Dòng sông thơ vẫn không ngừng chảy trôi

349

(Kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới, 1932-2022)

Trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại, Tế Hanh là một trong những cây bút tiêu biểu, cùng với Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tố Hữu “góp vào và tạo nên những đỉnh cao trong ngũ hành thơ ca”.


Nhà thơ Tế Hanh(1921-2009)

Thơ Tế Hanh chân chất, trong trẻo, thanh khiết như nước dòng Trà Bồng quê ông và cũng mặn mà, tình nghĩa như chính con nước biển mặn mòi chất muối miền Trung. Vì lẽ đó, ngay từ thời thơ ca lãng mạn chỉ đào sâu vào nỗi buồn, niềm cô độc với cái tôi cô đơn, bế tắc, thoát ly, thơ Tế Hanh vẫn chảy một dòng riêng, “là dòng suối trong thầm thì, róc rách đi vào những mạch thầm kín của tình đời, tình người” (Xuân Diệu).

Hồn hậu, tinh tế, sâu lắng trong những vần thơ  

Nhà thơ Tế Hanh sinh ngày 20/6/1921, quê ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – một vùng gần biển có phong cảnh khá đẹp và dân cư sống chủ yếu bằng nghề chài lưới.

Có năng khiếu thơ ca từ nhỏ, lại được tiếp xúc với thơ văn lãng mạn Pháp, nên Tế Hanh đến với phong trào Thơ mới như một lẽ tự nhiên. Những ngày nghỉ học là bài thơ đầu tiên ông viết năm 1938 và những sáng tác trong tuổi hoa niên của ông đã được tập hợp lại, in trong tập thơ Nghẹn ngào. Tập thơ đã giành được giải thưởng của Tự lực văn đoàn năm 1939.


Bìa tập thơ “Nghẹn ngào” của Tế Hanh

Nhận xét về tập thơ Nghẹn ngào, nhà văn Nhất Linh, đại diện cho Tự lực văn đoàn đã khẳng định rằng: “Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài… Ông có một tâm hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc. Và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ”.

Có thể nói rằng, Tế Hanh là một “bông hoa nở muộn” trên thi đàn Thơ mới. Khi Thơ mới đã bắt đầu đi vào các đề tài, siêu thực, siêu hình thì thơ Tế Hanh hấp dẫn người đọc bằng sự chân chất và tình cảm. Nếu để nói về vị trí của ông trong Thơ mới thì ta có thể dùng hai từ “bình lặng”, hồn thơ ông không bật lên mạnh mẽ như cái cuồng nhiệt, say mê của Xuân Diệu, cũng không đủ kỳ dị, điên cuồng như Hàn Mặc Tử, không gây ấn tượng sâu sắc bởi sự “quê mùa” của Nguyễn Bính, và cũng chẳng có cái buồn thiên thu của Huy Cận.

Thế nhưng sau tất cả chưa bao giờ người ta quên đi Tế Hanh, một nhà thơ có chất giọng hồn nhiên, phong độ sáng tác đều đều, và mỗi tập thơ của ông đều được ghi dấu bằng một vài bài thơ đáng nhớ, đủ để ghi vào lòng độc giả những cảm xúc mới mẻ, tinh tế của một hồn thơ trẻ. Có thể nói quê hương là nguồn cảm hứng lớn nhất trong đời thơ của Tế Hanh. Đề tài quê hương trở đi trở lại trong thơ ông từ lúc tóc còn xanh cho tới khi đầu bạc! Ông viết về quê hương bằng cảm xúc đậm đà, chân chất và dành cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình một tình yêu thiết tha, sâu nặng.

Trong Thi nhân Việt Nam, khi nhận xét về Tế Hanh, Hoài Thanh-Hoài Chân đã viết: “Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng”, trên “cánh buồm giương“, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi thường ta chỉ thấy một cách mờ mờ, cái thế giới những tình cảm ta đã âm thầm trao cho cảnh vật…”.

Phải chăng cái “thế giới rất gần gũi” trong thơ Tế Hanh mà Hoài Thanh-Hoài Chân đã nói đến trong Thi nhân Việt Nam chính là cái tình quê da diết của Tế Hanh, cái đã làm nên “mảnh hồn làng” trong thơ ông. “Mảnh hồn làng” trong thơ Tế Hanh bình dị và trong trẻo đến lạ lùng. Nó không phải là những hình tượng thơ lớn lao, đầy âm hưởng anh hùng ca và sử thi như ở một số nhà thơ khác, mà nó thật sự nhỏ nhoi, lặng lẽ, khiêm nhường như chính hồn thơ đôn hậu, tinh tế, trong trẻo của ông. Đó chính là hình ảnh làng quê ở một vùng cù lao sông nước:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió   

(Quê hương)

Là “con đường quê” oằn mình trong mưa nắng để chia sẻ những nỗi cơ cực của người dân quê một nắng hai sương quanh năm lam lũ:

Tôi con đường nhỏ chạy lang thang

Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng

Tôi thâu tê tái trong da thịt

Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn  

(Lời con đường quê)

Đó là hình ảnh cái ga tàu lặng lẽ nơi phố huyện buồn thê thiết khi chứng kiến bao cảnh tiễn biệt nơi sân ga. Để rồi với tâm hồn nhạy cảm của một thi nhân, Tế Hanh đã nghẹn ngào, xa xót…

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau

Có chi vướng víu trong hơi máy

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

(Những ngày nghỉ học)

Một đời thơ gắn bó với đất nước, quê hương  

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, như phần đông các tác gia Thơ mới khác, Tế Hanh đã chuyển mình theo nền văn học cách mạng, sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhà thơ đã để lại được trong tập thơ đầu tay những hình ảnh cụ thể và da diết của những cánh buồm, dòng sông, con đường quê, sân ga… trong một nhận thức mới – nhận thức cách mạng theo cách cảm nhận giản dị, hồn nhiên của riêng Tế Hanh. Cuộc sống mới với những đổi thay quan trọng đã định hướng cho mọi xúc cảm thơ và tạo nên những phẩm chất nghệ thuật mới như nhà thơ đã từng viết: Dòng thơ tôi càng thưa bóng mây sầu/ Càng lấp lánh những ánh trời hy vọng. 

Trong tập thơ Hoa mùa thi năm 1949 có bài Đi phản ánh rõ thái độ nhận đường và ý thức dứt bỏ một cái “tôi” xưa cũ: “Sang bờ tư tưởng, ta lìa ta/ Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà/ Ta đứng bên này đêm quyết liệt/ Con người quá khứ đã theo ma…”.  

Tế Hanh thực sự nhập cuộc với nền văn học mới qua các tập thơ Lòng miền Nam (1955), Gửi miền Bắc (1958), Tiếng sóng (1960), Bài thơ tháng bảy (1962), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1977), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống (1985), Giữa anh và em (1992), Vườn xưa (1992), Em chờ anh (1994và các tập thơ viết cho thiếu nhi như: Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1961), Những tấm bản đồ (1965), Thơ viết cho con (1974), Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát (1983)… Có thể khẳng định thơ Tế Hanh sau năm 1945 cơ bản thuộc về nền thơ xã hội chủ nghĩa, gắn bó với giai đoạn văn học chống Mỹ, cứu nước và tiếng nói chân thành ngợi ca chế độ mới, con người mới, cuộc sống mới. Trên chặng đường thơ từ khi đi theo Đảng, theo cách mạng cho đến cuối đời, Tế Hanh vẫn có được nhiều tứ thơ trữ tình sâu lắng, phản ánh rõ một tâm hồn nhiều suy tư, giàu cảm thông, ân nghĩa.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bài thơ tình của Tế Hanh. Trong cuộc đời sáng tác của mình, dù có những biến đổi, những tìm tòi mới mẻ, nhưng trước sau ông vẫn là một nhà thơ trữ tình, hồn nhiên phơi trải những rung động của tâm hồn mình trước cuộc đời với: Vườn xưa, Em ở đâu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Hà Nội vắng em, Không đề, Văn xuôi cho em… Âm điệu da diết nhớ thương với những nỗi buồn man mác dịu nhẹ đã tạo nên nét tài hoa, dịu dàng đầy thương cảm, làm xúc động lòng người.

Với những đóng góp cho nền thi ca Việt Nam, nhà thơ Tế Hanh đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 1996) cho các tác phẩm: Lòng miền Nam, Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Bài thơ Tháng Bảy, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Ði suốt bài ca, Theo nhịp tháng ngày, Con đường và dòng sông, Bài ca sự sống.  

Ngày 16/7/2009, trái tim nhà thơ Tế Hanh đã vĩnh viễn ngừng đập để “trở về với sông nước quê hương”. Ra đi từ dòng sông và cũng trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh có thể ví như cuộc chuyện trò thầm thì không dứt của tác giả với con sông quê hương thân yêu. Thơ ông vẫn không ngừng chảy trôi, ca hát, lặng lẽ và róc rách như dòng sông Trà Bồng, vẫn tưới tắm mát đẫm bao tâm hồn người dân Việt yêu làng quê mình, đất nước mình, và yêu thơ…

Theo Diệp Ninh/TTXVN