Dòng sông Tỉnh Thức (phần 6) – Truyện dài của Kim Hài

513

Phần 6: GIẤC MƠ YÊU…

Phần 2

Phần 3

Phần 4

Phần 5

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiếc cầu bắc ngang qua dòng Tỉnh Thức bị gãy ngay nhịp đầu tiên. Nước vẫn rộn ràng đổ xuống quật vào mảng rách nát của chiếc cầu, tạo thành một dòng xoáy, cuốn rác rưởi cùng đủ loại vật dụng mà dòng nước đã mang theo sau một tuần lạc trôi trên đất liền.

Nhà văn Kim Hài

Lam và Lệ ngồi trên một thân dừa khô cạnh bờ, ngóng nhìn sang bên kia thôn Tối Thượng. Mắt Lệ đỏ ửng, ngấn nước. Lam khẽ nói:

– Mi có muốn thuê đò về bển không? Coi vớt được chi thì vớt, rồi còn thưa báo để may ra được đền bù…

– Có được đền bù không? Ai đền?

Lam cười, giọng không chắc chắn:

– Còn hỏi. Bộ Hải không làm giùm được chuyện đó sao?

Lệ cười nhẹ:

– Hải hả? Đâu có phải cứ là bạn thì cái gì cũng nhờ được.

– Ờ há. Mà tụi mi đâu chỉ là bạn bè. Đã thích nhau thì bảo thủ mấy cũng phải có lúc nhẹ dạ một chút chớ.

Lệ phá lên cười sau câu nói của Lam. Lam nhướng mày nhìn Lệ một chút rồi cũng cười khằng khặc theo kiểu kịch tuồng cổ.

Khi tiếng cười lắng xuống, Lam nghiêm trang hỏi:

– Cứ coi như tao không biết chi, nhưng những gì tao nhìn thấy không hẳn là hai đứa mi giống bạn bè. Đã thương thì cứ để cho mọi người biết, cớ gì lấp lửng mơ mơ hồ hồ…

Lệ không trả lời. Cô đăm đăm nhìn những cuộn nước xoáy đỏ ngầu bên kia bờ. Sương xám vẫn dâng lên từng đợt… Lam đã rời chỗ đi đâu đó. Lệ ngồi một mình ngắm lớp sương lạnh chồng lấp đã quá quen thuộc với người dân thôn Tối Thượng. Trong lòng cô bật lên một nổi khao khát mạnh mẽ được đong đầy, được sưởi ấm cho trái tim cô đơn và quạnh quẽ của mình?

Phải có một cột mốc gì đó ghi dấu sự nối kết giữa hai người. Và cũng phải có một cái gì đó ngăn cản họ. Sao cô không thể hiểu, không thể nhớ, không thể rạch ròi thứ tình cảm cứ lần hồi nhạt phai đến lạnh lùng?

Đang là buổi sáng, nhưng bên kia, thôn Tối Thượng vẫn mù mờ ảm đạm. Cô tìm mãi xem có chút ánh nắng rực rỡ nào trên những mái nhà, nhưng chỉ toàn màn mưa đan kín. Bỗng Lệ nhìn thấy một đốm sáng không giống nắng mặt trời, mà từa tựa một ngọn đèn, màu đỏ sẫm, đang lạc loài trôi nổi.  Nó cuốn hút ánh nhìn của Lệ, rồi như bị thôi miên, cô nhìn sửng ngọn đèn xa, tâm trí chợt mơ mơ hồ hồ hình ảnh của những ngày mùa hạ cũ.

Khi đó, sương mù chưa nhiều quá như bây giờ, nhưng người dân trong thôn Tối Thượng đã quờ quạng tìm đường thoát khỏi mớ bòng bong do những thay đổi khủng khiếp mà giới lãnh đạo mang lại cho họ. Các buổi thi đua, hội họp, các khẩu hiệu, mà như luật lệ áp đặt, triền miên chiếm hết thời gian và suy nghĩ của dân quê. Đến khi quay đầu nhìn lại, ai cũng bàng hoàng vì thấy thửa ruộng sinh nhai đã teo tóp, căn nhà tổ tiên phải dời chỗ và nắm tiền nhận được chỉ là niềm vui thoáng chốc, nhanh tan như bọt xà phòng. Tất cả còn chăng là sự chật vật vì sinh kế, vì miếng ăn hàng ngày và cả những lợi ích được hứa hẹn ban đầu cũng không thể hưởng vì không có lợi ích và thú vui nào không mất tiền. Nông thôn mới kêu gọi mọi người hy sinh cho tương lai. Họ đã hy sinh rồi, còn tương lai, cứ đợi đã.

Gia đình Lệ cũng như mọi người. Mảnh ruộng cuối cùng bên dòng Tỉnh Thức phải rao bán với giá rẻ mạt để nuôi chục miệng ăn gồm hai gia đình. Tía má chết sớm. Lệ sống với các anh chị. Cô bỏ học giữa chừng phụ chị dâu làm ruộng và buôn bán lằng nhằng. Nhưng cô không thể sống bám hoài khi đã trưởng thành. Do sự thúc giục của chị dâu, cô bước vào đời với cái quán giải khát nhỏ xíu trước một công trường xây dựng. Những hoài bảo cùng ước mơ trong sáng thuở học trò, từng ngày, bị bụi công trường che lấp. Cô chỉ mong kiếm được tiền, càng nhiều càng tốt, để thoát khỏi cuộc sống hiện tại, mặc dù cô mù mịt không biết phải thoát khỏi nó bằng cách nào.

Rồi một ngày hè, Hải trở về. Đúng ra hằng năm Hải vẫn trở về. Những ngày mùa hè xa ấy, trời trong vắt, mây thật trắng và đồng lúa gợn xanh ngút mắt. Những ngày ấy, Lệ  còn ham học và lòng đầy ước mơ. Cô mong có ngày được như Hải, đậu vào trường tỉnh, thi vô cao đẳng làm một cô giáo, về thôn, sống cuộc sống bình an lương thiện. Hai đứa thường ngồi nói chuyện bên chân cầu Tỉnh Thức. Thỉnh thoảng, người anh họ Quân cũng góp mặt. Hải mê đắm với mục tiêu giáo dục mà anh theo đuổi, Quân thì hăng hái nói về những thay đổi ở nông thôn, chỉ riêng Lệ im lặng, bởi cô đang dồn hết sự chú ý vào hai người. Càng nghe chuyện,  cô càng khâm phục họ. Cảm giác hưng phấn làm mắt cô long lanh đỏ mọng ngấn nước cho đến khi Hải thốt lên:

– Ủa, mắt thỏ đang khóc nhè kìa.

Lệ luống cuống quay người, chớp mắt cười ngượng nghịu. Sau đó, Quân biến đi để hai người họ bên nhau. Thứ tình yêu thuần khiết chân chất của Hải và Lệ không giống như trong phim ảnh. Một cử chỉ âu yếm nhặt chiếc lá rơi trên tóc Lệ của Hải. Cái quạt lá phe phẩy nhè nhẹ chỉ đủ lay động hàng mi. Ánh mắt thỏ nhấp nháy nhìn trộm Hải.v..v..Tất cả đều là những bày tỏ không lời, và chỉ có thế. Chưa có lời hò hẹn, chưa có những câu tỏ tình đúng nghĩa, nhưng cuộc tình cứ thế đơn giản như ruộng đồng, hoa cỏ, chỉ chờ một ngày lúa trổ bông.

Cuối hè năm đó. Hải rời đi khi các tranh cổ động nông thôn mới  treo loè loẹt suốt dọc đường dẫn đến UBND thôn Tối Thượng. Không ai để ý đến màu nắng bỗng tàn úa kỳ lạ. Sương đổ dày đến tận trưa và mưa bụi giăng giăng như lưới nhện. Lòng người dân chùng xuống khi nắng không còn phủ ấm làng xóm. Tất cả bắt đầu thay đổi  với một nhịp sống khác. Trong dòng xoáy mất còn, người người ngơ ngác không kịp nói nổi một lời phản kháng. Người nông dân ăn ngay nói thật đã bị biến đổi thành những kẻ cam chịu một cách dại khờ.

Lệ cũng vậy. Cô ngơ ngác bước ra đời bằng một quán nhỏ. Một sớm một chiều quanh cô ngổn ngang bụi mù song hành với những đổi thay mà trong trí tưởng tượng của mình cô cũng chưa hề hình dung được. Lệ bị cuốn theo như chiếc lá giữa luồng gió xoáy. Cô hành xử như mọi người, cô thay đổi và giữa chợ đời, trông cô không gợi chút gì đến hình ảnh một Lệ “mắt thỏ” ngày xưa. Lệ cũng đã biến đổi.

Cho đến ngày Hải lại trở về. Mùa hè vẫn đầy những cơn mưa sương mù khiến người ta dễ mất đi ý thức thời gian. Nhưng không hiểu sao Lệ nhớ rất rõ buổi chiều hôm đó.

Nhạc xập xình. Khói thuốc, đèn mờ và bụi quánh đặc từ công trường thổi sang khiến bầu không khí quanh khu phố tạm thêm bức bối. Những cái quán nhỏ tưởng đâu sẽ là nơi giải toả căng thẳng của công nhân sau một ngày mệt mỏi, trái lại, bia rượu và cái nóng mùa hè khiến mọi người thêm ngột ngạt. Họ to tiếng hơn, dễ nổi nóng hơn và hò hét nhiều hơn.

Lệ gặp lại Hải trongmột không gian như vậy. Hải lặng lẽ như  cái bóng lạ. Anh đăm đăm nhìn cô, không nói một lời. Khi Lệ đưa Hải vào quán rồi yên vị trên chiếc ghế nhựa màu xanh da trời, cô gượng gạo giải thích với anh về những thay đổi của mình, anh chỉ thốt được một câu:

– Lệ đi học lại đi.

Lệ buồn cười. Cô nhớ hình như lúc đó cô rất buồn cười. Tại sao câu chuyện gì của Hải cũng quy về việc học. Hình như mọi thú vị của cuộc sống đều là học. Cô không có tiền, cô sống tạm và tầm gửi suốt mấy năm rồi. Trường học phải dời xa để thôn khởi công các dự án giáo dục vĩ đại khác. Lệ không đủ sức đi bộ ròng rả hàng chục cây số để đến lớp học. Cô xa rời trường lớp và như mọi người, Lệ gia nhập trường đời, một trường đời bụi bặm, náo nhiệt, nhiều cám dỗ.

Lăn lộn với việc kiếm tiền, mê đắm những món hàng xa xỉ đổi mới bộ mặt nông thôn, người dân Tối Thượng như quên mất gốc gác của mình. Họ muốn kiếm tiền thật nhiều, và việc đó trong giai đoạn đầu khá dễ dàng. Lệ nghiệm ra rằng, có tiền là có hết tất cả (?). Ngoài ra, thế giới mới mẻ này đã mở cho cô thấy biết bao điều lạ, bao điều quyến rũ. Cái mới đã chứng minh rằng đâu chỉ có việc học mới mang đến cho con người hạnh phúc, tiền của. Cô có thể khởi nghiệp mà không cần học. Cô phải kiếm ra tiền và cô đang từng bước kiếm được tiền.

– Lệ không thể cứ sống như thế này mãi. Tiền đâu phải là tất cả. Đừng thay đổi bản chất thật của mình.

Câu nói này khiến Lệ tức như bị ai tống vào ngực một cú đạp. Bộ đồ cô đang mặc bộ không chỉnh chu hơn cái áo bà ba và chiếc quần phi đen ngã màu? Bộ Hải không thấy cô quyến rũ và đẹp hơn trong cái váy xanh có điểm hoa màu vàng mà khi nhát thấy Hải đến từ xa, cô đã vội vã thay cho cái quần jean ngổ ngáo. Môi cô thoa son đỏ mọng, má cô phơn phớt hồng và đôi lông mày xăm thêu điệu đàng. Trước khi những con ve bên thôn Tối Hạ kêu ran, cô đã nén nổi xót tiền bỏ ra ngót mấy trăm ngàn để xăm cho được đôi mày và chân mắt. Tất cả chỉ vì cô muốn mình đẹp hơn và bớt “chất quê” hơn trước mắt anh. Nhưng hình như Hải không quan tâm gì đến những cố gắng làm đẹp của cô, trái lại,  có vẻ cô trở nên xấu xí và xa lạ trong mắt anh.

– Vậy đó, tui không thể mãi là một cô gái quê kệch. Tui có quyền giống như những cô gái ở thành phố. Nếu có tiền, tui phải được ăn ngon, mặc đẹp, tiêu xài, thẩm mỹ, để đàn ông như anh không coi thường gái quê…

Cơn tức bực khiến Lệ thốt lên những lời không muốn nói và cũng chưa hề có trong đầu cô. Cô chỉ biến đổi theo quán tính bởi trong nhiều phút giây tỉnh lặng một mình, cô vẫn tha thiết muốn là cô em bé nhỏ bên cạnh người thanh niên mà cô đã yêu và thán phục.

– Nếu có tiền mà những nhận định của em về cuộc sống vẫn ấu trỉ, chẳng màng tới tương lai thì em sẽ thất bại, kể cả việc kiếm tiền.

– Anh luôn luôn muốn làm thầy dạy dỗ người khác. Anh sống không thực tế thì anh cũng thất bại thôi. Đừng có mà lên lớp tui…

Trái tim Lệ như vỡ vụn trước biểu cảm của Hải sau khi nghe Lệ nói. Anh đau đớn nhìn quanh tiệm giải khát. Những thanh niên to lớn, làn da đỏ sậm màu phù sa đất ruộng đang tu bia chai như uống nước lã. Họ cười nói  bàn tán những mẫu chuyện trong các tờ báo lá cải, mở điện thoại khoe nhau các bài hát có ca từ nội dung không đầu không đuôi, không ý nghĩa. Lệ đang giống như họ và Hải biết mình đang mất Lệ hoàn toàn.

Hải đứng dậy. Anh cố nói với Lệ, dầu biết chẳng thể nào lay động được cô:

– Lệ đừng thay đổi. Anh muốn Lệ như xưa…

Rồi anh đứng dậy bước ra khỏi quán. Lệ hậm hực nói với theo:

– Không, rồi anh phải thay đổi thôi…

“ Chúng ta không thuộc về nhau… Chúng ta không thuộc về nhau…”(1)

Các thanh niên trong quán gào lên theo tiếng hát và tiếng nhạc loạn cuồng. Những lời hát đuổi theo Hải đến tận Quảng Trường thôn đúng lúc một làn sương ập đến bao quanh Hải. Anh dần quên mất mọi chuyện.

Lệ ôm gối cố nhớ lại những gì xảy ra trong buổi chiều mùa Hạ hôm ấy. Nhưng cô chỉ nhớ đến đó thì nước mắt đã vỡ oà khiến ánh nhìn cũng nhoè nhoẹt như màn sương bên kia sông.

Mùa hè ra đi, Hải ở lại thôn Tối Thượng và anh nhanh chóng được vời vào làm việc ở phòng văn hoá giáo dục Ủy Ban. Lệ chỉ ngạc nhiên khi các quán nhạc vẫn tồn tại và phát triển không có vẻ như Hải ghét bỏ nó. Điều đó khiến Lệ khấp khởi hy vọng. Có điều khiến Lệ buồn lòng là Hải không quay trở lại quán nước của cô. Một đôi lần, Lệ tìm cách gọi điện cho Hải, nhưng anh không trả lời. Họa hoằn, Hải có việc đi cùng vài người trong Ủy Ban, anh đưa họ sang quán khác và không một lần liếc mắt nhìn sang quán Lệ. Cô bắt đầu cho rằng giữa hai người không phải là tình yêu. Hải đối với cô trước sau chỉ là tình anh em, một người anh đủ để có quyền trừng phạt cô em làm trái ý mình. Nếu đã yêu nhau nhất định không phải thế. Nhưng phải như thế nào thì Lệ nghĩ hoài chẳng ra. Cô không có kinh nghiệm yêu đương. Mặc dù cô đã xem khá nhiều phim tình cảm lâm ly của Đại Hàn, nhưng hình như tình yêu của họ không giống như tình yêu của cô. Họ yêu nhau nồng nàn, cùng nói với nhau những lời yêu đương không che dấu. Cô thì không thể thổ lộ tình yêu theo kiểu của họ dù trong tận đáy lòng mình, hàng trăm lần, khi ngồi một mình bên dòng Tỉnh Thức, cô cũng tự thầm thì những câu yêu nồng cháy khiến cô đỏ mặt thẹn thùng. Rõ ràng cô chưa bao giờ sở hữu Hải và Hải cũng chẳng đòi hỏi cô điều đó.

Ngày qua, nỗi chua xót của Lệ cũng tan biến trong màn sương dày đặc của thôn Tối Thượng. Cô không còn lắng nghe trái tim mình. Cô không còn tha thiết nghĩ về một ai đó, dù đôi lúc, trong lòng cô ẩn hiện chút nuối tiếc mơ hồ ray rức không gọi được tên.

Cho đến một chiều nọ, Hải xuất hiện cùng với Quân. Họ vào quán gọi hai lon bia và bịch đậu phộng da cá. Trên tay Hải lấp lửng một tệp hồ sơ. Quân rất chú ý đến  nội dung trong đó. Họ thì thầm tranh cãi.

Lệ đến gần, cô dằn dỗi hai ly đá trước mặt Hải, nhưng tiếng va chạm của ly lẫn vào tiếng nhạc bập bùng. Quân nói:

– Cô vặn nhỏ một chút được không?

Lần đầu tiên kể từ khi mở quán, Lệ cảm thấy bực mình với những âm thanh rộn ràng. Cô vặn nhỏ âm lượng nhưng một đám thanh niên quen vừa bước vào, nhào tới tăng âm thanh lên hết cỡ.

Hải cau mày không nói, liếc nhìn Lệ.  Ánh nhìn mà theo cảm nghĩ của Lệ vừa có chút khinh miệt vừa thất vọng. Cơn giận bỗng dâng lên tràn lồng ngực… Lệ nghiến răng nuốt những lời nói vừa dâng lên cửa miệng:

– Anh là gì mà tỏ ra trịch thượng với tôi? Đây là quán của tôi, khách của tôi. Nếu không thích anh có thể bước sang quán khác.

Lệ  thay đổi thái độ, phớt lờ họ, vặn kèn bát to hết cỡ và chấp nhận để yên cho đám thanh niên choàng vai bá cổ khi đang ghi yêu cầu thức uống.

Đột nhiên Hải đứng phắt dậy. Anh quắc mắt nhìn Lệ, nói gì với Quân rồi giật phắt tập hồ sơ, bước ra. Ly đá chưa kịp tan chảy, rơi xuống đất vỡ tan. Lệ tái mặt nhìn theo cho đến khi Hải khuất sau ánh đèn xanh đỏ ở giao lộ. Cô lặng lẽ ngồi xuống nhặt từng mảnh vỡ, từng mảnh nhỏ, bất chấp một ngón tay bị sước đang rịn máu.

Bàn tay Quân chạm vào vai cô, vội vàng nói:

– Coi chừng đứt tay. Dọn giùm anh. Anh còn phải bàn bạc với nó thêm chút nữa. Ở đây ồn quá.

Lệ vẫn cúi đầu bên đống thuỷ tinh vụn nát. Hai giọt nước mắt rơi trên tay đúng ngay vào vết sước, bỏng rát. Một giấc mơ yêu vừa tan vỡ. Đó là ý thức cuối cùng Lệ còn nhớ được giữa đám sương ẩm ướt nhớt nhợt vừa siết chặt thân hình cô.

K.H

(Còn tiếp)

* Lời một bài hát của Sơn Tùng.