Đứa con của rừng – Truyện ngắn Nguyễn Văn Ngọc

1051


Tác giả Nguyễn Văn Ngọc.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hoàng hôn trên cánh rừng già chầm chậm buông về, tiếng thì thầm của lá cây rừng và tiếng suối róc rách đổ xuống  phía cửa rừng. Đêm rừng bao trùm mênh mông, mái trường thân yêu cách rừng không xa lắm. Tiếng vọng của rừng với đầy đủ những thanh âm cứ trôi về phía trường. Đêm tháng mười dãn ra, diệu vợi. Một đêm Ngà thao thức. Bên ngoài cửa sổ phòng ở của Ngà, thấp thoáng ánh trăng, gợi nhớ về một đêm trăng rằm, dưới chân đồi ở miền quê, Bình Tâm đã ngỏ lời yêu Ngà. Hai người đính hôn nhau sau mùa trăng tháng sáu.

Cưới vợ được vài ngày, Bình Tâm có lệnh trở về đơn vị, chuẩn bị vào chiến trường miền Nam. Ngà dạy ở vùng quê một thời gian rồi lên công tác tại một huyện phía tây Nghệ An. Đêm nay, Ngà lần dở những trang nhật ký ghi lại kỷ niệm thời yêu nhau, đọc lại những bức thư Bình Tâm gửi cho Ngà khi ở chiến trường. Nét chữ của Bình Tâm không được nắn nót như những dòng thư đầu tiên khi ở quê. Có lẽ Ngà hiểu được đây là dòng chữ viết vội ở nơi khói lửa chiến trường. Mỗi dòng thư của Bình Tâm lại trôi về  bao miền ký ức sâu thẳm: “Đơn vị anh đang hành quân đến nơi khác. Dọc đường nghỉ lại một chốc, anh tranh thủ viết thư về thăm em. Anh đang ở con đường dọc cánh rừng già. Các anh đã quen với cuộc sống ở rừng…”. Nằm mắc vọng nơi cánh rừng, Bình Tâm cứ hình dung nơi quê nhà có bố mẹ và Ngà. Bình Tâm nhớ về dãy đồi thoai thoải nơi quê mình. Bình Tâm và Ngà từng đặt chân lên đó hái sim.

Mỗi sáng mai lên, Ngà đến lớp học. Ngoài việc dạy học, Ngà còn tham gia công tác đoàn thể. Ngà làm bí thư chi đoàn giáo viên. Tập thể giáo viên ở ký túc có nhiều cô ở dưới xuôi lên chưa xây dựng gia đình. Trời phú cho Ngà giọng hát hay, múa dẻo, tính tình lại sôi nổi, chan hòa với mọi người. Xung quanh trường là rừng núi bao bọc. Nhà trường thường tổ chức văn nghệ nhân các ngày lễ. Ngà được giao nhiệm vụ tổ chức chương trình văn nghệ. Đêm văn nghệ, có cả những chàng trai cô gái người Thái ở bản Châu Kim gần trường đến tham gia. Những làn điệu dân ca người Thái lần đầu Ngà được thưởng thức, dìu dặt thấm vào chiều sâu của đêm rừng. Tiếng sáo réo rắt  quyện với bài hát Xuối, Nhuôn của người Thái.

***

Chiến là người thanh niên miền xuôi theo bố mẹ lên sống ở vùng núi này. Chiến nhanh nhẹ hoạt bát, đam mê ca hát. Ngà và Chiến quen nhau trong những buổi biểu diễn văn nghệ. Chiến hiểu thêm Ngà qua các câu chuyện người ta kể về cô giáo Ngà. Những câu chuyện ngợi ca Ngà dạy giỏi, gần gũi thương yêu học sinh, lại có năng khiếu văn nghệ. Không biết tự bao giờ, giây phút nào mà Chiến đã cảm mến và đem lòng yêu mến Ngà. Chủ nhật, Chiến cùng Ngà  chiêm ngưỡng dòng thác 7 tầng, dòng thác đang hoang sơ. Thác bảy tầng thật đẹp, ở đây âm thanh của 7 tầng hợp lại như bản nhạc du dương. Nước trắng xóa từ trên cao đổ ào xuống, trắng xóa như những mái tóc bà Tiên xỏa buông xuống. Tiếng vọng từ rừng tràn về. Thiên nhiên ở đây lại dang vòng tay đón đợi những con người…

Một đêm gần tết, trong khu ký túc, giáo viên dưới xuôi về hết. Chỉ còn Ngà nấn ná ở lại chưa vội về, tranh thủ mua một ít quà tết để mang về quê. Chiến đến trường, không gian vắng vẻ. Đêm ấy, hai người về bên nhau. Trăng đầu tháng hắt từ cánh rừng già xuống, soi rõ sân trường yên ắng. Rừng như đứng lặng, gió dường như mệt nhoài, không còn vi vu. Căn phòng ở của Ngà, ánh trăng lọt vào qua cửa số, thấp thoáng cơ thể người con gái có nước da trắng nõn. Lồng ngực Chiến như nóng dần lên. Chiến ôm chặt lấy Ngà. Tiếng rên nhẹ thút thít từ hai cơ thể đang nhập vào nhau trong loáng thoáng ánh trăng đổ vào phòng. Một đêm bình yên trôi qua…

Một thời gian sau, Chiến lên đường nhập ngũ. Chiến đến chào tạm biệt Ngà. Hai người ôm nhau trong bóng tối. Đêm đó, Chiến không ngủ lại. Trước khi ra về, bàn tay Chiến xoa nhẹ bụng Ngà. Chiến thủ thỉ: “Em cố gắng giữ gìn sức khỏe, giữ cái thai trong bụng cho con mình được an lành. Đó là báu vật vô cùng quí giá mà chúng mình có được. Mong em tha lỗi cho tình yêu của anh. Một tình yêu vượt qua ranh giới…”. Thế là Chiến vào bộ đội một ngày mùa hạ. Những cây phượng đang giữa tháng năm rung rinh sắc đỏ. Đã qua mấy mùa phượng rồi, Chiến xa Ngà.

Bất chợt, Ngà nhận được thư Bình Tâm. Nhận thư chồng mà lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Nét chữ của Bình Tâm hiện lên trong thư, Ngà như đọc được lời nói thủ thỉ từ trái tim chồng: “Anh vẫn khỏe! Mai mốt, đơn vị anh về Khe Sanh, mặt trận nóng bỏng đang tập trung ở đó. Em đừng buồn những ngày xa anh, rồi ngày nào đó anh trở lại cùng em, lên nơi em công tác, anh luôn nhớ quê nhà, nơi đó đang có bố mẹ anh…”.

Thời gian đầu khi Ngà mang bầu, bạn bè đồng nghiệp có lúc xì xào tiếng ra tiếng vào bàn tán. Nhưng rồi cũng im bặt. Sự thông cảm, sẻ chia của người hiệu trưởng và đồng nghiệp xua đi phần nào nỗi thắc thỏm, lo âu trong lòng Ngà. Nhà trường tạo điều kiện cho Ngà ở mọt căn phòng rộng hơn để chuẩn bị cho ngày sinh nở. Tâm trí Ngà luôn đi giữa hai người đàn ông. Rồi sẽ ra sao phía trước cuộc đời Ngà. Nhiều lúc một mình ra suối. Nước suối trong vắt, ngắm dòng thác trên cao đổ xuống, màu trắng xóa, Ngà cứ nghĩ điều gì ồn ào dữ dội đến với cuộc đời Ngà. Ngà từng tắm ở dòng suối này, mới lên chưa quen tắm suối nhưng dần dần Ngà rất thích. Tắm mình trong không gian trong lành, Ngà xỏa tóc xuống suối. Nước mắt ngập vào làn da trắng. Đôi vú như nở thêm ra, cứ nhô lên nhô xuống giữa dòng nước trong xanh. Cái mát lạnh của dòng suối khi thời gian bắt đầu vào hè. Ngà úp mặt vào suối. Khuôn mặt trái xoan có đôi mắt đẹp dưới hai hàng mi xinh xắn. Ngà cứ ao ước có được giây phút bên Tâm. Giá như lúc này, có chồng đi tắm, bàn tay của chồng sẽ vuốt ve cơ thể  Ngà. Càng nghĩ Ngà càng xót xa vì lỗi lầm lớn của người phụ nữ đã có chồng. Đêm về, Ngà lại ghi nhật ký, những dòng nhật ký dầy lên vì những nét tâm trạng của Ngà nghĩ lại sai lầm của mình, người đàn bà trót lỡ… Sao cái đêm đó, mình lại để cơ thể mình đổ xuống người đàn ông không phải chồng. Ngà nghĩ ngợi nhiều, Bình Tâm đi về đâu trên chiến trường, Ngà không sao biết nổi. Đêm đêm Ngà mong mỏi những lá thư của Tâm từ miền Nam gửi về.

Đứa con của Ngà sinh ra được an lành. Ngày một lớn, Ngà đặt tên cho con là Hoàng Sơn Lâm. Một thời gian sau về sau, Ngà nhận được tin chiến hy sinh ở chiến trường miền Nam, Ngà bàng hoàng đau đớn. Ngà cố giấu đi khuôn mặt buồn để đến lớp giảng bài mỗi sáng mai lên. Đêm về lại thao thức. Kỷ niệm một thời ùa về. Người thanh niên đẹp trai, hát hay, chăm chút cho Ngà những ngày tháng mới đặt chân đến trường. Những giây phút Ngà không làm chủ được mình, Ngà đã nằm trọn trong vòng tay của Chiến. Cơ thể Ngà thuộc về Chiến trong một đêm thật yên tĩnh ở ngôi trường. Lúc ấy Ngà chỉ biết lặng im. Sức trỗi dậy của sinh khí người đàn bà cứ cuốn nhập vào người thanh niên có cơ thể cường tráng. Ngà quên đi mình và đón nhận mọi cử chỉ mơn man của Chiến .

Ngà chuẩn bị về xuôi. Hai mẹ con sắp tạm biệt núi rừng. Tạm biệt con suối quen thuộc Ngà thường ra tắm, tạm biệt cánh rừng già và những đóa hoa rừng. Ngà có bao kỷ niệm của tháng ngày gieo con chữ cho các em học sinh dân tộc. Trở về xuôi, mẹ con Ngà được tới ngôi nhà của cha mẹ chồng. Bố chồng qua đời mấy năm nay, giờ chỉ còn mẹ chồng. Biết nói gì với mẹ đây. Mẹ có nhìn lại đứa con dâu hay là mẹ quay mặt đi. Dường như trước đó, mẹ chồng đã hay tin về chuyện riêng của Ngà. Ngà viết nhật ký, những dòng nhật ký bộc lộ nỗi niềm của người vợ, tự trách mình, nhận lỗi lầm trong cuộc đời: “Em không còn xứng đáng là người vợ của anh. Nghĩ về anh, em muốn chạy trốn di đâu thật xa. Anh hãy quên em đi, đừng nhìn vào khuôn mặt em. Khuôn mặt, cơ thể này, em đã đánh mất rồi. Khuôn mặt  mà trong những ngày ngắn ngủi ở quê nhà, trước khi lên đường trở về đơn vị. Bình Tâm đã nâng niu, đặt nụ hôn đằm thắm lên đôi môi. Đôi môi em run lên vì sung sướng trước nụ hôn cuồng nhiệt của anh. Nhưng bây giờ…”.

Sau chiến tranh, Bình Tâm trở về quê. Chuyện riêng của Ngà, Bình Tâm được biết ít nhiều. Ở nhà người chị vài hôm, Bình Tâm cứ đi ra đi vào. Chiến tranh lùi xa nhưng trong lòng Tâm luôn nghĩ về bạn bè, đồng đội đã hy sinh trong khói lửa chiến trường. Có những người bạn chưa đậu trên vai mình  một mối tình.

Phút chốc gợi nhớ phút giao thoa mặn nồng của cặp vợ chồng mới cưới, Bình Tâm lóe sáng lên ý nghĩ: “Không thể bỏ xa Ngà được. Đời người lính xông pha chiến trận, sống sót được trở về đoàn tụ gia đình. Hạnh phúc biết chừng nào. Đang có mẹ và vợ, quí giá biết chừng nào”. Ngày hôm sau, Bình Tâm trở lại nhà. Ngôi nhà thân yêu của bố mẹ. Ngày lên đường, cây trong vườn chưa kịp lớn, bây giờ cành lá đã sum suê. Người mẹ già từ trong nhà bước ra chạy đến ôm chặt người mẹ. Bình Tâm cầm lấy đôi bàn tay lắm vết chai sần. Mẹ gầy đi nhiều lắm. Ngà đứng sau cánh cửa, thẹn thùng, e dè. Ngà muốn chạy ra ôm chầm Tâm nhưng lại ngại ngùng vì cứ nghĩ: Lỗi lầm quá lớn, níu bước chân Ngà lại Bình Tâm đi vào phía trong nhà. Bắt gặp ánh mắt Ngà đang đổ dồn về chồng, Bình Tâm cứ đứng lặng như thế hồi lâu. Mùi thơm dìu dìu tỏa ra từ mái tóc đen dày của Ngà, chiếc răng khểnh đầy tinh nghịch, làm duyên cho khuôn mặt trái xoan. Ánh mắt Tâm nhìn vợ một cách đắm đuối. Đôi vú thấp thoáng qua làn vải mỏng. Dáng Ngà vẫn cao, thanh mảnh. Mái tóc xõa xuống hai bờ vai. Khuôn mặt Ngà bừng lên, làn da như đỏ ứng run lên. Bình Tâm đi lại gần Ngà, cầm tay Ngà, rồi ôm choàng vợ. Đôi môi Ngà ngọt lịm cứ hút dần vào đôi môi Tâm.

Bình Tâm nâng đôi bàn tay của Ngà lên và áp vào hai má mình. Tâm cố giữ đôi bàn tay ấy. Ngà thốt nhẹ trong vòng tay âu yếm của chồng: hãy tha lỗi ngàn lần cho em, em xấu hổ quá rồi. Bình Tâm lặng lẽ không nói năng gì, cứ ôm ghì lấy vợ, bàn tay Tâm lần ra phía sau lưng vợ, xoa dịu nhẹ vào tấm lưng mềm của vợ. Tâm nhìn Ngà thật lâu, đôi môi Tâm lại cuốn vào đôi môi Ngà. Thỉnh thoảng cơ thể Ngà chuyển nhẹ một chút khi cơ thể người đàn ông quấn lấy Ngà. Phút hạnh phúc được trở lại với hai người trong khoảng khắc thật là bình yên nơi mái nhà quê bình dị. Đêm đó trong căn buồng của hai vợ chồng, Ngà chủ động tìm về phía chồng. Phía bên kia mẹ và đứa con riêng của Ngà  bắt đầu đi vào giấc ngủ. Ngà dang cánh tay mềm mại của mình ra bên phải, ôm đầu chồng vào cánh tay mình. Những nụ hôn cuồng nhiệt tỏa ra từ cơ thể khát khao bấy lâu của người vợ đằng đẵng xa chồng. Bàn tay Ngà vuốt nhẹ lên từng đường nét trên cơ thể chồng. Ngà hôn từ từ váo nách, cổ, tai Bình Tâm. Bàn tay Ngà lại nghiêng chồng, áp cơ thể chồng váo cơ thể mình, Ngà miết bàn tay mềm mại vào sau lưng chồng, riết cơ thể Tâm vào thân hình người đàn bà. Ngà quên đi tất cả, quên cả lỗi lầm, không còn khoảng cách, e dè. Ngà dồn tất cả cho Bình Tâm trong đêm đầu tiên gặp lại. Thỉnh thoảng, Ngà lại thầm thì tiếng nói ái ân, tiếng gợi tình cuốn hút cơ thể đàn ông. Hai người ở bên nhau. Đêm dần trôi, chợp mắt một chút, hai người trở lại bên nhau, rồi Bình Tâm ôm ghì lấy Ngà, cơ thể Ngà cuốn vào vòng tay của chồng, đôi môi lại tìm nhau…

Đôi vợ chồng có với nhau 2 đứa con. Hàng ngày Ngà đi dạy. Bình Tâm tham gia Hội cựu chiến binh làm Hội trưởng cựu chiến binh xã. Đứa con riêng của Ngà dần quen cuộc sống. Lúc mới gặp Bình Tâm, nó không dám lại gần anh. Có lần nó hỏi: “Bố con đó hả mẹ”. Đôi mắt Ngà lảng đi nơi khác. Ngà ôm lấy Sơn Lâm: “Khi nào con lớn mẹ sẽ kể cho con nghe”. Bình Tâm chủ động gần gũi Sơn Lâm, bày cho nó bài vở học tập. Rồi cũng ra vườn với Bình Tâm để trồng rau. Bình Tâm cứ nghĩ hoài: “Mình có thêm đứa con, khép lại tất cả”. Mẹ Tâm dường như vui hơn vì cuộc sống gia đình trở lại bình thường, êm ấm. Người mẹ vẫn luôn theo dõi, lo lắng hạnh phúc của con trai. Một bữa mẹ nắm tay Bình Tâm và nói: “Mẹ xin con, hãy tha thứ cho Ngà, nó là đứa con dâu tốt”.

***

Sơn Lâm ngày một lớn dần. Nó ngoan ngoãn chăm chỉ học tập. Trước khi vào đại học, Ngà kể cho Sơn Lâm về một thời ở rừng. Nơi đó Sơn Lâm cất tiếng khóc chào đời. Ra trường, Lâm công tác tại Hà Nội. Người con của Ngà đã đến tuổi yêu đương. Buổi đầu tiên vào dịp hè, Sơn dẫn người yêu  về nhà. Hai vợ chồng, bà mẹ mừng lắm. Thế rồi, một ngày tháng sáu âm lịch, gia đình Ngà tổ chức đám cưới cho Lâm. Mấy hôm đó, bạn bè trong Hội cựu chiến binh đến nhà Tâm giúp tổ chức đám cưới. Con dâu của Ngà là người cùng quê Nghệ An, quê vợ Lâm ở Cửa Lò. Trước ngày cưới, Sơn và Thu rủ nhau đi hái hoa cúc biển. Mùa hoa nở vào mùa hạ, hai đứa mang về biết bao bó hoa cúc biển tươi tắn. Một ngày mới, sau ngày cưới, hai vợ chồng Sơn Lâm lên đồi phía trước nhà đi hái sim. Mùa sim chín, vị ngọt của sim ở vùng đồi quen thuộc. Khi mới ở miền núi về, Lâm theo mẹ lên đồi hái sim.

Một mùa hè đến với Cửa Lò, Sơn và Thu có dịp đưa gia đình về Cửa Lò. Phía trên bãi cát trải dài trong nắng chiều. Sóng ngoài biển dập đòn xô vào bờ từng đợt. Biển mênh mông ngút ngàn. Hôm đó hai đứa con nhỏ của vợ chồng Tâm chạy lon ton trên cát, mải mê chơi đùa. Chúng nó vun cát lên thành từng mô cát nhỏ chạy dài, chúng nó bảo: đắp cát giống như ngọn đồi phía trước nhà mình. Thấy trên tay Sơn lâm có mấy chùm hoa cúc biển, hai đứa xin Lâm và chúng cắm lên mô cát. Tiếng sóng ban chiều vỗ đều đều… con sóng liếm vào bờ cát, ngập lên những bàn chân của từng người trong gia đình như muốn níu mọi người ở lại một chút để chờ trăng mùa hạ lên ở vùng biển quê nhà.

N.V.N