Dung Thị Vân, khâu cuộc tình xa

546

Trương Văn Dân

(Đọc Khúc trùng khâu, tập thơ của Dung Thị Vân, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 8- 2020)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong cảm hứng thi ca dào dạt và sinh động, Dung Thị Vân đã “bắt” được cảm xúc kỳ diệu trong trái tim mình, tạo ra ngôn từ lạ… và nếu ai cảm được thì chắc sẽ thấm một Dung Thị Vân tinh tế trong cách nhìn đời bằng tất cả các giác quan, cả trực giác và linh giác.

Tập thơ Khúc trùng khâu của nhà thơ Dung Thị Vân

Trong âm nhạc không ai không ngạc nhiên trước sự kỳ ảo trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Từ ngạc nhiên đến bất ngờ: Ngôn ngữ khác thường quyện trong thế giới âm thanh của anh đã khiến cho không gian trở nên lung linh dù chưa hẳn hiểu được ý nghĩa cho trọn vẹn. Khó hiểu nhưng ai cũng cảm được là nghệ thuật ấy đang đưa hồn mình phiêu du, bềnh bồng theo những  là sóng âm dặt dìu, bảng lảng.

Tôi nhớ đến Trịnh Công Sơn khi nhận được tập thơ Khúc trùng khâu của Dung Thị Vân chuyển qua email. Ngay cái tựa đã làm tôi thắc mắc, hỏi tác giả thì… sau khi chiết tự, có thể… tạm hiểu Khúc trùng khâu là nỗi lòng của một người đang khâu lại cuộc tình đang xa ngàn dặm.

Lướt qua tập thơ, tôi còn bắt gặp rất nhiều từ rất lạ… xanh miên, mặc ghì, vàng hôn, trùng ca, vời bạn, ngàn xiêu, trói nhau trong khoang tình mệnh bạc… từ nào cũng bắt gặp lần đầu, tra từ điển chắc là không thể có, cha mạ ơi… với một người viết văn như tôi quả là một thách thức.

Thế nhưng, khi hiểu cách dùng chữ và theo “phương pháp” chiết tự của Vân, tôi thử tìm cách đọc tập thơ theo cảm quan của mình. Bài viết này vì thế không nhằm phê bình hay nhận định, mà chỉ là cảm nhận riêng tư để chia sẻ cùng nhà thơ.

Nếu trong Gọi bâng khuâng 2, người đọc dễ dàng nhận ra tác giả đang nói về sự xa cách, chia lìa:

Ta lạc nhau giữa non bờ hiu quạnh

Nước buồn trôi bèo khuất lấp bóng tình ơi

Ta gọi nhau – Giữa hai bờ trở cách

Gió về đâu đành thôi thế cũng đành

Thì trong Thêu áo tình nhân

Thì cũng là sự cách xa, nhưng hiểu cho cặn kẽ thì không dễ.

… Cuối tháng ba

Người có về xâu nỗi nhớ

Vẽ lại khoảng trời đã hóa đá xanh miên

Thêu áo tình nhân ta chưa bao giờ khoác...

Vân là người yêu thơ, nhưng cũng có lúc “xét lại” niềm đam mê của mình. Trong giấc bàng hoàng tôi nhìn thấy chút cay đắng trong  niềm yêu thi ca đó:

Kẻ làm thơ

-chỉ sống ảo viễn vông

Kẻ làm thơ

-chỉ hoàn toàn hư mộng.

Tuy thấy tất cả chỉ là hư ảo, nhưng không xem thường văn chương, Vân vẫn miệt mài sáng tạo và không thích kẻ dễ dãi, thích đi con đường tắt, góp nhặt, sao y, chắp vá thành… thơ rồi nhờ bạn bè tâng bốc, hợm hĩnh, tưởng mình là cao nhân. Trong khi cuộc sống có người

kiệt óc tìm ngữ lạ

Sao đời có kẻ há chờ sung

Nhìn cuộc người qua bao ghềnh thác (Ấu trĩ)

Vì thế nhà thơ nổi giận: “Mới hay giun dế tưởng ông Trời”.

Ngôn ngữ sáng tạo trong thơ Dung Thị Vân có khi khó hiểu nhưng đó chính là nét độc đáo của Dung Thị Vân, muốn diễn đạt tâm hồn bằng cách mới, không muốn viết như nói, mà nói như thơ. Ban đầu thấy lạ lẫm nhưng nếu đọc kỹ và chiết tự hay phân tích, người kiên nhẫn sẽ nhận ra những từ của Dung Thị Vân không sáo rỗng, vô hồn hay lạ hoá… mà do tìm kiếm, hoặc có thể viết ra trong một lúc xuất thần nào đó, từ tiềm thức, có khi nằm ngoài chủ ý.

Nhưng nhìn qua một góc khác, những mới lạ của Vân, vừa có thể là ưu, vừa là khuyết. Thí dụ:

Người đi vạn dặm bến bờ

Ta ngồi đếm tuổi đợi chờ vàng hao

Chiều nay mưa rắc kinh bào               

Hạt to hạt nhỏ nghẹn ngào bầm gan

(Nửa vời tóc pha)

Hai câu đầu đang vẽ lên một sự xa cách đợi chờ, người đọc đang chờ đợi một một tâm trạng của người trong cuộc, thì chữ “kinh bào” đột ngột xuất hiện, lạ, mạch cảm xúc trong thơ bị ngắt, gây cảm giác hụt hẫng.

Nhìn chung tập thơ của Dung Thị Vân đa dạng, viết về nhiều đề tài khác nhau, khóc bạn, giỗ cha, nhớ mẹ, có khi nói về sự quên mình, hy sinh cho con như trong Nhã Nhã, hay như trong Giật mình soi gương thấy những nếp nhăn quanh mắt, lo sợ tuổi già sắp đến và từ đó có những trăn trở buồn đau về cuộc sống trong cảm thức hiện sinh..

Thơ của Dung Thị Vân như một lời bày tỏ tâm tình với cuộc sống, mỗi bài đều hướng về những tiếc nuối, mất còn, những nỗi niềm đau buốt, kỷ niệm chia xa… tất cả có thể xem như lời tâm sự thầm kín không dễ thố lộ cùng ai, phải viết, không viết ra không chịu nổi, dồn nén sẽ nổ tung… nhưng đồng thời với nhu cầu giải bày rất lớn, Dung Thị Vân lại không muốn cho nhiều người biết. Chính đó là  sự mâu thuẫn nội tâm của nhà thơ, một sự giằng co giữa tâm hồn và lý trí.

Vì Dung Thị Vân là người kín đáo và thận trọng.

Vì Dung Thị Vân là người chân thật, chí tình với bạn bè, những gì viết ra là tự đáy lòng, nên không dễ dàng khinh xuất, hé lộ cho những người ngoại cuộc nhìn thấy cõi lòng mình. Khi không vừa ý, giận dỗi, trách hờn, nhưng nói ra lại sợ ngươi ta… đau, lòng mình không nỡ…

Đây  là cách mà tôi cảm được khi đọc thơ của Dung Thị Vân. Và có thể là, trong khi đi tìm nét đẹp của ngôn từ trên hành trình sáng tạo, Dung Thị Vân còn có ý dùng từ mới như lá chắn để bảo vệ mình, bởi Vân viết là viết cho chính mình hay một vài người trong cuộc chứ không muốn “cho khắp người đời thóc mách xem” chăng?

Trong hầu hết các bài thơ của Dung Thị Vân đều phảng phất nỗi buồn, hụt  hẫng… nhưng không bi quan đau xót, mà niềm đau chỉ ngân vừa phải để mạch thơ thấm vào lòng người đọc.

Dung Thị Vân có nhiều bài thơ đã được bạn bè phổ nhạc, có lẽ vì trong thơ Dung Thị Vân đã có sẵn nhạc điệu chăng?

Trong tập thơ này tôi bắt gặp mấy bài thơ hay. Khúc trùng khâu tuy là bài được Vân chọn tên cho tuyển tập, nhưng nó không mang cho tôi cảm xúc như Ngàn trái tim bay, nhiều ý lạ, ngôn ngữ lạ, không dễ hiểu nhưng người đọc cảm nhận và thấm được một nỗi đau, khổ cuối là lời than trách nhẹ nhàng nhưng lòng tê tái. Bóng ngàn xiêu, Tháng bảy lại về viết về sự lẻ loi, trống trải, hay cuối trùng thắc suy nói về sự chia ly, kẻ ở người đi vào một tháng tư buồn não ruột:

“… Một vòng trời đất trầm luân

Người đi kẻ ở bần thần bi ai”…

Để tránh rườm rà và làm bài viết dài dòng, tôi xin không trích ra đây, mời các bạn tìm đọc và thẩm định.

Nếu qua tác phẩm thấy “thơ ca… hiện bóng con người” thì có thể nói Dung Thị Vân là một người nhân ái, rộng lượng, hết lòng với mọi người nhưng lại thường cô đơn giữa bạn bè. Trong nhiều lần gặp gỡ, giữa những nói cười rôm rả, có lúc bất chợt nhìn thấy Dung Thị Vân im lặng, chỉ một thoáng, ngồi trầm ngâm với câu chuyện của riêng mình, gặm nhấm nỗi buồn riêng, về người còn, kẻ mất, ai còn trong tầm tay hay ai đã xa xôi. Có thể lúc ấy ý thơ xuất hiện, hay Vân đang hồi tưởng đến quãng đời đã trải trên hành trình sống, vật vờ trong xã hội quay cuồng cơm áo và lòng người thay đổi như trời đất cuồng quay:

 Ngẫm xuân mà trời vẫn đương đông

Chưa xuân mà nụ đã tươi hồng

Trái đất quay – sao vừa nhân thế

Ngẫm cõi dương gian kẻ bạc lòng

(Giữa vô vì)

Những ai có trái tim nhạy cảm, đã từng hy sinh, sẻ chia cùng bạn viết ra những thói sống bèo bọt của nhân tình thế thái, chắc lòng đau lắm, vì quan niệm về “bạn” rất trong sáng:

Bên nhau chỉ có nụ cười

Bên nhau ta chỉ nói lời nhớ thương

(Bạn hữu)

Nhưng người họ cần là bạn chân tình, chứ không phải mang mặt nạ, qua quít cười cười nói nói:

Bạn ở cùng ta khắp mọi nơi

Bè thì ẩn nấp giữa chợ đời.

Khi vui bè bạn cùng nhau hát

Khi buồn – chỉ bạn đến tìm thôi.

(Bạn bè)

Không chỉ riêng Dung Thị Vân, ai thật lòng cũng đều ghét sự dối trá, và tất nhiên…

Thì thôi

– cho họ trùng khâu lại

Ta đếm vàng phai

– phủi những bạc lưu

(Bạc lưu )

… nổi giận, bạc lưu, hiểu theo cách chiết tự cuả Dung Thị Vân thì chỉ có thể là bội bạc và lưu manh!

Trong tình bạn mà đã nổi giận như thế thì trong tình yêu không thể nào ngoại lệ:

Nếu tình yêu anh

– suốt đời chỉ là trang giấy nháp

Thì tình yêu anh

– chỉ là thứ vất đi.

(Trang giấy nháp)

Qua gần 10 tập thơ đã xuất bản từ 2007 đến nay (Như giấc mơ, Nắng đổ về đâu, Miền gió ngược, Tìm em gội giấc mơ vàng, Tình như sương khói, Miên trầm, Mặc nhiên, Khúc trùng khâu, và sắp tới là Giấc hương nồng) gần như mỗi năm Dung Thị Vân cho ra đời một tập thì dễ thấy là Dung Thị Vân sống hết mình với thơ, mỗi tập tuy có khác nhau chủ đề, câu chữ, nhưng vẫn luôn phảng phất một nỗi buồn mênh mang, một tâm sự thầm kín và một nỗi đau âm thầm, dai dẳng.

Vậy phải chăng, thơ đối với Vân chính là một phương pháp trị liệu, một cách chôn lấp niềm đau trong nấm mồ chữ nghĩa?

Trong nấm mồ ấy, ý, lời, thơ của Dung Thị Vân cũng chính là những tiếng lòng của Vân về cuộc sống, về nỗi cô đơn, về sự trống trải của tâm hồn.

Điều này cũng thường thấy với những người dễ tổn thương, và từng bị tổn thương, nên Vân sáng tạo và đi tìm cách “nói mà không nói hết” không bộc bạch hết mình, ai đồng tình thì hiểu,  một chút thôi, cũng là an ủi cho tác giả, còn ai không hiểu thì… kệ, có chi mà quan trọng!

Trong cảm hứng thi ca dào dạt và sinh động, Dung Thị Vân đã “bắt” được cảm xúc kỳ diệu trong trái tim mình, tạo ra ngôn từ lạ… và nếu ai cảm được thì chắc sẽ thấm  một Dung Thị Vân tinh tế trong cách nhìn đời bằng tất cả các giác quan, cả trực giác và linh giác.

T.V.D

Milano 3/8/2020