Đừng phụ tình đất nước, nghĩa đồng bào

733

(Vanchuongphuongnam.vn) – Giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, càng thấu hiểu câu Ví giặm của người miền Trung: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau…”.

Trong suốt ba tháng đối mặt rồi sống chung cùng dịch bệnh, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã nỗ lực ở mức cao nhất để cùng toàn dân ngăn ngừa, chống chọi với Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh “chống dịch như chống giặc”, cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã lường trước được tính chất, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm về tinh thần và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất để bảo vệ tính mạng của người dân cũng như sự bình an cho đất nước.

Coi chống dịch như chống giặc cũng là cách để mỗi người dân tự xác định ý thức trách nhiệm của mình trong cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, thử thách, thậm chí là cả sự hy sinh.

Hình ảnh các chiến sĩ đang làm việc hết công suất để khuân vác đồ ăn vào khu cách ly.

Bởi thế, chúng ta đã vào cuộc với tinh thần chủ động, bài bản và quyết liệt. Với mức độ diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam như hiện tại, có thể nói, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã làm rất tốt để kiểm soát dịch bệnh, hạn chế sự gia tăng ca nhiễm ở mức thấp nhất.

Có lẽ vì thế mà Việt Nam vẫn tạo được niềm tin về sự bình an giữa lúc đại dịch bùng phát nhanh chóng trên khắp thế giới.

Một du khách người Anh nói: “Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã có thái độ nghiêm túc và hành động đúng đắn để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho người dân trong nước”.

Còn du khách đến từ Ả-rập-xê-út thì cho rằng: “Mặc dù, Việt Nam là nước rất gần Trung Quốc nhưng mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước, rất an toàn, không như nhiều nước khác hiện số người mắc tăng cao với con số hàng nghìn người”.

Không phải tự nhiên mà du khác nước ngoài gọi khu cách ly là “Khu cách ly vui vẻ”. Một cựu nhà báo Bỉ phát biểu: “Tuyệt vời Việt Nam! Trời ơi, thậm chí tôi thấy ở đây mọi thứ còn xịn hơn cả châu Âu nữa. Thời tiết đẹp, đồ ăn ngon, khu cách ly sang trọng, có cả hồ bơi, phòng ốc sang trọng và chúng tôi không cảm thấy phiền lụy gì ngoài việc có chút bất tiện là không được ra ngoài dạo bộ”.

Từ khu cách ly, cặp vợ chồng người Anh gửi thư cảm ơn về những gì đã nhận được thời gian qua tại khu cách ly ở Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội: “Chúng tôi rất biết ơn bệnh viện cũng như tất cả cán bộ ở đây đã chăm sóc chúng tôi rất tốt”.

Đại sứ Anh, đại diện WHO Việt Nam ghi nhận những nỗ lực phi thường của Việt Nam và  gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả y bác sĩ, các cơ quan Chính phủ Việt Nam, những người đang làm việc bất kể ngày đêm để đảm bảo cho người dân được an toàn và được bảo vệ khỏi mối đe dọa an ninh y tế bởi dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, niềm tin về sự an toàn, an tâm nơi đất nước giữa cơn bão đại dịch được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết qua tình cảm của đồng bào ta đang sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài trở về tổ quốc.

Đất nước giang rộng vòng tay đón chào những người con xa xứ giữa lúc đang phải căng mình chống chọi với dịch bệnh. Mỗi ngày, hàng không Việt Nam đón hàng ngàn người Việt là Việt kiều, người lao động, học tập ở các nước châu Âu, châu Á trở về nước tránh dịch bệnh.

Hãy nhìn vào con số này để suy ngẫm, để cảm nhận sâu sắc hơn tình đất nước nghĩa đồng bào dành cho những người con từ nơi xa trở về: Gần như trăm phần trăm ca nhiễm mới (giai đoạn 2) được phát hiện là từ những người ở nước ngoài về.

Mọi chi phí chống dịch, từ khám, chữa bệnh đến việc tổ chức cách ly hàng vạn người đều đang được ngân sách nhà nước bỏ ra. Mà nói đến ngân sách thì đó là tiền thuế – mồ hôi, công sức lao động cực nhọc – của nhân dân. Tình đất nước, nghĩa đồng bào là vậy.

Không phải tự nhiên mà một vị đại gia nọ sẵn sàng bỏ ra gần chục tỷ đồng thuê máy bay riêng chở con gái đang là bệnh nhân Covid-19 về Việt Nam điều trị giữa lúc dịch bùng phát căng thẳng khắp thế giới. Giàu có như ông sao không để con gái cưng điều trị ở nơi có nền y học lớn, hiện đại bậc nhất như nước Anh? Ở đây, câu trả lời có lẽ niềm tin. Về quê hương chữa bệnh với niềm tin an toàn, an tâm như thế thì tiền bạc nào mua được? Đâu bình an hơn nơi quê hương, xứ sở của mình?

Có lẽ đấy cũng là tâm lý chung của đại đa số người Việt trở về xứ sở lúc này. Nhiều người đã không giấu được cảm xúc, tâm trạng vỡ òa khi được đặt chân trên đất quê hương, dù phải nằm viện điều trị hay ở khu cách ly nhưng vẫn cảm thấy yên tâm, ấm áp trong tình đồng bào ruột thịt. Đó là liều thuốc tốt nhất giúp họ sớm khỏi bệnh, vững niềm tin vượt qua thử thách cam go này.

Nhưng thật buồn, trong hàng ngàn, hàng vạn người trở về đó lại chen vào những thanh âm lạc lõng, chát chúa kiểu con sâu làm rầu nồi canh. Họ dè bỉu đồng bào trong nước, thách thức chính quyền và lực lượng chức năng, chửi bới thô tục bất cứ ai như cô gái nọ từ Đài Loan trở về. Họ tỏ ra bức xúc hằn học khi phải chờ đợi xe đưa đến khu cách ly, họ chê bai điều kiện ăn uống, sinh hoạt nơi cách ly không bằng ở nước ngoài. Họ lớn tiếng đòi hỏi thế này, thế nọ,… Họ quên mất mình, hoặc là khách du lịch hoặc là về quê để trốn dịch Covid-19. Tức là thế chủ động trở về đất nước thuộc về họ. Sao họ nỡ buông lời cay nghiệt, thái độ hằng học giữa lúc cả nước đang gồng hết sức mình vì dịch bệnh?

Đất nước chưa giàu có gì. Người dân lao động, người dân ở vùng sâu vùng xa còn sống trong kham khổ, trẻ em vùng cao vẫn nuôi giấc mơ cơm có thịt. Họ đâu dám nghĩ đến một bữa ăn miễn phí như nhà nước đã và đang bỏ tiền ra nuôi dưỡng những đồng bào trở về đang ở tại các khu cách ly? Xin nhắc lại, tiền đó là tiền thuế của dân, của những đồng bào còn sống đời kham khổ kia. Nỡ lòng nào…

Đúng là nỡ lòng nào nói lời phụ tình đất nước, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn Covid-19 này. Những tiếng nói lạc lõng ấy không đại diện cho ai cả, như một du học sinh trở về từ Pháp phát biểu trước ống kính truyền hình trên VTV đã khẳng định: Đó chỉ là thái độ, hành vi ứng xử mang tính chất cá nhân.

Trong cơn hoạn nạn của đại dịch Covid-19, càng thấm hơn lời dạy của ông cha: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”. Hãy chung tay cùng cộng đồng, hãy đồng hành cùng đất nước chiến thắng “giặc” Covid-19!

Nguyễn Duy Xuân