Dòng sông tỉnh thức (phần 7) – Truyện dài của Kim Hài

519

Dòng sông Tỉnh Thức (phần 6) – Truyện dài của Kim Hài

ẢO ẢNH VĨ ĐẠI

Mặc cho những cái lưỡi ẩm ướt làm anh tê dại, Hải đi khỏi nhà thật sớm. Anh vừa được tin chính quyền xã đã ra quyết định di dời dân thôn một lần nữa. Di dời nghe ra cũng hợp lý bởi trận lũ do đập xả nước bất thường kia gây hậu quả không ngờ. Hàng ngàn mẫu ruộng và nhà ở bên dòng Tỉnh Thức đã trôi ra biển. Bờ sông lở lói như quả dưa bở bị chuột gặm và không có dấu hiệu dừng lại. Nếu người dân cứ bám vào ruộng đồng nhà cửa sẽ có một ngày mất tất cả tài sản và có thể mất cả sinh mệnh. Nhưng có vẻ như phần đông các hộ gia đình đang rất hoang mang. Nhà cửa, ruộng vườn tan nát, họ không còn nơi để quay về, nhưng họ cũng không thích sống chung chạ mỗi gia đình một manh chiếu trong điều kiện thiếu thốn, bất tiện, mất vệ sinh ở nơi tạm trú.

Nhà văn Kim Hài 

Hải đã có mặt trong các buổi họp bàn về việc ổn định chỗ ở cho người dân. Anh đã nghe rất nhiều kế hoạch được đề ra từ các cơ sở, phòng ban. Có kế hoạch rất hoành tráng, cũng có kế hoạch đơn giản, nhưng tựu trung, khi bàn đến chi tiết thì mọi người đều câm lặng. Sẽ đưa dân đi đâu khi các mảnh đất thuận tiện cho việc canh tác đã trở thành đất dự án, đất tư nhân, đất công sở. Cuối cùng phòng địa chính đưa ý kiến:

– Phía tây của thôn vẫn còn hơn trăm hecta đất chưa khai thác. Nếu chúng ta di dân qua đó, phần đất ấy sẽ được khai phá. Dân chúng có đất canh tác sẽ không kêu ca rằng chính quyền tách dân khỏi đất. Tuy chỗ mới hạ tầng cơ sở chưa có, nhưng khi dân về, mọi thứ sẽ được lên kế hoạch từ từ.

Một giọng nói khác hoài nghi:

– Hơi khó, vì xa thôn thì làm sao làm giao thông được? Rất tốn kém.

– Chỗ đó khô cằn,toàn đá sỏi. Ai mà làm ruộng được ở đó chớ.

– Cứ lập đề án, lên quy hoạch chi tiết một… đô thị… không… nghe lớn quá..hay là.. thị phố…có vẻ chợ búa…

– Dù là nông thôn mới, nhưng dân mình chuyên trồng lúa… Phải có cái tên nó vừa hội đủ hai yếu tố: nông thôn và đô thị.

– Nông đô đi…nông đô mới…hay…hay…

Nhiều tiếng xuýt xoa:

– Trưởng thôn cừ quá..sáng tạo thiệt…

– Rất trí tuệ…

Trưởng thôn toét miệng hết cỡ, nói tiếp:

– Đường liên thôn, nối nông đô mới, trục lộ 25m, 4 làn xe. Có nhà đầu tư nào từ chối miếng mồi béo bở đó.

– Có thề. Chúng ta sẽ xin trung ương hổ trợ, trước nhứt là về thủ tục.

Miếng mồi béo bở thật. Tất cả nhìn nhau, ước lượng, trao đổi bằng ánh mắt. Một nông đô mới vừa chỉ manh nha ý tưởng đã nảy sinh rất nhiều mộng tưởng. Trưởng thôn bấm điện thoại trước nhất, rồi tới các trưởng phòng ban. Mọi người tản ra, không ai nhớ đến những người dân thường sẽ đứng ở vị trí nào trong cái kế hoạch di dời đó.

Hải nghi hoặc nhìn những gương mặt đăm chiêu đầy tính toán của đồng nghiệp. Cái lạnh vẫn còn chà sát tấm lưng anh khiến mọi ý nghĩ đông cứng trong đầu. Anh có cảm giác mình đang bị kìm hãm bởi một sức mạnh xấu xa nào đó. Anh muốn thúc giục mọi người trở về chỗ ngồi. Anh muốn họ phải nhìn ra những giới hạn của một thôn, dù giờ đây nó đã có một cơ cấu vượt trội, nó có quyền nuốt trọn một thôn khác nếu thôn đó yếu thế và không được lòng chính quyền cấp trên. Không ai nhìn nhận ra sự yếu kém của bản thân, thứ giới hạn vừa thực tiễn và cũng vừa mơ hồ nhưng là cái giới hạn chết người.

– Chúng ta sẽ không bao giờ làm được. Đầu tiên là thủ tục. Một nông đô mới sinh ra từ một thôn xã. Mọi người biết nói đùa nhỉ! Tôi thiết nghĩ khi mục tiêu trở thành nông thôn mới còn chưa cán đích, mọi người cần xem lại và dồn công sức của thôn vào mục tiêu này.

Hải buột miệng nói to. Lời nói không rút lại được.

Nhiều đôi mắt nhìn Hải xoi mói lẫn đe dọa. Hải toát mồ hôi lạnh. Anh có cảm giác mình vừa làm chuyện gì sai, rất sai. Giá như anh biết độn thổ, có lẽ anh đã biến ra khỏi phòng ngay lập tức.

Người bước khỏi phòng họp sau cùng quay lại. Đôi mắt người phụ nữ trung niên liếc nhìn anh sắc lẽm. Chiếc áo xẻ ngực quá đà phập phồng theo từng hơi thở thơm mùi nước hoa đắt tiền. Trưởng phòng y tế, bà Thủy, mỉm cười nhìn Hải. Bà nói nhỏ nhẹ bằng chất giọng mượt như nhung:

– Sao anh chắc chắn dự án này không thực hiện được. Có cần phải đưa ra hội đồng phản biện?

Hải muốn nói gì đó nhưng anh không thể thốt ra lời dù cảm giác xấu hổ vì sự hèn nhát của mình khiến mặt anh sượng sùng. Hải biết bà Thủy không đơn thuần là một trưởng phòng. Tiếng nói và uy tín của bà ở Ủy Ban rất lớn. Bà can dự vào hầu hết các quyết định của thôn. Nếu nói theo một cách nào đó, bà có thể nâng người ta lên hay kéo xuống vũng lầy chỉ bằng một cái gật hay lắc. Từ lúc về thôn, bà Thủy đối với Hải có chút nể trọng, có lẽ vì anh là một trí thức thực sự, cũng như bà. Vì thế cho nên Hải không muốn mình trở thành mục tiêu đối đầu của bà. Anh nói nhẹ nhàng:

– Không…. Có điều, tôi nghĩ để một dự án thành công, thời gian và tiền bạc là yếu tố chính. Trong khi chờ quyết định của cấp trên, dân chúng sẽ ở đâu, lấy gì sống? Vụ Đông Xuân sắp qua, mạ giống trôi hết, vườn cây lâu năm tan nát…

Bà Thủy mở ví, lấy ra cặp mắt kiếng, nhạt nhẽo nói mà không nhìn Hải:

– Cậu nói cũng có lý.

Hải định nói tiếp. Những điều anh muốn bày tỏ còn rất nhiều. Một nơi sinh sống gắn liền với đất đai ruộng vườn cho dân thôn. Một trạm xá y tế có nhiều lương y giỏi chớ không phải cái bệnh viện to đùng, trống rỗng, vắng vẻ kia. Một trường học tiện lợi với những giáo viên ưu tú yêu nghề. Vân vân và vân vân….

Nhưng lời chưa thốt ra đã ngưng lại từ cổ họng khi nhìn thấy gương mặt nhăn nhúm của bà Thủy. Giọng bà tựa tiếng rít của cơn gió chướng:

– Mà này, hiện tại cậu chỉ được tham dự họp chớ cậu đâu có quyền đưa ý kiến. Và cậu cũng đâu còn ở trong ủy ban kế hoạch phát triển thôn. Đúng không?

Câu nói làm đông cứng mầm hứng khởi vừa mới manh nha trong đầu Hải. Anh gật đầu rồi dợm bước đi, nhưng bỗng bà Thủy lại gần anh. Đôi mắt ẩn sau cặp kiếng mát màu xanh be chăm chú nhìn anh một giây rồi hất hàm, khua tay:

– Đi với tôi. Kế hoạch của thôn ta lớn hơn cậu nghĩ đấy…

Hải mụ mị đi theo bà Thủy. Lúc ngồi trên chiếc xe Toyota màu đen, Hải cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rồi Hải không nghĩ gì nữa khi chiếc xe lướt rất nhanh qua những khu vườn tan hoang, những cánh đồng ít ỏi bị nước tràn tàn phá, những túp lều tạm bợ ven đường, những đôi mắt hoang hoải  trên những tấm thân gầy thiếu đói, tuyệt vọng. Trái tim Hải chợt co thắt một nổi đau không thể nào trút bỏ. Anh cúi đầu vào lòng bàn tay, cảm giác đau nầy vừa lạ vừa quen. Anh cố gắng sắp xếp giòng suy nghĩ của mình nhưng không tài nào được dù trong khoảng khắc…

Chiếc xe dừng lại trên lưng chừng đồi, trước một rừng cây phòng hộ. Từ khi còn bé, anh đã biết đến khu rừng núi này. Nguyên thủy, đây là một dãy núi thấp liền đồi, bạt ngàn sim tím và cây móc dại.  Triền đồi thấp dần nối tiếp tạo thành vòng cung lũng thấp, kéo dài đến tận đầu nguồn dòng Tỉnh Thức. Có lẽ hàng trăm năm trước, nước cuốn trôi đất màu, dồn tụ dưới thung lũng biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ, tạo nên những cánh đồng  xanh lúa, những vườn cây no trái. Dự án đập thủy điện làm thay đổi cục diện đất đai. Dòng chảy con sôngTỉnh Thức thay đổi khiến đất đồi cằn khô. Viện lý do an ninh, và thiếu nước ngọt, dân không được canh tác ở đây mà dời về phía cuối giòng. Phần còn lại ủy ban đã quyết định trồng lại rừng phòng hộ ngăn lũ.  Thế nhưng tại sao hôm nay bà Thủy lại đưa anh đến đây để giới thiệu một dự án đồ sộ mới của thôn?

Bước ra khỏi xe, Hải ngạc nhiên khi nhìn thấy con đường nhựa lớn được xây dựng tự lúc nào, và chỉ vài bước chân, trải ra trước mắt anh là hàng chục  căn biệt thự lộng lẫy tuyệt đẹp bề thế trên lưng chừng đồi. Đây không còn là một kế hoạch làm dự án mà là một dự án đã hoàn thành.

Bà Thủy hất hàm:

– Cậu thấy sao?

Hải lúng túng. Chẳng lẽ đây là một phần của khu tái định cư? Trong anh, ẩn hiện mơ hồ một nổi khao khát kỳ dị, vừa lạ vừa quen. Những hình ảnh quảng cáo về các tòa nhà khách  sạn cao ốc với nội thất sang trọng, tiện ích vượt trội, không gian tuyệt vời, mà ai nhìn cũng ao ước giá như mình được sở hữu chúng trong đời, giờ đây hiện ra rất thực trước mắt anh, trên chính quê hương anh. Chưa gì mà anh đã tưởng tượng ra cảnh anh cùng gia đình quây quần trong phòng ăn, chung quanh chiếc bàn gỗ rộng trải khăn màu kem viền đăng ten điệu đàng. Bát đĩa bằng men sứ trắng toát, những chiếc ly thủy tinh trong suốt sóng sánh thứ nước đỏ tươi trong âm thanh dịu nhẹ của tiếng nhạc phát ra từ dàn nhạc nhỏ xíu gọn nhẹ dấu sau chậu hoa hồng thơm ngát ở góc phòng. Tim anh chợt rung lên khi nghĩ mình sẽ sở hữu căn nhà mơ ước đó.

Bà Thủy liếc nhìn gương mặt như ngây như dại của Hải, môi nở một nụ cười đầy ẩn ý.

– Rất đẹp phải không? Nhưng nó không dành cho chúng ta.

Hải hụt hẫng nhìn bà Thủy. Bà vừa bỏ chiếc kính mát, ánh mắt dõi suốt từ trên đỉnh cao rồi đảo ngang dọc những căn biệt thự lấp ló sau đồi. Giọng nói không đổi màu, lạnh lùng:

– Đây là những căn hộ ngoại giao. Không có nó, chúng ta không thể có kinh phí để làm dự án. Các anh chị ấy đã giúp thôn chúng ta nhiều năm qua để thôn mình trở thành thôn sớm nhất đạt được chỉ tiêu, danh hiệu nông thôn mới. Phải có gì đáp lễ chứ. Đó là văn hóa phương Đông mà… (Bà cười nhạt, lập lại) Cái này không dành cho chúng ta.

Hải rất nhanh, trở lại thực tế. giọng anh có một chút chua chát:

– Nếu không làm khu biệt thự này, chúng ta dư sức làm được nhiều khu định cư cho dân thôn.

Bà Thủy cười lớn trước sự ngu ngơ của Hải. Bà nói với một chút tự đắc:

– Cậu ngây thơ quá đấy… Còn phải học hỏi nhiều. Bớt đi các nguyên tắc xơ cứng sư phạm, cậu mới có thể tiến thân. Một căn biệt thự này có thể đổi lại dăm ba dự án với tiền ngân sách đó. Và cậu cũng cần phải biết là tất cả khu nầy đã có chủ sở hữu, có điều chưa có ai đến ở.

Hải rùng mình. Một vệt sáng cắt ngang màn não tăm tối của anh. Những ngôi nhà đã hoàn tất, có nghĩa nó đã được làm cách đây đã lâu, trước khi giòng Tỉnh Thức sụp lở. Họ đã biết trước. Họ đã biết mọi thứ, dự trù mọi thứ kể cả khu di dời cằn khô kia và giờ chỉ là hợp thức hóa trước mắt người dân, hoặc những cán bộ như anh. Trên đường về, Hải im lặng. Bà Thủy liếc nhìn anh,  giọng lạnh băng:

– Chẳng phải các anh ấy không suy nghĩ cho người dân đâu. Nếu dự án dân cư phía tây được duyệt, các cán bộ nhân viên  cũng được phân đất ở dọc tuyến đường mở rộng bên ngoài mà.

Hải không dằn được:

– Hình như dự án đã được lên kế hoạch trước…?

Bà Thủy không trả lời chăm chú lái xe. Dù biết chắc chắn sẽ chẳng ai trả lời ngoài thực tế hiển nhiên trước mắt, nhưng Hải vẫn cảm giác tức nghẹn. Anh liên tưởng đến lần xả lũ bất ngờ vừa rồi. Số người chết, bị thương, cuộc sống điêu đứng và thay đổi chóng mặt, những hệ lụy. Anh rùng mình…

Khi xe bắt đầu đi vào con đường thôn quen thuộc, bà Thủy dừng xe, cầm điện thoại nhắn vài dòng. Sau đó bà quay sang Hải trầm giọng:

– Cải cách nông thôn mới cũng giống như dòng thác lũ. Nó sẽ cuốn trôi bất cứ vật nào cản đường. Chúng ta phải hoàn tất càng sớm càng tốt. Bây giờ không phải lúc ngồi nói lý lẽ hơn thiệt mà phải bắt tay làm. Kết quả nếu tốt đẹp, mình còn lo gì đến những phản ứng tức thời của dân!

– Vậy, cuộc sống của dân thôn hiện tại? Liệu mọi người có sống được? Làm sao họ có thể quên được những người thân vừa chết? Ai chịu trách nhiệm hoặc đền bù nổi về những tổn thất đó?

– Lý lẽ nhàm chán…

Bà Thủy bĩu môi, nói tiếp:

– Cũng phải có hy sinh, đau khổ nếu muốn nhận được hạnh phúc chứ!!! Chúng tôi kỳ vọng nhiều ở cậu. Cậu đã nằm bắt được mọi vấn đề rồi thì triển khai đi. Hãy xoa dịu và giải thích tất cả cho dân thôn hiểu. Mục đích của chuyến đi này là vậy. Tương lai chính trị của cậu bắt đầu từ giờ phút này đó.

– Tương lai?

Hải lẩm bẩm. Anh đã nhìn thấy tương lai của thôn xóm qua những dự án đồ sộ nguy nga. Hàng trăm dự án tương lai vẫn còn trên trang giấy. Hàng chục công trình dang dở. Những công trình hoàn thành thì rỗng tuếch, vắng vẻ. Có lẽ sự vĩ đại của kế hoạch đổi mới đều được nhìn qua các hình chiếu trong sương. Đó chỉ mới là ảo ảnh.

Hải quyết định phải về nhà ngay buổi chiều hôm nay.

Căn nhà không còn chỗ cũ. Tất cả những gì còn lại chỉ là một túp lá tồi tàn che chắn tạm bợ. Hầu hết những người trở về nhà đều tề tựu nơi đây. Họ căng bạt, thu gom những vật liệu còn lại sau lũ, vá víu một chỗ ở tạm bợ. Mùa mưa đang đến, ai mà biết con đập có còn xả lũ vô tội vạ lần nữa không? Lẽ ra họ nên ở lại trong khu thể thao. Chí ít, gió mưa và lũ sẽ không thể cuốn phăng họ một lần nữa. Nhưng không hiểu sao mùi đất ruộng bám vào họ như những sợi giây tơ hồng vướng vít cột chặc họ với mảnh vườn, nếp nhà quen thuộc, cho dù giờ đây chúng chỉ còn trơ cái nền lầy lội nổi chìm bên giòng sông lở lói.

Hải gặp ba má mình khi ông bà đang giúp nhau cột lại cánh cửa bằng miếng tôn cũ rỉ sét. Cũng nụ cười lơ đãng chịu đựng tương tự như tất cả người dân trong thôn, ông bà Quang như quên mất mình từng có một ngôi nhà vườn tươm tất và một miếng ruộng làm lúa đủ ăn.

– Ba má…

– Ùa. Thằng Hai về đó ông.

Bà Quang đập nhẹ lên vai chồng. Cả hai ông bà mừng rỡ đứng bật dậy. Cánh cửa chưa được cột chặt lung lay rồi trĩu nghiêng một bên suýt bập phải chân ông Quang. Hải vội vàng kéo ông tránh một bên, siết lại sợi giây thép lỏng lẻo cho cánh cửa đứng vững trở lại. Anh thử mở đóng hai ba lần trong khi bà Quang vội vàng lấy ra một cái ghế đẩu.

– Con ngồi xuống đây đi, đã cơm nước chi chưa? Tối nay ngủ nhà hay vô cơ quan?

Hải đưa mắt thoáng qua căn nhà lung lay trong gió, ngần ngừ một giây trước khi gật đầu:

-Dạ, con ở nhà.

Có tiếng lao xao rồi chợt từ sau vang lên nhiều tiếng nói. Hải đứng phắt dậy. Sau lưng anh là những bà con, chòm xóm. Biết anh về, họ vội vàng đến mang theo bao nổi ẩn ức và trông mong. Từ con hẻm nhỏ bên hông, một giọng nói to át tiếng:

– Cán bộ thôn xuống rồi, có tin gì không hè?

– Bác Sáu. Con, Hải đây mà… Con về thăm nhà.

Những tiếng nói im bặt. Một thoáng lặng. Mấy giây sau, ông Sáu đằng hắng dịu giọng:

– Ừa, cháu về thăm nhà? Nhưng còn nhà đâu mà thăm. Hầu như gần một thôn Thượng bị quét hết. Bà con coi như nhặt nhạnh được chút nào hay chút đó. Cho đến bữa nay, bờ sông vẫn còn tiếp tục sụp lở. Chẳng biết chính quyền tính toán gì không chớ chẳng thấy ai xuống giải thích cho dân mà chỉ nghe tin đồn với tin đồn…

Một phụ nữ còn trẻ ẳm con nhỏ chen ngang:

– Vô 50 thước là hành lang an toàn rồi, hổng làm nhà ở hay vườn tược gì được đâu.

– Khi nào mình được tiền cứu trợ, hở cháu?

– Bà con giờ đói lắm rồi, ăn không đủ no.

Ông Quang thở dài:

– Chỗ ở không còn, vườn không, ruộng không. Lấy gì sống.

Một thanh niên mình trần, mắt dán vào chiếc điện thoại trên tay, cất giọng lười biếng:

– Lâu rồi tui quên mất chyện làm ruộng. Chừ chỉ cần nhà Nước cho tiền cứu trợ, xây nhà ở là tốt nhứt. Ham chi ba cái công ruộng làm mệt xác mà được bao lăm. Các bác có thấy vậy không? Dân thành phố có làm ruộng đâu mà vẫn ăn trắng mặc trơn đó…

– Ha Ha… nông thôn mới không cần ruộng. Chuyển đổi hết sang công nghiệp mới mau giàu.

Có nhiều tiếng thì thầm đằng sau:

– Mấy đứa đó là dư luận viên của thôn. Tụi nó có mất nhà mất ruộng đâu mà tiếc.

– Nghe nói có dự án khu vui chơi ven sông, định làm du lịch gì đó, có không anh Hải? Lúc đó tui xin làm hướng dẫn viên du lịch…he he…

Một giọng nói chắc chắn như đinh đóng cột:

– Hổng phải đâu. Hình như có dự án rì sọt ven sông… Thôn sẽ đền bù hậu hỉnh cho dân. Tui biết chắc vì có thằng cháu pho to cái văn bản xin đầu tư cho Ủy Ban. Nước ngoài đầu tư rất hoành tráng nên đền bù cũng lớn… Làm rì sọt chớ ít chi.

– Mấy năm trước, thôn lấy đất làm dự án, làm thủy điện. Nhờ tiền đền bù mà ai cũng có xe máy, có điện thoại, TV. Chừ làm rì sọt, ngon hơn trước, chắc lần ni ai cũng giàu.

Những cặp mắt đang lờ đờ chợt sáng lên chút hy vọng. Gương mặt mọi người vui hơn. Nổi lo dần phai.

Ông Sáu thở dài:

– Cứ hai ba năm lại dời dân lấy đất. Kế hoạch chi mà lạ. Biết đâu có ngày dân mình tản cư đi nơi khác để nơi đây thành đô thị???

Lời của bác Sáu lạc lỏng và tan biến. Ý tưởng của ông quá xa lạ với những suy nghĩ của mọi người. Không phải là ai cũng hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ xảy đến tức thời, nhưng rõ ràng họ không dám nghĩ đến những điều tồi tệ hơn bây giờ. Ai cũng muốn loan truyền những điều họ mong muốn hơn là họ được nghe được biết. Mỗi người một câu. Tin tức truyền miệng dồi dào đến độ Hải há hốc miệng vì ngạc nhiên. Toàn những tin đồn vô căn cứ.  Anh không nghĩ có một kế hoạch điên rồ như vậy dựng lên cho những gia đình nông thôn dù… mới, như người dân quê anh. Nhưng hình như những người dân quê thôn dã của anh đã tin. Họ từng một lần được đền bù đất ruộng, đã ăn sung mặc sướng, đã đổi đời một lần, và họ lại hy vọng lần này. Song Hải biết, lần này sẽ chẳng có ruộng, có đất mà là những khu nhà trên vùng đất khô cằn nhất thôn. Xa dòng Tỉnh Thức, họ sẽ làm gì với mảnh vườn bé tí, với đám ruộng sỏi đá. Anh biết chuyện đền bù sẽ có bởi trong tầm tay của những nhà đầu tư, nhưng chắc chắn không phải người dân hưởng trọn. Người đầu tư ngày càng khôn ra. Họ biết sẽ đứng về phía ai để có lợi nhất, trong khi cái túi của quan chức không bao giờ có đáy. Dân có thể đã khôn ra, nhưng cái khôn của họ đa số bị giới hạn bởi bản chất nông dân, bởi nghèo kiến thức phát triển, làm giàu, nên nếu không được nâng đỡ truyền dạy, không có một chính quyền tận tâm tận lực, họ sẽ khó đổi đời như mong ước.

Bác Sáu im lặng nhìn Hải. Anh không thể nhìn thẳng vào mắt bác. Không hiểu sao anh cảm thấy mình có lỗi về tất cả mọi chuyện, kể cả cái chết tức tưởi của Quân, cả trận xả lũ cuốn trôi thân xác người bạn thân ra biển. Nỗi đau của bác Sáu, một người cha mất con, một người dân mất đất mất nhà, quá lớn, anh khó lòng gánh nổi.

– Từ hồi lập thôn tới nay, dòng Tỉnh Thức rất êm. Mùa mưa lũ, nó cũng chỉ tràn bờ chút đỉnh, lồng lộn chút đỉnh rồi thôi. Chỉ khi đập thủy điện xây dựng, dòng sông trở nên hung hãn, bạo liệt. Lời hứa của cán bộ trong đợt di dời đầu tiên như gió bay à. Họ nói thủy điện sẽ đem lại cơm no áo ấm cho dân làng. Đất đai ruộng vườn tuy thu nhỏ một chút, nhưng dân không thiếu nước, thiếu điện, hồ chứa tôm cá ổn định… nói đủ thứ. Chừ lại nói do thiên tai, do mực nước không ổn định, xả lũ đúng quy trình… gì gì đó… Nếu mọi thứ đều tốt đẹp thì tại sao lần này lại muốn di dời bà con khỏi chỗ ở của họ. Dời nhà giống như cháy nhà. Cháu nghĩ bà con mình không muốn sống nữa sao? Mà dời đi đâu chứ? Cả thôn ai không biết chỉ có thung lũng cũ và chỗ này mới có thể làm ruộng trồng rau. Thung lũng đã nhường chỗ cho thủy điện,  giờ chỗ nầy cũng phải đi, là lý lẽ gì đây?

Hải nghẹn họng. Anh không biết phải nói gì với mọi người, với bác Sáu. Hình như có một kẽ hở trong trái tim anh, máu nóng vọt ra dốc tràn lên từng mạch máu, bốc lên đầu. Anh nhớ đến vùng đất đồi phía tây khô cháy. Anh nhớ đến những căn biệt thự hiện đại râm mát của các quan chức mà anh đã từng ao ước được sở hữu. Đầu anh muốn vỡ tung vì xấu hổ. té ra anh cũng ham muốn, hưởng thụ, thỏa hiệp như họ. Từ khi nào mà anh gục ngã vào đống bùn đó? Hải nói to như muốn dập tắt ngọn lửa tham lam đang manh nha nhen nhúm trong lòng mình:

– Đối với nghề nông và làm vườn, nước tưới tiêu cần còn hơn phân bón. Mọi người không thể rời xa con sông này.

Một thanh niên chen nói:

– Thì như mấy cán bộ nói, mình đâu cần làm nông nữa. Nông thôn mới phải xử dụng công nghệ để làm giàu. Làm ruộng làm vườn chỉ đủ ăn, mất mùa là đói kém.

Ông Sáu quắc mắt:

– Nhưng cái đầu bây có biết công nghệ chi không? Đầu tôm mà tưởng trí thức lắm

– Vậy ông Sáu có cách chi để kiếm việc cho thanh niên trong thôn không? Ông Sáu còn thất nghiệp chớ nói chi kiếm việc cho bọn này…ha ha…

Tiếng cười tắt đột ngột khi một phụ nữ gầy ốm thơ thẩn đến. Trên tay bà đung đưa một cái khăn rằn. Đôi chân trần bê bết đất và cả người bà cũng đính đầy bùn đất. Đôi mắt trống rổng vô hồn.

– Má Năm, sao má ra đây làm chi? Đã ăn uống gì chưa?

Một phụ nữ trung niên chạy theo má Năm, kéo tay áo bà. Hải không nhớ hai người phụ nữ này. Anh hơi ngạc nhiên vì hầu như anh biết mặt hết tất cả dân thôn, nhất là những người lớn tuổi. chỉ riêng đám thanh niên trẻ thì anh chưa biết hết thôi.

Anh đưa mắt có ý hỏi ba má, nhưng ông bà Quang không tỏ thái độ gì. Hải quay nhìn má Năm một lần nữa, anh nhíu mày cố nhớ bà là ai. Và như phải bỏng, anh đứng phắt dậy, thối lui một bước. Anh dụi mắt, ngẩn người nhìn một thanh niên xuất hiện sau lưng má Năm. Anh đang mơ? Quân, người bạn thân, người đã chết và xác bị lũ cuốn trôi đang đứng đó, mạnh khỏe, gương mặt góc cạnh, đôi mặt sáng, khuôn miệng cương quyết. Hải bối rối. Anh nhìn xuống hai bàn tay  với hy vọng lúc ngẩng đầu lên, hình ảnh Quân sẽ biến mất. Nhưng không, đôi mắt anh lại lần nữa bắt gặp ánh mắt của Quân. Quân đang chăm chú nhìn Hải, lạnh lùng, xa lạ và đầy dò xét. Hải lắp bắp:

– Quân??

Những người khác hình như không nhìn thấy Quân. Cả bác Sáu, ông bà Quang và người thôn. Hải kêu bác Sáu nhưng vừa lúc đó, một tiếng khóc thét ré lên kèm tiếng kể lễ của má Năm.

– Mấy đứa cháu tội nghiệp của tui. Tụi nó đang ngủ. Tui bắt tụi nó ngủ sớm. Vậy là nó ngủ miết, không đứa nào chịu dậy. Con ơi, thằng Nhơn, con Lành ơi, tới giờ cơm rồi… Bây đi miết… đi miết…

Má Năm chạy tới ôm chầm lấy Hải. Hải bối rối gỡ tay bà. Tiếng kể lẻ chen vào những tiếng bàn tán xôn xao.

Khi người phụ nữ đỡ lấy má Năm dẫn đi, anh vội vàng ngẩng đầu tìm quanh. Quân không còn ở đó. Bác Sáu cũng không. Mọi người tản mất trong bóng đêm đang phủ màn sương giá. Hải cảm giác như mình vừa qua một cơn mơ. Anh thờ thẩn đến bên ông bà Quang. Hai người nhìn anh nở nụ cười hớn hở như một đứa trẻ.

K.H