Đứa con nuôi thất lạc – Truyện ngắn của Vũ Việt Thắng

899

(Dựa theo lời kể của CCB Bình)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhận được giấy báo của đơn vị cũ, mời họp mặt nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm ngày giải phóng miền Nam. Mấy đêm liền bà không sao ngủ được vì mừng sẽ được gặp mặt các đồng đội xưa ở đơn vị quân y của tỉnh sau bao năm xa cách. Nhưng một điều mừng hơn cả là bà bạn đồng đội cũ báo tin vừa tìm được đứa con nuôi của bà đã biệt tăm gần năm mươi năm. Bà cứ thấp thỏm đếm từng ngày.

Vừa bước chân xuống xe, thấy bà bạn đứng đợi đang nắm tay một sĩ quan quân đội, theo như bà nhìn loáng thoáng quân hàm trên vai áo biết cấp bậc là thượng tá. Bà bạn vừa nói vừa nắm tay người sĩ quan chạy lại phía bà. Chưa kịp nói năng gì, người sĩ quan giật tay khỏi tay bà bạn, chạy lại ôm chặt lấy bà, miệng mếu máo:

– Mẹ… mẹ!

Bà đứng ngây người chẳng kịp phản ứng gì, người sĩ quan cứ nghẹn ngào trong nước mắt:

– Con là cu Dũng, bé con của mẹ ngày xưa đây! Sao mẹ lỡ bỏ con đi biền biệt mấy chục năm? Bây giờ gặp mặt rồi mẹ đừng bỏ con nữa nghe!

Nước mắt của người sĩ quan lã chã rơi xuống gò má nhăn nheo của bà nóng hổi. Bà ngỡ ngàng vì sự vui mừng, hai hàng nước mắt cũng trào ra. Hình ảnh quá khứ cứ ùa về trong ký ức của bà…

Chiến tranh tràn lan khi Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam Việt Nam. Trên mảnh đất Nam Việt Nam này, chỗ nào cũng thấy bóng dáng lính Mỹ. Bom đạn Mỹ đã tàn phá xóm làng sau bao năm bình yên sống trong hòa bình. Vừa bước qua tuổi mười bảy, bà đã tình nguyện gia nhập quân Giải phóng. Đơn vị bà được bổ sung vào là trạm quân y của tỉnh Bình Định; đang đóng quân giữa núi rừng bạt ngàn Trường Sơn.

Những cơn mưa tưởng chừng như thối đất thối cát, giữa núi rừng Trường Sơn này. Có khi cả tuần lễ chỉ gió và mưa. Nằm trong trạm quân y mái lợp bằng cỏ tranh, thỉnh thoảng bà cứ giật mình thon thót khi nghe tiếng cây bị mưa gió làm bật gốc đổ rầm rầm trong đêm. Mưa dầm đã bước sang ngày thứ tư, chiều buông xuống núi rừng mịt mù trong làn mưa. Thình lình trong mưa gió, có mấy người đội mưa khiêng một cáng vào trạm quân y. Khi cái cáng được mở ra thì hóa ra là một người đàn bà còn trẻ, cái bụng to phình đang thoi thóp thở. Bác sĩ trực khám sơ qua, ông bảo chuyển lên khoa phẫu thuật gấp. Mọi người có mặt mới ồ lên vỡ lẽ, thì ra là một ca sinh nở. Theo lời bác sĩ người mẹ đang bị sốt cao, mà bọc nước ối đã vỡ từ lâu, sức khỏe người mẹ chỉ còn thoi thóp, bắt buộc phải phẫu thuật để cứu đứa con.

Ca phẫu thuật vừa lôi được đứa bé trong bụng mẹ nó ra. Mọi người đều ồ lên: Thằng cu! Tiếng khóc của cu cậu sao mà to thế, cứ gân cổ đỏ mặt lên: Oa oa… u oa, u oa…! Át cả tiếng mưa rơi rả rích ngoài trời. Người mẹ đang hôn mê cũng chợt tỉnh cựa mình miệng mấp máy gọi:

– Con… con!

Hai cánh tay yếu ớt của người mẹ cố vươn lên khoảng không như muốn ẵm đứa con. Các y tá theo lời bác sĩ đặt đứa bé vào cạnh mẹ nó. Tiếng khóc từ miệng đứa bé im bặt, nó nhụi đầu vào ngực mẹ tìm vú. Người mẹ theo bản năng cứ ôm chặt đứa con vào lòng rồi lịm dần, lịm dần. Khi bác sĩ kiểm tra lại thì ra người mẹ đã chết sau một phút hồi dương do tiếng khóc của đứa con.

Bà được ban chỉ huy giao nhiệm vụ, vừa làm công tác hậu cần phía sau, vừa là bảo mẫu cho đứa bé. Lần đầu tiên bà bỡ ngỡ không biết bế đứa bé ra làm sao, vì nó bé tí cứ lọt thỏm trong vòng tay của bà, đôi khi nghĩ dại chỉ sợ lọt tay để rơi đứa bé. Sữa cho thằng bé bú, toàn nhờ anh em thương bệnh binh nằm điều trị họ có tiêu chuẩn sữa bột, mỗi người một ít góp vào để bà nuôi đứa bé. Rất may trong đơn vị một chị có con đang trong thời kỳ bú mẹ. Nên đôi khi hết sữa hoặc chưa kịp pha, thằng bé khóc quá là bà lại ẵm sang nhờ chị bạn cho bú ké. Khổ nhất là những khi thằng bé bị bệnh, cả đêm nó cứ khóc nhèo nhẹo. Dỗ cách nào nó cũng chẳng nín, sữa thì hết. Chả lẽ đang đêm lại bế sang lán bên gọi bà bạn xin bú nhờ. Thôi bà đành chặc lưỡi, vạch áo cho thằng bé bú. Nó vớ được đầu vú mút chùn chụt. Là con gái chưa hề đụng chạm yêu đương với ai. Lần đầu bị nó bú, bà cứ gồng mình lên vì nó nhột nhạt thấu tận ruột gan. Thôi cũng đành cắn răng mà chịu, vì có như vậy thằng bé mới hết khóc. Riết rồi thành quen, cứ đêm nào nó nhèo nhẹo khóc bà lại vạch vú cho bú.

Cu cậu bú mãi rồi bà cũng có sữa thật dù rằng chẳng nhiều như những bà mẹ đang nuôi con. Đem chuyện này ra kể cho mấy bà bạn trong đơn vị có con nghe, họ cũng chịu chẳng làm sao giải thích được. Thằng bé tuy không có mẹ nhưng nhờ trời nó cũng khỏe mạnh và lớn dần theo ngày tháng. Muốn cho con sau này có sức khỏe và ý chí bà đặt tên là Dũng. Anh em trong đơn vị cưng chiều nó cứ gọi là Cu Dũng, nghe gọi tên là nó lại toe toét cười và chạy lại ôm cổ các cô chú, thế nào cũng được trái sim, trái dâu da… hoặc miếng bánh lương khô.

Nửa đêm trời mưa rả rích, đang ngủ dưới khu hậu cần, bà giật mình vì tiếng súng AK nổ rền vang, xen lẫn trong đó là tiếng súng AR- 15 trên khu lán trại thương bệnh binh. Hoảng hốt tỉnh dậy, bỏ cu Dũng đang ngủ say bà chạy thẳng lên khu A điều trị thương bệnh binh. Trong làn đạn bắn xối xả, bà nhào vào cõng một thương binh bị cụt chân quày quả chạy về phía sau. Tiếng đạn AR- 15 bắn rượt theo nghe chiu chíu trên đầu. Trong đêm mưa gió đường trơn, vừa tới cạnh sườn đồi bị trượt chân, bà quăng người thương binh cùng cả thân mình lăn long lóc xuống sườn đồi. Khi tỉnh dậy mình mẩy đau ê ẩm, mở mắt nhìn thấy mình đang nằm trong nhà, xung quanh toàn những bạn bè thân quen trong đơn vị. Mọi người vui mừng khi thấy bà đã tỉnh.

Cu Dũng cứ nhào vào ôm bà kêu: Mẹ, Mẹ…! Bây giờ bà mới vỡ lẽ thì ra lúc đang cõng người thương binh, bị trượt chân ngã cũng rất may người thương binh bị bà quăng vướng vào một gốc cây, còn bà thì cứ lăn theo sườn dốc; thân mình bầm dập hết. Xương đòn vai phải, bàn chân phải bị gãy cùng hai đốt xương sống bị trật khớp. Sau khi tập kích vào trạm quân y, làm hai chiến sĩ cùng hai thương binh hy sinh, bị ta chống trả quyết liệt tụi biệt kích đã kéo xác đồng đội bỏ chạy. Qua trận bị tập kích này, trạm quân y cũng vất vả rời căn cứ để tránh máy bay Mỹ sẽ bỏ bom.

Những vết thương đau nhức hành hạ bà suốt ngày đêm chỉ nằm nghiêng được một bên. Trong khi nằm điều trị ở khu A, điều đặc biệt Cu Dũng chả chịu ngủ với ai cứ khóc ra rả cả đêm. Chỉ khi mọi người đưa nó tới nằm cạnh bà thì cu cậu cứ ôm chặt lấy bà mà ngủ.

Tựa như con gà con Cu Dũng lớn lên theo ngày tháng. Nó cứ chạy nhảy suốt ngày trong các lán trại. Cơm ăn chỉ có tiêu chuẩn của bà, khẩu phần ăn của Cu Dũng anh em trong đơn vị hoặc các thương bệnh binh san sẻ cho. Những vết thương của bà sau thời gian dài điều trị cũng chỉ đi vào thời kỳ ổn định. Nhưng sức khỏe đã yếu hẳn, đôi khi bà cố gắng phụ đồng đội nấu ăn mà cũng chả làm nổi, cùng lắm gọt củ khoai hoặc nhặt mớ rau cũng chỉ ngồi được chốc lát, là mình mẩy đau nhức ê ẩm đành phải đi nằm.

Sau mấy năm trời sức khỏe cũng chả hồi phục được bao nhiêu. Đơn vị xét duyệt gửi bà ra ngoài miền Bắc an dưỡng và chữa bệnh. Khi đơn vị trưởng gọi lên ban chỉ huy hỏi về việc cu Dũng, bà thành thật:

– Báo cáo các đồng chí, tôi nuôi nó đã mấy năm nay, quen hơi quen tiếng rồi. Bây giờ mà bỏ nó lại đơn vị, bản thân tôi rất áy náy và lo lắng cho nó khi không có tôi rồi nó sẽ khóc suốt ngày đêm thì sao? Với lại nơi đây là chiến trường… Thôi thì xin các đồng chí cứ cho tôi mang nó theo. Đói khổ, vất vả chừng nào tôi cũng chịu đựng nổi miễn sao có nó bên cạnh.

Thế là bà được mang nó theo với cái giấy giới thiệu nó là con của một liệt sĩ. Thành thử khi ra trại an dưỡng Cu Dũng cũng chẳng có tiêu chuẩn gì cả. Ăn uống hàng ngày toàn nhờ sự đùm bọc, chia sớt khẩu phần ăn của anh chị em thương bệnh binh trong trại an dưỡng.

Những ngày đầu bà được nhập vào đoàn thương bệnh binh, đi bộ theo đường mòn Trường Sơn ra Bắc. Cõng Cu Dũng suốt ngày lại leo đồi dốc, phần thân thể thương tật sức khỏe yếu nhiều khi tụt hậu tít phía sau. Cu Dũng lúc này cũng đã ba tuổi, bà dùng lời ngon ngọt dỗ dành cu cậu, có thương mẹ lắm nó cũng chỉ chạy lon ton được vài đoạn rồi mếu máo khóc:

– Con ứ đi nữa đâu, chân con đau lắm!

Vừa nói cu cậu vừa lấy tay xoa xoa chân. Thương con quá bà cứ hết cõng trên lưng, lại đổi qua bế. “Cái khó nó ló cái khôn”, bà bắt trước người dân tộc thiểu số, lấy hẳn một chiếc áo lính cắt may thành cái địu, khi thì địu nó phía sau lưng, mỏi quá lại đổi địu về phía trước.

Khổ nhất là trên đường đi đôi khi không có sữa, Cu Dũng cứ khóc nhèo nhẹo đòi sữa; vì mấy năm trời nó đã quen được bú sữa của các thương bệnh binh cho. Thương con quá cứ mỗi khi tới trạm giao liên nào, bà lại dẫn cu cậu xuống nhà bếp, trình bày hoàn cảnh xin anh chị nuôi quân cho ít nước cơm. Về nhà bà pha với đường, cu cậu cứ cười toe toét vui sướng uống ừng ực. Mẹ thì thân bệnh tật lại phải địu thằng con, dù ở rừng núi đói khát nó cũng nặng gần chục ký lô chứ ít gì. Thành thử ngày nào mẹ con bà cũng là người sau cùng của đoàn về tới trạm giao liên. Hôm nào may mắn gặp được đoàn xe tải chở đồ cho chiến trường, quay ra Bắc họ cho anh em thương bệnh binh nặng và mẹ con bà quá giang, tới trạm kế tiếp. Đi bộ có khi gần cả ngày, nhờ đi xe chỉ vài tiếng đồng hồ, thế là hôm đó mẹ con bà khỏe khoắn vui vẻ.

Gian nan vất vả gần hai tháng trời, đoàn mới ra tới trạm an dưỡng tại tỉnh Ninh Bình. Suốt ngày Cu Dũng cứ bám theo mẹ, ai cũng nghĩ nó là con của bà. Do nhiều chấn thương sức khỏe yếu, nên bà cứ phải nhập viện quân y như cơm bữa, những khi đó Cu Dũng cũng theo mẹ vào bệnh viện ăn ngủ luôn. Trước sân bệnh viện, có những hàng ghế đá dưới những gốc cây để cho thương bệnh binh ra ngồi hóng mát. Có một thương binh ở khu đặc biệt thường ra ngồi trên ghế đá chơi. Có lần dẫn Cu Dũng đi dạo, nó cứ giật tay bà chỉ về phía người thương binh.

À thì ra tại mắt bị thương không thấy đường, điếu thuốc lá làm rơi khỏi tay, mà chỉ thấy ông ấy cúi xuống đưa hai tay quờ quờ tìm điếu thuốc. Cầm lòng không đậu bà ghé vào nhặt điếu thuốc lên đưa cho ông. Dần đà hỏi thăm mới hay trong một trận công đồn ở ngoại thành Sài Gòn, ông đã bị nguyên quả M-79 nổ bên cạnh, khắp thân thể bị găm đầy mảnh và hai mắt bị mờ không thấy rõ hình ảnh. Qua thời gian quen nhau, hình như có tiền duyên từ kiếp trước. Bà cảm thấy tội nghiệp và thương mến người thương binh đặc biệt miền Nam. Bạn bè biết chuyện đã khuyên can:

– Này, trai Nam Bộ họ ăn nhậu ghê lắm, coi chừng sau này khổ đấy mày ạ!

Kệ! Bà bỏ ngoài tai tất cả. Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam này, dù giọng nói và phong tục ít nhiều có khác nhau. Nhưng: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, chứ vơ đũa cả nắm sao được. Khi đã hiểu và yêu nhau bà đem chuyện Cu Dũng kể hết cho ông nghe. Ông nhìn bà trầm tư:

– Nó là đứa con bất hạnh, chúng mình cứ coi nó như con đẻ, phải thương yêu nó nhiều để san sẻ phần nào sự mất mát lớn của nó. Rất khoát chúng mình sẽ nuôi nó không cho bất cứ ai để sau này mình khỏi mang tiếng.

Hai người cứ thấp thỏm đếm từng ngày, mong tới ngày đám cưới vì cả hai đã báo cáo với đơn vị. Đùng một cái, buổi sáng nọ có lệnh trên ban chỉ huy trại gọi bà, và kèm theo lời nhắc phải dẫn cả Cu Dũng theo. Bà chột dạ linh tính chẳng hiểu chuyện chi đây. Cu Dũng thì vô tư nắm tay mẹ lon ton chạy theo. Vừa tới ban chỉ huy, đồng chí chỉ huy trưởng vui vẻ chạy ra đón mẹ con bà. Một người đàn ông lạ đầu tóc hoa dâm có lẽ trên bốn mươi tuổi, đứng dậy chào bà và cứ nhìn chằm chằm vào Cu Dũng. Sau khi đã giới thiệu về hai bên, đồng chí chỉ huy chậm rãi vào đề:

– Đây là đồng chí tỉnh đội trưởng của tỉnh Bình Định. Do vết thương tái phát cùng sức khỏe yếu cũng về an dưỡng mấy tháng ở trại an dưỡng này. Vợ chồng đồng chí là dân tập kết, đã xây dựng gia đình gần hai mươi năm, mà chẳng có đứa con nào. Hiện nay vợ chồng đồng chí có một căn nhà trong khu tập thể do nhà nước cấp ở thành phố Hà Nội. Trong thời gian vừa qua nằm an dưỡng ở trại, nghe nói cháu bé này là con nuôi của đồng chí… đồng chí tỉnh đội trưởng đây muốn xin cháu về làm con nuôi.

Ngừng lại uống thêm ngụm nước, đồng chí nói tiếp:

– Đồng chí còn trẻ, trong khi đồng chí báo cáo với đơn vị là sắp kết hôn với một thương binh ở trại bên. Tương lai của đồng chí còn nhiều triển vọng. Đơn vị xét thấy để bảo vệ quyền lợi và lo tương lai cho cháu bé đây nên ban chỉ huy quyết định, đồng chí phải nhường lại cháu bé cho vợ chồng đồng chí tỉnh đội trưởng, âu cũng là tình nghĩa đồng đội với nhau.

Bà nghẹn ngào trong nước mắt:

– Báo cáo đồng chí… Nhưng mà tôi đã nuôi nó quen hơi mấy năm nay…!

Ông tỉnh đội trưởng chen vô:

– Đồng chí cứ yên tâm, vợ chồng tôi mấy chục năm không có con. Niềm ước ao lớn nhất của các cặp vợ chồng là những đứa con, tất nhiên chúng tôi sẽ nuôi nấng và quý mến nó như con đẻ.

Vừa nói ông vừa đưa tay nắm tay Cu Dũng kéo vào lòng mình. Hình như có sự linh tính, Cu Dũng hoảng hồn giật tay ra chạy qua ngả vào lòng bà, nhìn ông với vẻ sợ sệt.

Ngày ông tỉnh đội trưởng đưa Cu Dũng về Hà Nội. Ông dụ ngon ngọt cỡ nào Cu Dũng cũng khóc ngất, dứt khoát không chịu cho ông bế. Nhìn thấy cảnh đó nhiều người không cầm được nước mắt. Đơn vị đành phải cho bà ẵm Cu Dũng theo ông về Hà Nội. Chơi được vài ngày, một buổi sáng Cu Dũng còn đang ngủ bà cứ nhìn con mà nước mắt tuôn ra như mưa. Hai tay bà cố bịt chặt miệng cho tiếng khóc khỏi bật ra sợ Cu Dũng thức giấc. Bà lặng lẽ chia tay với vợ chồng ông tỉnh đội trưởng, ra ga Hàng Cỏ đón tàu về đơn vị.

Vài ba tháng nhớ con quá, bà lại xin phép đơn vị đón xe hay tàu hỏa ra Hà Nội thăm Cu Dũng. Khi đi khệ nệ ôm theo đường, sữa… tiêu chuẩn của bà mấy tháng để dành. Khi thấy mặt bà Cu Dũng cứ ôm lấy bà, khóc nấc lên vì tủi thân và hờn giận. Chơi được vài hôm là bà lại lừa lúc sáng Cu Dũng còn đang ngủ, len lén ra về. Đâu được hai ba lần ra thăm, lần cuối cùng ông tỉnh đội trưởng đợi khi Cu Dũng còn đang ngủ, nhỏ nhẹ nói với bà:

– Vợ chồng chúng tôi rất mang ơn đồng chí đã nuôi nấng cháu Dũng mấy năm nay. Tình mẹ con một sớm một chiều chẳng ai có thể quên được. Đồng chí đã dứt ruột giao nó cho vợ chồng tôi; vì đồng chí biết chúng tôi không có con. Nhưng tôi cũng đau lòng xin nói thật một điều, mỗi lần đồng chí ra thăm khi về đơn vị là nó khóc lóc suốt ngày đêm, chẳng chịu ăn uống mấy ngày liền. Vợ chồng tôi dỗ dành cách nào, nó cũng chẳng chịu nín, thấy tội lắm đồng chí ạ!

Ngưng lại giây lát giọng ông buồn buồn:

– Đồng chí thương vợ chồng tôi và cháu Dũng, chúng tôi xin đồng chí một điều. Từ nay có nhớ nó cỡ nào cũng đừng ra thăm nó nữa. Đó là đề nghị chân tình của vợ chồng chúng tôi, mong đồng chí hiểu cho!

Bà như sực tỉnh khi anh thượng tá lay hai vai bà:

– Mẹ…! Làm sao mẹ thừ người ra vậy?

Bà vội vàng đưa tay lấy vạt áo quệt nước mắt:

– Ờ… ờ… Mới đây mà mấy chục năm rồi, mau quá con nhỉ?

Bà ngẩng đầu lên nhìn người thượng tá, thổn thức trong sự mừng tủi:

– Bây giờ mẹ con mình gặp nhau rồi, hãy thường xuyên liên lạc với nhau nghe con!

Người sĩ quan chỉ biết ôm chặt lấy bà nói trong nghẹn ngào:

– Dạ…Dạ!

V.T.V