Đứa con Cửa Lạch – Truyện ngắn Nguyễn Văn Ngọc

711

(Vanchuongphuongnam.vn) – Biển tung những đợt sóng trắng xóa va vào dãy đá chạy dài trên bờ. Dãy đá thiên tạo từ ngày xưa để lại, nhô lên với nhiều hình thù khác nhau. Mặt trời đội biển nhô lên, rắc đều những sợi nắng nhảy nhót trên mặt biển. Gió biển thổi vào Cửa Lạch cuốn theo hơi mát của mùa hạ. Cửa Lạch tựa lưng vào dãy đồi thoai thoải, lưa thưa những vùng cây cỏ mọc không đều nhau. Cửa Lạch đang mùa đóng tàu. Tiếng đục, tiếng cưa, tiếng gõ thuyền chìm dần vào sóng biển.

Những người đàn ông đóng tàu ở đây da ngăm đen vị mặn của biển. Mồ hôi ướt đẫm trên áo, khuôn mặt rám nắng. Họ quen nghề này. Không khí lao động khẩn trương của một hợp tác xã đóng thuyền cứ như những đợt sóng biển gối vào nhau. Bắp thịt trên những cánh tay người thợ cuộn lên rắn chắc, đang thao tác nhịp nhàng các cung đoạn đóng thuyền. Những con người nơi đây chỉ biết cặm cụi đóng tàu mới và sửa chữa tàu, những chiếc tàu không gắn biển số.

** *

Ông Tư Mai bám trụ ở vùng rừng này. Đây là khu rừng dừa nước mênh mông. Tư Mai đang bận rộn lo tổ chức, bố trí sắp xếp vũ khí, hàng hóa để chuẩn bị bàn giao trước khi ra Bắc làm nhiệm vụ mới. Tư Mai đặt chân đến Đồ Sơn (Hải Phòng) và Cửa Lạch (Nghệ An) được mấy lần. Đêm giăng kín đều trên biển. Con đường trên biển thật đầy bí mật, âm thầm lặng lẽ. Người chiến sĩ đối mặt với bao hiểm nguy. Sóng gió bất thường. Địch tăng cường tuần tra. Đưa được chuyến hàng lên thuyền và bắt đầu nhổ neo, người chiến sĩ vừa mừng vừa lo. Tất cả phương án tác chiến trên mọi tình huống phải tính đến.

Đêm mùa thu. Tư Mai về tới Cửa Lạch. Đặt chân lên bờ cát, anh ngồi trên phiến đá, mắt hướng về biển. Sóng đêm vỗ nhè nhẹ quanh phiến đá Tư Mai ngồi. Đầu óc Tư Mai trấn tĩnh lại. Tình huống khó khăn đã qua khi vượt biển vào Cửa Lạch. Tư Mai ở lại đây một thời gian dài. Anh xây dựng kế hoạch đóng tàu với hợp tác xã Cửa Lạch để chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp theo vào Nam.

* * *

Thời gian này, Mỹ và ngụy đang tăng cường giám sát trên biển hết sức gắt gao. Tư Mai ở trọ nhà ông Bành. Mọi việc đều bí mật. Bí mật như bóng tối. Ông Bành chỉ biết Tư Mai là người miền Nam đến vùng Cửa Lạch để làm kế hoạch đóng tàu. Những câu chuyện trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà ông Bành chỉ xoay quanh các chuyện vặt về sinh hoạt của người dân ở vùng quê này. Trong chiến tranh, người chiến sĩ ở trong nhà dân, được dân đùm bọc sẻ chưa là niềm vui, tự hào của gia đình Việt Nam. Tình cảm đó tích tụ lớn dần lên làm sức mạnh nội sinh trong mỗi con người Việt.

Đêm về lại Cửa Lạch. Biển ngoài kia lúc thì thầm, khi dào lên những âm thanh ồn ào, lúc lại mệt nhoài buông mình trên không gian rộng dài. Tư Mai bước ra ngoài thềm nhà ông Bành, hứng vầng trăng mùa thu hắt xuống. Tư Mai ngồi thừ trước những giọt trăng sà xuống, nhớ về vùng dừa nước, nỗi đau quằn lên trong lòng khi đêm về, hình ảnh người vợ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ đưa hàng vào bờ, cứ chập chờn trong tâm trí Tư Mai. Súng đạn kẻ thù cướp đi người vợ thân yêu. Đứa con gái đang sống với bà ngoại. Tư Mai gọi thầm vợ trong đêm Cửa Lạch đầy ánh trăng mùa thu.

Ở địa điểm đóng tàu Cửa Lạch, có một quán nhỏ bầy bán các loại bánh kẹo, thuốc lá tự cuốn… Người bán hàng là một người phụ nữ có chồng đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Trên khuôn mặt người đàn bà, nỗi buồn hằn lên đôi mắt. Lủi thủi một mình trở ra quán, người lui tới mua hàng nghe những âm thanh của thợ đóng thuyền, Minh cũng vơi đi nỗi buồn. Tư Mai thỉnh thoảng đến quán người phụ nữ này. Tư Mai tìm hiểu về cội nguồn nghề đóng tàu Cửa Lạch. Minh kể lại câu chuyện truyền thống cho Tư Mai. Vùng đất gắn với lịch sử đấu tranh từ xa xưa, cách dây mấy trăm năm. Sinh ra và lớn lên ở Cửa Lạch. Cha mẹ và bà con họ hàng đều làm nghề đóng tàu. Hợp tác xã hạ thủy không biết bao con tàu ra khơi, góp vào lòng biển những cánh buồm no gió ngược xuôi. Câu chuyện từ xưa lại vọng về trên Cửa Lạch này, vùng đất thường có tên gọi “Làng đá Trung Kiên.

* * *

Hoàng hôn bắt đầu về thả những giọt đêm mỏng chờn vờn mặt biển. Thỉnh thoảng, Minh lại ra biển lúc bờ cát đã no tròn sóng, cát mềm dưới chân người. Bàn tay Minh chạm vào những phiến đá, nhô lên bãi cát. Phút giây bất chợt đến trong trí tâm của Minh về bóng dáng người chồng. Những người đàn ông của “Làng đá Trung Kiên” miệt mài bám biển rồi lại tạm biệt những con sóng hiền hòa để lên đường vào trận tuyến miền Nam. Trước khi lên đường nhập ngũ, Trung và Minh trở lại biển trong nắng chiều sắp vãn. Trung là một người thợ đóng tàu. Giữa ánh chiều buông về, bóng hai người đổ dài trên cát. Trung chỉ tay ra biển: Bao giờ anh về, sẽ đưa em ra biển bằng chính con tàu anh tham gia đóng, em nhé. Ước được ra biển trong ánh bình minh của ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Biển lúc đó sẽ thầm thì với chúng mình: Hãy yêu nhau nhiều đi, cánh buồm đang no gió mùa hạ mát lành. Minh cười duyên nhìn Trung trìu mến: Anh thật là lãng mạn…

* * *

Tư Mai ngấm dần những lời tâm sự của Minh như thu gọn bóng trăng vào hồn mình. Minh cảm nhận những lời tâm sự của Tư Mai về quê hương, đồng đội như là ngọn gió mát lành đầu tiên của mùa hạ. Đón nhận thứ ánh sáng của vầng trăng tròn từ từ buông về không gian nhà Minh. Một thứ hơi ấm, một ánh trăng kỳ lạ bọc lấy thân hình người phụ nữ mảnh mai, có đôi mắt đượm buồn và nụ cười hiền hậu. Hai mùa trăng thao thức và đợi chờ một điều gì đó thật lớn lao. Những con sóng của tình cảm tràn về giao thoa trong miền thực, miền mơ của hai cảnh ngộ có nỗi niềm đang hướng về một phía. Ngày của tháng 12 sao cứ dùng dằng và bước đi của ngày cũng nhanh hơn, dường như thời gian đang trôi nhanh về không gian của ngày tết. Vườn nhà Minh, nhà ông Bành, những nụ hoa đào nở sớm hơn, cánh hoa tươi mỏng manh xòe nở dưới ánh sáng trời xuân trước làn gió nhẹ, se lạnh. Tư Mai đón tết đầu tiên ở “Làng đá Trung Kiên”. Tết nơi đây dân giã, thôn quê, bình dị. Nghèo mà ấm cúng tình người. Tư Mai ăn cơm cùng anh em thợ đóng tàu. Cơm rau, ăn với cá thửng. Loại cá này có ở vùng quê này, mọi người thưởng thức bánh chưng của người dân tự gói. Tết sắp đến thật gần mà ngoài xưởng đóng tàu vẫn vang lên đều đều những âm thanh của thợ đóng tàu.

* * *

Tết xa nhà, Tư Mai chộn rộn đi ra, đi vào nhà ông Bành. Bặt tin tức gia đình, bà ngoại và con gái giờ này ra sao? Rồi Tư Mai lại hướng về đồng đội, người vợ, nhớ lại ký ức một thời bên tổ ấm gia đình, tết đến ở rừng dừa nước. Bao giờ được trở lại rừng? Tư Mai đếm tính thời gian. Kế hoạch ra tết, những con thuyền sẽ được nhô neo từ Cửa Lạch này đi về Nam. Tư Mai giấu kín chuyện tình cảm giữa hai người. Bí mật hoàn toàn. Sự bí mật đó chỉ có hai người biết với nhau. Bí mật của cuộc chiến, bí mật con đường vận chuyển vào Nam. Chuyện riêng tư phải được gói vào thật kín trong sâu thẳm. Hai mùa trăng nơi Cửa Lạch có một tình yêu đang lớn dần. Hai mùa trăng rồi, xa rừng dừa nước, nhớ cảnh sinh hoạt nơi rừng dừa bận rộn, lặng lẽ, bí mật vận chuyển hàng hóa, vũ khí đến các mặt trận chiến đấu. Nhất là khi ngồi một mình nghỉ ngơi sau công việc ở hợp tác xã đóng tàu, Tư Mai nhớ những kỷ niệm về đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến không cân sức diễn ra. Lần đó, tình huống bắt ngờ, tàu của Tư Mai về được nơi an toàn, còn một tàu nữa thì bị địch phát hiện, đồng đội quyết định cho nổ tàu để đảm bảo an toàn bí mật. Ba chiến sĩ hy sinh.

* * *

Dấu chân Tư Mai in nhiều trên con đường tới nhà Minh. Bước chân người chiến sĩ vững vàng trong mọi tình huống của cuộc chiến, nhưng khi đến nhà người phụ nữ dưới ánh trăng về, sao cứ chậm rãi, nhẹ nhàng, rón rén. Nụ hôn đầu tiên, Tư Mai đặt lên đôi môi mỏng, đẹp của người phụ nữ vào đêm đầu mùa trăng thứ hai. Minh chấp nhận lời yêu Tư Mai, chầm chậm như vầng trăng sà xuống muộn nơi Cửa Lạch. Thế giới nội tâm của người phụ nữ lại trở về thao thức giữa hai bóng dáng đàn ông. Bên phải là người chồng đã hy sinh, phía trước là người lính đang bung nở đóa hoa tình về phía mình. Có lúc Minh nghĩ: “Chiến tranh đang diễn ra, không biết rồi số phận người lính sẽ ra sao? Liệu có được trọn vẹn”?

Người phụ nữ trải qua một đời chồng, lòng mong muốn có nơi về bình yên như con thuyền tới bến. Nghĩ về người lính, tâm hồn Minh như trỗi dậy những mạch nguồn tình cảm thiêng liêng, có lẽ khơi nguồn từ người lính đầu tiên có mặt trong cuộc đời Minh. Sự trỗi dậy của bản tính người phụ nữ biết đợi chờ thủy chung trong tình yêu đối với người lính. Khi ngỏ lời yêu Minh, Tư Mai nghĩ: “Đặt lời cầu hôn với người con gái xứ Lạch, trong hoàn cảnh riêng của Tư Mai, liệu có lỗi gì với người vợ đầu”. Đêm mùa xuân dịu dàng. Tư Mai nói lời tạm biệt người con gái xứ Lạch. Dừng chân nơi bậc thềm nhà Minh trong ánh trăng xuân từ trên bầu trời xanh tỏa xuống soi rõ mồn một bóng dáng hai người… Họ nói với nhau lời hẹn ước cho ngày mai.

* * *

Kế hoạch đóng thêm tàu đã hoàn thành tại Cửa Lạch, rừng dừa nước đang chờ từng ngày. Đêm phủ đầy trên biển, những con tàu bí mật từ Cửa Lạch chuẩn bị nhổ neo vào miền Nam. Từ ngày Tư Mai vào Nam, nhà ông Bành có cái gì đó trống trải. Thiếu vắng bóng dáng của Tư Mai, ông Bành mong ước có ngày gặp lại Tư Mai. Ông Bành vẫn giữ trọn chiếc hộp nhựa gói trong tờ báo cũ đặt nơi góc giường Tư Mai thường nằm. Ông cất giấu cẩn thận và mong chờ ngày được gửi lại cho Tư Mai. Tư Mai đi đâu, về nơi nào, ông Bành và người Cửa Lạch hoàn toàn không hay biết… Minh chuyển sang nấu ăn phục vụ cho hợp tác xã từ sau mùa hạ. Nhóm nữ nấu ăn có mấy chị em ở Cửa Lạch này. Ngoài nấu ăn, Minh còn kiêm thêm việc quản lý kho hàng. Đi lại nhiều, công việc bề bộn, Minh cũng vơi dần nỗi buồn. Nhiều lúc tâm trạng đi về hai phía, lắng lại phía chồng đang nằm ở đâu giữa không gian của chiến trường miền Nam, lắng lại nỗi buồn xa nhớ một con người mới đến xuất hiện trong đời, chưa bao lâu lại lên tàu vào Nam. Nghĩ về thân phận người phụ nữ, lúc ra biển ngắm trăng, Minh nhìn vầng trăng khuyết mà nghĩ về đời mình vẹt đi một nửa như vầng trăng kia đang lơ lửng giữa bầu trời. Xin đừng khuyết nữa trăng ơi! Cảm thức về cuộc tình duyên mới này, Minh ao ước, mảng đời còn lại của Tư Mai cũng như vầng trăng đang khuyết, hãy neo vào nhau cho viên mãn như vầng trăng tròn đêm rằm… Đêm Tư Mai nói lời yêu Minh, vầng trăng đang khuyết, ngày trở về mong ngóng một vầng trăng tròn vành vạch. Phút chốc, Minh thấy bồng bềnh trong suy nghĩ, miên man thật diệu vợi bao la như biển. Minh lại ước muốn mọi thứ trở về đích thực như bờ cát dưới chân Minh đang bước. Bờ cát dài phẳng lặng dưới ánh nắng của bình minh một ngày mới, Minh mong được khoác vai Tư Mai, người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường, khuôn mặt bao giờ cũng ánh lên lạc quan, dạo trên biển quê nhà…

* * *

Cuộc chiến trên các mặt trận của chiến trường miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Khốc liệt nhưng trận thắng địch được nhân lên. Vũ khí, hàng hóa đổ dồn về vùng dừa nước ngày một nhiều. Gặp lại đồng đội sau bao ngày xa cách, Tư Mai mừng lắm. Nhiều khi lặng yên không tin tức, đồng đội cứ nghĩ Tư Mai hy sinh. Sau 1975, Tư Mai ra Bắc cùng đứa con gái. Anh trở lại Cửa Lạch “Làng đá Trung Kiên”. Tư Mai bước đi trên con đường xưa lát đầy sỏi đá, không gian khác xưa nhiều quá. Ai biết được, số phận người lính long đong trên biển một thời lại được trở về với cuộc sống bình yên. Tư Mai nhìn lâu trước biển, lòng lặng thầm nỗi đau về những bạn chiến đấu hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam trên con đường biển dài dằng dặc. Ông Bành mất lâu rồi, trước đó khi quá già yếu, ông Bành gửi lại chiếc hộp của Tư Mai cho con trai ông Bành cất giữ. Tư Mai về ngôi nhà Minh. Anh vẫn nhớ rõ con đường mòn năm đó. Khuôn mặt Minh đỏ ửng lên vì sung sướng được gặp lại Tư Mai, niềm mong đợi đã đến với cuộc đời Minh. Đêm ấy chìm dần vào khuya. Trong vắt, huyền diệu, khoáng đạt trong không gian bàng bạc ánh trăng. Đêm chuyển dần về sáng. Bóng tối nhạt dần loãng ra, nhường chỗ cho những khoảng sáng xuất hiện nhấp nháy ở phía biển. Tiếng gọi nhau í ới, cuộc sống làng chài bắt đầu nhộn nhịp cho một ngày mới. Người con trai ông Bành gửi lại chiếc hộp cho Tư Mai. Tư Mai mừng vì trở lại gia đình ông Bành sau thời gian dài cách trở. Tư Mai thẫn thờ vì không còn bóng dáng ông Bành.

Buổi chiều mùa thu, Tư Mai lại về nhà Minh. Thời gian của ngày đang dần trôi và sắp hết chiều. Thời gian thì tuần tự trôi mà không gian mùa thu như bước đi không vội vã. Gió thu trong chiều vãn đang nán lại trên những vòm cây trên đường đến nhà Minh và giống như bàn tay gom nhặt những lá vàng thu rơi về phía sau con đường. Tư Mai bước tới, những ngọn gió thổi dạt lá vàng rơi phía sau lưng Tư Mai. Bóng đêm về muộn hơn, dường như không gian mùa thu có sợi dây tình thu quện vào nên có cái gì đó bịn rịn. Không gian chưa muốn rời hẳn chiều để thả mình vào đêm. Trước ánh trăng vàng rỡ lọt vào khung cửa sổ nhà Minh, anh nhìn thật lâu vào khuôn mặt người yêu, ngập ngừng bối rối: Anh tặng em món quà này. Rồi Tư Mai từ từ đưa chiếc nhẫn vào ngón tay mềm của Minh. Người phụ nữ lặng yên như thả hết những sợi dây tình còn giữ lại trên cơ thể buông về phía người đàn ông chờ đợi. Minh lặng yên như đêm thu neo những giọt trăng vàng về dưới mặt đất Cửa Lạch. Hai mảnh đời về lại bên nhau. Hai mảnh đời có niềm đau đớn hòa vào nhau như những con sóng gối vào nhau mãi mãi.

* * *

Hai người sống hạnh phúc bên nhau. Một năm sau, Minh sinh hạ đứa con trai. Sau này, người con gái của Tư Mai giảng dạy tại trường mầm non ở vùng Cửa Lạch. Người con trai lớn dần lên, có hôm hỏi mẹ: “Sao ở Cửa Lạch, vùng đất Nghệ An, bố lại nói tiếng miền Nam”? Những chiều ra biển, Tư Mai dắt con trai đi dọc bờ cát, rồi thủ thỉ tâm tình trò chuyện, ánh nắng nhảy nhót trên sóng lăn tăn như bước nhảy của trẻ thơ chạy lon ton ra biển. Từ đó, Cường hiểu dần về người cha của mình cùng tình yêu của bố nơi Cửa Lạch này.

Cường vào bộ đội thuộc binh chủng hải quân. Những ngày đi trên biển, Cường cứ mường tượng bóng dáng người cha của mình ngược xuôi trên không gian rộng lớn của biển. Những câu chuyện chiến đấu của cha mình và đồng đội cứ hiển hiện trong tâm trí của Cường. Con đường bí mật trên biển đã góp phần to lớn vào sự thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường miền Nam.

N.V.N