Đừng để niềm tin bị đánh mất

481

Hồ Xuân Đà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Việc giáo dục trẻ cần rất nhiều sự phối hợp từ gia đình cho tới nhà trường. Không thống nhất quan điểm giáo dục là một sự trở ngại rất lớn hiện nay. Rất nhiều gia đình vẫn còn dạy con theo kiểu đòn roi, nhưng khi gửi đến trường thì muôn sự nhờ vả cô giáo, miễn sao ở nhà con không ăn được thì lên trường cô giáo ép ăn. Trong khi, ai cũng hiểu việc đánh phạt trẻ là ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý phát triển của cơ thể, trí tuệ trẻ.

Nhà văn, cô giáo mần non Hồ Xuân Đà

Thời gian vừa qua, xuất hiện trên những cổng thông tin truyền thông, mạng xã hội, rất nhiều tin tức tiêu cực của ngành giáo dục. Đặt biệt là đối với bậc giáo dục mầm non. Từ cộng đồng xã hội, cho đến cá nhân những người trong ngành nghề. Không ai trong chúng ta muốn hiện tượng đó xảy ra và tái diễn, không ai muốn nghề giáo ngày càng xấu đi trong suy nghĩ mọi người. Cũng không ai muốn niềm tin bị đánh mất dần đi theo các nguồn thông tin về nạn bạo hành trẻ em. Đặt biệt, những việc đó thường xảy ra vào trong giờ ăn.

Chúng ta thử đặt câu hỏi, vì sao trong giờ này, các cô giáo mầm non, đặt biệt là các bảo mẫu ở các nhóm lớp nhỏ lẻ, thường không kiềm chế được bản thân, rồi “đụng tay”, “vạ miệng” để rồi nhận một hậu quả nghiêm trọng cho cuộc đời – sự nghiệp của chính mình, từ những hành vi sai phạm đạo đức của người giáo viên, vi phạm quyền trẻ em. Khi xảy ra những tiêu cực, những hành động sai trái trong nghề nghiệp, chịu ảnh hưởng không chỉ riêng người gây ra, mà là thành vấn đề nghiêm trọng của xã hội, người dân hoang mang trước một nền giáo dục hành hạ, bạo hành trẻ. Dù bất cứ dùng lý do nào để biện hộ, ví như để ép trẻ ăn, để dạy trẻ, thì cũng không bao giờ được cảm thông, chấp nhận.

Hình ảnh một bảo mẫu nuôi dạy trẻ trở thành tội phạm đứng trước vành móng ngựa khiến bất cứ ai cũng phải chạnh lòng, nhất là những người đứng trong đội ngũ ngành giáo dục. Không ai có thể ngờ với một ngành nghề được ví như cô tiên giữa đời thường với câu hát “Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ, sao em muốn đàn em mau khỏe, sao em muốn đàn em mau ngoan, hay bởi vì em quá yêu thương…”. Lời bài hát đã cho chúng ta thấy, nghề nuôi dạy trẻ quá đỗi thiêng liêng. Nhưng từ đâu các cô giáo lại biến thành mình là một mụ “phù thủy”, một bảo mẫu độc ác. Và khi xảy ra chuyện lớn, báo chí vào cuộc, chính quyền phải giải quyết, trở thành một nỗi khiếp sợ của phụ huynh có con ở độ tuổi này cho đến trường, với sự hoang mang không dành cho riêng ai khi họ xem những video clip ghi lại cảnh tượng phản cảm ấy. Không ai có thể hình dung được trong gang tất giữa phần “con” và phần “người” luôn hiện hữu trong họ, khi không kiềm chế cảm xúc tức giận của mình, họ đã tự biến mình thành người tội phạm, mà trước đó họ không hề ý thức được, khi bước vào môi trường sư phạm, lại thành ra dở khóc dở cười đến cơ sự nông nỗi này.

Các bé mần non tự phục vụ trong giờ ăn

Là một người công tác trong ngành giáo dục mầm non, tôi muốn chia sẻ chút quan sát, ghi chép của mình, với mong muốn góp ý dựng xây một ngành học cho trẻ mầm non trên đất nước ta ngày càng tốt hơn. Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nho nhỏ, rất thường gặp ở lớp. Đó là khi tôi giao tiếp với phụ huynh, là một buổi chiều vào giờ trả trẻ. Có một phụ huynh đến than phiền với tôi:

– Cô ơi, sao con tôi dạo này không lên cân, cô giúp dùm, la rầy sao cho bé nó ăn, chứ nó không lên cân, ba nó về rầy tôi dữ lắm!

– Dạ, em có nói chuyện với bé mỗi ngày đó chị, thuyết phục, dụ dỗ, năn nỉ, và cả động viên giải thích, nhưng vào giờ ăn bé cứ nghịch phá bạn, rồi chê khen đủ kiểu, lớp thì nhiều bạn, và bạn nào cũng cần được quan tâm, nên khả năng của em cũng có giới hạn, vậy nên, phụ huynh mình ở nhà phải phối hợp nhắc nhở giáo dục, chỉ dạy cho bé cách ăn uống thêm chị ạ!

– Nó không nghe lời, cô cứ đánh nó, đánh nó cho em cô ạ! Nó lỳ lắm, ở nhà em dạy và nhắc nhở hoài. Nhưng nó không nghe, nó chỉ sợ đòn của ba nó!

– Em không dám đâu chị ơi, chị cũng biết rồi, dạo này bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối của xã hội. Làm sao mà chị bảo em phạt bé như vậy.

– Thì cô cứ phạt đi, gia đình tôi không có nói gì đâu.

– Tại chưa xảy ra ra chuyện thôi, chứ đi học về, em thấy phụ huynh mình không thử hỏi: “Hôm nay con đi học có gì vui không?” Mà vừa bước ra khỏi lớp, gặp con là hỏi: “Hôm nay con có bị cô giáo đánh không”...

Việc giáo dục trẻ cần rất nhiều sự phối hợp từ gia đình cho tới nhà trường. Không thống nhất quan điểm giáo dục là một sự trở ngại rất lớn hiện nay. Rất nhiều gia đình vẫn còn dạy con theo kiểu đòn roi, nhưng khi gửi đến trường thì muôn sự nhờ vả cô giáo, miễn sao ở nhà con không ăn được thì lên trường cô giáo ép ăn. Trong khi, ai cũng hiểu việc đánh phạt trẻ là ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý phát triển của cơ thể, trí tuệ trẻ. Nhưng không hiểu vì sao, người ta biết sai mà vẫn cứ làm. Cái lệ nhức nhối ấy, luôn làm khó những người nuôi dạy trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục, nếu nuôi trẻ không lên cân đồng nghĩa với việc giảm sĩ số, nguồn thu nhập sẽ không có để duy trì, hoặc một vài thành tích chạy đua giữa giáo viên với giáo viên, giữa trường này với trường kia muốn tiếng thơm vang xa, vô hình đã đẩy công suất của họ lên cao, muốn đạt kết quả nhanh thì lại hành động. Họ có hay biết đâu, những hành động mà họ cho là vô hại ấy, đã đẩy tâm lý của những đứa trẻ mất đi hết những năng lực phát triển đáng có. Còn rất nhiều lý do, để giải thích cho vô số hành vi bạo hành trẻ trong giờ ăn. Cái cốt lỏi vấn đề là chúng ta phải nhìn ra, đặt biệt là những người có vai trò ảnh hưởng lớn, có hành động thiết thực thay đổi cho một ngành học mầm non, là nguồn nhân lực quan trọng kế thừa, phát triển cho một đất nước.

Câu chuyện kết thúc không có hồi kết, có thể phụ huynh của tôi, một phần nào hiểu ra lý do của tôi, không thể chấp nhận với yêu cầu ngoài khả năng, bởi tôi nhận thức được, biết đâu trong lúc nóng giận tôi sẽ làm theo lời gởi gắm của phụ huynh đó, rồi tự tạo ra áp lực cho chính mình. Nhưng thử hỏi, những giáo viên, những bảo mẫu mới bắt đầu vào công việc, non tay nghề, trước những áp lực đó sẽ như thế nào, biết đâu họ sẽ làm theo yêu cầu của phụ huynh, là ép buộc học sinh ăn hết khẩu phần, trẻ không hợp tác thì dọa nạt, quát tháo…

Với tình hình hiện nay, thành tích trẻ phải lên cân, cho con đi học là phải được bụ bẩm, mới vừa lòng các bậc cha mẹ. Đa số phụ huynh thời nay đều muốn con mình tròn trịa, giỏi giang, nhưng lại rất bận rộn với công việc, mọi sự dạy dỗ con những kỹ năng đầu tiên cho trẻ ở giai đoạn đầu đời đều dành hết cho nhà trường. Trong khi đó, giáo dục là sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, cùng toàn xã hội. Sự kết hợp đó dựa trên khả năng tâm sinh lý của trẻ. Nếu ở nhà, con của mình không chịu hợp tác khi ăn, thì đến trường sẽ là một trường hợp khó khăn cho cô giáo. Tại sao lại bắt ép điều mình không thể làm cho người khác, dồn hết trách nhiệm cho cô giáo, bảo mẫu. Và nếu trước sự đòi hỏi quá lớn, điều đó trở thành áp lực và nỗi lo sợ, nỗi ám ảnh cho người chăm sóc dạy dỗ trẻ. Bất cứ giáo viên nào cũng đều muốn học sinh mình ngoan, ăn hết suất, ngủ ngoan, nề nếp, không ai muốn mình phải trở thành một con người xấu xa, trước mặt trẻ luôn quát mắng, la hét, hù dọa. Tuy nhiên, sự dỗ ngọt, nhẹ nhàng không hiệu quả, một số người đã vượt qua giới hạn, của một nhà giáo để rồi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một người giáo viên nhân dân, một cách đáng tiếc, đau lòng.

Đó là những gì tôi nói trên góc độ áp lực từ phụ huynh, chưa nói đến áp lực khác, và chuyên môn không ngừng thay đổi. Những bạn đã từng dạy mầm non, hoặc đang dạy, sẽ biết trong một ngày người giáo viên mầm non ngại nhất là giờ ăn. Khi một áp lực rất lớn, trước việc đòi hỏi trẻ phải thật trật tự, nề nếp, ăn hết suất, trong khi sĩ số học sinh trong một lớp ở các trường mầm non hiện nay ở nước ta luôn cao, đặt biệt là ở các thành phố lớn, chưa kể ở các nhóm trẻ với năng lực giáo viên và bảo mẫu hạn chế, qua việc đào tạo cấp tốc, có bằng cấp nhưng kiến thức chưa tương xứng, lại thêm một số trẻ trái tính trái nết, đó là những điều mà ngay cả giáo viên nhiều năm kinh nghiệm cũng bất lực. Một vài trường hợp đã xảy ra khi họ không vượt qua nổi, mà chúng ta đã thấy trong thời gian qua trên tin tức báo chí.

Việc đổi mới giờ ăn dựa theo tâm sinh lý của trẻ, và giảm tải áp lực cho giáo viên mầm non là một điều nên làm của các nhà quản lý giáo dục. Đổi mới trong giờ ăn cho trẻ theo hướng tích cực dựa trên nhu cầu và khả năng của trẻ là cấp thiết nhất trong thời điểm này. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng, xây dựng, cùng nhau nhận ra những bất cập để hợp tác xây dựng một ngành học mầm non hoàn thiện hơn trong mắt của nhiều người. Hy vọng tin tức tiêu cực, vấn nạn bạo hành trẻ trong giờ ăn sẽ không còn nữa. Lớp học của trẻ ở trường sẽ là ngôi nhà thứ hai mà mỗi sáng thức dậy trẻ sẽ hăng hái phấn khởi đến trường. Cô với trẻ như mẹ với con, như bài hát trẻ vẫn hát mỗi ngày “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo – Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Muốn làm được điều đó, rất cần những cái tâm của tất cả mọi người trong xã hội, không chỉ là những người công tác trong ngành giáo dục mầm non, mà cũng rất cần sự hợp tác của quý phụ huynh học sinh.

Tháng 6 năm 2019

H.X.Đ

(Hội viên Hội Nhà Văn TPHCM)