đã có những bộ quần áo đàn ông bên cạnh áo quần phụ nữ và trẻ em. Nhiều khi Mịch cứ để mãi trên dây phơi để ngầm khoe cuộc sống có nồi có vung của mình. Những ngày tưởng như hạnh phúc ấy dài không quá gang tay, khi vợ người tài xế kia tìm đến…
– Cô ba! Có cái bánh đây…
Tiếng của Nẫm từ bên khi hàng rào làm cắt đứt dòng hồi tưởng của bà Mịch. Biết là không vì đói mà hỏi cơm nhưng khi đã hỏi thì Nẫm cũng phải tìm một thứ gì đấy cho bà Mịch. Thường thì bà chỉ ăn một chút ít rồi gói cẩn thận cất trên bậu cửa, gọi là để dành cho thằng Trần phải đi làm cực nhọc. Ì ạch mãi Trần cũng đã học xong cấp hai, trình độ được gọi là xóa xong mù chữ. Không thể theo học cao hơn, Trần đã theo lớp trẻ cùng lứa làm đủ thứ việc để kiếm sống. May là nó cũng biết nghe lời nên không lêu lổng, hư đốn. Ổn định trong công việc phụ hồ cho các công trình, nó ít khi về nhà. Càng lớn, Trần càng vắng nhà nhiều hơn. Bà Mịch lại thui thủi một mình. Bữa cơm nào bà cũng để phần cho nó. Bây giờ bà cũng làm như thế. Bà làm theo thói quen, một thói quen đã lặp đi lặp lại nhiều năm, không thể nào bỏ được. Nỗi cô độc ngồi một mình đợi người quen hoặc không quen để có tiền sinh sống qua ngày, rồi đợi con, đợi một điều mơ hồ nào đó đến để thay đổi cuộc đời mình. Kể khi có Liễu đến ở cùng. Bà cũng là người ngồi đợi khách cho cả hai người. Cái nghề mạt hạng này cứ bám mãi vào đời bà. Bây giờ thêm Liễu. Một cô gái đáng thương khi nghe cô nói về hoàn cảnh của mình, mặc dầu hoàn cảnh của các cô gái như Liễu đều na ná giống nhau.

Liễu là đứa con đầu trong một gia đình có ba chị em. Cha là một hạ sĩ quan lính cộng hòa thuộc sư đoàn 23 đóng quân ở Plei-ku. Liễu đang theo học bậc trung học đệ nhất cấp, bây giờ là cấp THCS, chuẩn bị cho kỳ thi đệ nhị cá nguyệt, tức là kiểm tra học kỳ hai, thì chiến sự nổ ra. Những tiếng súng, tiếng pháo ngày càng dồn dập và những tin tức về quân giải phóng đánh vào các căn cứ ngày càng một nhiều. Khi Ban Mê Thuột thất thủ, bố Liễu vội hối thúc vợ con tìm đường chạy khỏi Tây Nguyên. Một cuộc hỗn loạn chưa từng thấy. Gia đình Liễu được bố trí trên một chiếc xe GMC cùng với nhiều gia đình khác. Chỉ còn một con đường số 7 để chạy về Phú Yên… từ đó sẽ tìm đường đi tiếp. Trong ký ức của Liễu, những ngày giữa tháng ba năm một chín bảy lăm là những ngày thật kinh hoàng. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau chở những con người với khuôn mặt hốc hác, hoảng loạn, thất thần. Bố Liễu đã mang theo cả gia đình khi rút quân và ông chăm chăm cây súng khi có bất cứ một người lính cùng sắc áo nào dáo dác tìm người nhà mỗi khi đoàn xe dừng lại. Ông nói với người bên cạnh rằng bây giờ không thể nghe lệnh của cấp chỉ huy để xông ra giao chiến với Việt cộng mà cốt yếu là bảo vệ gia đình được bình yên về nơi an toàn. Khi xe không thể lăn bánh được nữa vì những cây cầu đã bị phá hủy, tình thế cực kỳ náo loạn, mọi người nắm tay nhau chen chúc trên con đường nhiều cỏ và bụi cây. Liễu bị lạc gia đình khi chính máy bay của quân đội cộng hòa bắn nhầm vào đoàn người di tản. Mọi người thất lạc tứ tán. Liễu nhìn màu áo lính trước mặt mà chạy theo khi lội qua con suối nhỏ. Phía sau và phía trước đều có tiếng súng, tiếng bom. Liễu bị trượt khi bước lên hòn đá đầy rêu. Một người lính nắm tay Liễu, chạy. Khi đến trại tị nạn Phú Yên, chỉ còn một mình. Liễu đến từng lều che tạm để tìm cha mẹ dẫu người lính nói với Liễu rằng nhờ Liễu mà ông ta mới về đến đây an toàn. Ông ta muốn Liễu cùng ông tiếp tục hành trình vào Sài Gòn… Đợi yên ổn sẽ tìm gia đình sau. Không chấp nhận, ông cũng vội vàng theo đoàn xe từ hướng Bắc Nam mà di tản. Liễu bơ vơ giữa rừng người hỗn độn, hoảng hốt, bơ phờ… Rồi những ngày khủng khiếp cũng qua đi khi quân giải phóng đã chiếm được Sài Gòn. Liễu lại càng bơ vơ, lang thang khắp nơi để tìm gia đình. May là mẹ Liễu lo xa có may một túi nhỏ với một ít vàng dấu vào lai áo phòng khi… Vàng hết. Công việc khó khăn. Đói. Tuổi dậy thì với vóc dáng phổng phao đã cứu sống Liễu qua ngày. Lang thang mãi Liễu tá túc cùng với Mịch. Trong căn nhà nhỏ, hai người đàn bà, hai hoàn cảnh nhưng một lối sống và một thanh niên vừa lớn. Họ nương tựa, sưởi ấm, chia sẻ hạnh phúc cho nhau…

Lại có tiếng của Nẫm:
– Sao cô không ăn bánh mà lại gói cất?
– Ừ, tao còn để phần cho thằng Trần.
– Cô cứ ăn hết đi. Con đã có phần cho anh Trần rồi.
– Chốc nữa tao ăn. Bây giờ no rồi!

Đói và no; nhớ và quên lẫn lộn vào nhau. Nhưng có một điều bà Mịch không bao giờ lẫn lộn. Nó trong suốt, nhất quán từ đầu đến cuối. Đó là tình yêu của bà đối với Trần. Bà sẵn sàng bỏ tất cả để giữ con vì đó là một phần đời của bà, là tình yêu với Hoàng, người lính cộng hòa đã bỏ bà trơ trọi giữa cuộc đời này. Bà chỉ còn Trần để mà tưởng nhớ, hy vọng, gởi gắm tình yêu thương. Bà tin tưởng một ngày nào đó Hoàng sẽ về. Bà sẽ dẫn Trần đến trước mặt Hoàng và nói đây là con của chúng ta. Nó đã được nuôi dạy tốt trong một môi trường đầy lọc lừa, dối trá. Thế mà đôi lúc nó làm bà thất vọng. Có một việc mà bà không thể nào quên được. Đó là một hôm bà bắt gặp Liễu và Trần không mảnh vải che thân quấn vào nhau. Chuyện trai gái lao vào nhau dù chỉ mới gặp lần đầu đối với bà không lạ. Nhưng đây là hai đứa sống chung một nhà. Có khi chúng đã nảy sinh tình cảm? Bà thấy mình thật sự bất lực khi hỏi Liễu vì sao làm chuyện đó. Bà nhận một câu trả lời không thể trần trụi được hơn nữa. Trần đã lớn và cũng muốn… nên chìu nhau, có mất gì đâu.
– Trần còn tương lai… Với lại cô cũng lớn tuổi hơn nó nhiều.
– Thì cứ chọn tương lai cho mình. Ai cấm cản. Tôi không có ý định sống hết đời với Trần. Cũng không có tình cảm yêu thương gì cả. Chỉ chìu nhau khi Trần muốn… và chị cũng có lúc ngủ với nhiều người nhỏ tuổi hơn đó sao?
Nghe mà choáng!

Còn với Trần, nó chỉ lầm lì, không giải thích. Bà Mịch biết rằng đấy không phải là lần đầu tiên của hai đứa. Khi gặp mặt nhau chúng cũng không biểu lộ tình cảm gì nhưng bà biết chắc là chúng vẫn còn tiếp tục làm chuyện trai gái. Bà bỗng mơ hồ sợ sệt, muốn tách chúng ra. Hai thân xác tràn đầy sức sống trong căn nhà nhỏ làm sao tránh khỏi bùng lên ngọn lửa đam mê. Bà không muốn Trần đến với Liễu. Không phải vì Liễu lớn tuổi hơn Trần, mà bà ghê tởm cái công việc của Liễu và bà buộc phải dấn vào. Bà luôn mâu thuẩn với chính mình. Cầm trên tay những đồng tiền kiếm được để sống và nuôi Trần khôn lớn, bà cảm thấy nhơ nhớp nhưng bà không còn cách nào khác. Cả Liễu cũng thế. Với Trần thì không thể bám vào đồng tiền này để sống. Bà Mịch muốn sống như những ngày xưa. Ngày mà bom đạn luôn rình rập, cái chết đến bất cứ lúc nào nhưng thật hạnh phúc. Ở nhà, nghe tiếng súng nổ xa xa, bà lo cho Hoàng; còn ở đơn vị Hoàng cũng lo viên đạn vu vơ nào đó không rơi đúng đích. Bà với Hoàng sống cùng nhau là vì tình yêu. Không yêu nhau sao có lần Hoàng đã thủ thỉ với bà rằng sẽ đào ngũ và tìm một nơi khác sinh sống. Nơi nào dung nạp kẻ đào ngũ? Hay là tìm đường sang phía bên kia? Không biết người bên kia có chấp nhận? Chần chừ mãi, thì họ tới thật. Có họ nhưng mất Hoàng. Cuộc sống ngày càng khó khăn khi Hoàng bặt tin. Mịch lưu lạc. Nếu Hoàng còn sống về tìm, làm sao biết mẹ con Mịch ở đây! Hay là trở về nơi cũ? Ừ, về nơi sống cũ thôi…

Nghĩ là làm. Bà Mịch để cái quán lại cho Liễu và quay về nơi sống cũ. Lại muôn vàn khó khăn. Từ việc làm đủ thủ tục giấy tờ đến xây dựng lại mối quan hệ đã cắt đứt nhiều năm để sinh sống là cả một vấn đề. Nhưng tất cả ổn thỏa. May là thằng Trần cũng biết nghe lời. Nó chỉ có vẻ buồn. Nẫm trở thành hàng xóm của bà Mịch. Thuở ban đầu, Nẫm cũng không ưa gì bà Mịch, một con người có nhiều vết hoen ố. Chồng là lính cộng hòa mất tích. Bản thân đã từng là gái bán hoa. Chắc là đã hết thời rồi nên mới về lại đây. Sau nhiều năm tháng là hàng xóm, Nẫm thấy bà Mịch sống rất thật tình, lặng lẽ mà gắn bó với xóm làng. Nhưng đâu dễ ngày một ngày hai hòa nhập, nhiều ông cha bà mẹ cấm con trai chơi với Trần vì sợ thuở nhỏ nó nhiễm thói hư tật xấu của cánh xe chạy đường dài. Còn con gái thì khỏi nói, một bước chân cũng không được đặt vào nhà bà Mịch. Cái quá khứ đen tối như là một văn bản lỗi không được chấp nhận. Rồi thằng Trần có vợ, sinh con. Bà Mịch lại vui cùng cháu. Lại có những ngày đợi cháu đi học về làm niềm vui. Đợi cháu, bà còn đợi một điều gì đó thật mơ hồ. Lâu dần, mọi người mới ngộ ra rằng bà vẫn còn đợi người ấy khi nghe tin ở đâu đó có người cải tạo về thì bà tìm đến hỏi thăm… Có những người rời bỏ đất nước để tìm thiên đường ở vùng đất mới, nhưng vẫn có tin tức những người muốn quay về… Bà Mịch lại hy vọng.
– Sao bà không ngồi vào phía trong hè? Ngồi ngoài này nắng lắm.
Tiếng thằng Hùng, đứa cháu nội đi học về, dắt chiếc xe vào cổng và hỏi làm bà Mịch lại bị ngắt quãng dòng suy tưởng.
– Bà ngồi ở ngoài này cho ấm người.
– Con mở cửa để bà vào trong nhà. Con về rồi, không ngồi ở ngoài nữa.
-Sao hôm nay con đi học về sớm thế?
– Sớm gì nữa nội? Đã tan trường rồi.
– Trưa rồi mà sao cha mẹ mày chưa về?

À, thì ra bà Mịch đang đợi những thành viên trong gia đình trở về sum họp. Chưa bao giờ bà thấy trong nhà đủ người. Bởi người ấy vẫn chưa về đoàn tụ. Bà biết chắc người lính thất bại trong cơn hoảng loạn đã bỏ rơi mẹ con bà vẫn còn sống ở một nơi nào đó. Khi đất nước đã đổi mới, có người từ nước ngoài về nói có gặp Hoàng trên một chuyến tàu di tản trong những ngày quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Những lời hứa sẽ tìm và báo tin cho hai người gặp nhau làm bà Mịch càng thêm hy vọng. Hy vọng thêm nóng lên khi có người trao cho bà lá thư của Hoàng đang sống ở nửa bên kia trái đất. Và để khẳng định thêm những lá thư ấy là của Hoàng, ba của Trần, một khoảng tiền lớn gởi về. Căn nhà bề thế đầu tiên ở nơi này được xây lên từ những đồng tiền ấy. Cuộc sống thay đổi. Có tiền. Trần đã tập tành nhận những công trình xây dựng. Vợ Trần có một quầy hàng tạp hóa ở chợ. Còn bà Mịch, tiền bạc thì bà rất cần nhưng bà cần Hoàng trở về hơn. Biết bao người đã về đây. Hoàng để bà đợi đến bao giờ?
Hoàng về thật.

Thông tin chính thức là một lá thư bà Mịch nhận có nói đến việc Hoàng sẽ về sau bao nhiêu năm rời bỏ quê hương. Tiền cũng được gởi thêm để sửa sang lại nhà cửa. Bà Mịch nghe tin bằng khuôn mặt dửng dưng kiến ai cũng ngạc nhiên. Nhưng nhìn cuộc sống hàng ngày của bà Mịch thì biết rằng trong lòng bà đang dậy sóng. Bà không chịu ngồi yên; thay đổi chỗ những vật dụng trong nhà; có khi đến tối mịt rồi mà bà vẫn không chịu vào nhà… Rõ ràng là bà bối rối khi biết tin Hoàng sẽ về.
– Vào nhà đi nội.
– Tao còn đợi…
– Không! Ba má con chiều mới về. Hôm nay chỉ có nội và con ăn cơm.
– Tao vừa ăn xong, mày cứ việc ăn trước đi. Tao còn đợi…
– Thôi mà…đợi làm gì.
Hùng không hiểu được bà Mịch đợi điều gì.
Nhưng rồi ngày trọng đại của cuộc đời bà cũng đến.
Đó là một ngày đẹp trời. Hoàng về!

Vợ chồng Trần và cả thằng Hùng ra thành phố từ sớm để đón Hoàng. Bà Mịch muốn Hoàng thấy con và cháu đã trưởng thành và khỏe mạnh khi về đến quê nhà. Hai cánh cửa nhà cũng mở rộng chờ, khác với mọi hôm đóng im ỉm. Bà Mịch ở nhà một mình; không muốn Hoàng thấy bộ dạng già nua của bà nơi công cộng. Bà thích thú đợi cảm giác gặp lại người cũ nơi ngôi nhà bà xây cất nhưng có sự đóng góp của mọi người. Bà hết đi ra cổng, rồi lại vào nhà; sắp xếp lại những đồ vật mà bà cho rằng chưa ngăn nắp. Bật bếp ga nấu nước nóng để pha trà, rồi nguội, rồi nấu… Bật ti vi tìm chương trình để xem, rồi tắt, rồi mở… Thật ra, bà có xem được gì đâu. Mở ti vi là để nhà có hình ảnh động và tiếng nói cho vui; đỡ buồn tẻ; đỡ nóng ruột. Có con cháu ở nhà, đời nào chúng cho bà sờ vào những thứ máy móc, điện, ga. Mọi thứ chúng làm tất, sợ bà làm hỏng đồ dùng, sợ nguy hiểm. Còn bà thì không thích cái bề bộn, thiếu ngăn nắp của chúng. Ví như cái dây điện lòng thòng ở bên hông chiếc ti vi kia…

Trưa. Chiếc taxi chở mọi người đã về.
Nhà bà Mịch nườm nượp người vào ra. Mỗi người đến đều mang một tâm trạng khác nhau. Đó là tâm lí đám đông khi có sự kiện hiếu hỉ xãy ra trong làng xóm. Họ ngạc nhiên, tò mò, tìm hiểu bằng một thái độ cảm thông, vừa vui vừa buồn.
– Nỗi buồn trong ngày vui, là sao?
– Là bà Mịch đụng vào dây điện trần…
– May là không bị thêm người nào nữa…
Một nhận xét thật đúng nhưng hơi bất nhẫn:
– Ông Hoàng đã về kịp trong đám tang của bà Mịch. Nhưng sau bao năm chờ đợi, bà Mịch không kịp thấy mặt người xưa.

Mọi người đến lo chuyện hậu sự bà Mịch, quên đi sự hiện diện của ông Hoàng, một người mà suốt bao năm ai cũng muốn trông thấy mặt. Ông thành người thừa. Chiếc vali to đùng cùng một số vật dụng của Hoàng vẫn để ngoài hiên nhà. Còn ông thì ngồi vào chiếc ghế mà bà Mịch đã từng ngồi, mắt vô hồn thẩn thờ nhìn vào khoảng trống mông lung.

N.V.C