Dòng sông Tỉnh Thức (chương 11) – Truyện dài của Kim Hài

533

Chương 11: Những linh hồn lạnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mưa liên tục suốt hai ngày đêm. Những cơn gió mang khí lạnh như bị mưa hút trọn, nên mỗi giọt rơi giống tựa một viên nước đá xoáy vào vật cản. Thời tiết như vậy khiến Lam không thể ra khỏi nhà. Và cô xem đó như một cơ hội để cô lắng lòng chọn lựa nên làm gì sắp tới.

Không có cú điện thoại nào gọi làm phiền sự suy nghĩ của Lam. Cô ngồi trên giường, khoanh chân nhìn ra ngoài cửa sổ. Cô cố gắng tập trung để có cái nhìn toàn diện của nông đô Tỉnh Thức.

Cô nhớ lại thời thơ ấu của mình. Hồi đó, Tỉnh Thức chỉ là hai thôn nhỏ, TT hạ và TT Thượng. Gọi nôm na là thôn Hạ, thôn Thượng nằm ở hai bên bờ trái phải của dòng Tỉnh Thức. Giống như mọi làng thôn khác, dân chúng làm ruộng và trồng cây ăn trái những lúc nông nhàn. Nhà Lam ở thôn Hạ. Dân thôn Hạ chyên làm nhà vườn, chủ yếu trồng cau và dừa. Dù nhàn nhã hơn trồng lúa, nhưng cuộc sống cũng khá vất vã. Lam là con một, bản tính cô năng động như con trai, luôn chạy nhảy nô đùa lục lạo đủ trò vui. Những chiều tan học hoặc cuối tuần, Lam hay rủ bạn ra bến tắm, câu cá hoặc tìm cách bơi thuyền sang thôn Thượng, dùng trái cây hái trộm ở vườn nhà đổi lấy những cục đá trắng nhỏ đủ kích cở được lũ trẻ thôn Thượng lấy từ các đồi đá tít xa đầu nguồn. Nếu gặp may, Lam đổi được vài viên đá màu hồng, bên trong óng ánh như kim tuyến. Thuở ấy dòng Tỉnh Thức êm đềm như một dãi lụa mềm ngăn chia hai thôn. Vì vậy hầu như lũ trẻ đều biết mặt nhau. Một ngày hè cuối cấp lớp 5, Lam cùng hai đúa bạn băng qua sông Tỉnh Thức như thường lệ. Một cơn giông bất ngờ ập đến.Thuyền chao đảo và lật úp. Dù biết bơi nhưng Lam không đủ sức thắng sức nặng của nước đè trên con thuyền lật. Hai đứa bạn may mắn văng ra xa, hoảng hốt bơi vào bờ quên cả Lam. Khi Lam gần như bỏ cuộc, một cánh tay mạnh mẽ nâng cô lên. Trước khi bất tỉnh, Lam chỉ kịp nhìn thấy một gương mặt nhìn côvới ánh mắt lo lắng.

Sau lần suýt chết đuối đó, Lam bị ba má cấm triệt để không cho ra sông dù là để câu cá. Ba năm sau, chiếc cầu xi măng bắt qua dòng Tỉnh Thức thay cho những bến đò tự phát, trường cấp 2 hai thôn sáp nhập vì ít học sinh, Lam mới vượt sông đặt chân trở lại thôn Thượng. Đó là đầu năm lớp 8.

Có tiếng dế kêu dưới gối. Lam vội vàng tìm chiếc điện thoại.

– Lam, cô muốn đi thăm khu dân cư mới phải không? Ủy Ban sẽ điều xe đưa cô đi. Khi nào cô đi được.

Lam ngần ngừ. Cô nhớ lại hành động giật điện thoại thô bạo của người bảo vệ lúc tham quan trường. Cô quyết định:

– Cám ơn anh Hải. Chắc hôm nay tôi không đi được. Mưa lạnh. Để sau đi.

Giọng Hải pha chút thất vọng:

– Cũng được. Khi nào muốn đi, cô báo tôi nhé.

Nhìn chiếc xe đạp ở góc nhà rồi nghĩ đến tiện nghi mà Hải vừa nói, Lam định thay đồi quyết định của mình, nhưng Hải đã cúp máy.

Thở ra một hơi, Lam quẳng chiếc điện thoại ra xa rồi nằm xuống. Cô nhắm mắt cố đuổi theo mạch hồi tưởng bị ngắt đoạn lúc nảy, nhưng hoài công. Vô thức, cô với tay tìm điện thoại. Cô bấm số của Lệ, không thể kết nối được. Thất vọng, Lam muốn kiếm một việc gì đó làm để quên đi thời gian trống trải nhàm chán nầy, nhưng nhìn cô chỉ là chiếc xe đạpvà cái va li ở góc nhà.

Hải ngồi trước một người đàn ông trung niên tên Thọ. Cạnh anh là chồng hồ sơ tài liệu về ngôi trường sắp khánh thành.

– Anh biết đó, phải khó khăn lắm thôn chúng ta mới xây dựng được một ngôi trường đủ chuẩn. Bước đầu, trường sẽ tiếp nhận các em cấp hai, ba. Sau đó, nếu được Bộ cấp giấy phép, trường sẽ nâng lên thành trường Đại Học. Thôn ta sẽ không mất máu khi các em sau tốt nghiệp tứ tán đến các nơi khác để kiếm việc làm.

– Chu trình khép kín?

Hải gật đầu. Cứ nhắc đến trường lớp anh lại cảm thấy phấn chấn.

– Bởi vậy nên thôn rất cần một hiệu trưởng như anh để tổ chức, sắp xếp làm thế nào truyền thụ được nhiều kiến thức mới mẽ cho các em. Chúng là rường cột của Nông đô Tỉnh Thức.

Hiệu trưởng Thọ mỉm cười:

– Đó là trách vụ của mình mà. Chỉ có điều tôi hơi lo lắng là tỷ lệ bỏ học của học sinh cuối cấp hai khá nhiều, nhất là trong vòng hai năm nay. Cũng vì vậy mà cấp ba.

Hải ngắt lời:

– Chúng ta có một ngôi trường bề thế, vì vậy nhất định sẽ thu hút được học sinh. Vã lại, anh xem, các thôn huyện quanh đây đâu có trường nào được đầu tư cơ sở vật chất như đây?

– Tôi công nhận thôn xây dựng được một cơ sở rất khang trang. Có điều, tôi muốn đề nghị thôn nên cố gắng hơn nữa phần trang bị bên trong. Từ bàn ghế, thư viện, đến dụng cụ học tập chưa tương xứng.

Mắt Hải tối lại. Không phải anh không biết chuyện này, nhưng bên tài vụ và hành chánh lại quan tâm đến những công trình trọng điểm khác.

Hải tránh ánh mắt của HT Thọ, anh dấu tiếng thở dài:

– Chúng ta sẽ khắc phục từ từ.

HT Thọ nghiêm túc:

– Trường sẽ không ra trường nếu chỉ có cái vỏ ngoài. Anh biết đó, vì nể bạn bè, tôi xin chuyển đến Tỉnh Thức, nhưng nếu không làm gì ra hồn, tôi cũng đành xin trở về Sở. Thật sự, tôi thích nghiên cứu hơn. Anh biết mà.

HT Thọ đi rồi, Hải vẫn còn ngồi im. Anh nhìn mông qua cửa sổ. Trời đã ngớt mưa. Những tảng mây lưu cửu trên bầu trời Tỉnh Thức đè nặng xuống từng mái phố. Cái lạnh mùa hè nơi đây đã trở nên quen thuộc. Mắt anh trĩu nặng, nhưng Hải muốn giữ mình tỉnh táo để suy nghĩ thêm một chút về kế hoạch phải làm. Mất biết bao công sức anh mới thuyết phục được lãnh đạo thôn thay đổi dự án. Anh lăn xả vào dự án nầy bất kể sự bất đồng đa số của Ủy ban. Hình như trong tận cùng ý thức của Hải vẫn tồn tại một mong ước mà anh đã ấp ủ từ khi còn học ở thôn nhà.

Hồi đó, ngôi trường cấp hai của thôn chỉ là những dãy nhà mái fibro ximăng lụp xụp. Bốn phòng học cho bốn lớp 6,7,8,9. Khi Hải học lớp 6, những chiếc bàn gỗ tạp còn cứng chắc, nhưng lên tới lớp 8, bàn ghế bắt đầu xiêu vẹo. Lũ học trò, đa số là nam, năng động, nghịch ngợm biến lớp học thành sân chơi và tệ hơn thành chiến trường khiến bàn ghế tả tơi. Các thầy cô cũng trách phạt bằng cách bắt học trò sửa chữa, và tất nhiên mọi thứ đều tạm bợ. Phụ huynh phần lớn là nông dân chân lấm tay bùn, cho con đến lớp đã là một cố gắng lớn của gia đình cho nên không thể bắt họ đóng góp mua bàn ghế mới. Bàn ghế đã vậy, dụng cụ học tập làm sao đầy đủ. Từ tấm bảng đen, hộp phấn trắng đến tủ sách lớp đều thiếu hụt xộc xệch. Thế nhưng ngôi trường ấy vẫn là chốn thân thương của đám học trò nông thôn. Có trường lớp, có thầy cô, là có tương lai. Ước mơ gói trọn trong con chữ. Dù thiếu thốn, dù lao khổ, thầy trò, phụ huynh thôn Tối Thượng vẫn kiên nhẫn bước tới với niềm tin truyền thống từ ông bà tổ tiên hằn dấu. Một chiều sớm mùa hè năm ấy, lũ bạn lớp 9 không đá banh như thường lệ. Chúng túm tụm cạnh nhau bên dòng Tỉnh Thức. Thời gian đăng ký thi vào cấp ba đã đến. Con đường học tiếp không dễ dàng rồi. Sẽ có đứa bỏ cuộc, sẽ có đứa háo hức, tùy tình trạng gia đình và học lực. Tương lai nhiều ngả rẽ. Chúng không nhìn vào mắt nhau mà nhìn mông lung vào dòng nước đang trôi.

Quân phá tan sự yên lặng bằng giọng nói chắc nịch của mình:

– Tao không đăng ký, không học tiếp nữa. Phải giúp ông già làm ruộng.

Im lặng.

Quân liếc nhìn lũ bạn, đổi giọng hài hước:

– Mai mốt lấy vợ giàu, có tiền học tiếp…

Cả bọn cười rộ. Tuyển nói:

– Tao thi vô trường công chắc chắn rớt nên thầy Toán khuyên đi học nghề. Chắc tao theo ông chú làm hồ.

– Tao thi thử. Đậu thì học. Rớt về nhà… Tiền đâu mà học!

Mỗi đứa một câu, bên ngoài thì ra vẻ cứng cỏi, nhưng bên trong mỗi câu , mỗi tiếng cười đều cất dấu một nỗi buồn.

Hải thở dài.

– Giá như thôn mình có trường cấp 3, có trường Đại Học thì hay biết mấy. Ai cũng có cơ hội học.

Quân cười to:

– Mày mơ mộng quá. Làm sao mà thôn nào cũng có Đại Học. Tao chỉ mong có trường cấp 3.

Hải gật đầu:

– Ừ, có cấp 3 tụi mình còn được học chung thêm 3 năm. 3 năm học chữ cũng thay đổi con người nhiều lắm…

Một tiếng thở dài.

– Một ngày được đến trường là một ngày sung sướng há. Ước gì…

Quả banh nhựa nằm câm lặng trên sân cỏ.

Ông Sáu ngồi chò hỏ trước căn nhà sơn màu lá mạ. Sáng nào ông cũng ngồi như vậy suốt. Bên cạnh ông, một chai đế chỉ còn phân nửa. Con đường trải nhựa rộng khoảng 3 mét kéo dài như sợi chỉ đen, một đầu mất hút sau cái dốc đứng và đầu kia kết thúc dang dở phân chia hai dãy nhà màu lá mạ. Những căn nhà giống nhau, mái fibroxi măng, gồm một trệt một lầu nối nhau bằng cái cầu thang xương cá bê tông đá mài. Hình như căn nhà có cái cầu thang là được nhất. Cái cầu thang khá đẹp và chắc chắn là tâm điểm ngưỡng mộ của chủ nhà, khiến họ quên hết những khuyết điểm khác như tường mỏng, sơn dỏm cũng như nền móng yếu, nhiều chỗ nứt gảy. Cả đời sống trong nhà tranh mái lá, các nông dân định cư thấy an tâm với căn nhà gạch. Những căn nhà sát cạnh khiến tình xóm giềng cũng keo sơn hơn. Buổi chiều, họ có thể cùng hàng xóm bê ghế ra đường an toàn tụ tập nhậu. Cuộc sống không tệ và vui ra phết. Những thanh niên mở nhạc rầm rĩ, ka rao kê với loa thùng kẹo kéo, cùng bầy con gái xênh xang.

Hôm nay, Ủy ban loan báo cư dân thuộc diện giải tỏa nhà ruộng dọc hai bờ Tỉnh Thức sẽ được phân đất để trồng trọt. Sau một vụ mùa bị bỏ lỡ, nông dân Tỉnh Thức mừng rỡ. Ít ra họ còn có đất có ruộng để canh tác.

Mọi người chờ đợi với một chút háo hức, một chút e dè. Số tiền bồi thường sau khi khấu trừ tiền xây dựng chỉ còn hơn nửa. Nếu không làm gì, tình trạng thiếu đói chắc chắn khó tránh khỏi. Những gia đình chân chất đã đưa con cái làm công nhân, làm thợ trong các khu đang triển khai dự án, một số bỏ quê ra huyện, lên thành phố kiếm sống, nhưng số bộ phận thanh niên ít học, trước phụ cha mẹ làm ruộng nay không có việc gì làm dễ sa đà trong các tửu quán, hoặc đam mê cờ bạc, đen đỏ. Vì vậy với những gia đình chuyên nông, có đất để canh tác như xưa là cái phao cứu sinh của họ.

Ông Sáu vẫn ngồi ủ rũ. Rượu không còn làm ông say mà chỉ thấy đau đớn. Một mình ông trong căn nhà quạnh quẻ. Một mình ông có thể làm gì khi mọi thứ trong tay cứ tan dần như bọt nước. Ông nhớ đứa con trai cứng cáp của mình. Ông hối hận sao ngày đó ông không chịu bán đi miếng ruộng màu mỡ, lấy tiền cho con lên thành phố học. Như Hải, nếu được vậy chí ít Quân không mất mạng vì miếng đất mà cuối cùng ông cũng không giữ được. Quân thông minh, hiếu học chẳng kém ai. Hồi đó miếng đất với ông là sinh mệnh, quý giá giống con. Ông không bỏ được. Và ông chọn lựa đơn thuần. Đất ruộng là mấu chốt để sinh tồn, còn học hành, lúc nào chẳng được. Trúng vài vụ mùa, Quân có thể xuê xoang đến trường. Chậm vài năm ,chẳng quan trong gì. Nhưng nếu không có đường sống, hai cha con ông phải tha phương cầu thực, chưa kể ông sẽ xấu hổ cho đến cuối đời nếu không giữ được đất đai vườn tược ông bà để lại. Nào ngờ…

Ông Sáu ôm ngực ho khan, quờ tay nắm chai rượu đưa lên miệng. Một bàn tay mạnh mẽ giật phắt chai rượu. Ông Quang vổ vai ông Sáu nhẹ giọng.

– Đến giờ đi rồi. Mọi người tụ tập ở đằng mụ Thời. Có xe của thôn đưa đi.

Ông Sáu cười gượng:

– Thì anh đi cho biết rồi cho tui hay. Tui không muốn đi.

– Anh phải đi để bốc thăm chọn. Cả bên thôn Hạ cũng qua. Chuyện lớn, không hưởn được.

Một tốp người lũ lượt vừa đi vừa bàn tán:

– Nghe nói không bốc thăm thì coi như từ chối nhận.

Ông Quang thở ra:

– Đi thôi anh Sáu. Mà bộ xa lắm sao phải đi xe?

Đất giao không xa khu định cư, nhưng phải trèo qua hai con dốc dài. Nếu đi xe hơi hoặc xe gắn máy chỉ cần 20 phút băng đồng, còn nếu vác thêm nông cụ và cuốc bộ như thường làm, cực nhọc sẽ nhân ba.

Từ trên đỉnh đồi thứ hai nhìn xuống là một thung lũng rộng, ba bên toàn đồi trọc và phía bên kia, tít xa, thượng nguồn của dòng Tỉnh Thức như một con rắn uốn éo thấp dần.

Trưởng phòng địa chính Doanh là một người đàn ông thấp bé, gầy gò với làn da men mét. Dưới sự giúp đỡ của một nhân viên cũng thấp bé như ông, trưởng phòng Doanh đọc tên từng hộ và hướng dẫn họ tìm phần đất của mình. Khoảng mươi phút đầu, còn có tiếng lao xao tìm kiếm, nhưng sau đó là một khoảng lặng. Tất cả hình như đang ngắm nhìn một quang cảnh nào đó thật xa lạ: đất khô cằn, trơ trụi, đầy cỏ lau và sim dại…

Trưởng phòng Doanh bối rối ấp úng:

– Mời các hộ dân ký vô biên bản nhận đất.

Không một ai nhúc nhích bởi không một ai nghe cán bộ nói gì, họ đang nghĩ về những khó khăn mà họ phải đương đầu.

Một phụ nữ nào đó khóc nức lên:

– Cán bộ ơi, chúng tôi phải cấy lúa trên mảnh đất nầy sao?

Trưởng phòng Doanh đưa mắt tìm kiếm. Ông rít lên giữa hai hàm răng:

– Mẹ nó, thằng nông nghiệp trốn đâu rồi.

Ngần ngừ một chút, ông phẩy phẩy tập hồ sơ chỉ về phía dòng Tỉnh Thức.

– Công nhận đất hiện giờ đang bị hoang hóa, nhưng nếu bà con nhớ được, nơi nầy trước kia có một con suối lớn chảy qua. Nhiều bà con ở đây đã canh tác, trồng trọt không ít. Sau này khi đập thủy điện triển khai, suối cạn, nên bà con không mặn mà. Phòng thủy lợi dự tính sẽ đào một mương nước, xử dụng máy bơm lập lại dòng chảy, lúc đó đất lại màu mỡ ngay.

Một tiếng nói to cắt lời trưởng phòng Doanh.

– Chúng tôi chưa nghe nói tới con mương hoặc trạm bơm. Lẻ ra chuyện nầy phải được tính trước khi giao đất cho dân.

– Trưởng thôn sẽ giải quyết cái mỏ đá đằng kia như thế nào?

– Mỏ đá vẫn đang khai thác thì mương nước làm sao đào được?

Trưởng phòng Doanh lúng túng, lắp bắp không ra tiếng.

Các hộ dân nhìn nhau rồi nhìn vùng đất trước mắt. Không ai nói thêm gì nữa. Nhiều người ngồi thụp xuống đưa bàn tay cáu bẩn xới xới những tảng đất, một số người đi vào mảnh đất của mình, cố gắng nhổ bớt những bụi gai dại. Sau đó họ đứng thẩn thờ ngước nhìn lên trời, ở đó từng khối mây xám dày cộm phô ra hàng loạt hình thù kỳ dị bễ nghễ nhìn xuống. Một nổi sợ hãi mang tên vô vọng khiến linh hồn lẫn thể xác họ đông cứngtrên miếng đất mang tên mình.

Lam đến được khu định cư khi trời đã quá trưa, nhưng không một sợi khói bếp nào thoát khỏi các mái nhà. Từ đầu đường nhìn tới, làng định cư vắng vẻ đáng sợ. Dường như tất cả sinh khí của làng đều bị các khối mây xám nuốt chửng. Lam chỉ nghe được tiếng âm thanh kêu gào của gió. Cô chợt thấy lòng nặng trĩu. Một nổi đau không tên âm ỉ trong lồng ngực khi cô phát hiện ra tâm trí mình đang viết: Nơi đây không thể lạc nghiệp…

Có tiếng xe Honda dừng sau lưng Lam. Không quay lại cô cũng đoán ra Hải.

– Trời, mình không muốn gặp anh ta ở đây.

– Cô cừ thiệt. Với con ngựa sắt ọp ẹp này…

Không phải tiếng Hải. Giật mình, Lam quay ngoắt lại. Cô ấp úng:

– Sao… sao anh…?

Thanh nhìn cô mỉm cười:

– Ngạc nhiên không? Đúng là để cô công tác một mình khó thể yên tâm.

Lam không trả lời, cô chằm chằm nhìn chiếc xe Honda. Nếu cô không lầm, đây là xe của Hải.

Thanh đập mấy cái vào mặt kính đèn xe, mỉm cười:

– Đúng đó, đây là xe của cán bộ Hải. Anh ấy cho tôi mượn để đến đây. Giá biết cô muốn đi, tôi đã. Cô cũng chẳng phải gò lưng đạp xe.

Đột nhiên Lam cảm giác mình như một đứa trẻ bị sai khiến, dẫn dắt. Cô lạnh lùng nhìn Thanh:

– Chuyện này là thế nào? Anh nhờ tôi, rồi anh cũng đến đây. Chưa kể anh còn điện cho tôi những lời hết sức… ngu ngốc…

Thanh nhìn cô:

– Là tốt cho cô. Tôi lo. Bộ cô không thấy ở đây mọi thứ đang bị kiểm soát?

– Ở đây hay là anh?

– Cô phải nghe tôi giải thích đã…

– Trước hết, anh hãy giải thích cho tôi lý do anh tuyển dụng tôi cho việc này. Tôi không thể làm gì mà không biết động cơ của nó.

Thanh ngần ngừ:

– Rồi cô sẽ biết, nhưng bây giờ thì không thể. Chúng ta cùng làm. Và chúng ta đã đồng ý mọi thứ đều bí mật.

– Tôi hiểu rồi. Anh không nói, có nghĩa là mục đích của anh không tốt đẹp gì. Cám ơn anh. Anh ở đây thì cứ làm việc của mình. Tôi không phải là con rối. Tôi sẽ chuyển trả lại toàn bộ số tiền anh đã ứng cho tôi.

Nói xong, Lam quay xe thả nhanh xuống dốc. Gió thổi tung mái tóc, xoa dịu gương mặt đang bừng bừng bốc hỏa trong khi tiếng gọi của Thanh đuổi theo cô đến tận ngả rẽ.

Lệ ngồi thảnh thơi trên chiếc băng ghế đá. Hôm nay cô được nghĩ phép, nhưng cũng như thường lệ, cô không trở về thôn mà ở lại nhà máy. Buổi chiều đến chậm cô đã nấu một ly mì và ngồi ăn ở đây. Cô không muốn ăn trong phòng, người bạn cùng phòng đang ngủ sớm để chuẩn bị vào ca khuya. Mùi mì có thể khiến chị ấy bực bội vì khó ngủ.

Càng về chiều càng lạnh. Cái lạnh lưu cửu của miền đất này không còn lạ với cư dân Tỉnh Thức. Màu trời xám xịt quanh năm khiến mọi người ủ rũ bất lực và chìm đắm trong nỗi thống hận lẫn cam chịu. Lệ cũng không ngoại lệ, chỉ có điều thỉnh thoảng trong một thoáng bất chợt, cô chợt nhớ ra một chút nắng vàng, một khoảnh trời xanh trong trẻo. Lạ lùng biết bao, thoáng nhớ đó như một chất bổ dưỡng khiến tâm hồn cô như được hồi sinh. Chỉ tiếc là những phút thoáng nhớ ấy không đến thường xuyên và hình như càng ngày càng ít đi.

Ăn hết ly mì, Lệ đứng dậy định đi về phía thùng rác, nhưng cô dừng lại, chăm chú nhìn một cô gái đi về phía mình. Cô mỉm cười:

– Lam… Sao cậu tìm được tớ ở đây? Giờ này ai cho cậu vào?

Lam bỉu môi:

– Đừng coi thường tớ nhé. Bề gì tớ cũng có cái mũi và cái mồm nhà báo.

Lệ nhìn quanh:

– Cậu không đi cùng ai chớ? Tớ không muốn ai biết chỗ làm của mình.

Lam dịu dàng cầm tay Lệ. Mới mấy năm ngắn ngủi mà Lệ từ một cô bé nhút nhát, ngây thơ phải vào đời sớm. Rồi giờ đây là một thiếu nữ trưởng thành, lẩn trốn cuộc đời. Tại sao vậy?

– Lệ à, hay cậu theo tớ lên thành phố nhé. Quên hết mọi sự. Làm lại từ đầu…

Lệ lắc đầu cười buồn:

– Tớ còn nặng nợ với thôn Tỉnh Thức lắm, đi sao được. Mà này, cậu về đây chơi hay có chuyện gì? Nghe đồn cậu về đây để điều tra gì đó. Chẳng lẽ luận văn của cậu chưa hoàn thành? Hay để quên cậu nào ở đây? Thú thiệt đi.

Lam bối rối một phút. Cô muốn kể cho Lệ nghe chuyện của mình, nhưng cuối cùng cô nghĩ tốt nhất Lệ đừng biết gì hết. Vả lại, cô đã từ bỏ công việc này rồi, và cô cũng không còn hứng thú để theo đuổi dự án điều tra về trạng thái tâm lý bất ổn của người Tỉnh Thức nữa.

– Tớ cũng sắp về thành phố rồi. Công việc đang đợi tớ.

– Vậy mà tớ hy vọng… cậu sẽ ở lại lâu. Tớ có nhiều chuyện muốn nói với cậu, nhưng chắc cậu chẳng có thời gian.

Lam cười:

– Cậu có thể tâm sự với tớ qua Zalô mà. Tớ sẽ kết bạn với cậu… Ước mong của tớ khi về quê là muốn thấy con nhỏ bạn hậu đậu của mình lấy được hoàng tử như ý. Nhất định cậu phải làm được đó nhé!

– Tớ sẽ cố gắng…

Bỗng Lệ im bặt, thất thần nhìn về phía cổng. Một chiếc xe hơi vừa dừng trên khoảng sân rộng thênh thang của nhà máy. Xuống xe là hai bóng người quen thuộc.

Lam nhìn theo và cô khẽ kêu:

– Sao họ đến đây vào giờ này? Có chuyện quan trọng gì chứ?

Lệ ra hiệu cho Lam im lặng. Hải mở cửa xe cho bà Thủy. Hai người không vào văn phòng nhà máy mà đi về phía con đập chính. Từ chỗ Lệ nhìn ra, con đường men theo bờ đập giống tựa con rắn màu xám nằm căng lưng và bóng hai người họ như hai điểm nhấn sậm màu nổi bật giữa trời chiều nhập nhoạng.

Lam cười khẽ, đùa:

– Trông giống đôi tình nhân đi ngắm cảnh.

Mắt Lệ tối lại. Lam không để ý tiếp lời:

– Tớ không thích bà này. Loại thiếu nữ lớn tuổi mà không biết mình lớn. Nếu tớ nhớ không lầm có tin đồn rằng bà ta muốn tặng cho cán bộ Hải một biệt thự ở khu thương mại với điều kiện chỉ ở một mình, nhưng bị từ chối.

Lệ gắt:

– Cậu thôi đi, tớ không quan tâm.

Lam quay lại. Cô nghiêm mặt:

– Sao lại không quan tâm? Đó là người mà cậu yêu?

Lệ cay đắng:

– Tớ có quyền ư? Tớ chỉ là một người đã chết. Là quá khứ của Hải.

Lam trân trối nhìn Lệ:

– Chết? Trò đùa này kéo dài đến bao giờ? Ai bắt cậu chết? Ai không cho cậu xuất hiện trước mặt Hải? Ban đầu, tớ nghĩ đó chỉ là cơn giận dỗi của cậu. Ừ, cứ hành hạ anh ta một thời gian đi. Nhưng giờ đây, về đây gặp cậu, tớ thấy có gì sai sai. Hải vẫn nghĩ cậu đã chết. Mà cái thôn này kỳ lạ thật. Cách nhau có một dòng sông mà cậu trở thành vô hình trước mọi người thôn Thượng.

Lệ cười khổ:

– Đó là điều tớ muốn. Tớ không muốn xuất hiện trước mặt Hải nữa. Có thể đến một ngày, tớ trở lại, nhưng không phải bây giờ.

Lam nắm tay Lệ:

– Vậy cậu theo tớ lên thành phố sống. Nếu cậu muốn quên, trên đó có nhiều thứ khiến cậu không nhớ nỗi điều gì.

Bà Thủy và Hải đã quay trở lại xe. Hải mở cửa cho bà Thủy và họ lại châu đầu với nhau nói gì đó khá sôi nổi. Khi Hải quay trở lại mở cửa phía bên kia, anh đưa mắt nhìn quanh. Ánh mắt anh dừng vài giây phía bên dãy nhà dành cho công nhân. Nhưng một khối sương mù lớn theo gió lan tràn xóa mờ vạn vật. Lệ khom người, kéo tay Lam quay vội vào nhà.

K.H