Du Tử Lê, Từ Công Phụng – Con dế buồn tự tử giữa đêm sương!

56
(Vanchuongphuongnam.vn) – Du Tử Lê viết bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi bảy. Con số 67 chính là hai số cuối của năm làm bài thơ.
Cô giáo Huyền Châu là người yêu đầu tiên của nhà thơ Du Tử Lê. Cuộc gặp gỡ run rủi và đầy tình cờ năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai, đã khiến họ yêu nhau. Nhưng vì nhiều sự khác biệt, cũng như vì những éo le, trắc trở, vẫn thường, mà cuối cùng, họ đã không thể đi đến hôn nhân được với nhau. Trong giai đoạn yêu nhau, chàng trai lính chiến Du Tử Lê đã làm nhiều bài thơ để tặng cho Huyền Châu và có Bài Huyền Châu, được đăng báo.
Hai năm sau khi Du Tử Lê viết Khúc Thêm này, năm một ngàn chín trăm sáu mươi chín, Từ Công Phụng đã phổ thành ca khúc mang tên Trên Ngọn Tình Sầu. Cái tên Trên Ngọn Tình Sầu là do Du Tử Lê chọn và đặt.
Nhân vật chính trong bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu đã qua đời năm hai ngàn không trăm mười một, và người viết bài thơ, nhà thơ Du Tử Lê, cũng đã mất vào năm hai ngàn không trăm mười chín.
******
II/
Mười tám tuổi, Từ Công Phụng đã viết bài Bây Giờ Tháng Mấy. Ông lập tức nổi tiếng sau đó, khi ca khúc được khán thính giả khắp nơi yêu thích. Ông chơi thân với vợ chồng ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương và cùng họ thành lập ban nhạc Ngàn Thông, chơi hàng tuần cho đài phát thanh Đà Lạt.
Nhận xét về Từ Công Phụng, Du Tử Lê cho rằng: Nhiều tình khúc của Từ Công Phụng được cất lên từ sân trường, các giảng đường đại học, trước khi chúng xuống đường, bước về đại chúng. Lớp thính giả đầu tiên của Từ Công Phụng là thanh niên, sinh viên. Họ đón nhận ông, như đón nhận một phát ngôn nhân tình yêu gần gũi, đằm thắm nhất của họ. Họ cũng tìm thấy hình bóng, trái tim họ, trong cả những tình khúc chia, lìa, phụ rẫy nhất, của họ Từ.
Tôi không biết Từ Công Phụng tìm đến với âm nhạc, hay, âm nhạc đưa tay gõ, những tiếng gõ rụt rè đầu tiên, nơi cánh cửa tâm hồn, khi ông mới mười ba tuổi, lúc còn theo học bậc tiểu học ở quê hương Phan Rang, Ninh Thuận.
******
III/
(Dưới đây là bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu và lời nhạc của Trên Ngọn Tình Sầu. T là thơ và N là nhạc)
T: hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
N: hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, từ những ngày con nước về
**
T: trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
N: ngoài trời mưa mau ngoài trời mưa mau, tay vuốt mặt không cùng
**
T: bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
N: bầy sẻ cũ hom hem, chiều mái xám rêu xanh
**
T: trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
N: trời êm cao chân nhỏ, cũng không về trên dòng sông tội lỗi
**
T: cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người
tôi hiu hắt từ mắt em ngắt tạnh
N: tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
**
T: môi thâm khô từ thuở định xin hôn
N: môi thâm khô từ thuở định hôn người
**
T: ngày tháng hạ khi không mà trở rét
N: ngày tháng hạ khi không mà trở rét
giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
**
T: em khi không mà trở mặt điêu ngoa
N: sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa
**
T: tay trông ngóng hương đưa mùi tóc mạ
ngọn me xa thở ký ức rì rào
chiều qua đó chân ai còn ríu rít
N: chiều qua đó chân ai còn ríu rít âm thưa
**
T: lời ai say cho trời đất lại gần
N: lời ai ru như mơ cho trời xuống thật gần
**
T: kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi
con dế nhỏ lớn lên đằm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
N: người trông ngóng hương đưa
**
T: lá oan khiên lả tả mái hiên người
N: mùi mái tóc đêm mưa
nhẹ theo lá oan khiên
lả tả mái hiên người
**
T: tôi èo uột từ những ngày cả gió
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
N: tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh
con dế buồn tự tử giữa đêm sương
**
T: bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
N: bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
**
T: ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ
N:
**
T: em ở đó bờ sông còn ấm cát
N: em ở đó bờ sông còn ẩm cát
**
T: con sóng tình vỗ mãi một âm quên
N: con sóng tình vỗ mãi một âm quên.
******
IV/
Nếu bài thơ Khúc Thụy Du đề cập đến nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh của con người trong thời buổi chiến tranh, và khi qua tay Anh Bằng, nhạc sĩ đã biến nó thành một bài nhạc tình thuần khiết; thì trong bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu của Du Tử Lê, cũng y hệt vậy, từ một chuyện tình không thành, rất buồn, khi sang nhạc của Từ Công Phụng, lại mang vẻ trong trẻo, hồn nhiên, ngây thơ của những mối tình đầu, những mối tình ban sơ, vốn còn nhiều dại khờ, non nớt.
Từ một mối tình cụ thể, rất riêng. chỉ của Du Tử Lê dành cho Huyền Châu, khi chuyển sang ca khúc nói về tình yêu, chắc là Từ Công Phụng không khỏi gặp ít nhiều khó khăn. Xem phần so sánh thơ ban đầu và lời nhạc sau đó mà tôi đã viết ra ở trên, hẳn các bạn cũng thấy, Từ Công Phụng đã phải thay đổi, thêm vào, cắt đi, có đến năm mươi phần trăm của bài thơ gốc ban đầu.
Nói khác đi, bài thơ 67, Khúc Viết Thêm Cho Huyền Châu của Du Tử Lê là một bài thơ rất hay. Giai điệu của ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu của Từ Công Phụng cũng rất lãng mạn, rất đẹp và rất thơ. Chỉ là, phần lời của Trên Ngọn Tình Sầu đã phải chuyển thành một nội dung khác so với nội dung gốc ban đầu.
******
Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi, bắt đầu từ những ngày nước lớn, nước lớn đổ về.
Đó là những ngày trời mưa, những ngày ngoài trời mưa mau, tay vuốt hạt, những hạt mưa không ngừng tuôn đầm đìa trên mặt.
Là những ngày mà bầy sẻ cũ hom hem, gầy ốm, run rẩy, đứng tựa vào nhau khi trời tuôn mái ướt và buổi chiều rớt lạnh trên ngói xám xanh rêu.
Bầu trời sau mưa xanh xao im tiếng. Chân nhỏ đã chẳng quay về. Chân nhỏ của ai? Của lũ chim hoảng sợ vừa rồi hay của người em, yêu mà vấp phải muôn điều ngang trái. Vấp phải anh, dòng sông tội lỗi.
Cây mộng thì đã nở rồi. Nở từ thuở, bàn tay em, bàn tay lá nõn, ngập ngừng trao anh từng túm ô mai. Cây mộng nở, cho anh đan chiếc nôi tương tư bằng cỏ ấm thịt da mình. Nhưng, than ôi, đó chỉ là mộng ảo, bởi giờ đây, anh đang rất hắt hiu và em, em ngắt tạnh, và mắt em, mắt em ngắt tạnh. Nghĩa là, đã ngừng rồi, đã dứt rồi, tình yêu vừa chớm. Đã ngừng rồi, đã dứt rồi, tình yêu em từng trao cho anh. Có phải?
Môi anh thâm khô từ cái thuở định hôn người!
Yêu nhau, ta yêu nhau, từ những ngày nước lớn, nơi cái xứ chúng mình, chỉ có nắng và mưa. Vậy mà, khi tình yêu gãy vỡ, chia xa, anh mới hiểu, rét là gì, dẫu mùa này vẫn còn đang là mùa hạ. Giọt nắng lung linh ngoài kia, sao nó lại có thể mang màu lạnh lùng đến vậy cơ chứ.
Và em, sao khi không em trở mặt điêu ngoa. Sao khi không, em trở mặt kiêu sa. Sao khi không, em ngoảnh mặt, đôi ta.
Tay anh vuốt tóc mình mà nghe lòng xốn xang nhớ mùi hương tóc em lúa mạ. Hàng me xanh, chúng rì rào thở như nhắc về những ký ức, những kỷ niệm ngày nao. Chiều qua nhà em, lại nhớ cồn cào những lần chân ai ríu rít ra đón. Rồi dạ thưa, thưa anh về, anh nhớ ghé thăm em.
Lời ai làm say anh. Lời ai ru như mơ. Lời ai, cho trời xuống thật gần, với đất. Để anh, hoài trông ngóng hương đưa.
Giờ đây, ngang nhà em, chỉ còn mùi mái tóc trong đêm mưa khẽ theo lá oan khiên lả tả mái hiên người.
Chợt nhớ, anh, ngày xưa èo uột, gầy ốm, khó nuôi. Chỉ có con dế làm bạn thân, thế mà trong một ngày gió lớn, nó cũng đành lòng, tự tử, bỏ anh đi. Bỏ tuổi thơ của anh mà đi, vội vã, trong đêm sương. Hệt như màu mắt em, hắt hiu, ngắt tạnh.
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ. Em ở đó bờ sông còn ấm cát. Con sóng tình vỗ mãi một âm quên!
******
V/
Nhận xét về nhạc của Từ Công Phụng, nhà viết phiếm lừng danh Song Thao cho rằng: những tình khúc của Từ Công Phụng như những đợt sóng biển nối tiếp nhau, vỗ về cõi lòng của những người trẻ, thuộc nhiều thế hệ. Chẳng có cuộc tình nào giống cuộc tình nào. Mỗi cuộc tình là một thế giới riêng lẻ. Mỗi ánh mắt là một tín hiệu âm thầm. Mỗi nụ cười là một hân hoan nhớ đời. Mỗi giọt nước mắt là một mất mát khó quên. Tình ca của Từ Công Phụng đã len lỏi vào từng thế giới thân thiết đó. Chúng không phải là tình ca lướt trên da thịt, mà đã luồn lách vào từng dòng máu, từng hơi thở của những người yêu nhau. Từ Công Phụng đã cho những tình nhân thứ ngôn ngữ đằm thắm, thâm trầm và đầy trí tuệ.
Còn Từ Công Phụng thì tâm sự: Tình ca như dòng sông hiền hòa, chảy hoài từ ngàn kiếp. Đó là thứ hạnh phúc, bắt trong buổi sáng nắng dậy chan hòa, có bông hoa nở rộ, và chim muông ngợi ca một ngày mới bắt đầu, bằng nụ hôn nồng ấm của đôi tình nhân.
Tình ca là những lời phủ dụ ngọt ngào của tình yêu, như dòng suối róc rách từ thiên thu, dành cho những đôi tình nhân của bao miên man thế hệ, như một kẻ đồng lõa, cho sự tồn tại của nhân loại. Bởi vậy, tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang một đời. Dù tôi có là chứng gian cho một cuộc tình không thực, nhưng ít ra tôi cũng đã mang đến một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, một chút kỷ niệm khó phai mờ, cho những kẻ tình nhân của một thời yêu thương say đắm.
Đến dự lễ tang của Du Tử Lê, Từ Công Phụng ngậm ngùi: Tôi đã làm bạn với Du Tử Lê từ hơn nửa thế kỷ qua, nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau. Sự ra đi của Du Tử Lê là một sự mất mát lớn lao trong đời tôi. Có nhiều điều tôi muốn nói với Du Tử Lê nhưng chưa kịp nói. Có nhiều điều muốn tâm sự mà cũng không còn dịp tâm sự.
Không chỉ thế, Từ Công Phụng còn viết những lời chia tay với Du Tử Lê: Như vậy là Lê đã vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời ô trọc này, bỏ lại sau lưng những điều mà nhân gian không thể hiểu, những điều mà Lê cho rằng, đi và về cùng một nghĩa như nhau, và còn rất nhiều điều nữa kể cả những điều mà Lê chưa kịp nói ra.
Sáng nay, tôi bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin Lê ra đi một cách đột ngột. Cho đến bây giờ khi viết cho Lê mấy dòng vĩnh biệt này tôi vẫn chưa định thần được là phải bày tỏ cảm xúc như thế nào trước sự mất mát này. Nhớ lại khi tôi đang nằm miệt mài trên giường bệnh thì vợ chồng Lê đã cất cánh từ Santa Ana đến Portland thăm tôi. Tình bạn thắm thiết từ hơn nửa thế kỷ qua, đã làm cho tôi xúc động tột cùng, khi nghe tin Lê đã ra đi không một lời từ biệt. Từ hơn mười năm trước trong cơn bạo bệnh, tôi tưởng tôi đã ra đi trước Lê, nhưng không ngờ tôi ngậm ngùi khóc cho bạn mười năm sau.
Những kỷ niệm của lúc chúng ta mới quen biết nhau ở Pleiku, của một thời chúng ta cùng chia nhau từng điếu thuốc, chúng ta cùng ngồi tán gẫu với bạn bè bên ly cà phê đắng ở La Pagode Sài Gòn, tất cả, tất cả những kỷ niệm cũng đứng lên rồi tan biến vào hư không. Nhưng dù sao tôi với Lê đã để lại chốn nhân gian này, những Trên Ngọn Tình Sầu, Ơn Em và Đừng Nữa Nhé Chia Lìa như dấu vết của tình bạn từ hơn nửa thế kỷ qua.
Không thể nào nói được gì hơn nữa, trong cơn bàng hoàng xúc động này. Vĩnh biệt Lê và chúc Lê bước qua phố đời bên kia, bằng con đường thênh thang, âm vang những nốt nhạc, mà tôi đã dành riêng cho Lê.
******
VI/
Từ thơ đến nhạc, cần lắm một khoảng giữa cho đôi bên tác giả “gặp” nhau. Cái “gặp” nhau đó, theo tôi, chính là sự nồng nàn, là sự ấm áp của đôi con người này, Du Tử Lê và Từ Công Phụng.
Thơ Du và nhạc của Từ, có buồn đến đâu, có buồn kiểu nào, thì ngôn ngữ và giai điệu của họ, đều luôn có một nền tảng chung, đó là: nồng nàn, ấm áp.
Và nhẹ nhàng, và khẽ khàng, phiêu lãng.
******
Để ý một chút, các bạn sẽ thấy, những ca khúc được gọi là bất hủ, để đời của các nhạc sĩ tài danh, phần ca từ của họ, hầu hết là vần bằng, tức các chữ không dấu và dấu huyền.
Thơ của Du Tử Lê thì rất nhiều vần trắc, khó viết nhạc. Tôi cũng giống ông ở nết làm thơ này. Dù rằng nhiều khi, tôi có thể tìm được những vần bằng rất dễ dàng, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn cứ cố tình thay những vần bằng mượt mà ấy, bằng những vần trắc khó chịu, tượng trưng cho ý, đời là thế, chẳng bao giờ suôn sẻ, êm ái, bằng phẳng.
Điều đó trở nên mâu thuẫn vô cùng, vì Du Tử Lê, lại chính là người giữ kỷ lục trong việc thơ mình được các nhạc sĩ chọn phổ nhạc.
Việc này, chỉ có thể hiểu là, thơ Du Tử Lê quá hay, nên không thể không chọn, không thể không phổ, nhưng bắt buộc, người viết nhạc phải là những nhạc sĩ kỳ tài, mới có thể uyển chuyển dịch sửa nội dung, câu từ của bài thơ, sao cho chân ca khúc phải gọt vừa với ni giày của bài thơ.
******
Từ Công Phụng từng nhiều lần cho biết, sáng tác một ca khúc, ông coi trọng đều nhau cả phần nhạc và lời – nhạc phải hay và lời phải đẹp, phải có ý nghĩa.
Lời đẹp, lời có ý nghĩa là lời phải như thơ. Lời như thơ mà vẫn phải dung dị, vẫn phải đời thường. Lời dung dị, đời thường, mà tình khúc, phải làm sao cho, cuối cùng, vừa mượt mà lại vừa sang cả.
Mượt mà, sang cả như câu thơ mà Từ Công Phụng đã giữ nguyên trong bài 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu, khi ông phổ thành bản Trên Ngọn Tình Sầu – CON DẾ BUỒN TỰ TỬ GIỮA ĐÊM SƯƠNG!
Sài Gòn 21.04.2024
Phạm Hiền Mây