Hậu cung có nghìn mỹ nhân luôn đua nhau phô bày mọi vẻ đẹp tài sắc để tranh sủng. Tuy nhiên, họ có một khuyết điểm cơ thể không bao giờ muốn vua nhìn thấy.
Nụ cười như hoa, mỹ nhân như ngọc dường như đã trở thành hình tượng người đời hình dung về phi tần Trung Quốc xưa. Không chỉ tinh thông cầm, kì, thi, họa, trong cuộc đấu đá chốn hậu cung ấy, nhan sắc luôn là “vũ khí” lợi hại nhất để các nàng sử dụng nhằm chiếm lấy ánh mắt của hoàng đế.
Ảnh minh họa.
Các mỹ nhân, phi tần luôn cố gắng phơi bày mọi vẻ đẹp của cơ thể: Khuôn mặt xinh như hoa, vóc dáng thanh thoát, uyển chuyển, đôi tay thon thả, mịn màng.
Ảnh minh họa.
Thế nhưng, các mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành này lại không muốn hoàng đế nhìn thấy đôi chân của mình. Được biết, sở dĩ các phi tần không dám để lộ đôi chân là vì họ đã thực hiện bó chân khiến đôi chân bị biến dạng khủng khiếp.
Hình ảnh đôi giày phải mang khi bó chân.
Có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc của tục bó chân ở Trung Quốc, nhưng giả thiết được nhắc tới nhiều nhất đó là câu chuyện của vua Hán Thành Đế và cung phi Triệu Phi Yến. Nàng đã quấn những dải lụa quanh chân và nhảy múa khiến nhà vua vô cùng thích thú, ngợi khen bàn chân nàng là “Kim liên tam thốn” (gót sen ba tấc). Từ đó, “đôi chân gót sen” được đồn thổi là thứ có thể khiến lòng vua say mê, các cung tần mỹ nữ cũng theo đó bắt chước.
Ảnh minh họa.
Khi nghe những cụm từ hoa mỹ mà người ta dùng để miêu tả đôi chân sau khi bó “bàn chân hoa huệ”, “chân gót sen”,… người ta liên tưởng đến đôi bản chân nhỏ nhắn, uyển chuyển nhịp nhàng theo từng bước đi. Nhưng thực tế, bên trong đôi hài được thiết kế đặc biệt dành riêng cho “gót sen ba tấc” ấy lại là những bàn chân gần như “dị dạng”.
Một phụ nữ thời xưa với đôi chân bị bó biến dạng.
Một đôi chân phụ nữ không bị bó bên cạnh một bàn chân gót sen.
Với quan niệm kích thước lý tưởng của bàn chân chỉ là 7,5 cm, đôi chân người lớn sau khi bị bó lại với kích thước bàn chân của một đứa trẻ khiến người phụ nữ phải chịu nhiều đau đớn. Quan niệm về chân “gót sen” cũng ngày càng được lan truyền rộng khắp, không chỉ phụ nữ chốn hậu cung mà hầu hết mọi người con gái Trung Quốc thời bấy giờ đều bất chấp tất cả để sở hữu đôi gót chân thon nhỏ.
Người mẹ hoặc người bà trong gia đình sẽ bắt đầu bó chân con gái, cháu gái họ khi đứa trẻ 2 – 5 tuổi. Đây chính là khoảng thời gian xương bàn chân chưa phát triển hoàn thiện, dễ uốn nắn tạo hình. Người ta phải ngâm chân các bé gái trong nước ấm pha thảo dược và máu động vật. Đến khi đôi chân có vẻ mềm chút, người ta sẽ nắn bóp, xoa nhẹ rồi bẻ quặp các ngón chân xuống và ép vào lòng bàn chân. Từng ngón một rồi xương vòm chân bị bẻ gãy, người ta quấn thật chặt lại trong vải.
Thỉnh thoảng, người ta lại tháo vải ra rồi tiến hành lại quy trình: Đập dập xương chân rồi bó lại sao cho càng nhỏ càng tốt. Nhiều người bị hoại tử, nhiễm trùng, mưng mủ ở chân vì quá trình đau đớn kéo dài hàng năm trời. Kể cả về sau, khi đã về già, đôi khi những bàn chân vẫn nhức nhối do trái gió trở trời.
Dù đã phải trải qua nhiều đau đớn để có được đôi bàn chân đáp ứng được tiêu chuẩn vẻ đẹp thời ấy, nhưng người phụ nữ luôn coi bàn chân như một bộ phận riêng tư và giấu kín. Đặc biệt là trong hoàng cung, khi ở bên hầu hạ hoàng đế, các cung tần đều cố gắng không để lộ đôi chân trần xấu xí, dị dạng của mình. Họ muốn giữ được hình ảnh đẹp đẽ hoàn mỹ của mình để duy trì thánh sủng của nhà vua.
Trịnh Hiền/Người đưa tin