(Vanchuongphuongnam.vn) – Bến xe chiều tấp nập, nơi cái thành phố người chen lấn, ồn ào, huyên náo và khói bụi. Người đàn ông trạc tuổi ngoài ba mươi, trông có vẻ khắc khổ và từng trải; hình như đang cố tìm kiếm một chuyến xe cuối cùng trong ngày để đi về một nơi xa nào đó. Ở cái thành phố này, bao nhiêu gương mặt bấy nhiêu cảnh đời lăn lộn với kiếp mưu sinh.
– Anh đi về đâu?
– Tôi về Huế.
Xe lăn bánh rời bến. Thành phố phồn hoa bắt đầu lùi lại và xa dần. Người đàn ông ngồi dựa nghiêng người vào bên cửa kính, nhìn ra ngoài ngắm màn đêm khi đường sá đã lên đèn. Dòng suy nghĩ đưa bao nhiêu kỉ niệm của một thời bắt đầu ùa về.
– Tôi cấm cậu! Một đứa nhà quê nghèo mạt như cậu mà cũng đòi yêu và mang lại hạnh phúc cho con gái tôi ư? Cậu xem lại mình đi!
– …
– Xin lỗi anh! Em sẽ đi Mỹ. Hãy quên em đi!
– …
Những câu nói ấy của ngày nào như lại vang lên bên tai. Nhưng giờ đây, trong lòng người đàn ông không còn cảm giác oán hận như ngày xưa nữa, mà trào dâng lên một nỗi niềm thương cảm, xót xa.
– Gia Phong à? Huyền Trân mất rồi! Hài cốt cô ấy vừa được đưa về Huế. Cậu về gặp cô ấy lần cuối nhé!
Cuộc điện thoại của Bửu Lộc hồi trưa như một cú đấm trời giáng bất ngờ vào mặt, đến giờ này vẫn còn nghe choáng váng.
Ngày đó, nhóm bạn thân có năm người thì Bửu Lộc và Huyền Trân là người Huế, Đông Hồ ở tận Tây Nguyên, Ái Nhân – cô Bắc kì nho nhỏ và Gia Phong. Ba chàng trai gồm Gia Phong, Đông Hồ và Bửu Lộc học chung một lớp đại học. Huyền Trân học sau mấy chàng hai khóa và là cô em họ của Bửu Lộc. Ái Nhân là bạn thân cùng lớp với Huyền Trân.
Những mối dây ràng buộc có liên quan một chút từ phía này phía nọ đã dần đưa họ đến với nhau và trở thành một nhóm bạn thân thiết. Bao nhiêu kỉ niệm vui buồn của một thời sinh viên nghèo khó bên những người bạn thân vẫn còn sống mãi trong lòng Gia Phong và đặc biệt mối tình với người con gái Huế ấy. Tất cả giờ đây đang quay trở về.
– Hôm nay, tao – Nguyễn Phước Bửu Lộc, thay mặt đồng gia quyến mời hai đứa mi lúc 19 giờ đến tư gia dự tiệc sinh nhật tao nhé! Bửu Lộc, cái thằng miệng như tép nhảy phát đi thông tin cho Gia Phong và Đông Hồ nghe lúc tan giờ học của buổi chiều hôm đó.
– Tụi tao sẽ chiếu cố đến ăn ké dùm cho nhé, chớ không có quà cáp gì đâu đấy! Người đàn ông nhớ lại rồi tự mỉm cười, một nụ cười chen lẫn nỗi đau xót chua cay.
Gia Phong quen và rồi yêu say đắm cô gái Huế cũng từ buổi sinh nhật định mệnh của người bạn thân đó. Tiệc tan, bạn bè về hết, chỉ còn lại mấy người bạn thân nhất. Thời gian cũng đã muộn, Bửu Lộc phân công nhiệm vụ:
– Thằng Đông Hồ, à quên Tây Hồ chứ; (mi ở Tây Nguyên răng đòi đông được) là chủ xe nên có nhiệm vụ xế em Ái Nhân về phòng trọ! Còn em Huyền Trân, tiện đường cho thằng Gia Phong bạn anh quá giang về phòng luôn nhé, chớ phòng trọ hắn là “gia giáo” lắm đó! Bửu Lộc cười trêu đùa với Huyền Trân rồi lúc tiễn ra sân không quên quay qua ghé nói nhỏ vào tai Gia Phong: về với em gái tao là an toàn lắm đó! Gái Huế hiền khô, mi nỏ sợ chi mô! Mà nhớ đèo hắn đó nghe!
Trên gần suốt dọc đường về, hai người gần như lặng im không nói với nhau điều gì. Gia Phong phá vỡ sự im lặng bằng một câu hỏi kiểu kiếm cho có chuyện:
– Tên của em hay ấy nhỉ? Huyền Trân công chúa!
– Không…! Tên em là Tôn Nữ Huyền Trân nhưng chẳng được là công chúa chi mô anh ạ!
– Thì…thì không phải em đẹp như công chúa ấy à!
Hình như Huyền Trân e thẹn khi bất ngờ được chàng bạn thân của anh họ mình, người đàn ông mới gặp lần đầu khen mình đẹp nên không nói được gì. Còn Gia Phong cũng không biết nói gì thêm. Buổi đầu quen nhau giữa một chàng trai nhát gái và một cô gái nhu mì, kiệm lời là như vậy đó! Hai người tiếp tục im lặng trên suốt đoạn đường còn lại cho tới khi về đến phòng trọ của Gia Phong.
– Mày đi đâu mà tới giờ mới về vậy hả? Tao tưởng đêm nay tao phải ngủ ngoài đường rồi chứ! Gia Phong nói với Đông Hồ nhưng không tỏ vẻ gì là giận khi bạn về muộn cả.
– Tao làm giả bộ lạc đường, chở nàng đi lòng vòng tí ấy mà. Mà công nhận nàng xinh và lại nói chuyện có duyên thật đó mày ạ! Đông Hồ có vẻ đang rất vui, sau cuộc chở dùm Ái Nhân về phòng.
Từ sau bữa chở dùm Ái Nhân về phòng, Đông Hồ thích rồi si mê nàng ta say đắm. Sau khi biết Ái Nhân yêu Bửu Lộc, Đông Hồ vẫn không bỏ cuộc, vẫn công khai cạnh tranh với bạn thân để quyết tâm có được tình yêu của mình. Cuối cùng, nhận ra cho dù có cố gắng cạnh tranh như thế nào thì cũng không thể có được trái tim của Ái Nhân vì tình yêu đó cô ta chỉ dành cho thằng bạn thân Bửu Lộc mà thôi nên Đông Hồ đành rút lui. Sự mạnh mẽ của một chàng trai Tây Nguyên như Đông Hồ mà ai cũng thấy, thế mà sau thất bại của tình yêu cũng bị thất tình, chọn cách thu mình cả thời gian dài sau đó không yêu ai. Sau khi tốt nghiệp, Đông Hồ chọn con đường về quê hương lập nghiệp. Nghe nói bây giờ cậu ta là một ông chủ rẫy cà phê và kinh doanh nông sản làm ăn rất phát đạt ở trên đó. Đã nhiều lần Đông Hồ rủ Gia Phong lên chỗ cậu ta chơi một chuyến. Hắn hứa sẽ cho thằng bạn thân có máu nghệ thuật được mặc sức thỏa chí đam mê với miền cao nguyên nắng gió nhưng Gia Phong vẫn chưa lên. Sau bao thất bại liên tiếp của cuộc đời đến dường như kiệt quệ, Gia Phong không muốn tìm đến người bạn thân khi mà bản thân mình đang thất bại; không muốn cuộc hội ngộ trong hoàn cảnh này. Tính Gia Phong vốn vẫn giàu tự trọng, kể cả với bạn bè thân. Ái Nhân với Bửu Lộc bây giờ thì đã nên duyên vợ chồng, sống cuộc sống công chức bình dị ở Huế. Cái thằng miệng như tép nhảy với cái cô Bắc kì nho nhỏ của ngày nào đó ai ngờ bây giờ lại hạnh phúc và êm ấm nhất nhóm bạn chơi thân ngày xưa. Chỉ có số phận của mình với em là số tội vạ, số đau khổ mà thôi! Người đàn ông đau đớn, xót xa và lại chìm đắm suy nghĩ về nàng và mối tình ngày xưa. Ngày đó, sau cái lần gặp định mệnh ở buổi sinh nhật của thằng bạn thân rồi được quá giang về cùng nàng, chàng trai đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ cô gái Huế dịu dàng, nhu mì, em gái họ của người bạn thân. Chàng trai thường tìm mọi cái cớ chỉ để cầu mong được gặp hay được thấy cô gái Huế. Chàng hay ghé nhà thằng bạn thân nhiều hơn cũng không ngoài vì điều đó. Một lần Bửu Lộc nói chuyện với Gia Phong:
– Gia Phong à, dạo ni mi quan tâm tao quá coi chừng thằng Đông Hồ nó ghen đó! Bửu Lộc đùa bạn. Lặng im một phút, ra vẻ quan trọng hóa vấn đề, Bửu Lộc nói tiếp: Mà mi thích em gái họ tao phải không? Thích thì cứ nói thích, cứ công khai đến mà tán đi còn bày đặt kiếm cớ đến thăm nhà bạn hỏi bài, hỏi han dò la này nọ! Bửu Lộc lại trêu đùa bạn.
– Mà xem chừng con bé Huyền Trân cũng mến mi lắm đó!
– Sao mày biết? Bất chợt Gia Phong hỏi lại câu nói của Bửu Lộc một cách nhanh đến bất ngờ!
– Em họ tao sao nhìn tao không biết! Hắn cũng hay hỏi về mi đó. Mà con gái Huế ý nhị lắm, hắn thích hắn cũng không dại chủ động nói điều đó với mi mô!
Được sự hậu thuẫn, giúp đỡ và gắn kết bằng mọi cách của thằng bạn thân, Gia Phong và Huyền Trân gặp nhau nhiều hơn, ngày càng hiểu nhau và thân thiết. Thỉnh thoảng cuối tuần hai người vẫn đi cà phê hay đi chơi riêng đâu đó với nhau. Vì vậy, Bửu Lộc vẫn thường hay nói đùa với nhóm bạn bè thân rằng gả em gái cho bạn thân thì vừa mất em vừa mất bạn. Nhóm năm người, ba chàng trai và hai cô gái ngày càng chơi thân với nhau và trở thành một nhóm bạn gắn bó thân thiết như anh em. Yêu Huyền Trân đã lâu nhưng Gia Phong chưa hề một lần đến nhà nàng, dù vẫn biết nhà nàng ở trong Thành Nội. Huyền Trân cũng chưa từng ngỏ ý mời Gia Phong về nhà mình chơi. Sống với mẹ, có lẽ Huyền Trân hiểu được sự khắt khe khó tính của mẹ mình, nên không dễ gì mà mời bạn khác giới về nhà, đặc biệt đây lại là người yêu và khi nàng vẫn đang còn đi học. Huyền Trân không muốn mẹ khó chịu khi gặp Gia Phong và cũng không muốn anh bị đụng chạm lòng tự trọng khi gặp mẹ. Nàng vốn hiểu tính mẹ mình và đặc biệt rất hiểu về lòng tự trọng của anh. Dường như hai người thầm hiểu ý nhau nên chưa hề đề cập đến chuyện về chơi nhà nàng. Mỗi khi gặp nhau hay đi chơi đâu đó, thường thì nàng đến phòng trọ đón chàng; đôi khi chàng đến nhà đón nàng nhưng phải hẹn trước giờ và phải đợi tận xa ngoài ngõ nhà nàng. Và nhất thiết một điều đó là nàng luôn phải về sớm đúng giờ mẹ đã quy định.
Đã gần hai năm, kể từ cái đêm sinh nhật của Bửu Lộc định mệnh đó, tình yêu giữa Gia Phong và Huyền Trân vẫn là một mối tình vụng trộm, chưa được thừa nhận từ phía gia đình. Mặc dù hai người đã thề non hẹn biển về một tương lai sau khi Huyền Trân học xong ra trường nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước. Sau khi tốt nghiệp đại học, để được luôn ở bên và bảo vệ tình yêu của mình nên mặc cho mọi lời can ngăn, khuyên bảo từ gia đình và bạn bè về tương lai của mình, Gia Phong vẫn quyết định ở lại kiếm sống ở cái thành phố này. Ở cái thành phố chỉ có bệnh viện, sinh viên và du lịch kiểu lịch sử là chính này Gia Phong phải khó khăn tìm kiếm và làm đủ mọi công việc để tồn tại. Chỉ hai năm nữa thôi là Huyền Trân sẽ ra trường, trong đầu Gia Phong luôn tự nhắc vậy để cố gắng. Động lực tình yêu đã giúp Gia Phong vượt qua tất cả mọi khó khăn cuộc sống, ngay cả những khi dường như là bế tắc cùng đường. Thế mới biết đúng là sức mạnh của tình yêu chân chính! Hai năm khó nhọc rồi cũng qua, ngày Huyền Trân tốt nghiệp là lần đầu tiên Gia Phong được nàng dẫn về nhà giới thiệu với mẹ mình.
– Dạ thưa mẹ!…Đây là anh Phong bạn trai con, lâu ni con chưa có dịp nói với mẹ ạ!
Người mẹ nhìn Gia Phong một lượt và tỏ thái độ khó chịu, xem thường. Đây là lần đầu tiên con gái bà dẫn bạn trai lạ về nhà.
– Gia đình cậu ở mô? Bố mẹ cậu làm nghề chi? Cậu làm việc chi?….
– Dạ thưa cô…! Bố mẹ con…! Con…!
– Tôi cấm cậu! Một đứa nhà quê nghèo mạt như cậu mà cũng đòi yêu và mang lại hạnh phúc cho con gái tôi ư? Cậu xem lại mình đi!
-…
Những câu nói cứ như dao cắt cứa vào lòng tự trọng của Gia Phong mà từ trước đến giờ chưa một ai dám xúc phạm. Chàng chỉ biết lặng câm rồi từ giã ra về, không hề quay đầu nhìn lại. Còn Huyền Trân chỉ biết đứng nhìn theo hai dòng nước mắt tuôn rơi. Nàng thương anh, vì nàng hiểu được sâu sắc tấm lòng tự trọng của anh, sự xúc phạm đối với anh hôm nay là không thể nào. Nàng cũng không thể ngờ được rằng mẹ mình lại có cách xử sự quá đáng đến như vậy. Hơn một tuần rồi, Gia Phong về quê và không liên lạc với Huyền Trân.
Nhận được tin báo từ Bửu Lộc rằng Huyền Trân sắp phải đi xa và có thể sẽ khó có ngày gặp lại; mặc dù trong lòng còn đang rất ngổn ngang nhưng Gia Phong tức tốc lên đường trở lại Huế. Một buổi chiều mùa thu, không khí buồn ảm đạm, tại quán cà phê bên bờ sông, Huyền Trân nói lời từ biệt với Gia Phong:
– Xin lỗi anh! Em sẽ đi Mỹ. Hãy quên em đi!
– Em đã quyết định rồi sao? Vậy còn muốn gặp anh, nói với anh để làm gì chứ!
Huyền Trân không khóc như những lần hai đứa giận nhau. Còn Gia Phong không nhận thua, làm huề để hòa giải như những lần giận nhau đó; cũng không níu kéo. Thế là chia tay! Ngày Huyền Trân một mình lên máy bay, Gia Phong không cùng Bửu Lộc và Ái Nhân đi đưa tiễn. Không ai biết tại một góc khuất trên lầu sân bay, có một chàng trai vẻ ngoài lam lũ nhìn theo chiếc phi cơ chở người yêu cho đến khi mất hút khuất vào tầng mây; cố che hai dòng nước mắt đang rỉ ra nghẹn đắng.
Gia Phong rời Huế, rời cái thành phố nơi gắn bó với anh suốt bốn năm đại học và hai năm lăn lộn đủ việc kiếm sống để được ở bên người yêu và về quê. Mối tình sâu đậm gần bốn năm đối với anh giờ đây tan thành mây khói. Rồi không lâu sau đó, chàng cũng rời xa quê hương và vào miền Nam tìm chân trời mới. Đến miền đất lạ với muôn vàn khó khăn vất vả, Gia Phong lao vào kiếm sống và làm việc để chỉ mong quên đi tình yêu buồn. Nhưng càng cố quên thì hình bóng Huyền Trân và những kỉ niệm về nàng càng thiêu đốt nỗi nhớ trong anh. Nhiều đêm Gia Phong thức trắng, không thể ngủ được vì nhớ, thương và hận. Có những đêm chàng phải tìm đến men rượu để chìm vào giấc ngủ.
***
Cũng đã gần mười năm rồi, cuộc đời Gia Phong vẫn đầy sóng gió. Từng đó thời gian lăn lộn làm việc chăm chỉ đáng ra đủ để cho Gia Phong cũng có được một cuộc sống khá tốt. Thế nhưng, sau mấy lần giải cứu công việc làm ăn của bạn bè anh đã mất tất cả và thành kẻ tay trắng. Tình thương người và lòng tin bạn bè vốn có nơi anh đã giết chết anh giữa cuộc sống khốc liệt này! Đã bao năm rồi, cuộc sống tôi luyện Gia Phong, có khi anh đã có nhiều thứ, nhưng nhìn vẻ ngoài anh vẫn không thể thoát khỏi cái khuôn hình khắc khổ. Và giờ này trông vẻ mặt anh càng khắc khổ hơn.
Người đàn ông lòng như lửa đốt đứng ngồi không yên. Cơn bão đổ bộ vào miền Trung bất ngờ nhanh hơn dự tính. Đã hơn nửa ngày rồi xe mắc kẹt ở đây không chuyển bánh được. Trời mưa bão thế này…sao số em lại khổ như vậy hả em ơi!
– Mi phải về nhé! Thắp cho Huyền Trân nén hương. Đó là sự an ủi và tha thứ cho cô ấy! Mi không biết chứ tội hắn lắm! Lời Bửu Lộc tha thiết nhắc vẫn còn bên tai.
Mấy ngày sau. Cơn bão cũng đã tan từ hai hôm nay, bầu trời mùa thu đã trong xanh trở lại. Chiều hoàng hôn, vợ chồng Bửu Lộc và Ái Nhân dắt theo một bé gái khoảng gần mười tuổi ra thăm mộ Huyền Trân. Những sợi nắng yếu ớt, hiếm hoi cuối chiều của mùa thu miền Trung chiếu xuống ngôi mộ nằm dưới ngàn thông Thiên An rì rào gió thổi.
– Răng trên mộ mẹ con lại có rất nhiều hoa cậu mợ ơi? Đứa bé gái hỏi Bửu Lộc và Ái Nhân.
Trên mộ Huyền Trân được rải đầy những bông hoa hồng bạch và quanh mộ đầy thơ. Ngày xưa Huyền Trân thích hoa hồng bạch và rất yêu thơ. Những bài thơ được viết trên giấy bay lả tả trong gió chiều. Bửu Lộc cúi nhặt tờ giấy bay đến bên chân mình lên:
ANH MƠ EM VỀ!
Anh mơ em về với Huế yêu
Trời thu thêm sắc, nắng yêu kiều
Sông Hương mừng tủi- ngày tao ngộ
Đêm nay thuyền sẽ đỗ bến yêu!
(phương xa – Nhớ!)
…..
HỎI ANH
Răng anh nói thương em rồi còn giận?
Gái Huế mà – ta chảnh kệ người ta!
Đoan trang, dịu dàng chẳng thiếu kiêu sa
Rứa mới giết chết hồn anh chứ bộ!
(Ngày yêu!)
…..
Hai ngày sau đó, Bửu Lộc và Gia Phong gặp nhau tại quán cà phê, cái quán cũ quen thuộc của nhóm ngày xưa thường hay tới. Bửu Lộc kể cho bạn nghe hết tất cả mọi chuyện của gần mười năm qua. Những chuyện mà cậu ta đã hứa với Huyền Trân là sẽ không được kể cho Gia Phong nghe, dù chỉ một lời.
– Mi có nghĩ rằng Huyền Trân phản bội mi không? Đến chết em gái tao vẫn chỉ yêu mình mi thôi thằng chết tiệt ạ! Bửu Lộc nói trong nỗi buồn và giận bạn.
Rồi Bửu Lộc kể rằng, ngày đó Huyền Trân phải nuốt lệ rời bỏ tình yêu với Gia Phong để đi Mỹ vì không còn con đường nào khác. Ngày đó, nghe đâu bố đẻ của Huyền Trân ở bên đó bảo lãnh nên mẹ nàng đã bắt nàng phải đi. Ngày trước, khi Huyền Trân còn trong bụng mẹ, với khát vọng đổi đời nên bố nàng đã bỏ mẹ con nàng lại rồi vượt biên. Khi đi, ông ta hứa sẽ quay về đón vợ và con nhưng rồi không bao giờ trở lại. Khi biết được bố Huyền Trân ở bên đó nghe đâu ăn nên làm ra, bà mẹ muốn con gái của mình phải có một cuộc sống giàu sang đáng được hưởng. Vì thế nên bà đã kịch liệt lấy cái chết ra để ép con gái phải ra đi, với ý định rằng không lâu mình cũng sẽ qua đoàn tụ gia đình với chồng con. Thế nhưng, rồi tất cả mọi chuyện không như bà kỳ vọng. Sau khi biết chuyện Huyền Trân qua Mỹ bị ép gả cho một người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi rồi bị bạo hành, cuộc sống vô cùng khốn khổ và tủi nhục bà đã hối hận; buồn bã trong cảnh sống cô độc một mình rồi lâm bệnh mà mất. Ngày bà mất, Huyền Trân cũng không thể về chịu tang mẹ được. Vì sống trong cảnh tủi nhục ê chề như vậy nên Huyền Trân càng không muốn Gia Phong biết gì đến cuộc sống của nàng. Vì vậy, nàng đã bắt Bửu Lộc phải thề hứa là không được tiết lộ gì với Gia Phong về nàng.
– Mà mi biết vì răng Huyền Trân phải chịu sự tủi nhục như rứa không? Vì mi đó cái thằng chết tiệt!
– Ngày Huyền Trân đi Mỹ không biết rằng trong mình đã mang giọt máu của mi. Đến khi biết được, cũng vì yêu mi nên cô ấy đã không chịu bỏ cốt nhục của mi. Cô ấy phải chịu sự khinh miệt, bạo hành với bao nhiêu tủi nhục nơi cảnh sống xứ người để nuôi con mà không biết chia sẻ cùng ai; muốn về quê hương cũng không về được.
Càng nghe bạn kể, lòng Gia Phong càng đau đớn xót xa, cảm giác ăn năn tội lỗi tràn ngập tâm hồn chàng. Giá như ngày đó vứt bỏ đi lòng tự trọng của mình, bằng mọi giá tôi níu kéo em ở lại bên tôi thì có lẽ…! Hai giọt nước mắt rỉ xuống nơi khóe mắt khô cằn chai sạn của người đàn ông.
– Cậu Bửu Lộc ơi, mợ Ái Nhân mua cho con nhiều thứ chưa này!
Ái Nhân đến, dắt theo một bé gái khoảng gần mười tuổi. Chợt Gia Phong nhìn trân trân như chết lặng vào đứa bé vừa tới. Khuôn mặt của Huyền Trân đây mà! Giống như hai giọt nước!
– Tên của con là gì? Gia Phong vội hỏi đứa bé mà lời như nghẹn đắng lại ở cuống họng chàng.
– Dạ thưa chú, tên con là Hoài Hương ạ! Mẹ con còn đặt tên gọi ở nhà cho con là Gió. Mẹ nói Hoài Hương là nỗi nhớ về quê hương, về xứ Huế thân yêu; cơn Gió này rồi sẽ về với quê hương máu thịt. Và mẹ hứa khi nào về Việt Nam con sẽ được gặp ba của con…. Đứa bé nói về mẹ mình với một sự tự hào tràn ngập hiện lên trên khuôn mặt ngây thơ.
– Gió là Phong, Phong là Gió, đúng là em không hề quên anh! Gia Phong say sưa ngắm sự đáng yêu của đứa trẻ và chìm đắm trong những suy nghĩ hoài nhớ về Huyền Trân.
– Ba của con đó. Chào ba và lại với ba đi con! Bửu Lộc bất giác chỉ vào Gia Phong và nhắc bé Hoài Hương.
Đứa bé còn đang ngạc nhiên chưa dám lại. Gia Phong đến bên ôm chầm lấy bé Gió, một lần nữa hai giọt nước mắt lại rỉ ra trên khóe mắt khô cằn. Nhưng đây không phải là giọt nước mắt khổ đau và chua xót mà là giọt nước mắt hòa lẫn bao nỗi niềm hạnh phúc.
Chiều hôm đó, Gia Phong dắt bé Gió đi thăm mộ Huyền Trân. Quỳ trước mộ nàng, anh thầm hứa với nàng rằng sẽ quyết định ở lại nơi cái thành phố thân yêu đã từng gắn với bao nhiêu kỉ niệm tình yêu của anh và nàng này. Anh sẽ dùng tất cả những gì có thể của phần đời phía trước còn lại để yêu thương và nuôi dưỡng con gái Hoài Hương nên người thay cho cả phần của nàng. Tiếng hai cha con trò chuyện hòa lẫn khói hương trầm trên mộ bay nghi ngút vào không gian như xua tan đi cái không khí lạnh buồn của buổi chiểu cuối thu trên đồi thông Thiên An.
L.M.H