“Dòng chảy văn chương” qua hai thế kỷ

999

Sau một thời gian dài công phu chuẩn bị với sự ủng hộ của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 4 bộ tuyển tập văn xuôi của các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc như một cách kết nối dòng chảy văn chương của các thành viên trong gia đình qua hai thế kỷ.

Sáng 16-4 vừa qua, lễ ra mắt tuyển tập của 4 nhà văn là thành viên trong gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và độc giả. Sau một thời gian dài công phu chuẩn bị với sự ủng hộ của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 4 bộ tuyển tập văn xuôi của các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương và Nguyễn Như Phong đã ra mắt bạn đọc như một cách kết nối dòng chảy văn chương của các thành viên trong gia đình qua hai thế kỷ.

Có thể nói, 4 bộ tuyển tập này đã làm nên một kỷ lục, một gia tài văn chương đồ sộ không chỉ ở trong phạm vi một gia đình: Cụ Nguyễn Tử Siêu là ông ngoại của nhà văn Nguyễn Như Phong; nhà văn Hoài An là con rể cụ Nguyễn Tử Siêu và là thân sinh nhà văn Nguyễn Như Phong; nhà văn Nguyễn Thiên Lương là con trai cụ Nguyễn Tử Siêu và là cậu ruột nhà văn Nguyễn Như Phong. Tức là, Lương y – nhà văn Nguyễn Tử Siêu có con trai, con rể và cháu ngoại đều là những nhà văn có tiếng, để lại những tác phẩm có giá trị và đóng góp đáng kể cho nền văn học nước nhà.


Nhiều bạn văn chương đến dự buổi lễ ra mắt sách của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong.

Cụ Nguyễn Tử Siêu vốn là một thầy thuốc Đông y xuất thân trong một gia đình nho học và đã qua “tam trường” vào năm cuối của chế độ thi cử cũ. Nguyễn Tử Siêu trở thành cái tên quen thuộc với độc giả Việt Nam từ rất lâu với những tác phẩm về lịch sử, ngoài ra cụ còn dịch các sách thuốc về đông y.

Các tác phẩm văn học của cụ chủ yếu được viết trong vòng 20 năm (từ 1925-1945) và đã có hơn 20 cuốn sách được xuất bản với nội dung chủ yếu là cổ vũ lòng yêu nước, chống ngoại xâm tiêu biểu như: “Tiếng sấm đêm đông”, “Hai Bà Trưng đánh giặc”, “Vua Bố Cái”, “Đinh Tiên Hoàng”, “Việt Thanh chiến sử”, “Trần Nguyên chiến kỷ”…

Với tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm thấm đẫm trong mỗi tác phẩm ca ngợi lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc, có những tác phẩm của Nguyễn Tử Siêu bị chính quyền Pháp đương thời tịch thu, cấm lưu hành, còn tác giả bị quản thúc tại quê nhà.

Chính trong thời gian bị quản thúc này, cụ Nguyễn Tử Siêu vừa viết văn, vừa dạy học, vừa làm nghề Đông y, đồng thời viết và dịch hơn 20 cuốn sách về nghề thuốc Đông y với bút danh Nguyễn An Nhân.

Nhà văn Hoài An là con rể cụ Nguyễn Tử Siêu cũng sớm trở thành một cây bút chuyên viết phóng sự, bút ký xuất sắc, từng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân trước khi trở thành biên tập viên của Báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Hoài An là nhà văn rất chịu đi, chịu góp nhặt nên những trang viết của ông luôn dung dị với lối kể chuyện dí dỏm và nhiều chi tiết ám ảnh, còn bút ký – phóng sự của ông cũng luôn thấm đẫm chất “văn”.

Trong các bài bút ký – phóng sự nổi tiếng một thời như “Tủa Chùa, miền đất lạ”, “Bí mật củ sắn, con lợn ở làng Đại Lâm”, “Đồng cỏ Mộc Châu”, “Bông Nà Sản”…, Hoài An đã cuốn hút bạn đọc bởi lối viết như kể chuyện đầy khám phá và bất ngờ. Văn chương Hoài An, nói như nhà văn Võ Khắc Nghiêm “cũng vạm vỡ như sức vóc con người ông và phong lưu như cuộc sống quý tộc nghèo của ông!”.

Nhà văn Nguyễn Thiên Lương thừa hưởng dòng máu yêu văn chương từ cha Nguyễn Tử Siêu, nhưng chính nhà văn Hoài An mới là người truyền cảm hứng viết văn cho Nguyễn Thiên Lương – người em vợ của mình. Nguyễn Thiên Lương trở thành nhà văn của người lính và của nhiều thế hệ thiếu nhi gắn bó với đề tài núi rừng Tây Nguyên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dấu chân của nhà văn lính Nguyễn Thiên Lương đã in trên khắp các cánh rừng ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk nên những tác phẩm của ông cũng mang đậm màu sắc của núi rừng được các em thiếu nhi yêu thích như “Thú rừng TâyNguyên” (3 tập), “Tay không bắt cọp”, “Tiếng hót chim Pút Kư”, “Vệ sĩ rừng xanh”, “Cuộc chiến bên bờ sông Krông Năng”… Trong đó, cuốn “Thú rừng Tây Nguyên” được NXB Kim Đồng tái bản 10 lần. Ngoài ra, cuốn ký sự “Cao nguyên thất thủ” – viết về số phận của sư đoàn 23 quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong chiến dịch Buôn Ma Thuột (tháng 3-1975) cũng được nhiều người tìm đọc.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong đến với văn chương bằng những truyện ngắn in trên Báo Văn nghệ từ năm 1978, khi còn là lính công binh ở Lào. Sau đó, ông trở thành phóng viên Báo Công Binh, phóng viên Báo Công an nhân dân, trở thành Phó Tổng biên tập và nghỉ hưu ở cương vị này.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Như Phong vốn nổi tiếng là một cây bút xông xáo, ham đi, ham viết và là một cây bút đa dạng, thành công ở nhiều thể loại như: phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, bình luận, tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh…

Ông đã 3 lần đoạt giải thưởng về tiểu thuyết trong cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Ông cũng đã 11 lần đoạt giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết truyện ngắn, bút ký của Báo Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bộ tuyển tập của nhà văn Nguyễn Như Phong ra mắt lần này có 14 tập trong đó có 11 tiểu thuyết, 2 tập phóng sự và 1 tập bút ký. Điều đặc biệt là, trong số 11 tiểu thuyết của ông, đã có 5 cuốn được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập rất ăn khách, trở thành “hiện tượng” trên sóng truyền hình như “Chạy án”, “Cổ cồn trắng”, “Bí mật những cuộc đời”, “Đồng tiền quỷ ám” và “Bí mật Tam giác Vàng”.

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Như Phong chia sẻ: “Tôi bước vào văn chương như 1 sự tự nhiên, khi còn thanh niên tôi không có định viết văn viết báo mà tôi có ý định đi… lái xe. Mặc dù có bố là nhà văn nhưng khi nhìn thấy bản thảo của tôi, ông bảo đồng nghiệp “Thử đọc xem Phong có viết được không, không thì bảo nó bỏ nghề, làm nghề khác thôi!”.

Ông ngoại Nguyễn Tử Siêu chính là người dạy tôi đọc sách. Tôi đi học về thường qua nhà ông, ông kiểm tra sách tôi học hằng ngày. Ông ngoại tôi là người đặt nền móng, truyền cảm hứng cho bố tôi viết văn, viết báo. Bố tôi là người truyền cảm hứng cho cậu Nguyễn Thiên Lương viết văn. Người dạy tôi viết nhiều nhất là chú Phạm Tiến Duật… Cứ như thế, sự nối tiếp các thế hệ viết sách nhà tôi là như vậy…”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

“NXB Hội Nhà văn cũng như cá nhân tôi rất vui và tự hào khi cấp phép, biên tập để cho ra mắt bộ sách đặc biệt này. Văn học là một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo nên văn hóa của một dân tộc.

Văn chương của Nguyễn Tử Siêu, Hoài An, Nguyễn Thiên Lương, Nguyễn Như Phong đã trải qua 4 giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử và mỗi nhà văn đều mang giọng nói riêng khác biệt của thời đại họ đã sống. Nhưng cả 4 người họ đều có cùng một câu hỏi về đạo làm người của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia, dân tộc.

Tuyển tập của gia đình nhà văn Nguyễn Như Phong ra đời đã một lần nữa cho thấy sức mạnh của văn chương. Những cây bút trong gia đình nhỏ bé ven sông Đáy này đã luôn gìn giữ, tiếp nối việc viết lách và lan tỏa sức mạnh đó”.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước – Nguyên Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an

“Tôi rất bất ngờ về buổi ra mắt sách mấy thế hệ trong gia đình của nhà văn Như Phong. Ông ngoại anh ấy là cụ Nguyễn Tử Siêu – là người viết sử rất hay, là người nghiên cứu vĩ đại. Chú Nguyễn Thiên Lương là một người viết về thú rừng cũng rất đặc biệt, tôi cũng phải học hỏi nhiều. Còn về chú Hoài An là bố của Nguyễn Như Phong thì không tác phẩm nào của chú mà tôi không đọc. Bút ký về Tây Bắc, phóng sự văn học của chú rất hay, hồi còn trẻ chúng tôi thường ngấu nghiến đọc, truyền tay nhau đọc.

Tôi và anh Như Phong có nhiều năm làm việc bên nhau nên cũng có nhiều ký ức đẹp và cũng dữ dội. Sau này, chúng tôi cùng làm tờ An ninh Thế giới tuần và vai trò của anh Phong là rất quan trọng. Hồi đó, những bài “đinh” tôi thường giao cho anh Phong làm. Có những số báo, sau khi anh ấy viết xong phóng sự, tôi cho đăng 2 trang báo, tôi báo ngay cho Phòng Trị sự tăng số lượng báo từ 10 vạn lên 30 vạn bản. Nhiều người mắt tròn mắt dẹt không hiểu báo có bán được không, nhưng hầu hết là báo bán rất chạy, vì độc giả thích đọc phóng sự của Nguyễn Như Phong. Tôi đã ngồi trên vai những “người hùng” để làm báo như vậy!”.

Theo Nguyệt Hà/Văn nghệ Công An