Đời tư ẩn khuất của các văn sĩ Nga – Bút ký của Vũ Tuấn Hoàng

1022


(Vanchuongphuongnam.vn) – Bầu trời xám xịt, nặng nề như… mặt của bà mẹ vợ (Nga, mẹ vợ là một đề tài tiếu lâm bất tận như mẹ chồng ở Việt Nam). Đường trơn nhẫy, vỉa hè chẳng khác một sân trượt băng nghệ thuật. Các tháp chuông nhà thờ Đạo Chính Thống trong dịp Lễ Giáng Sinh choàng lên vai mình những chiếc khăn bông bằng tuyết trắng tinh. Màn sương dày đặc bao phủ gần như cả ngày tạo cảm giác hư ảo khi đứng trên khu hầm mộ Pecherska-Larva phóng tầm mắt ra toàn cảnh thành phố nằm trải dài hai bên bờ sông Dnepr. Nước sông đen sẫm vì phản chiếu những đám mây nặng trĩu bay là là trên không trung, báo hiệu những trận mưa tuyết trắng đất trắng trời. 

 

Các tháp chuông nhà thờ Đạo Chính Thống

Tiếng chuông từ khu nhà thờ Sophia vẳng tới báo hiệu lễ cầu nguyện buổi chiều. Tôi dò dẫm đi trên con đường dốc nổi tiếng tại Kiev: Anđrayevski Spusk. Thời tiết xấu không hề làm cuộc sống nhộn nhịp của con phố huyền thoại này mất đi cái vẻ duyên dáng đáng yêu của nó. Điều đập ngay vào mắt người ta là cơ man nào là tranh và các đồ lưu niệm. Tranh bày la liệt trên giá, trên tường nhà dọc phố, tranh leo cả lên các cây cổ thụ, tranh được cắm vào các đống tuyết cao ngồn ngộn trên vỉa hè…Các họa sĩ ngồi vẽ ngay giữa trời tuyết lạnh và bán luôn tranh của mình. Những nhũ tuyết dài lấp lánh rủ xuống từ trên mái nhà như những tác phẩm điêu khắc độc đáo khiến nhiều khách du lịch phải dừng bước đưa máy ảnh lên.

Tượng nhà văn Mikhain Bulgakov

Đó là một ngôi nhà hai tầng, vuông vức nằm ở đoạn giữa của phố Anđrayevski Spusk. Gia đình nhà văn Mikhain Bulgakov thuê lại tầng một từ năm 1906 đến năm 1919. Tấm biển bằng đá tạc chân dung tác giả của kiệt tác “Nghệ nhân và Magarita” gắn ngoài cửa có ghi ngày tháng rất rõ ràng. Tôi đứng dậm chân rũ tuyết bám ở đế giày và tránh sang một bên vì một đoàn khách tham quan, trông kiểu dáng người Bắc Âu, lũ lượt bước ra. Họ kéo nhau ra đứng chụp ảnh bên cạnh bức tượng đồng kích thước bằng người thật của nhà văn đang ngồi khoanh tay trầm tư suy nghĩ trên ghế đá. Tôi đeo chiếc máy ảnh trước ngực và bước vào tầng trệt của ngôi nhà. Vé vào cửa hết 20 grivna (khoảng 1 USD). Bà già bán vé, tưởng tôi không biết tiếng Nga, bèn lấy tay ra hiệu chỉ vào chiếc máy ảnh, ý nói: Không được chụp! Đúng lúc đó thì từ trên tầng hai, một người phụ nữ trạc ngoài bốn mươi, khuôn mặt đẹp kiểu quý phái, bước xuống. Chị hỏi tôi từ đâu tới và quay sang nói với bà già:

– Cho phép anh ấy được chụp, đây là trường hợp ngoại lệ. Anh ấy đến từ đất nước Việt Nam xa xôi.

Qua vài câu xã giao, hóa ra chúng tôi là đồng nghiệp, cùng tốt nghiệp ngành ngôn ngữ và văn học Nga. Chị tên là Ludmila Viktorovna, Chủ tịch quỹ điều hành và phát triển bảo tàng Bulgakov. Chị hướng dẫn tôi đi xem từng gian trưng bày, kể tỷ mỉ từng kỷ vật của nhà văn và những người thân. Khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đã nảy sinh ý tưởng thành lập nhà bảo tàng của nhà văn Bulgakov tại ngôi nhà này. Thời đó, ngôi nhà trông điêu tàn, xiêu vẹo, tường vách sụt lở. Người có công lớn nhất trong việc khai phá mở đường để hình thành nên bảo tàng này là Giám đốc đầu tiên của bảo tàng – ông Anatoli Kontrakovski. Đó cũng là thời điểm bắt đầu công cuộc cải tổ của Gorbachev. Dự án này giành được sự ủng hộ nhiệt tình của những người có thế lực trong chính quyền thành phố Kiev thời đó. Vào cuối năm 1989, quyết định về việc thành lập bảo tàng văn học Bulgakov được thông qua. Bản dự án cải tạo hoàn toàn ngôi nhà do vợ chồng kiến trúc sư nổi tiếng Irina Malakov thực hiện. Để giữ được nguyện hiện trạng, các chuyên gia phải tháo dỡ tỉ mỉ từng tấm ván lát sàn, từng khung cửa sổ, lò sưởi… Họ thay nhau canh gác cả đêm cùng với… lũ chuột . Chị Ludmila đưa cho tôi xem những tấm ảnh chụp hôm khánh thành nhà bảo tàng và nói thêm: “Hôm đó vào một ngày đẹp trời tháng tám, nắng rực rỡ. Rồi bỗng đột nhiên, ầm ì vang lên tiếng sấm, nhưng không hề có chớp. Bầu trời vẫn quang đãng. Sau đó một lúc, mây đen từ đâu kéo tới và mưa xối xả – Nói đến đây, chị kéo rèm cửa sổ và chỉ cho tôi thấy bức tượng đồng bên ngoài – Một hiện tượng lạ nữa xảy ra 3 năm trước đây, khi nhà điêu khắc Nikolai Rapai đúc bức tượng này và chở đến đây. Lúc đó vào tháng 11, đầu đông, thời tiết hôm đó u ám, mưa phùn nhớp nháp, nhưng đúng lúc mọi người khiêng bức tượng xuống khỏi xe tải, bầu trời bỗng trở nên quang đãng, mặt trời ló ra chiếu những tia nắng lấp lánh lên bức tượng đồng của Bulgakov còn nguyên khôi”.

Thấy tôi tần ngần đứng nhìn bức chân dung cô thiếu nữ có khuôn mặt u buồn, viền đăng ten của chiếc cổ áo tạo thêm vẻ nghiêm nghị không hợp với tuổi tác, Chị Ludmila nói nhỏ:
– Đây là người vợ đầu tiên của nhà văn.

– Cô ấy mất sớm à? Tôi chợt hỏi

– Ồ không, bây giờ vẫn sống, ngoài 80 tuổi rồi. Bà có trí nhớ rất tuyệt vời. Tôi đã gặp bà nhiều lần để lấy tư liệu về người chồng đầu tiên. Bà ấy rất cảm phục tài tề gia nội trợ và đức tính cần kiệm của mẹ Bulgakov. Bố của nhà văn mất sớm nên Mikhain Bulgakov sau khi kết thúc trung học phải đi làm ở Hội Frebelevski nơi đào tạo các giáo dục viên. Một lần Mikhain cùng mẹ đến thăm một người bạn trong Hội này và đã gặp nàng Tachina Lapa khi đó cũng vừa tốt nghiệp trung học ở Xaratov và đến Kiev để thăm dì. Mấy năm sau, họ làm lễ thành hôn. Mẹ của nhà văn tương lai và cha mẹ của Tanhia hết sức phản đối cuộc hôn nhân này. Ông bố cô còn không thèm đến dự đám cưới. Vào năm 1916, cả hai vợ chồng bị động viên ra chiến trường. Cuộc đại chiến thứ I đang diễn ra ác liệt. Cô còn phải giữ chân các thương binh cho Bulgakov-sinh viên y khoa, cưa để khỏi bị hoại thư. Hai người di chuyển rất nhiều nơi trong những năm chiến tranh. Sau khi đình chiến, Bulgakov làm bác sĩ ở tỉnh Smolensk. Một lần sau khi tiếp bệnh nhân, ông bị lây bệnh bạch hầu. Ông tự tiêm chủng cho mình và để đỡ đau ông đã dùng morphin và từ đó đâm nghiện. Tanhia rất lấy làm đau khổ vì chuyện này nhưng sau khi trở về Kiev, Bulgakov đã cai được nghiện. Năm 1920, Bulgakov lại bị động viên tham gia vào Bạch vệ và cả hai vợ chồng phải lên phục vụ tại Bắc Kavkaz. Ông lại bị bệnh đậu mùa hành hạ. Tanhia phải bán tất cả đồ trang sức quí của gia đình để mua thuốc và đồ ăn cho chồng. Nhà văn gọi vợ là thiên thần…

– Họ có con cái gì không?

– Tachiana có thai mấy lần nhưng đã nạo đi.

– Thế tại sao hai người lại chia tay?

– Trước đám cưới Bulgakov đi đặt nhẫn cưới cho hai người. Nhưng trong những năm đói kém, họ đã phải bán đi để tồn tại. Đây là một điềm gở… Tất nhiên, nguyên nhân chia ly không hẳn là như vậy. Chắc anh cũng biết, Bulgakov rất đa tình và “sát gái”. Bên cạnh một người đàn ông nổi tiếng, ăn nói sắc sảo, một người kể chuyện tuyệt vời, bao giờ cũng đông đúc các bà các cô hâm mộ… Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua sau khi họ chia tay, bà Tachiana vẫn cảm thấy đau lòng khi nhớ lại. Bà cụ già hơn 80 mươi tuổi, sau đó đã lấy hai đời chồng nữa, vẫn ghim giữ trong lòng mình một tình yêu không suy giảm với nhà văn. Năm 1940, trong lúc hấp hối trong vòng tay của người vợ thứ ba Elena Sergeyevna, nhà văn Bulgakov đã thốt gọi tên: Tachiana!
Chúng tôi quay về phòng làm việc của chị Ludmila ở tầng một. Bốn bức tường được dát bằng các ấn phẩm của nhà văn Bulgakov được dịch ra hầu hết các thứ tiếng chính trên thế giới, nhất là kiệt tác “Nghệ nhân và Magarita”. Vì là đồng nghiệp nên chúng tôi dễ tìm được tiếng nói chung và những đề tài chung. Tôi để lộ ý định muốn dịch một số tác giả trẻ trên văn đàn Nga sang tiếng Việt vì trên thực tế văn học Nga đang có những sự chuyển mình đáng kính phục. Một nền văn học với năm nhà văn được trao giải Nobel chắc chắn chiếm giữ một vị trí trang trọng trên đỉnh Olympus của văn chương nhân loại.

– Là phụ nữ, nên số phận những người vợ đầu tiên của một số nhà văn Nga nổi tiếng khiến tôi rất quan tâm, thậm chí còn định viết thành một cuốn sách. Họ thường sống với nhà văn khi ông này chưa có tiếng tăm gì, thậm chí còn nghèo đói, tứ cố vô thân. Nhưng rồi, khi vinh quang, tiếng tăm và tiền bạc kéo tới, nó làm thay đổi cả những “kỹ sư tâm hồn”… thật đáng buồn! – Nói đến đây chị Ludmila lấy từ trên giá sách xuống một tập giấy dày. Tôi đoán là những tư liệu mà chị sưu tầm được về đề tài mà chị vừa nói. Chị đặt lên bàn trước mặt tôi những tập giấy có đánh số thứ tự và được ghi họ tên bằng một thứ chữ kiểu Nga cổ điển màu đỏ sẫm: Maiakovski, Esenin, Dostoevsky, Ivan Bunin, Vasili Suksin… Tôi lưỡng lự một lúc và cầm tập tư liệu về Vasili Suksin lên vì cách đây không lâu tôi có xem lại bộ phim “Hoa Kalina đỏ” của ông.

– Nếu anh quan tâm, tôi có thể copy cho anh một bản để tham khảo. Nếu dùng ở đâu thì chỉ cần ghi là theo tư liệu sưu tầm của Ludmila Victorovna – Chủ tịch quỹ bảo tàng Bulgakov là đủ.
Tôi cảm ơn chị và chúng ta tiếp tục chuyến du lịch về thăm người vợ đầu tiên của nhà văn, nhà đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng – Vasili Suksin, tại một miền quê hẻo lánh tận vùng Altai – Siberia heo hút – Làng Maima giữa núi non trùng điệp…

Tại đây, có một bà già 76 tuổi, nói đúng hơn là một bà giáo già dạy tiếng Đức đã về hưu tên là Maria Sumskaya. Bà đồng thời cũng là một nhân vật trong truyện ngắn “Mùa thu” của Vasili Suksin viết năm 1973, một năm trước khi ông mất. Tôi lấy tập truyện ngắn của ông ra và tìm đến trang có đoạn viết “Cả cuộc đời, trái tim đã đau đớn rỉ máu. Không có một ngày mà ông ấy không nhớ tới Maria. Với năm tháng, nỗi đau nào cũng qua đi. Theo dòng chảy của cuộc đời, ông đã có gia đình, có con cái. Nhưng trái tim vẫn nhức nhối nhớ đến Maria…”. Ông vẫn để nguyên tên nhân vật có thật trong cuộc đời của chính mình.

Không hề có một dòng nào nói về người vợ đầu tiên trong tiểu sử chính thức của nhà văn. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Maria Sumskaya vẫn là người vợ hợp pháp đầu tiên của Suksin. 50 năm trước, chàng thanh niên Vasia đã khăn gói lên đường đến chốn kinh kỳ Matxcova mưu tìm vinh quang và không quay trở lại với người vợ ở nông thôn heo hút. Chính vì hành động này mà cho đến tận ngày hôm nay, những người đồng hương của ông vẫn giận ông.
Ở vào cái tuổi 76 của mình nhưng bà Maria vẫn còn lanh lợi, đôi mắt xanh sắc sảo chỉ trở nên man mác buồn khi nhớ lại những kỷ niệm với người chồng phụ bạc, một nhà văn nhà đạo diễn tài ba:

– Tôi và Vasia thường gặp gỡ nhau tại các cuộc dạ hội của thanh niên trong làng. Anh ấy có tính rất hay ghen. Nếu có ai đó mời tôi nhảy, Vasia chỉ im lặng cười và đi lại phía sau lưng giật giật gấu áo: Này, đứng có mà đồng ý đấy nhé!

Trong thời gian Suksin phục vụ tại Hạm đội hải quân, Maria thi đậu vào trường đại học sư phạm ở Novosibirsk. Khoảng cách chỉ làm họ gần nhau hơn. Vasili viết thư rất thường xuyên cho cô. Nhiều người bạn gái của cô lúc đó đã phải ghen tỵ. Năm 1953, Suksin được phục viên vì bệnh viêm loét dạ dày và trở về làng làm hiệu trưởng trường phổ thông đồng thời dạy môn tiếng Nga và văn học. Năm 1954, Suksin lên Matxcova thi vào trường Điện ảnh, khoa đạo diễn. Khi đó, Maria vẫn chưa trả lời chính thức gì về chuyện hôn nhân. Sau năm thứ hai, Suksin quay trở về làng và cùng mẹ sang nhà Maria ăn hỏi. Ngày 16 tháng tám năm 1956, họ chính thức làm lễ thành hôn.

Cũng như tất cả thanh niên ở nông thôn, môn giải trí được ưa chuộng nhất là điện ảnh. Vasia thường nói với tôi: “Rồi em sẽ thấy, chính anh sẽ làm phim và đóng phim cho mà xem!”. Anh ấy hay cố tình bắt chước những con người vĩ đại. Hồi đó, hầu như trong nhà nào cũng có bức ảnh Stalin đang ngồi trên ghế và hút thuốc bằng tẩu. Anh ấy bảo: “Em biết không, anh sẽ đi đôi ủng như của Stalin”. Sau khi thi đậu vào trường điện ảnh, Suksin đã mua một đôi ủng rất đắt tiền kiểu dáng giống như vậy – Bà Maria nói, tay xếp lại chồng thư đã ố vàng của Suksin, đó là tất cả những gì còn giữ lại được từ người chồng danh tiếng – Chúng tôi danh chính ngôn thuận vẫn chưa ly dị. Vasia cũng không đâm đơn ra toà xin ly dị. Tôi đến bây giờ vẫn không hiểu nổi tại sao anh ấy không nói thẳng ra với tôi là đã có người yêu khác. Nhưng tôi cũng hiểu ngay ra một điều, tôi và anh ấy không vừa đôi phải lứa. Tôi cảm thấy Vasia là một người phi thường và tôi không muốn cản trở anh như hòn đá đeo nơi cổ. Song, khi Suksin bỏ Maria thì cô có cảm tưởng bị cả làng cười diễu cợt.

Năm 1964, hai người lại gặp nhau khi Suksin quay về làng để quay bộ phim “Có một chàng trai như thế!” Mẹ của Suksin cũng ngỏ ý muốn cô nên gặp gỡ nói chuyện với chồng cũ. Maria không trả lời gì cả và sáng sớm ngày hôm sau, cô bỏ đi khỏi làng và xin làm giáo viên dạy tiếng Đức ở Altai. Sau đó, hai con người đã một thời yêu nhau, nên vợ nên chồng, không còn bao giờ gặp lại. Năm 1967, đã là một đạo diễn nổi tiếng, Suksin lại quay trở về làng. Một cô trông thư viện quyết định tổ chức cuộc gặp mặt của nhà văn, nhà đạo diễn danh tiếng với bà con dân làng. Nhưng mọi người nhún vai và trả lời: “Gặp gỡ để làm gì? Chúng tôi còn lạ gì ông ấy nữa”. Theo như một số người dân trong làng kể lại, Suksin ngày hôm đó cứ đi đi lại lại trong nhà, bồn chồn sốt ruột, hút thuốc liên tục và luôn miệng nói: “Tôi đã làm nên tội tình gì mà mọi người xử sự như vậy!”. Mọi người thương hại cho cô Maria và lên án Suksin. Những chuyện tình ái lăng nhăng của ông cũng được mọi người thêu dệt thêm. Chẳng ai hiểu ông cả. Mặc dù sau này, ông đã thừa nhận là cư xử với Maria không được đẹp. Maria cứ ở vậy cho đến khi về hưu.
Căn nhà gỗ nhỏ hai buồng của bà trống vắng, không tiếng trẻ con nô đùa.

Bà cũng ít khi đi ra ngoài cửa vì không muốn cãi nhau với hàng xóm về việc tranh chấp cái hiên nhà. Những bức thư của Suksin bà gìn giữ trong các cuốn sách, còn chăn gối, rồi thìa, bát đĩa của ông dùng khi hai người sống chung, bà đem tặng cả cho bảo tàng Suksin.

– Khi Vasili Suksin qua đời, tôi đang nằm ở nhà nghỉ điều dưỡng tại Biển Đen – Bà hồi tưởng lại – Lần đầu tiên sau bao năm xa cách, tôi lại nằm mơ thấy ông ấy… Khi tôi quay trở về làng, điều làm tôi kinh ngạc nhất là những người thân của ông, thậm chí em gái ông và là bạn gái của tôi, lo sợ rằng tôi sẽ tranh giành quyền thừa kế tài sản của ông ấy. Tôi không còn biết nói gì hơn, làm sao họ lại có thể nghĩ về tôi tệ như thế được? Ông ấy đã trở thành thiên thần mà thiên thần thì làm gì có tài sản cơ chứ?
Bà Maria sửa lại chiếc khăn san trên đầu, chiếc khăn mà bà đã giữ gìn hơn nửa thế kỷ, chiếc khăn mà Suksin đã tặng bà khi còn yêu nhau.

Và, chắc hẳn khi sang thế giới bên kia để gặp lại ông, bà cũng sẽ đội chiếc khăn san có những đốm hoa đồng nội này…

V.T.H